BPSOS tham dự buổi công bố bản phúc trình về tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
TỰ DO TÔN GIÁO & NHÂN QUYỀN POSTED ON THỨ BA, 06 THÁNG 6 2023 23:12
- Việc tham dự này mang những ý nghĩa gì?
Mạch Sống, ngày 6 tháng 6, 2023
Tại buổi công bố bản phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại Giao gửi Quốc Hội và Tổng Thống Hoa Kỳ về tình trạng tự do tôn giáo toàn cầu năm nay, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, là một trong 10 nhân vật thuộc xã hội dân sự được mời tham dự. Trong đó, phân nửa đại diện các tổ chức nhân quyền quốc tế và phân nửa là những người đến từ các quốc gia nơi đang diễn ra tình trạng đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng gồm có China, Myanmar, Iran và Việt Nam.
“Sự hiện diện của tôi cho thấy Việt Nam đang được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ quan tâm không kém so với China, Myanmar và Iran, là những quốc gia với tình trạng đàn áp tôn giáo hết sức tồi tệ” Ts. Thắng nhận xét.
Hình 1 – Ngoại Trưởng Antony Blinken và Đại Sứ Lưu Động Rashad Hussain công bố bản phúc trình năm 2022 về tự do tôn giáo quốc tế, ngày 15/05/2023 (hình của RFA)
Trong lời giới thiệu bản phúc trình, Ngoại Trưởng Antony Blinken bày tỏ mối quan ngại của chính phủ Hoa Kỳ về tình trạng đàn áp tôn giáo trong năm 2022:
“Thật không may, bản phúc trình cũng ghi lại sự tiếp tục và, trong một số trường hợp, sự gia tăng của các xu hướng rất đáng lo ngại. Chính phủ ở nhiều nơi trên thế giới tiếp tục nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số bằng nhiều biện pháp, bao gồm tra tấn, đánh đập, giám sát bất hợp pháp và cái gọi là trại cải tạo. Họ cũng tiếp tục tham gia vào các hình thức phân biệt đối xử khác trên cơ sở đức tin hoặc không đức tin.”
Tiếp theo, Đại Sứ Lưu Động Cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Rashad Hussain ghi nhận những đóng góp của xã hội dân sự đã giúp cho văn phòng của Ông hoàn thành bản phúc trình, đối phó với những biện pháp đàn áp tôn giáo và thúc đẩy sự cải thiện chính sách đối với các tôn giáo ở nhiều quốc gia:
“Tất nhiên, không công việc nào trong số này có thể thực hiện được nếu không có sự lãnh đạo ngoan cường của xã hội dân sự, bao gồm cả những nhà lãnh đạo tận tâm đang tham gia cùng chúng ta ngày hôm nay. Vì vậy, cảm ơn bạn rất nhiều vì sự hợp tác của các bạn.”
Hình 2 – Ngoại Trưởng Antony Blinken tiếp đón phái đoàn xã hội dân sự, ngày 15/05/2023 (hình từ BNG Hoa Kỳ)
Bản phúc trình năm nay, cũng như trong 2 năm qua, ghi nhận đóng góp của BPSOS qua các báo cáo về những vụ vi phạm ở Việt Nam:
“Chiếu theo các bản báo cáo của tổ chức NGO Boat People SOS, trong năm [2022] đã có ít ra 95 vụ vi phạm qua đó công an địa phương đã triệu tập, khảo tra, sách nhiễu hoặc đe doạ các tín đồ của các hội thánh không đăng ký Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, Truyền Giảng Phúc Âm và Tin Lành Đề Ga,” bản phúc trình viết.”
Theo Ts. Thắng tổng số vụ vi phạm do BPSOS báo cáo năm 2022 là gấp đôi con số này, bao gồm nhiều vụ ép bỏ đạo các tín đồ Tin Lành người Hmong và người Thượng, các vụ sách nhiễu và hiếp đáp tín đồ theo đạo Cao Đài gốc bởi thành viên của Chi Phái 1997, các đợt tấn công vào Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, các vụ cưỡng chiếm tài sản của những nhà dòng và giáo xứ Công Giáo, các kế hoạch phá huỷ những chùa thuộc Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất, việc ngăn cản hoặc đe doạ người trong nước để không tham gia các sự kiện quốc tế về tự do tôn giáo…
“Thực ra, chính các nhóm và các cộng đồng bị bách hại này đã cung cấp thông tin gốc cho các bản báo cáo của chúng tôi,” Ts. Thắng giải thích. “Điều này chứng tỏ sự tăng trưởng về nội lực của các cộng đồng bị bách hại.”
Từ năm 2015 đến nay, BPSOS đã huấn luyện khoảng 2 nghìn thành viên của trên 200 nhóm và cộng đồng tôn giáo như vậy cách thu thập và phối kiểm thông tin cho các bản báo cáo vi phạm. Từ đó đến nay, gần 500 bản báo cáo, bao gồm hàng nghìn vụ vi phạm, đã được chuyển đến LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và nhiều định chế nhân quyền quốc tế.
Dựa vào các báo cáo vi phạm dồn dập trong năm 2022, ngày 30 tháng 11 năm ngoái, Ngoại Trưởng Blinken đã liệt Việt Nam vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt vì đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng.
“Việc tôi có mặt tại buổi công bố bản phúc trình năm 2022 cũng là sự ghi nhận của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về các đóng góp của chính những cộng đồng bị bách hại ở Việt Nam cho bản phúc trình và cho quyết định đưa Việt Nam và Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt ,” Ts. Thắng nói.
Hình 3 – Ngoại Trưởng Blinken lắng nghe Ts. Nguyễn Đình Thắng trình bày về hiện trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, ngày 15/05/2023 (hình của C-SPAN)
Ngoài ra, cuộc tiếp đón bởi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ và giới chức cao cấp nhất của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế còn là sự khẳng định uy tín của BPSOS trước những lời cáo buộc mang tính vu khống và đưa tin giả của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam, mà gần đây nhất là bản tin ngày 13 tháng 10, 2022 của chương trình truyền hình VTV4:
“Nguyễn Đình Thắng là một cựu quan chức của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Năm 1979, Thắng vượt biên sang Mỹ, điều hành Ủy ban Cứu người vượt biển, một tổ chức phi chính phủ thường xuyên cấu kết với tổ chức khủng bố Việt Tân để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, cổ vũ, khích lệ chống đối cực đoan trong nước, nhất là kích động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.”
Ngày 6 tháng 4 vừa qua, BPSOS đã kiện VTV và VTV4 ra toà ở Hoa Kỳ về tội vu khống với ác ý hãm hại.
Hình 4 – Phái đoàn xã hội dân sự tham gia buổi công bố bản phúc trình về tự do tôn giáo quốc tế, ngày 15/05/2023 (hình từ BNG/Hoa Kỳ)
Thông tin liên quan:
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình gửi Quốc Hội về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới