Bút ký “Tôi Phải Sống” – Chương 8: Bùi Ðình Thi và hai vụ sát nhân

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bút ký “Tôi Phải Sống” – Chương 8: Bùi Ðình Thi và hai vụ sát nhân
Hai tên Trật Tự Bùi Ðình Thi và Trương Văn Phát, mỗi người một bên nắm lấy cổ tay tôi kéo lê về trại. Lưng và mông tôi lết trên đường đá cục đau, đớn không thể tưởng tượng  được. Chúng kéo tôi thẳng vào sân trại và vất xác tôi nằm ngửa trên nền xi-măng của hội trường giữa sân. Nằm yên một chốc, tôi đi vào cơn hôn mê. Tôi chẳng biết mình mê man bất tỉnh như thế bao lâu vì lúc đó tôi đã mất hết ý niệm về thời gian.
Lúc chợt bừng tỉnh lại, tôi mở mắt ra và thấy Bùi Ðình Thi đang cầm xô nước lạnh giội lên mặt tôi. Có lẽ  những xô nước lạnh đó đã làm cho tôi tỉnh lại. Vừa thấy tôi cử động, Bùi Ðình Thi vội đặt cái xô xuống và nhanh như con hổ sợ con mồi vuột chạy mất, anh ta nhảy chồm lên, hai tay túm lấy một cánh tay tôi kéo thẳng lên, đồng thời dùng gót chân đạp một cách điên cuồng vào ngực, vào bụng tôi. Lúc đó miệng anh ta sùi bọt mép nghiến răng trợn mắt nói như muốn hụt hơi: “ÐM mày Lễ! Ăn cơm không muốn mày muốn ăn cứt! Mầy muốn chết tao cho mầy chết!”. Cho tới ngày tôi chết, có lẽ tôi cũng không  quên câu này của Bùi Ðình Thi, vì đó là lần đầu tiên tôi nghe một giáo dân chửi một linh mục bằng loại ngôn ngữ tục tằn như thế.
Ðánh đập chán chê, Bùi Ðình Thi bỏ tôi nằm yên. Sau này mới biết anh ta quay sang “thăm” hai anh Ðặng Văn Tiếp và Nguyễn Sỹ Thuyên đang nằm rải rác gần đó. Nằm yên một lúc tôi lại rơi vào cơn hôn mê một lần nữa, cũng chẳng biết là kéo dài trong bao lâu. Khi bừng tỉnh lại, tôi thấy Bùi Ðình Thi đang cầm hai chân tôi kéo lên các bậc thềm đúc bằng xi măng từ hội trường lên khu kiên giam, lưng và đầu tôi va mạnh lốp bốp vào các bậc thềm. Sự đau đớn thái quá đó làm tôi bừng tỉnh lại và nhờ đó tôi mới chứng kiến được một cảnh tượng hãi hùng khác: Cảnh Bùi Ðình Thi đánh chết anh Đặng Văn Tiếp tại chỗ. Cảnh tượng này đã in vào tâm trí tôi như một hình xâm trổ trên da thịt!
MẠNG NGƯỜI THỨ NHẤT
Tôi bị kéo vào lại buồng 1 nằm quay mặt ra cửa. Buồng này là nơi chúng tôi vừa đào tường vượt ngục đêm qua. Vừa quẳng tôi vô buồng, Bùi Ðình Thi vội chạy ra đẩy anh Ðặng Văn Tiếp vào sân. Từ lúc thấy anh Tiếp bị đánh ở bờ sông cho đến lúc đó là bao lâu, tôi cũng không thể đoán được và anh Tiếp bị đòn nhiều ít thế nào tôi cũng chẳng hay. Tôi chỉ biết lúc này trông anh còn khá hơn tôi, vì còn đi đứng được.
