Bốn bước tiến tới bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bốn bước tiến tới bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba

Theo RFI – 19-12-2014  16:29

Lá cờ Mỹ xuất hiện trên đường phố La Habana ngay sau lãnh đạo hai nước thông báo xích gần lại nhau.- REUTERS/Enrique De La Osa

Hôm 17/12/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Cuba cùng lúc có bài diễn văn lịch sử thông báo nối lại quan hệ ngoại giao giữa Washington và La Habana gián đoạn sau hơn nửa thế kỷ sống trong thù hằn. Nếu như quyết định ngoạn mục này đang mang lại nhiều hy vọng thì hai bên sẽ còn phải phối hợp cụ thể hóa những hy vọng đó qua từng bước đi để tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hoàn toàn.
Bước thứ nhất: Dỡ bỏ cấm vận kinh tế
Nhiều chuyên gia về châu Mỹ latin đã ví vấn đề này như là “huyết mạch của cuộc chiến”. Bởi lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ từ hơn nửa thế kỷ nay đã đè nặng lên Cuba.  Báo chí vẫn gọi đây là lệnh cấm vận dài nhất trên thế giới.  Những quy định chủ yếu của lệnh phong tỏa thương mại này được cố tổng Mỹ Kennedy ban hành hồi năm 1962, tiếp đó đến thập niên 1990, nó được thiết chế hóa dưới hình thức văn bản luật để rồi tiếp tục được thắt chặt, ngoại trừ một vài quyết định giảm nhẹ dưới thời tổng thống Barack Obama. Nhà trắng đã ngỏ ý muốn hủy bỏ luật cấm vận  Cuba trước khi tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ, tức là trong khoảng hai năm tới. Thế nhưng việc đó chỉ có thể thực hiện được qua con đường bỏ phiếu tại lưỡng viện Quốc hội. Có điều là hiện tại đảng đối lập Cộng hòa đang chiếm đa số ở cả Thượng và Hạ viện Mỹ. Bà Jannette Habel, chuyên gia về châu Mỹ Latin  giải thích: “Trong nội bộ của cả phe Dân chủ cũng như Cộng hòa đang bị chia rẽ trên vấn đề này. Một bộ phận những người Cộng hòa vẫn từ chối dỡ bỏ lệnh cấm vận, một bộ phận khác lại mong muốn thúc đẩy làm ăn với Cuba. Một số người thuộc phe Dân chủ cũng tỏ ra dè dặt né tránh vấn đề”. Dự báo việc bỏ phiếu sẽ diễn ra không đơn giản. Nhưng ông Barack Obama đã chọn ngôn từ trong diễn văn : “ Cô lập Cuba không có hiệu quả, cần phải có phương pháp mới”. Theo các nhà phân tích, cách nói của Tổng thống Mỹ là khôn khéo vì phe Cộng Hòa sẽ khó có thể bảo vệ một biện pháp mà từ nửa thế kỷ qua không mang lại kết quả. Còn trong trường hợp Quốc hội không đồng ý gỡ bỏ lệnh cấm vận, thì như Nhà trắng như  đã thông báo hôm thứ Tư vừa qua sẽ ban hành  một loạt biện pháp ủng hộ trao đổi kinh tế giữa hai nước. Lần đầu tiên từ nhiều thập kỷ qua, người Mỹ đã có thể sử dụng thẻ tín dụng tại Cuba và các ngân hàng có thể mở tài khoản ở các cơ sở tài chính của Cuba.  Giới quan sát cho rằng các biện pháp nới lỏng lỏng cấm vận  có thể được coi như sự gỡ bỏ từng phần cấm vận.
Bước 2: Rút Cuba ra khỏi danh sách các Nhà nước ủng hộ khủng bố
