Bụi tre tầm vông
Cái giọng vốn đã nhão nhè nhão nhẹt mà cô Ba Thoàn còn cố kéo ra dài nhằng:
– Chị hổng biết cậu Út mầy đứng ra tranh cản cái vụ nầy làm chi. Nói giả tỉ mà nghe, ví dù cậu có thắng đi nữa thì nhà đó, đất đó cũng đâu có tới phần cậu. Chi bằng cậu cứ để yên cho anh Hai ảnh bán đi, biết đâu ảnh nghĩ tình, chia cho cậu chút đỉnh, như vậy hổng đỡ khổ hơn sao?
Vốn “có miệng ăn mà không có miệng nói”, như cha mẹ cậu, hồi còn sống, vẫn hay phàn nàn, cậu Út Hậu chỉ biết hậm hực:
– Có phải tui khiếu nại để giành phần cho tui đâu…
Làm như nói chưa hết ý, cậu có vẻ hục hà hục hặc. Có lẽ cậu còn tính nói nữa, nhưng cô Tư Hiền đã hùng hổ xen vô:
– Chị Ba nói như vậy mà nghe lọt lỗ tai được sao? Nhà đó, đất đó là của tía má để lại. Bốn đứa, đứa nào cũng có phần ở trong đó hết, chớ có phải là của riêng của anh Hai đâu mà ảnh mặc tình mặc ý tự tung tự tác.
Cô còn cao giọng:
– Nói thiệt với chị, thằng Út mà ngậm miệng làm thinh, tui cũng đứng ra tranh cản cho nó à.
Cô Ba Thoàn cười nửa miệng:
– May mà tía má biết ý, đặt tên cho dì là Hiền để dè chừng. Ai nghe tên dì mà tưởng dì hiền thiệt, người đó bán lúa giống có ngày.
Nói xong, cô cúi đầu thở ra nhè nhẹ. Phiên họp gia đình chưa bắt đầu mà coi bộ đã có mòi gay cấn. Nào có phải là cô không đoán trước được chuyện nầy. Bằng cớ là mới sáng sớm, cô đã biểu mấy đứa con lớn, đứa nào muốn đi đâu chơi thì cứ việc đi, tới tối hãy về. Còn chồng cô, cô đã hùi hụi hối dắt hai đứa con nhỏ đi về thăm bên nội. Chồng cô có vẻ ngạc nhiên, cô giải thích liền, vừa ngắn vừa gọn:
– Bữa nay, có phiên họp gia đình bên tui, ông không nên có mặt.
Chồng cô không bằng bụng, cự liền:
– Sao kỳ vậy? Phiên họp gia đình tại sao tui không được có mặt? Bộ tui không phải là người trong gia đình sao?
Cô lắc đầu quầy quậy:
– “Dâu là con, rể là khách”. Ném ra, ông cũng chỉ là khách trong dòng họ tui thôi. Ông dự không tiện.
Cô vừa vuốt ve chồng, vừa cười mơn:
– Chuyện nầy không phải là chuyện của mình, ông dự cũng vô ích thôi. Với lại, cái tánh của ông thì nóng nảy bộp chộp. Cái miệng của ông lại không vừa või gì. Ông mà ngồi dự, lỡ có chuyện gì nghịch nhĩ, ông dằn không được, dễ sanh sự mích lòng.
Cô nói tới như vậy, chồng cô mới chịu dẫn hai đứa con ra khỏi nhà.
Biết trước mà tránh không khỏi, cô Ba Thoàn cảm thấy có hơi chán chường…
Nghe chị mỉa mai, cô Tư Hiền cười lạt:
– Hiền cũng theo chuyện nhỏ thôi, chớ chuyện gì cũng cúi đầu làm thinh, để cho người ta ăn trên đầu cha mình ăn xuống, chắc chắn là không có con nầy rồi. Cái đó kêu bằng hiền quá hóa ngu.
Rõ ràng là cô Tư Hiền nói năng bất kể quân thần, không còn nể nang gì hết. Gặp lúc khác, cô Ba Thoàn dễ dầu gì mà chịu nhịn. Nhà cô, từ xưa vẫn có trên có dưới, chị ra chị, em ra em, chớ đâu có cái chuyện em út mà lộng ngôn như vầy. Chuyện rối nầy đang tới, chưa biết giải quyết có xong không, cô thấy rằng tốt hơn hết là không nên gây ra một chuyện rối khác. Vả lại, chuyện đâu còn có đó, lo gì mà cô không có dịp cho con em ăn nói không có ngằn nầy một trận đích đáng. Bởi vậy, cô vẫn làm ra bộ mặt tươi tỉnh như thường khi cô Tư Hiền cao giọng:
– Bà thì khoẻ re rồi mà. Vài bữa, nửa tháng nữa là vợ chồng con cái nhà bà phủi đít, bước lên máy bay, đi qua Mỹ cái một. Bởi vậy, chuyện bằng trời mà bà nói nghe dễ ợt.