Chung quanh anh lố nhố một số cán bộ. Tôi nghe có cả tiếng phụ nữ, chắc là vợ con cán bộ cũng chạy lên xem cảnh hành hạ tù vượt ngục. Lúc đó tôi không biết ai đã quật anh Tiếp ngã xuống, nhưng tôi thấy rõ Bùi Ðình Thi, VÀ CHỈ MỘT MÌNH BÙI ĐÌNH THI MÀ THÔI, nhảy chồm tới vồ lấy anh Tiếp. Hắn dùng 2 tay túm lấy một tay anh Tiếp kéo lên và đứng bên hông anh Tiếp, hắn dùng gót chân dậm một cách điên cuồng lên ngực, lên bụng anh Tiếp, giữa tiếng chửi bới cổ vũ hò hét điên cuồng của đám cán bộ Việt cộng đứng vây quanh.
Nằm nhìn cảnh ấy, tôi biết là anh Tiếp không thể nào chịu nổi cú đòn hiểm độc này của Bùi Đình Thi. Một lúc sau tôi nghe anh Tiếp kêu lên thật to: “Chắc con chết mất Mẹ ơi!” Tôi không ngờ đó là câu nói cuối cùng của đời anh. Anh  Ðặng Văn Tiếp đã chết ngay sau tiếng kêu đó!
Không ai có thể ngờ được cuộc đời đã từng ngang dọc oai hùng của Ðặng Văn Tiếp đã bị chấm dứt một cách đau thương, tức tưởi như thế này vào một buổi sáng âm u ngày 2 tháng 5 năm 1979 trong nhà tù Thanh Cẩm, lúc anh vừa 46 tuổi. Dĩ nhiên, chế độ Việt cộng là kẻ chủ trương, nhưng Bùi Ðinh Thi đã thay cho chế độ tàn bạo đó giết chết Ðặng Văn Tiếp một cách thật dã man! Người cộng-sản ném đá giấu tay, họ đã dùng tù giết tù. Nếu tôi không sống sót, thì ai biết được để ghi lại thảm trạng đau đớn thương tâm và đầy nhục nhã này trong ngục tù cộng-sản?
Hôm nay, ngồi nhớ lại cảnh tượng này lòng tôi đau nhói. Tôi có cảm tưởng như đang ngồi xem một đoạn phim chiếu những hình ảnh méo mó, bệnh hoạn làm ruột tôi co thắt lại và tôi cảm thấy buồn nôn! Tôi chợt nhớ lại một đoạn trong phim “Quo Vadis?” mà tôi đã xem qua. Ðó là cảnh một đám khán giả khát máu trong một hí trường thời cổ đại La Mã đang la hét điên cuồng cổ võ những con ác thú cắn xé các nạn nhân Thiên Chúa Giáo bị kết án tử hình được vất cho chúng.
Nhớ lại cảnh thương tâm này, tôi phải ngưng lại để nói chuyện với anh Tiếp, “Anh Tiếp ơi! Giờ này oan hồn anh đang ở đâu? Anh có thấy được nước mắt nước mũi của em đang chảy dài ướt cả áo khi em ngồi đây viết lên những hàng chữ này không? Mỗi năm vào ngày giỗ của anh, em tắt nghẹn khi thắp hương trước di ảnh của anh, nhưng chưa bao giờ em khốn khổ như lúc này, lúc mà em phải nhớ lại từng chi tiết về cái chết tức tưởi của anh.”
Đánh chết anh Đặng Văn Tiếp xong, Bùi Ðình Thi lôi xác anh vào buồng và vất chồng lên người tôi. Lúc ấy tôi đang nằm như một thây ma bất động dưới lối đi, nơi mà mấy tháng trước đây Ðại tá công-an Hoàng Thanh đã đi qua để nhìn mặt chúng tôi. Tôi nằm ngửa, còn xác anh Tiếp mềm nhũn nằm sấp lên người tôi. Trong tư thế đó, tôi là người thân yêu cuối cùng có mặt để đưa tiễn anh Đặng Văn Tiếp về bên kia thế giới.
