Bùi Tín – Một hình thức kỷ luật kỳ lạ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bùi Tín – Một hình thức kỷ luật kỳ lạ

21/09/2017


Gần đây dưới sự lãnh đạo của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chính quyền đảng trị đã có một hình thức kỷ luật mới đối với những cán bô đảng viên họ cho là có khuyết điểm nghiêm trọng.

Ông Trọng (phải) trong lần tiếp Tập Cận Bình tại Hà Nội, 2015.
Ông Trọng (phải) trong lần tiếp Tập Cận Bình tại Hà Nội, 2015.

Đó là hình thức «cách chức những chức vụ» mà đương sự đã từng trải qua trong quá khứ, «miễn nhiệm chức vụ chính quyền» đương sự đã đảm nhiệm trong một hay vài nhiệm kỳ trong quá khứ.

Hình thức kỷ luật này lần đầu tiên được áp dụng cho ông Vũ Huy Hoàng – nguyên bộ trưởng Bộ Công Thương từ năm 2007 đến năm 2016, đã về hưu – theo quyết định của Chủ tịch nước tháng 4/2016: «miễn nhiệm ông Vũ Huy Hoàng trong chức vụ Bộ trưởng Công thương trước đây;» cùng thời điểm này, Ban Bí thư TƯ cũng ra quyết định «cách chức Bí thư Ban cán sự đảng bộ bộ Công Thương từ năm 2011 đến năm 2016» của ông Vũ Huy Hoàng, «nay đã về nghỉ hưu.»

Người thứ 2 chịu hình thức kỷ luật này là ông Vũ Kim Cự trong vụ án phá hủy môi trường ven biển miền Trung của Công ty Formosa, bị Ban Thường vụ Quốc hội «cách chức, bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua,» đồng thời bị Ban bí thư ra quyết định «cách chức Ủy viên Ban thường vụ đảng ủy tỉnh Hà Tĩnh» mà ông Cự từng đảm nhiệm cách đây 8 năm.

Hình thức kỷ luật cách chức, bãi miễn, thu hồi các chức trách, tư cách cấp ủy, đại biểu quốc hội trong quá khứ là hình thức chưa từng có, ở Việt Nam cũng như ở bất cứ nơi nào khác. Bởi vì nó vô lý, không có cơ sở thực tiễn.

Vì các chức vụ mà các đương sự đã từng đảm nhiệm, gắn bó với mọi việc làm trong quá khứ đã trôi qua là những sự thật hiển nhiên, không ai có thể xóa bỏ, thay đổi, xuyên tạc hay phủ nhận được. Đó là những sự thật cứng đầu, bướng bỉnh, tồn tại mãi như nó từng có, làm sao có thể đi ngược giòng thời gian để xóa bỏ, bãi miễn bằng quyết định chủ quan của bất cứ ai, nếu người đó không bị điên rồ, lú lẫn, mất nhận thức về sự thật.

Cũng do đó mà không có hình thức kỷ luật nào, không có một pháp luật nào quy định một hình thức xử lý sai lầm, tội lỗi, vi phạm nào vô lý, kỳ lạ như thế.

Thời gian là một hiện tượng chảy xuôi, từ quá khứ, qua hiện tại, đến tương lai như dòng chảy của một con sông. Con người tồn tại chỉ có thể chấp nhận quá khứ, chịu đựng quá khứ, tác động đến hiện tại, đến tương lai, chứ không thể thay đổi được quá khứ như nó đã từng có.

 Xin mời quý vị xem Video : Bộ Công An lại chống lệnh Tổng Bí Thư: Triệu tập Huỳnh Đức Thơ, bỏ lơ Nguyễn Xuân Anh?

Chính do đó mà ông luật sư Trần Quốc Thuận đã phải nhận xét hình thức kỷ luật như trên là «nhập nhằng pháp lý.» Các đương sự bị kỷ luật do phạm sai lầm trong khi đảm nhận các chức vụ, nay cách chức, bãi miễn các chức vụ ấy coi như không có thật, sao lại còn kết tội họ. Thật là luẩn quẩn, phi lý.

Rất mong sẽ có nhiều nhà ngôn ngữ học, xã hội học, pháp luật học, chính trị học

phát biểu về hình thức kỷ luật «mới mẻ», «sáng tạo», «độc đáo» này.

Mong rằng sau này sẽ không có chuyện ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bị cách chức, bãi miễn chức tổng bí thư từ năm 2011 đến năm 20… , do thất bại nặng nề trong cam kết quét sạch nạn nội xâm tham nhũng, và do cái trọng tội hèn với giặc ác với dân, để nhân dân Việt Nam phải chịu ách thống trị Bắc thuộc khi ông là nhân vật lãnh đạo số 1 của đất nước.

Bùi Tín

(Blog VOA)