Giọng cô trở nên tức tối:
– Bà biểu thằng Út để yên là để yên làm sao? Quyền lợi của nó, phải để cho nó nói chớ. Nó bị thiệt thòi như vậy, bà không xót thương nó sao?
Cô Ba Thoàn nhẹ nhàng:
– Dì đừng có nói như vậy. Đẻ cậu Út ra, má bị bịnh rề rề hoài cho tới chết. Săn sóc cho cẩu, một tay tui chớ ai. Bây giờ, hỏi hai cái mông của cẩu bị ghẻ, còn mấy cái thẹo, tui còn trả lời được mà… Tui khuyên như vậy là tui nghĩ tốt cho cậu Út thôi.
Cô Tư Hiền trề môi:
– Chị tốt làm sao, tui hổng biết, bởi vì lòng tốt của chị, tui nhìn hổng ra. Quyền lợi của nó bị anh Hai cướp đoạt, mà chị biểu nó nhịn, tui hổng biết chị tốt ở chỗ nào.
Nghe em cứ lặp đi lặp lại hai chữ “quyền lợi”, cô Ba Thoàn cười buồn:
– Bởi nghĩ tới quyền lợi của cậu Út, tui mới khuyên cẩu làm thinh. Dì nghĩ kỹ lại đi. Cẩu lấy cái tư cách gì mà đứng ra kiện tụng. Hồi tía gần mất, cậu Út còn nhỏ, chưa tới tuổi thành niên, tui với dì đều đi lấy chồng, ra ở riêng, tía làm giấy tờ, sang tên hết đất đai nhà cửa, từ đường hương hỏa cho anh Hai, bộ dì quên rồi sao?
Cô Tư Hiền ngẩn người một chút rồi hục hặc:
– Nhưng tía đã bắt ảnh hứa trước mặt mình là sau nầy phải chia phần xứng đáng cho thằng Út và ảnh đã chỉ tay lên trời mà thề bán mạng…
Cô hất hàm như muốn chọc tức chị:
– Bộ chị quên rồi sao?
Nghe hai chị nói qua nói lại tới đâu, cậu Út Hậu vò đầu bứt tóc chừng nấy. Cái đầu của cậu đã rối nùi như bị quạ đánh mà cậu vẫn còn vò hoài. Cậu tức quá mà, tức cho cái tánh chậm lụt của cậu. Hai bà chị, bà nào cũng hiểu lầm ý của cậu hết. Chớ chi mà miệng lưỡi của cậu trơn tru được như miệng lưỡi của bao nhiêu người khác, thì đâu tới nỗi hai bà chị của cậu phải lời qua tiếng lại, thiếu điều muốn gây lộn như vầy.
Bất giác, cậu Út Hậu kêu lên:
– Trời ơi là trời.
Cô Ba Thoàn nhìn em, lắc đầu tỏ vẻ xót xa thương cảm. Cô Tư Hiền muốn khích thêm:
– Trời ở đâu mà kêu cho mỏi miệng. Chuyện tức khí sờ sờ trước mắt đây nè, hổng lo tính chuyện làm tới, ở đó mà kêu trời. Ông trời mà ổng có mắt thì thiên hạ đỡ khổ lâu rồi.
Một lần nữa, cô Ba Thoàn lắc đầu. Cô bắt đầu ngán cái miệng lợi hại của cô Tư Hiền.
Cậu Út Hậu nói giọng bặm trợn nhưng lời lẽ lại lục cà lục cục:
– Tui đã nói… Không phải tui giành phần cho tui… Tại sao lại bán nhà, bán đất?… Mồ hôi nước mắt của ông bà cha mẹ mà…
Cô Tư Hiền chợt phá lên cười lớn:
– Nếu người ta biết tiếc công lao mồ hôi nước mắt của ông bà cha mẹ, nếu người ta biết tưởng nhớ tới hương hỏa từ đường, thì đâu tới nỗi cậu kêu trời hổng thấu.
Liếc xéo cô Tư Hiền một cái bén ngót, cô Ba Thoàn nghiêm giọng:
– Dì có chịu để yên cho cậu Út nói hay không? Cẩu mới mở miệng, dì đã tươm tướp, làm sao cẩu nói hết ý?