Xác anh Tiếp thật nặng đè lên người làm tôi ngạt thở. Tôi cố vùng vẫy lật xác anh qua một bên để có thể hít thở nhưng tay tôi không còn cử động được và tôi cảm thấy mình sắp chết ngạt đến nơi. Cũng may lúc đó, có một cán bộ bước vào và tôi nghe tiếng của Bùi Ðình Thi nói:
– Thằng Tiếp nó chết rồi!
   Cán bộ ra lệnh.
–  Lôi xác nó lên!
Bùi Đình Thi lôi xác anh Tiếp lên bệ xi măng, chỗ mà mọi ngày anh vẫn nằm, nhờ đó tôi không bị chết ngạt. Lúc thấy tôi còn cử động và co đầu gối lên tựa vào tường, một tên cán bộ đã rút thanh sắt cài cửa buồng, đập mạnh lên đầu gối bên trái, làm chân tôi gập xuống. Chân trái tôi bị bại vì cú đòn đó.
Lúc nằm dưới lối đi nhìn lên, tôi còn thấy được đôi bàn chân gầy gò, dính đầy bùn đất của anh Tiếp thò ra ngoài bệ xi-măng, và đó là hình ảnh cuối cùng tôi thấy nơi một người anh kết nghĩa mà tôi hết lòng yêu quý và kính phục.  Tôi còn nhớ lại trước khi vượt ngục, tôi có khâu chiếc nhẫn vàng hai chỉ vào cái cúc quần của anh. Ðây là chiếc nhẫn mà anh Đặng Văn Thụ, em kế của Tiếp, đã khéo léo giấu trong một hộp sữa hai đáy gởi ra cho anh cùng với tấm bản đồ và cái địa bàn lúc anh còn ở trại Hà Tây. Tôi chỉ nhớ được chừng đó.
ÐI VÀO CÕI CHẾT
Một lúc sau, tôi lại đi vào cơn hôn mê như một giấc chiêm bao kéo dài. Tôi thấy mình đang chới với bước đi trên một vùng đầy mây trắng, có chỗ đóng thành từng mảng cứng như nước đá, trong một khoảng không gian hoàn toàn yên lặng. Tôi đạp trên các vầng mây lần bước tiến lên mà chẳng biết là đi về đâu. Thỉnh thoảng, một tảng băng vỡ ra, tôi bị hụt hẫng. Tôi vội bám vào thành các tảng mây khác leo lên và cố gắng bươn chải đi tới trong khoảng chân không mông lung huyền ảo. Kinh nghiệm của con người đang ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết cho tôi thấy cái chết thật nhẹ nhàng, không phải là cái gì quá ghê gớm theo như quan niệm thông thường.
Sau này, khi nhớ lại cảm giác của buổi sáng âm u trong trại tù Thanh Cẩm đó, khi mà xác tôi đã nằm bất động dưới sàn của buồng giam, lúc đó ai nhìn vào chắc sẽ ghê rợn hãi hùng trước cái thây ma bất động, áo quần ướt đẫm, mình đầy máu me và cát bụi. Nếu người thân yêu của tôi nhìn thấy cảnh đó chắc sẽ khóc hết nước mắt vì thương tôi đã phải chịu cảnh đau thương tàn nhẫn. Nhưng thực tình trong lúc đó tôi đang lơ lửng trên các tầng mây và cảm thấy rất nhẹ nhàng trong một thứ hạnh phúc mà suốt cuộc đời với bao nhiêu lo âu phiền muộn, tôi chưa bao giờ được nếm qua. Cảm giác hạnh phúc mà tôi có được lúc bấy giờ vượt ra ngoài hết những gì đã ràng buộc con người vào cuộc đời trần gian khổ ải bị bao vây bởi thất tình lục dục. Cái khoảng chân không mông lung huyền ảo mà tôi đã được bước vào, trong khi thân thể tôi nằm dưới sàn đất, đó là một khoảng chân không yên lặng tuyệt đối và tôi nghĩ rằng không làm sao có được sự thinh lặng đó trong cuộc đời này.
Dĩ nhiên lúc đó tôi chưa hẳn đã đi vào cõi chết, nhưng tôi đang ở ngưỡng cửa của sự chết và đã được “nếm qua” mùi vị của cái chết. Tôi chưa có thể diễn tả về cái chết thực sự ra sao, nhưng có thể nói lên niềm hạnh phúc của tôi đã cảm nhận được trong buổi sáng sớm ngày 2 tháng 5 năm 1979 đó. Khi “tôi” đang ở trong trạng thái lơ lửng giữa các tầng mây, và “tôi” còn biết là thân xác của tôi đang nằm bất động trong buồng giam. Một cảm nghĩ rất lạ đã xâm chiếm lấy “tôi” lúc bấy giờ, và “tôi” không còn muốn quay về với thân xác “của tôi” nữa.
Lúc đó tôi có cảm nghĩ là tại sao con người lại bận tâm trong những việc chẳng ra gì, mà người ta coi là quan trọng để rồi tự làm khổ mình và làm khổ người? Trong khi chỉ có sự thanh tịnh nơi cõi vĩnh hằng mới là nguồn hạnh phúc đích thực của nhân sinh.
Cái số tôi chưa chết trong ngày 2 tháng 5 năm 1979 hôm đó, vì thực ra chỉ cần một người nào đang có mặt lúc bấy giờ bồi thêm một cú đòn, hoặc chỉ cần lật sấp lại để tôi không thở được là cuộc đời tôi chấm dứt. Hơn nữa, nếu có ai làm như thế thì chắc chắn họ sẽ giúp đưa tôi thẳng vào vùng hạnh phúc tuyệt vời mà tôi đang chập chờn ở ngưỡng cửa. Dĩ nhiên là tôi rất quý cuộc đời và mạng sống tôi, vì cuộc sống con người chính là một hồng ân của Chúa ban. Tôi chỉ muốn nói lại kinh nghiệm của một người đã chạm tới biên cương của sự chết và kinh nghiệm đó cho biết rằng chết là một trạng thái rất nhẹ nhàng êm ái.
LẦN XUỐNG ĐỊA NGỤC
Tôi chẳng biết cơn hôn mê đó kéo dài trong bao lâu cho tới lúc tỉnh lại thấy mình đang nằm trên vai của Bùi Đình Thi. Hai tay Bùi Ðình Thi cầm lấy hai chân tôi, bụng tôi áp vào vai anh ta, đầu và hai tay thõng ra sau lưng. Có lẽ vì bị dằn vật quá mạnh theo từng bước đi của anh ta nên tôi tỉnh cơn mê. Bùi Ðình Thi vác tôi vào nhà kỷ luật và cùm chân lại. Ðây là khu nhà kỷ luật vừa mới xây xong, để thay cho Nhà Ðen không đủ kiên cố. Sau khi đặt nằm yên trong nhà kỷ luật, tôi lại đi vào cơn hôn mê.
Tôi tỉnh lại trong cảnh tối đen như mực. Chợt tôi nghe tiếng anh Nguyễn Sỹ Thuyên bên cạnh mới biết Thuyên cũng bị cùm chung một thớt với tôi.  Anh nằm phía trong sát vách tường. Anh Thuyên cho biết lúc ấy có lẽ quá nửa đêm rồi, anh thều thào:
Sáng nay, lúc thằng Thi nó vác ông vào, lúc ấy ông đang mê man, tôi gọi mãi không thấy ông tỉnh dậy. Tôi lo quá, tưởng là ông đi luôn rồi. Có biết Tiếp đâu không?
Tôi rên rỉ qua hơi thở:
– Tiếp chết rồi!
Thuyên kinh hãi kêu:
– Tiếp chết rồi à?
–  Ừ, Tiếp chết rồi! Tiếp bị thằng Thi đánh Tiếp chết trước cửa buồng mình. Nó vất xác Tiếp nằm đè lên người tôi.
Anh Thuyên yên lặng hồi lâu mới nói được:
– Tiếp chết rồi! Còn Tiếu và Văn ra sao?
– Tôi không biết.
Sau vài câu trao đổi ngắn ngủi đó, Thuyên nằm lặng yên, không nói năng gì, nhưng tôi nghe tiếng anh đang sụt sùi trong bóng đêm. Thì ra Thuyên đang khóc! Tôi nằm bất động như một cái thây ma, nước mắt giàn giụa.
Khi tỉnh dậy được một lúc, tôi cảm thấy buồn nôn. Tôi định quay mặt nôn xuống sàn nhà nhưng tôi không còn sức để trở người nên nằm ngửa nôn thốc tháo ra ướt đầy mặt mũi, rất tanh hôi. Khi trời sáng tôi mới thấy mình nôn ra toàn là máu tươi! Khi tiểu tiện cũng ra máu mà đại tiện cũng ra toàn là máu. Lúc đầu nhìn thấy cảnh tượng đầy máu me này tôi rất kinh hoàng. Tuy nhiên, tôi biết rằng nếu máu bầm trong cơ thể đã thoát ra ngoài được là điều tốt, còn nếu máu bầm ứ lại bên trong cơ thể sẽ rất nguy hiểm.
Tình trạng anh Nguyễn Sỹ Thuyên lúc đó cũng tệ hại không kém gì tôi, cũng bị đánh đập tả tơi, giập nát cả người. Anh cũng bị nôn mửa và đại tiểu tiện ra máu dầm dề. Trong tình cảnh đó, anh tỏ ra tuyệt vọng và nghĩ là mình không thể nào sống được. Sáng hôm sau, tôi thấy anh Thuyên không chịu nằm yên mà tay anh cứ mò mẫm như đang tìm một cái gì. Tôi nhìn xuống thì ngạc nhiên thấy anh đang định cắt đứt mạch máu ở háng bằng một con dao làm bằng nửa nắp lon sữa bò được mài bén. Không biết anh tù kỷ luật nào ở buồng này trước bỏ lại con dao này ở đây và anh Thuyên rớ được. Thấy vậy tôi la lớn:
– Anh Thuyên! Anh định làm gì vậy?
Anh Thuyên thều thào:
-Tôi biết trước sau rồi mình cũng chết, thà tự tử chết trước cho khỏe thân!
Tôi phản đối ý của anh:
– Anh Thuyên! Ðừng làm như vậy! Thà để cho cộng-sản nó giết mình. Chúng ta không được quyền tự sát, hơn nữa làm như thế có ra gì?
Nghe tôi nói, anh Thuyên dừng tay lại. Từ đó chúng tôi luôn an ủi và nâng đỡ tinh thần của nhau. Phần tôi, luôn để ý tới các cử động của anh Thuyên, mặc dù tôi đã lấy miếng dao rồi.
Sự có mặt của anh Thuyên bên cạnh tôi trong hoàn cảnh lúc bấy giờ là một sự an ủi và nâng đỡ vô cùng cần thiết cho cả tinh thần lẫn thể chất của tôi. Nhân nhớ lại câu chuyện này, tôi cũng muốn gởi tới anh Nguyễn Sỹ Thuyên tâm tình yêu mến thiết tha và lòng biết ơn chân thành. Mỗi khi nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng của những ngày đầu tháng 5-1979 đó, tôi đều nghĩ rằng, lúc đó nếu không có anh Thuyên bên cạnh  chắc là tôi không thể nào sống sót được. Xin anh Thuyên hãy biết rằng, trong một ý nghĩa nào đó, chính anh là người đã cứu lấy mạng sống của tôi.
Những ngày kế tiếp, tôi tìm hết mọi cách cho máu bầm thoát ra khỏi thân thể, thoát càng nhiều càng tốt. Vài ngày sau, khi nước tiểu của tôi bắt đầu trong lại, tôi hứng lấy và uống mỗi ngày vài ba muỗng nước tiểu của chính mình. Một ít hiểu biết về y học cho tôi biết rằng trong nước tiểu có chất muối làm cho tan máu. Kết quả đúng như tôi mong muốn, mỗi khi uống thứ “thuốc” đó vào, tôi lại đi tiểu ra máu.
