Bom nhiệt hạch là gì?
Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ phát hành bức ảnh về đám mây được nhìn thấy khi nổ thử nghiệm bom hạch nhiệt năm 1952. – AFP photo
Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ, 2016-01-12
Suốt tuần qua dư luận quốc tế chú tâm vào tuyên bố thử nghiệm thành công bom khinh khí hay bom nhiệt hạch của Bắc Hàn, loại vũ khí có khả năng tàn sát hằng loạt sinh mạng con người cũng như hủy diệt môi trường như thế đại cương ra sao?
Nhận định của chuyên gia
Có thể nói tin tức hàng đầu trong ngày 6 tháng giêng vừa qua trên khắp thế giới là tuyên bố thử nghiệm thành công bom khinh khí của Bắc Hàn.
Ngay sau đó chuyên gia của các quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn quốc… đều đưa ra những phân tích khoa học chứng minh nghi ngờ của họ về một vụ nổ bom khinh khí như thế tại Bắc Hàn. Theo giới chuyên môn thì bom mà Bắc Hàn mới cho nổ cũng chỉ là dạng bom nguyên tử mà thôi.
Tiến sĩ nguyên tử Phùng Liên Đoàn trình bày:
“Sự thật mấy quả bom của Bắc Hàn nhỏ lắm. Nguời ta dùng phương pháp địa chấn để dò ra; vì ngày nay trên thế giới có mấy trăm trạm dò địa chấn và dò không khí để xem nước nào thử. Chuyện này người ta đã dò địa chấn rồi và dò không khí để xem quanh vùng đó có những chất nào thoát ra. Sau khi xem xét những kết quả dò địa chấn, người ta nói quả bom này chỉ khoảng độ từ 5-10 Kiloton mà thôi. Nghĩa là chỉ nhỏ bằng 1/3 hay chỉ một nửa quả bom mà Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945.
Sự thật mấy quả bom của Bắc Hàn nhỏ lắm … Nghĩa là chỉ nhỏ bằng 1/3 hay chỉ một nửa quả bom mà Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945. – Tiến sĩ nguyên tử Phùng Liên Đoàn
Bom (Bắc Hàn cho nổ mới nhất) nhỏ như vậy có hai lý do: thứ nhất kỹ thuật làm bom chưa chính xác đến độ có thể giữ cho trái bom lâu chừng 1/100 của một giây để phản ứng nguyên tử nảy nở ra rất nhiều; thành ra nó vỡ ra quá nhanh. Cũng như một trái pháo nếu quấn thật chặt thì pháo nổ to còn quấn không chặt thì pháo xịt, cũng nổ mà nổ nhỏ.
Bắc Hàn còn hãnh diện cho rằng đó là bom khinh khí; nhưng theo nhiều chuyên viên mà tôi biết thì không phải đâu. Cái này họ chỉ cho một xíu chất gọi là tritium vào trong đó để làm tăng thêm sức mạnh của bom nguyên tử (cũng như nấu ăn cho thêm gia vị vào vậy đó) chứ không hòan tòan phải là bom khinh khí.
Muốn có một trái bom khinh khí phải có hai kỹ thuật rất đặc biệt. Một phải có chất tritium rất là tinh, chỉ khoảng độ 3-4 gram thôi chứ không nhiều. Để có 3-4 gram đó là cả một công trình thanh lọc rất dài và rất khó. Thứ hai phải biết gói ghém nó trong ống rất tinh vi để khi bom nguyên tử nổ ra thì tạo nên rất nhiều nhiệt, tăng nhiệt độ lên đến mấy triệu độ. Từ mấy triệu độ đó chất tritium mới hợp nhau thành ra sức nổ của bom khinh khí. Thành ra những bom khinh khí mà Mỹ, Nga làm ra thì tăng gấp chục lần nhiều hơn quả bom nguyên tử.
Căn cứ vào kết quả địa chấn thì người ta kết luận là bom Bắc Hàn vừa cho nổ là bom nguyên tử có cho thêm tritium để làm gia vị tăng thêm chút xíu nữa. Tuy nhiên kỹ thuật thì chưa thể giữ được cho quả bom khá lâu. Khi nói đến ‘lâu’ của bom là nói đến 1/100 hay 1/1000 của một giây. Phải giữ chứ khi nổ banh ra rồi thì phản ứng dây chuyền của nguyên tử sẽ giảm đi và mất đi, lúc đó chỉ thành cuộc nổ bình thường.”