Làm như chỉ chờ cơ hội nầy, cô Tư Hiền chụp gây liền:
– Tui nói là nói giùm nó thôi. Mấy người toa rập với nhau, người nầy thì ăn giựt trên đầu nó, người kia thì biểu nó nhịn. Làm cái điệu đó, ông Phật đang ngồi xếp bằng trên bàn thờ cũng bỏ chưn đứng dậy, chớ đừng nói là tui.
Cô Ba Thoàn cố gắng hết sức để giữ cho miệng lưỡi được nhỏ nhẹ:
– Dầu sao đi nữa cũng là anh em máu mủ ruột thịt, dì đừng nên nói quá.
Cô Tư Hiền sấn sả:
– Nói vậy mấy người cũng còn nhớ tới tình anh em ruột thịt hay sao? Nói thiệt, tui cũng sợ cho cái tình anh em ruột thịt của mấy người. Ruột thịt là làm sao khi hai người lớn xúm nhau ăn giựt của một thằng em út chậm lụt thiệt thà.
Giọng cô trở nên cao vút bén ngót:
– Gia tài sự sản của tui bây giờ hổng có thua thằng nào, con nào hết. Tui ra miệng hổng phải vì tui muốn tranh gia tài. Đây là thấy chuyện tức mình thì tui phải nói.
Cô Ba Thoàn bỏ nhỏ:
– Trong khi thiên hạ đầy trời ăn bữa nay chưa lo được bữa mai, mà dì dượng ngồi đếm hết chục triệu nầy qua đến trăm triệu khác. Ai lại không biết vợ chồng dì giỏi. Chuyện gì phải khoe?
Đang ngồi dựa ngửa, lên tay xuống ngón, cô Tư Hiền nhảy nhổm như bị bù cạp chích vô mông. Cô lên giọng óc tức thì, nhưng giọng cô the thé, chớ không được ngọt như giọng cô Ba Út, đào chánh của ban hát bội Vân Hạc:
– Nè, nè, bà đừng có giở cái giọng xóc hông đó ra à nghen. Thiên hạ đói không phải lỗi của vợ chồng tui. Thời buổi vô quân vô pháp, bon chen chụp giựt, ai khôn thì người đó nhờ, ai lanh tay thì người đó hốt. Cái chuyện thiên hạ nghèo đói, những người có trách nhiệm họ không lo, mắc mớ gì vợ chồng tui phải lo? Tui biết “ăn theo thuở, ở theo thì”, tui giàu thây kệ tui, miễn là tui không bóp hầu bóp họng ai, tui không ăn giựt trên đầu cha của ai mà ăn xuống là được rồi.
Ngó cái điệu bộ vừa nhảy choi choi, vừa phùng mang trợn mắt nói tới sùi bọt mép của cô Tư Hiền, cô Ba Thoàn muốn phì cười. Nhưng nụ cười chưa kịp nở đã tắt lịm khi cô vừa chợt nghĩ về sự thay đổi của cô em. Hồi nào, em cô, tánh nết tuy có hơi cộc, nhưng cũng mủ mỉ mù mì, chớ đâu có thần đanh mỏ đỏ, chằn ăn trăn quấn như vầy. Xã hội đổi thay cỡ nào mà em cô thay đổi tới như vậy.
Cô Ba Thoàn cảm thấy xửng vửng như người bị bước hụt chưn. Cô chỉ còn biết nhỏ nhẹ:
– Dì làm cái gì mà dữ vậy? Tui chỉ nói chơi thôi mà.
Cô Tư Hiền cộc lốc:
– Tui hổng ưa cái lối nói chơi xóc hông như vậy.
Cậu Út Hậu bỏ đi ra cửa, đứng ngó mông ra đường. Tay cậu vẫn vò cái đầu đã rối nùi. Mắt cậu đỏ hoe. Mặt cậu thảm hại như một cái bánh bao chiều. Trong đầu của cậu, hết chuyện nầy tới chuyện kia xô đẩy dật dờ như cơn sóng lượn, mà cậu không biết làm sao sắp xếp cho có thứ tự được.
Làm như quá tức tối, cậu thở phì phò như con trâu cày quá buổi.
Trong phòng khách, hai bà chị của cậu vẫn còn đôi co. Cô Tư Hiền ong óng:
– Nói thiệt với chị đó nghen. Chị đừng có bỉ thử tui làm chi cho mất công. Bộ chị tưởng cầm được tiền triệu trong tay dễ lắm hả. Thời buổi nầy, ở dưới ăn lên, ở trên ăn xuống. Bước ra buôn bán như vợ chồng tui cũng phải biết chung cho đầu nầy, biết nạp cho đầu kia, bầm trầy đủ thứ chớ bộ dễ dầu gì sao?
Cô Ba Thoàn tỉnh bơ:
– Bởi vậy, tui mới khen vợ chồng dì giỏi.
Cô bỗng vươn vai, ngáp dài, uể oải:
– Ối, tự nãy giờ, tự nhiên nói chuyện gì đâu không à. Chuyện bữa nay là chuyện của anh Hai với thằng Út. Tui với dì “nữ sanh ngoại tộc”, có nghĩ tới tình anh chị em thì ráng nói làm sao cho êm thấm đôi bề.
Giọng cô buồn thiu:
– Chớ chi mà tía má còn…
Cô Tư Hiền ỉu xìu:
– Ừ, chớ chi mà tía má còn…
Tựa vào khung cửa, ngó mông ra đường, cậu Út Hậu nghe cay cay ở hai khoé mắt. Cậu lại thở phì phò…
o O o
Đi qua đi lại trong phòng, nện gót giày lộp cộp, cậu Hai Lâm hầm hừ ngó ba người em. Mặt cậu loắt choắt, môi cậu thâm sì, nhưng cậu ăn bận sang trọng, đeo lắc vàng, dây chuyền vàng hực hỡ.
Cậu hất hàm:
– Tụi bay nói nãy giờ hết chưa?
Cậu cười gằn như cọp mếu:
– Nói thiệt, trước khi tới đây, tao đã đoán trong bụng là sẽ nghe tụi bay nói cái gì rồi. Tao đoán đâu trúng đó…
Cô Tư Hiền cười lạt:
– Gặp trường hợp như vầy thì ai cũng nói như vậy thôi.
Chỉ tay vô mặt cô Tư, cậu Hai Lâm buông lời cộc lốc:
– Mầy ngu.
Quay qua cậu Út Hậu, cậu tiếp luôn:
– Thằng nầy cũng ngu.
Cậu tuôn luôn một hơi, càng nói càng lớn tiếng:
– Bộ tụi bay tưởng tao là thứ con bất hiếu, không biết tiếc công lao của ông bà cha mẹ sao? Bộ tụi bay tưởng tao không biết từ đường hương hỏa là gì sao? Có điều, thời thế mỗi lúc mỗi khác. Bây giờ, người ta nói đất đai là của nhơn dân. Vườn của mình, đất của mình, nếu tao không khéo ngoại giao chạy chọt thì mất lâu rồi, chớ không phải đợi tới bây giờ, sao bay không ngó hết một vòng mà coi. Đất của bà Hai Mành, đất của ông giáo Thọ, đất của chú Tư Sang, cũng là hương hỏa đó, có còn được một phân một tấc nào không? Tao mất biết bao nhiêu công lao, tao tốn biết bao nhiêu tiền của, đất đai mới giữ tới được ngày giờ này. Mấy chuyện đó, tụi bay đâu thèm biết. Hổng biết ơn tao thì thôi, tụi bay còn đem lòng oán…
Làm như giận quá, cặp râu cá chốt của cậu Hai Lâm giựt giựt, run run. Hai mắt cậu muốn đổ hào quang.
Đã không ngậm miệng cho im thì thôi, cô Tư Hiền còn muốn châm dầu vô lửa. Cô hất hàm về phía cậu Út Hậu:
– Mầy nghe rõ chưa Út? Tao với mầy, kể từ nay, phải cắn rơm cắn cỏ mà đội ơn anh Hai mới được.
Cậu Hai Lâm tức như bị bò đá. Cậu dện gót giày đùng đùng. Thấy điệu bộ của anh, cô Tư Hiền khoái trá, cười hê hê. Cậu Út Hậu vẫn im hơi lặng tiếng, ngồi vò tóc. Cô Ba Thoàn buồn buồn:
– Bữa nay, bốn anh em mình hội lại với nhau không phải là để gây lộn.
Đối với cô Ba Thoàn, cậu Hai Lâm có vẻ nể. Cậu dịu giọng:
– Tao có muốn gây lộn làm chi.
Quay qua cô Tư Hiền, cậu nói cứng:
– Miệng lưỡi mầy lợi hại. Nhưng mầy phải ráng để ý những điều tao nói.
Cô Tư Hiền trớ trêu:
– Tui đâu có điếc. Anh nói cái gì tui cũng nghe hết thảy. Anh la muốn bể nhà, tôi hổng nghe sao được.
Cậu Hai Lâm lại hầm hừ:
– Mầy nghe mà mầy có chịu khó để cho cái đầu của mầy suy nghĩ chút nào đâu.
Sợ cô Tư Hiền tươm tướp nữa, cậu nói luôn:
– Vợ chồng mầy cũng ra chụp giựt làm ăn, cũng hiểu cái thời buổi nầy khó khăn ra sao. Cuộc đất của mình nằm sát ranh với cái xưởng may của công ty Đài Loan. Công ty nầy muốn mở rộng mặt bằng, ngắm nghé cuộc đất mình hoài.
Cô Tư Hiền cay đắng:
– Nó ngắm nghé thì anh bán sao?
Cậu Hai Lâm cười lạt:
– Hồi nãy tao nói mầy ngu là vậy. Đã nói đất đai bây giờ là của nhơn dân. Mà, nhơn dân đây là ai, bộ mầy không biết sao? Tao mà không bằng lòng bán thì cũng có người đứng ra bán thôi. Lúc đó, mình hổng dỡ nhà mà đi, mình còn có tội nữa. Chẳng thà là mình gật đầu chịu bán. Tiền giấy tờ, tiền bồi dưỡng, tiền “biết phải” với người ta, cho dầu có mất đi phân nửa, mình cũng còn được năm trăm cây. Như vậy không hơn là để cho người ta bán, rồi người ta bồi thường cho mình năm cây, mười cây sao?
Cậu còn hỏi khó:
– Mầy cũng buôn bán làm ăn, đâu mầy tính giùm cho tao coi, bên nào lợi, bên nào hại?
Cô Tư Hiền làm thinh. Quá rành chuyện làm ăn, cô thấy anh Hai cô nói ra điều gì cũng đúng hết trơn.
Thấy cô em có nanh có gút mà chịu làm thinh, coi bộ cậu Hai Lâm bằng bụng lắm. Cậu dịu giọng thấy rõ:
– Đừng có đứa nào tưởng tao cố tâm ăn trọn một mình. Ít nhiều gì đứa nào cũng có phần hết. Nhứt là thằng Út, tao không để cho nó thiệt thòi.
Nghe nhắc tới tên, cậu Út Hậu ngưng vò đầu. Cậu rọ rạy cặp mông liên tục. Cậu nuốt nước miếng hai, ba lần, rồi mới lên tiếng được:
– Hồi đó… tui còn nhỏ lắm… tía nói cái gì, tui nhớ tới bây giờ.
Cô Ba Thoàn dịu dàng nhìn em, cô khuyến khích:
– Muốn cái gì, cậu cứ từ từ mà nói, ráng nói cho có đầu có đuôi.
Hít vô một hơi dài như cố lấy sức, cậu Út Hậu cao giọng hơn một chút. Lần nầy, cậu nói có vẻ trơn tru hơn:
– Hồi đó, tía nói, đồng bào mình ở đây nổi lên đánh Tây. Tía chặt rụi bụi tre tầm vông sau vườn để phân phát cho thanh niên làm khí giới…
In tuồng như chưa hiểu ý em, cậu Hai Lâm nhóng chừng:
– Hồi đó mầy chưa sanh ra. Chuyện đó tao biết.
Không để ý tới lời anh, cậu Út Hậu hấp tấp, làm như sợ để lâu, cậu sẽ quên những điều muốn nói:
– Tía nói, khi đuổi được Tây rồi, tía với má ra công vun xới lại bụi tầm vông. Tía nói hễ giặc tới nữa thì còn tầm vông mà đánh nữa…
Cậu Hai Lâm cúi mặt. Cô Tư Hiền thở dài. Cô Ba Thoàn dân dấn nước mắt.
Cậu Út Hậu vững giọng hơn:
– Tui hổng phải muốn tranh gia tài. Tui chỉ muốn giữ bụi tầm vông theo ý tía. Nãy giờ, anh Hai nói, tui hiểu. Đất hương hỏa từ đường của mình, mình muốn giữ cũng không giữ được nữa rồi.
Cô Ba Thoàn bật khóc. Cậu Hai Lâm thở dài. Cô Tư Hiền buông gọn:
– Cóc mở miệng. Ứ hự!
Cậu Út Hậu thảm thiết:
– Đất đó, anh Hai muốn làm gì thì làm. Tui không tranh cản nữa đâu. Tui chỉ xin…
Cậu Hai Lâm vội vàng:
– Chú đừng lo gì hết thảy. Tui không có quên phần chú đâu.
Cậu Út Hậu cười buồn:
– Tui chỉ xin anh cho tui được bứng bụi tầm vông. Cái nhà của tui trống trước hở sau, nhưng phía sau sàn nước cũng còn một vạt đất trống. Tui sẽ ráng gầy lại bụi tầm vông…
Nguyễn Đức Lập