Tôi tiếp tục tự chữa cho mình như vậy trong thời gian chừng mươi hôm, cho tới khi thấy trong nước tiểu không còn máu nữa tôi mới ngưng uống “thuốc”. Anh Thuyên cũng đã tự chữa trị cho anh cùng một cách thức như tôi. Nhờ cách đó cơ thể tôi dần dần khá lại và một tuần lễ sau có thể xoay trở người để đi đại tiểu tiện xuống sàn nhà. Nhưng phải mất ba tuần lễ tôi mới có thể ngồi lên được.
Trong lần tôi cố gắng gượng ngồi dậy đầu tiên, anh Thuyên phải giúp tôi vì anh đã ngồi lên được trước tôi vài hôm. Anh dùng ống tay áo cột vào cổ rồi kéo tôi từ từ ngồi dậy. Sự cố gắng quá sức này làm tôi đau đớn tưởng chừng như cả bộ xương của tôi bị rời ra từng mảnh. Dù vậy tôi phải cố gắng ngồi lên, vì tôi nghĩ rằng nằm lâu ngày quá có thể bị liệt cột sống. Thời gian đó tôi sợ nhất là ho hoặc hắt hơi, vì mỗi lần ho và nhất là hắt hơi, cơ thể tôi bị giật mạnh làm các khớp xương như long ra và bay đi tung toé khắp nơi, đau đớn không thể nào diễn tả được.
MẠNG NGƯỜI THỨ HAI
Mấy ngày sau tôi được biết hai anh Trịnh Tiếu và Lâm Thành Văn cũng bị đánh đập tả tơi và đang bị cùm chung một buồng trong nhà Nhà Ðen, là khu kỷ luật cũ. Cha Nguyễn Công Ðịnh cũng bị cùm chân ở Nhà Ðen , nhưng ở một buồng riêng. Khu Nhà Ðen sau này được phá đi và thay thế bằng khu nhà kỷ luật mới kiên cố hơn, nơi mà anh Thuyên và tôi hiện đang bị cùm.   Ngoài anh Tiếp bị giết chết một cách tức tưởi,   bốn người còn sống trong vụ vượt ngục bất thành đang bị cùm ở hai nơi.
Quãng một tuần lễ sau ngày trốn trại, tôi được anh Nguyễn Tiến Ðạt cũng đang bị cùm trên kỷ luật cạnh buồng tôi và được chỉ định làm trực sinh, báo tin anh Lâm Thành Văn bị Bùi Ðình Thi bỏ đói vừa mới chết. Nghe tin này, anh Thuyên và tôi bàng hoàng xúc động. Một người anh em nữa trong nhóm vượt ngục của chúng tôi đã ra đi.
Mãi tới gần một tháng sau khi Nhà Ðen bị phá bỏ, anh Trịnh Tiếu và cha Nguyễn Công Ðịnh chuyển qua ở chung buồng với anh Thuyên và tôi. Lúc bấy giờ anh Tiếu mới kể lại chi tiết về cái chết của Lâm Thành Văn cho chúng tôi nghe. Anh Trịnh Tiếu kể lại rằng, sáng ngày 2 tháng 5, khi vừa có ba tiếng súng báo động, cả anh và Văn đã bị cán bộ túm lấy đánh cho một trận, tuy không dữ dội như ba anh em chúng tôi bên ngoài nhưng anh Tiếu bị gãy một xương sườn. Sau đó cả hai người bị đưa vào cùm chung một buồng ở Nhà Ðen. Những ngày sau đó, Văn yếu nhiều vì vốn có chứng đau dạ dày nặng, lại bị đánh đập trọng thương và nhất là không ăn gì vào miệng. Từ trước tới nay, anh Văn không ăn ssán được nên có tiêu chuẩn ăn cháo trắng theo lời đề nghị của y tá. Mỗi bữa ăn, anh được một bát cháo trắng và một muỗng muối hạt. Số muối này anh ăn không hết và thường chia cho các anh em trong buồng mỗi người một chút.
Trong thời gian dài trước khi chúng tôi vượt ngục, trại cho ăn sắn thường xuyên, nhưng anh Văn vẫn có phần ăn cháo với muối. Nhờ vậy từ khi có kế hoạch vượt ngục, chúng tôi để dành được mỗi ngày một ít muối phòng lúc ra rừng có muối mà ăn. Tới ngày vượt ngục, chúng tôi gom góp được chừng non bát muối.  Số lượng muối này được gói thật cẩn thận bằng nhiều lớp bao ny-lon và là một “báu vật” có trong hành trang trên đường vượt ngục.
Khi chúng tôi bị bắt, Bùi Ðinh Thi đã xét thấy số muối đó trong túi của tôi và đó chính là nguyên nhân cái chết của Văn về sau này. Từ ngày đó Bùi Đình Thi không cho Văn ăn cháo nữa, mặc dù tiêu chuẩn trại vẫn có. Anh Tiếu kể lại, khi gánh cháo lên tới khu kỷ luật, Thi đá phăng cháo đi, bắt Văn ăn khoai hay sắn, những thứ mà Văn không thể nào nuốt được vì chứng bệnh dạ dày quá nặng. Bữa ăn nào anh Văn cũng kêu van năn nỉ, nhưng Thi trả lời một cách dứt khoát:“Cho ăn cháo để chúng mày lấy muối trốn trại à? Không ăn sắn được thì chết.”
Anh Trịnh Tiếu cho biết, trong suốt mấy ngày cuối cùng của cuộc đời, anh Văn không có gì để bỏ vào miệng, vì đang thời gian tù nhân phải ăn khoai ăn sắn liên tục, Văn chỉ uống nước cầm hơi, và càng lúc càng kiệt lực. Ðêm trước khi lìa đời, Văn đã nói sảng như người nằm mơ và toàn nói về các món ăn. Có lần Văn hỏi anh Tiếu về lon muối sả của anh đâu? Anh Tiếu nói làm gì có lon muối sả. Văn trả lời là lon muối sả người em dâu của anh vừa thăm nuôi đưa vào cho anh. Nghe như thế anh Tiếu biết là Văn đã nói sảng như người trong mơ và chứng tỏ cơn đói hành hạ anh dữ dội.
Sáng sớm hôm đó, Văn gọi Tiếu nhờ đỡ ngồi lên, vì anh không còn gượng dậy nổi. Khi ngồi lên, với một chân trong cùm, chân kia co lại, anh ngồi gục đầu trên hai tay đang khoanh tròn đặt trên đầu gối. Văn ngồi yên trong tư thế này như vẫn thường ngồi hàng ngày. Thấy Văn đã ngồi yên, Tiếu bước chân không bị cùm xuống sàn, với lấy ống bẩu đi đại tiện, nhưng mắt không rời Văn vì nhận thấy anh đã có dấu hiệu gì hơi khác thường.
Trong khi anh Tiếu đang chân trên chân dưới vật lộn với cái ống bẩu như vậy, chợt nhìn thấy Văn gục đầu mạnh xuống và không gượng dậy nữa. Gọi mấy tiếng không nghe Văn trả lời nên anh vội ném ống bẩu xuống, đỡ Văn dậy, nhưng người của Văn đã mềm nhũn! Lâm Thành Văn đã chết!
Anh Tiếu đặt Văn nằm cho ngay ngắn, vuốt mắt cho Văn và lên tiếng gọi báo cáo cho cán bộ. Anh Lâm Thành Văn đã chết vì đói! Anh chết dần chết mòn như ngọn đèn cạn dầu tới lúc phải tắt. Khi chết, một chân của Lâm Thành Văn vẫn còn mang cùm!