Một chuyên gia khác là tiến sĩ kỹ sư Chử Nhị Anh hiện làm việc cho cơ quan Vệ tinh Nhân tạo của Hoa Kỳ có giải thích cụ thể:
“Trước hết xin được nói chút xíu về nguyên tử. Tất cả vật chất trong vũ trụ có phần nhỏ nhất gọi là nguyên tử. Trong bảng liệt kê hóa học có khoảng 300 chất, những chất này khác nhau vì có số hạt nhân khác nhau trong chất đó. Ví dụ như hydrogen trong nước chỉ có một hạt nhân tôi, còn những chất nặng như chì đến uranium có 235… ‘cục’ proton như vậy.
Hạt nhân ‘giản dị’ nhất trong vũ trụ là chất hydrogen vì đâu cũng có, từ nước mà ra. Nếu phá vỡ đuợc nguyên tử thì nó sẽ tóat ra năng lượng; mà mỗi một nguyên tử tóat ra một chút xíu năng lượng rồi truyền sang nguyên tử bên cạnh. Chúng ta hãy tưởng tượng như một quả bóng trong đó có hằng triệu nguyên tử như vậy mà khi từng một hạt nhỏ bể ra thì nhân lên hằng tỷ lần. Như chúng ta thấy bom nguyên tử đầu tiên nổ ở Hiroshima và Nagasaki nổ chấm dứt Thế chiến thứ hai đã làm hư cả hai thành phố đó và tàn sát biết bao nhiêu triệu người. Như vậy một nguyên tử chỉ có chút xíu năng lượng nhưng hằng triệu, hằng tỷ cùng nổ ra một lúc thì sẽ vô cùng lớn.
Bom nguyên tử người ta dùng chất nặng như uranium. Như chơi billards, người ta dùng ‘súng’ bắn những hạt nhân với vận tốc cao, bắn vào chất gọi là không bền như uranium, plutonium…Vì không bền nên khi bị bắn vào, các hạt nhân bể ra. Từ chuyên môn gọi là ‘fission’, vì các phần –electron, nucleon, neutron- của mỗi hạt muốn giữ lại với nhau cần năng luợng rất cao nên khi bị bể ra năng lực biến thành sức mạnh vụ nổ. Khi hạt nhân đầu tiên nổ sẽ khiến các hạt nhân chung quanh nổ thành dây chuyền, gây ra sức nổ kinh hòang.
Tôi nghĩ Bắc Hàn muốn dùng neutron bomb vì họ cho rằng khi làm cho mất điện và hệ thống computer của những nước thuộc thế giới giàu có … – Tiến sĩ kỹ sư Chử Nhị Anh
Hydrogen bomb cũng bắt đầu như A bomb, bắn làm các hạt không bền như uranium, plutonium bể (fission). Nhưng trong H-bomb, những chất này để ở giữa chất có nén nhiều Hydrogen. Khi Plutonium bể ra và bắt đầu tạo nên hơi nóng kinh hồn, thì những cái hạt nhân Hydogren vì nóng quá nên bị “chảy ra” như khi ta nướng cái bao nylon chẳng hạn. Nóng quá nên một số hạt Hydrogren bị chảy vào với nhau. Cũng như khi các phần của một nguyên tử gắn với nhau với sức kinh khủng, khi các hạt chảy ra và dính với nhau thì các phần hạt cũng thay đổi những cái gắn bó, cũng tỏa ra sức mạnh (năng lực khổng lồ). Ta gọi nôm na là “chảy ra” hay “dính với nhau”, còn chữ chuyên môn là “fusion”. H-bomb vì có cả hai cái vụ nổ dây chuyền, và vì Hydrogen có khắp nơi mà Plutonium vv rất hiếm, nên có thể tạo nên sức mạnh gấp ngàn lần A-bomb.
Xin nói thêm neutron bomb cũng giống H-bomb nhưng người ta mở những lỗ để khi nổ thì những neutron bay ra và dùng những tia như tia phóng xạ… Neutron bomb dùng để phá xe tăng hay để phá tất cả những mạng lưới điện, điện thọai di động, máy tính. Khi neutron bomb nổ thì làm hư hại các lọai bán dẫn hay điện bị cúp
Tôi nghĩ Bắc Hàn muốn dùng neutron bomb vì họ cho rằng khi làm cho mất điện và hệ thống computer của những nước thuộc thế giới giàu có như Nhật Bản, Hàn Quốc thì họ có thể tấn công được.”
Hiện các quốc gia như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc … là những nơi có cả hai loại bom nguyên tử và bom khinh khí. Tuy nhiên trước thảm họa hủy diệt khi sử dụng loại vũ khí giết người và tàn sát môi trường này, các nước từng ký kết Thỏa ước Không phổ biến Vũ khí nguyên tử.
Tuy nhiên những quốc gia như Bắc Hàn mà tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush từng cho thuộc ‘trục ma quỉ’ vẫn có những hành động mà như lời của tiến sĩ Phùng Liên Đoàn là ‘diễu võ, giương oai’ của kẻ liều lĩnh.