Tổng thống Mỹ đã tuyên bố Cuba sắp tới sẽ được rút ra khỏi danh sách những quốc gia ủng hộ khủng bố. Cuba bị đưa vào danh sách đen này của Mỹ từ năm 1982. “Các quan chức cao cấp  (Mỹ) sẽ tới Cuba để triển khai hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực “chống khủng bố, kinh tế, di cư và y tế” , như tổng thống Mỹ đã quả quyết. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ phải là người đi tiên phong  thực thi các nhiệm vụ đó. Đây là giai đoạn quan trọng để bình thường hóa quan hệ hai nước, nhưng tiến trình này cần phải có thời gian. Nhà nghiên cứu Janette Habel phân tích: “ Đặt Cuba trong danh sách những nước ủng hộ khủng bố từng là một điều phí lý không ăn nhập vào đâu cả. Cuba không dính dáng gì đến các hoạt động khủng bố. Cho nên khó có thể duy trì Cuba trong danh sách, nhất là giờ đây quan hệ ngoại giao hai nước bắt đầu tiến triển”.
Bước thứ 3: Cải thiện nhân quyền và dân chủ tại Cuba
Nhiều tiếng nói ly khai của nững người Cuba lưu vong tỏ ra bi quan. Nhà văn Zoe Vades, sống lưu vong tại Pháp từ 1995 cho rằng sự xích lại gần nhau trong quan hệ Mỹ Cuba “sẽ chẳng cải thiện được số phận của người dân Cuba”. Trong khi đó, một số dân biểu Cộng hòa Mỹ cũng tỏ ra  không hài lòng với sự kiện vừa rồi. Họ cho rằng cách làm này của chính quyền hiện nay “sẽ không cải thiện được gì  vấn đề nhân quyền và dân chủ ở Cuba”, như Thượng nghị sĩ Florida, ông Marco Rubio một người gốc Cuba nhận định. Nếu như những người Cuba lưu vong ở tiểu bang miền nam nước Mỹ này, được cho là thuộc “thế hệ cũ”,  đều có chung quan điểm như trên  thì “thế hệ mới “không nghĩ như vậy. Nhà phân tích Christophe Ventura nhận định “ Những người trẻ muốn phát triển quan hệ với Cuba , những người già, bảo thủ, không muốn điều đó. Dẫu sao thì những người này cũng không có đủ sức nặng để cản bước tiến của lịch sử”. Còn nhà nghiên cứu Janette Habel thì nhận định: “ Người ta đã có thể ghi nhận sự mở cửa dân chủ. Điều này sẽ tiếp tục vì lý do mà chính quyền toàn trị đưa ra để biện minh cho chính sách đàn áp là mối đe dọa của Mỹ không còn chính đáng nữa kể từ sau bài diễn văn của ông Barack Obama hôm thứ Tư”. Vấn đề còn lại là để xem Cuba sẽ đi theo mô hình nào.
Giai đoạn thứ 4: Tổ chức cuộc gặp lịch sử giữa Obama và Castro
Nhà trắng đã không loại trừ việc tổng thống Mỹ sẽ tới thăm Cuba sau khi quan hệ ngoại giao hai nước được tái lập. Ngược lại chuyến đi của Raul Castro  thăm Mỹ cũng được dự trù. Nhưng với giới quan sát thì thế giới đã được chứng kiến hình ảnh lịch sử từ hôm thứ Tư vừa qua khi nguyên thủ quốc gia hai bên cùng lúc lên truyền hình đọc bài diễn văn tuyên bố nối lại quan hệ. Tuy nhiên bước ngoặt  thực sự có thể sẽ diễn ra vào ngày 10 và 11 tháng 4 năm 2015 tói đây tại Panama, nhân hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7, quy tụ 34 nước khu vực Bắc và Trung Mỹ .  Nguyên thủ quốc gia các nước Mỹ Latin đã dọa không tới dự hội nghị nếu đại diện của Cuba không được mời. Thế nhưng lần đầu tiên La Habana sẽ tham dự sự kiện này.  Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro chưa khẳng định đến dự hội nghị nhưng có nhiều khả năng hai ông sẽ tận dụng cơ hội tốt này  để khẳng định quyết tâm đưa hai nước xích lại gần nhau.
(Tổng hợp từ France TV)