Hai cái chết tức tưởi của anh Ðặng Văn Tiếp và anh Lâm Thành Văn làm tôi đau đớn vô cùng. Niềm xúc động làm nước mắt tôi tuôn trào như nén hương lòng tưởng nhớ đến hai người anh đã cùng tôi chia sẻ khát vọng TỰ DO nhưng không thành.
   Lâm Thành Văn không thuộc nhóm 48 Quyết Tiến chúng tôi. Anh từ trại Quảng Ninh chuyển đến trại này trước chúng tôi một thời gian. Về sau này được biết là Văn và một anh tù khác tên là Ðông cùng làm nghề lái xe khách và cùng bị bắt vì tội tham gia tổ chức Phục Quốc. Nhưng sau khi bị bắt một thời gian, hai người xích mích nhau vì những lời khai báo của anh Ðông với công-an ở trại Quảng Ninh đã làm thiệt hại cho Văn.
Khi đến trại Thanh Cẩm, chuyện xích mích giữa hai người trở nên trầm trọng. Một ngày kia, trong giờ chia thức ăn , hai người cãi vã nhau, sau đó anh Văn dùng thanh sắt nhọn đâm vào lưng anh Ðông. Vì lý do đó, anh Văn bị đưa lên cùm trên Nhà Ðen, một thời gian sau anh được chuyển qua khu Kiên Giam.
Lâm Thành Văn chết đi để lại vợ và sáu con thơ, lúc đó đang ở xã Xuân Hiệp, Huyện Thủ Ðức.  ( HẾT CHƯƠNG ��)
(TÁI BÚT: Chín năm sau, cuối năm 1988, khi tôi ra khỏi tù và về Sài Gòn, tôi có lên Thủ Đức tìm thăm vợ con anh Lâm Thành Văn, nhưng họ đã dọn đi nơi nào khác từ lâu, không còn ai biết.
Về anh ĐặngVăn Tiếp, khi tôi ra tù về Sài Gòn có tìm tời gia đình Thương Nghị Sĩ Hoàng Xuân Tửu, mà anh Tiếp nói là rất thân nhau, để hỏi tin tức về gia đình anh Tiếp. Tôi được cho  biết là tất cả đã ra nước ngoài và không có liên lạc. Khi qua trại tị nạn Thái Lan năm 1989, tôi đã hỏi thăm nhiều người về gia đình anh Tiếp, kể cả nhờ đăng báo bên Mỹ tìm người thân cũng không có kết quả.
Rất may là sau khi định cư tại New Zealand năm 1990, hai năm sau tôi qua Mỹ trong chuyến đi hoạt động tại hải ngoại đầu tiên vào tháng 7 năm 1992. Tôi đã tìm gặp lại anh em của anh Tiếp tại Maryland và cã chị Huyền Thanh là hôn thê của anh Tiếp sống tại Paris, Pháp Quốc. Tôi mừng không có lời để nói.
Anh Tiếp đã chết rồi, nên tôi kết nghĩa anh em với anh Đặng Văn Thụ là người em kế của anh Tiếp. Anh Thụ lớn hơn tôi 4 tuổi, hiện vẫn ở Maryland, và tình nghĩa hai anh em tôi càng ngày càng khắng khít càng đậm đà hơn. Nhà của anh Thụ, chị Liên và 3 cháu bên Mỹ là nhà của tôi trong hơn 20 năm tôi hoạt động ở hải ngoại.  Anh Thụ vẫn gọi tôi là :  “Cậu Bảy” như ngày xưa anh Tiếp gọi tôi.
Từ ngày gặp anh Thụ đến nay đã 18 năm, mỗi năm vào ngày 2 tháng 5 là ngày Giỗ anh Tiếp, bao giờ hai anh em tôi cũng gọi cho nhau. Và cùng khóc với nhau!
(Đón xem chương 9: ” TÔI PHẢI SỐNG!”)
Tác giả Linh mục NGUYỄN HỮU LỄ
Theo trang FB Phạm Thanh Nghiên