BOT Cai Lậy: Cơ hội cho ‘Chính phủ kiến tạo’?

Cac Bai Khac

No sub-categories

BOT Cai Lậy: Cơ hội cho ‘Chính phủ kiến tạo’?
5-12-2017
Trang web chính phủ Việt Nam thừa nhận ‘người dân không đồng tình’ với hoạt động của trạm thu phí, trong lúc vụ Cai Lậy tiếp tục ‘nóng’ trên mạng xã hội.
Tối 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định tạm dừng thu phí một tháng ở trạm BOT Cai Lậy trong lúc tìm phương án giải quyết.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo: “Riêng với Cai Lậy, Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí một tháng và giao cho Bộ Giao thông Vận tải đánh giá toàn diện và đề xuất phương án xử lý, kết hợp với tỉnh Tiền Giang để xử lý cụ thể.”
Trong khi đó, theo báo chí Việt Nam, hôm 5/12, Thứ trưởng giao thông Nguyễn Ngọc Đông nói đề xuất di dời trạm thu phí về tuyến tránh là “rất khó khả thi” vì có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng.
Ông Đông cho biết có 3 kịch bản để tính toán:
Kịch bản thứ nhất, giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy.
Thứ hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh. Nhưng ông nói điều này “rất khó khả thi” vì thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng.
Thứ ba là sẽ đặt 2 trạm thu phí: một trạm trên quốc lộ 1 để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ. Đồng thời, đặt một trạm trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư làm tuyến tránh.

‘Chính phủ kiến tạo’

Hôm 5/12, trang web chính phủ Việt Nam đăng bài bình luận rằng mặc dù Bộ Giao thông vận tải giải thích tất cả thủ tục “không sai”, nhưng “một thực tế hiển nhiên là người dân không đồng tình với hoạt động của trạm thu phí này”.
Bài bình luận thừa nhận: “Phần lớn những người dân, những tài xế qua trạm này và cả các ý kiến trên báo chí cũng đều thể hiện quan điểm không ủng hộ.”
Bài này nói tiếp: “Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa.”
Bài tỏ ý trách: “Dường như các cơ quan vẫn quá nghiêng về hướng khẳng định mình “không sai” mà không đề cập tới việc quyết định được ban hành có phù hợp thực tiễn không, có hợp lòng dân không.”
Việc bài báo bày tỏ quan điểm trên trang web chính phủ Việt Nam dường như gợi ‎ý rằng đây có thể là quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tác giả giải thích khái niệm “chính phủ kiến tạo”, được coi là khẩu hiệu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
“Chính phủ kiến tạo chủ động hơn về thể chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư phát triển.”
“Chính phủ kiến tạo phải chủ động hơn, bộ máy năng động hơn và có sáng kiến nhiều hơn, nghiên cứu thế giới xung quanh nhiều hơn chứ không rơi vào thế bị động.”
Bài báo lý giải: “Yêu cầu đặt ra không chỉ là “không sai” so với quy định mà mọi quyết định còn phải phù hợp với tình hình thực tế, hợp với lòng dân và khi cần thiết, phải chủ động đề xuất, sửa đổi thể chế, chính sách cho phù hợp.”
“Chỉ khi đó, quá trình phát triển kinh tế-xã hội mới không kéo theo những “điểm nóng” tiềm ẩn đầy bất ổn như trạm BOT Cai Lậy.”

Bình luận của luật sư

Trong khi đó, một luật sư ở Tuy Hòa lại bình luận với BBC rằng chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong vụ BOT Cai Lậy “không phù hợp, lẽ ra phải để cơ quan tư pháp xử lý.”
Hôm 5/12, trả lời BBC từ Tuy Hòa, Luật sư Nguyễn Khả Thành, trưởng văn phòng luật sư mang tên ông, nói: “Lẽ ra những vụ tranh chấp dân sự như BOT Cai Lậy thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải để cơ quan tư pháp xử lý.”
“Chỉ đạo của bên hành pháp quyết thế này thì không phù hợp với luật.”
“Tôi thấy ở Việt Nam rất là lạ, dù Đảng lãnh đạo chung nhưng cũng có Quốc hội làm hiến pháp, chính phủ làm hành pháp và tòa án làm tư pháp.”
“Để tòa xử thì có hai bên đưa ra chứng cứ và đúng trình tự pháp luật.”
“Còn cơ quan hành pháp cứ xen vào những vụ thế này thì không nên.”
Cùng thời điểm, VietnamNet tường thuật, Bộ Công an “chỉ đạo công an các địa phương thu thập thông tin về những người cầm đầu có hành vi kích động, xúi giục gây rối tại BOT Cai Lậy và các trạm thu phí khác.”
Về tin Bộ Công an điều tra “dấu hiệu kích động, gây rối” tại BOT Cai Lậy, luật sư Thành nói thêm: “Về một số trường hợp tài xế bị ghi nhận là đi qua đi lại trạm BOT Cai Lậy chỉ để đóng phí bằng tiền lẻ thì không thể suy diễn là họ làm thế chỉ để gây cản trở.”
“Vụ xử lý căng thẳng ở BOT Cai Lậy cuối cùng sẽ như thế nào có thể là tiền lệ cho các trạm khác mà cũng đang bị ghi nhận là đặt ở những vị trí không phù hợp.”
Cùng ngày, nhà hoạt động, sinh viên luật Phạm Lê Vương Các nói với BBC: “Chính quyền chưa bao nhờ chấp nhận một thực tế về các phong trào phản kháng đối với các quyết định hoặc chính sách của chính quyền, được sự hưởng ứng và tham gia rộng rãi của số đông quần chúng.”
“Theo dõi vụ việc BOT Cai Lậy, tôi nhận thấy, rõ ràng sự phản kháng xuất phát từ sự đồng thuận của những người tham gia giao thông đều có mong muốn dời vị trí trạm thu phí vào đường tránh, dù hành động phản kháng là khác nhau và bắt nguồn từ các sáng kiến của mỗi cá nhân chứ không do bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào dẫn dắt hoặc chỉ đạo.”
“Do vậy nếu cho rằng sự phản kháng này xuất phát từ sự kích động, hay bị lôi kéo tham gia là sự xem thường nhận thức và mong muốn của người dân.”
Báo Giao Thông hôm 4/12 tường thuật: “Các hoạt động gây rối được nghi có người cầm đầu và kích động. Có một nhóm tài xế gây rối chuyên tụ tập tại một điểm gần trạm thu phí rồi tập trung ăn nhậu, liên hoan “ăn mừng” sau mỗi lần gây rối khiến trạm thu Cai Lậy phải xả trạm.”
“Ngoài ra, còn có một bộ phận chuyên đi thu gom tiền lẻ để cung cấp cho các tài xế có hành vi cố tình gây rối, cản trở việc thu phí.”
“Liên quan đến việc này, Thủ tướng đã giao Bộ Công an và tỉnh Tiền Giang có phương án đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn trong mọi tình huống; giao cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm những phần tử quá khích cố tình gây rối, nhất là với hơn chục xe thường xuyên quay vòng qua trạm BOT Cai Lậy những ngày qua,” tờ báo viết.
THỦ TƯỚNG QUYẾT ĐỊNH TẠM DỪNG TRẠM THU PHÍ CAI LẬY!
Tối 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan cùng với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đề tìm giải pháp cho Trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, tuyến tránh Cai Lậy là một trong 88 tuyến giao thông được xây dựng theo hình thức BOT. Đây là các dự án được xây dựng theo Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị..

 

Bản đồ đánh dấu các trạm BOT ở Việt Nam. Nguồn: internet