Cá chết miền Trung: Ngư dân thất nghiệp, dân lo nhiễm độc
Theo RFI – Trọng Thành – 20-05-2016
Thảm họa cá chết tại miền Trung Việt Nam đã diễn ra gần hai tháng. Sau các phản ứng dữ dội trong công luận đầu tháng 5/2016, chính quyền Việt Nam hứa hẹn sẽ minh bạch thông tin, và tuyên bố có một số biện pháp hỗ trợ ngư dân, là những người chịu thiệt hại trước nhất do thảm họa. Tuy nhiên, thực tế tại một số địa phương cho thấy, ngư dân bị bỏ rơi, trong khi đó việc kiểm định độ an toàn của cá – không dựa trên các tiêu chuẩn minh bạch – tiếp tục gây lo ngại. Nhiều nhà quan sát ghi nhận báo chí trong nước đang bị hạn chế đưa tin về các vấn đề này.
Để chuyển đến quý vị thông tin về đời sống ngư dân các vùng bị ảnh hưởng, hôm nay 20/05/2016, RFI tiếng Việt có cuộc phỏng vấn với linh mục Mai Xuân Ái, giáo xứ Xuân Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình – một tâm điểm của thảm họa cá chết. Linh mục Mai Xuân Ái cho biết nỗi lo âu của ông trước tình trạng ngư dân mất nguồn sinh kế và độ an toàn của cá biển:
« (…) Lúc dân biểu tình xong rồi, bên chính quyền có hứa, bên chính phủ đưa ra chuyện thu mua. Được lần đầu tiên họ cập cảng về, cảng Gianh, thì cá cũng bán được. Lúc đó có nhà kiểm dịch, nhưng tôi thấy hơi lạ là : Các chất độc làm cho cá chết thì không biết (nguyên nhân không được làm rõ), mà lại đưa con cá sống lên kiểm dịch, và (cho là) con cá không bị chất độc. Tôi thấy điều đó vô lý.
Họ thu mua lần đầu, thì có thể được, nhưng lần hai thì con buôn tìm cách trục lợi. Chín tạ, thì họ nói là tám. (…) Nhưng cái sợ nhất là dùng những con cá không rõ nguồn gốc, nhiễm độc hay không, rồi đem bán chỗ này, chỗ kia, hại cho con em của mình. Tôi bảo, thôi phải chịu khó nhịn đói đi, rồi chờ xem thế nào nữa, chứ mình tiếp tay cho kẻ ác thì không nên. Họ cũng vâng lời, họ rất là thật thà ». (Linh mục Mai Xuân Ái cũng nêu hiện tượng : hiện nay nhiều ngư dân ra biển khơi xa đến cả vài trăm hải lý cũng không dám ăn hải sản như trước, vì thấy cá đánh bắt được có thể trạng không bình thường).
Vị linh mục Quảng Bình ghi nhận tình trạng đời sống chung của người dân vùng Quảng Trạch sau thảm nạn cá chết:
« Bây giờ thì họ đang còn có cái ăn. Người ngư dân ở đây cũng hơi khấm khá. Người đi lao động nước ngoài cũng nhiều. Giữ được không khí bình an trong thôn xóm. Nhưng có một số người hoàn toàn dựa vào biển, thì họ rất hoang mang, họ đang còn tìm cách chuyển hướng đi miền Nam để làm ăn. Sống qua ngày để chờ mưa nắng của trời xuống thôi. Mong sao dòng hải lưu thay đổi, để họ trở lại được với biển. Họ cũng mong rằng các nhà máy phải đóng cửa, nếu tiếp tục xả thải như thế, thì môi trường không bao giờ trở lại được».
Quỳnh Lưu là một huyện của tỉnh Nghệ An nằm ở phía bắc khu Vũng Áng, không chịu ảnh hưởng trực tiếp của dòng hải lưu trong thời gian vừa qua, nhưng đời sống của các ngư dân tại khu vực này cũng bị ảnh hưởng. Hôm Chủ nhật 15/05/2016, linh mục Nguyễn Đình Thục, giáo xứ Song Ngọc, đã cùng với hàng trăm giáo dân huyện Quỳnh Lưu tuần hành tới trụ sở hai xã trong huyện, để yêu cầu chính quyền địa phương có tiếng nói trong việc giải quyết các hậu quả của thảm họa cá nhiễm độc. Sau đây là chia sẻ của linh mục Nguyễn Đình Thục :
« Thiệt hại đối với bà con làm nghề biển (ở vùng này) cũng không thua kém gì ở trong đó. Tuy cá không có chết, bắt được cá, nhưng đi bắt về chẳng có ai mua cá. Bởi vì họ sợ cá bị ô nhiễm. Cách đây chừng hơn một tuần, có một chiếc tàu ra biển cũng bắt được cá về, nhưng trước đây họ bán được 25.000 đồng/kg, nhưng bây giờ chỉ bán được 12.000 đồng/kg. Mấy nhà buôn họ có đến mua, nhưng được mấy ngày họ đem trả lại, vì không bán được cho dân.
Tại đây, không thấy chính quyền có kế hoạch nào mua cá cho bà con, mà thời gian gần đây họ cũng chẳng đi bắt nữa. Còn nghe nói, ở trong miền Hà Tĩnh, Quảng Bình, họ chứng nhận là cá đảm bảo chất lượng dùng được. Nếu mà họ thực hiện điều đó, thì càng nguy hiểm hơn nữa, vô cùng nguy hiểm, bởi vì cá bị nhiễm độc rành rành như vậy, mà bây giờ về họ chẳng dùng các phương pháp khoa học để tìm hiểu, mà chỉ kết luận một cách hồ đồ như vậy, là cá không nhiễm độc, thì việc làm của họ là vô trách nhiệm, vô nhân đạo. Tôi hoàn toàn phản đối ! ».
Theo một nhân chứng, tại thị xã Hà Tĩnh có một điểm bán cá biển được tuyên bố là « an toàn », chính quyền kêu gọi dân mua để ủng hộ miền trung, nhưng rất ít người mua, vì dân không tin lắm. Cũng nhân chứng nói trên cho hay, tại một số nơi, ngư dân chỉ nhận được hàng cứu trợ là gạo tồn kho, đã ở trong tình trạng mục nát.
Trước thảm họa môi trường ở miền trung, ngày 03/05/2016, các linh mục và 18.000 giáo dân huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh (nơi có khu luyện thép của tập đoàn Formasa, Đài Loan), khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, công bố Bản kiến nghị 6 điểm yêu cầu chính quyền trung ương và địa phương nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, minh bạch thông tin, hỗ trợ người dân, đảm bảo môi trường…