Bóc mẽ chiến thuật mới của TQ ở Biển Đông
Ngày đăng 28-09-2017
- BDN
Trung Quốc sử dụng ngôn từ khác nghe có vẻ lạ hơn nhưng bản chất không thay đổi, thể hiện tham vọng của nước này là chi phối toàn bộ Biển Đông.
Thay vì tập trung vào yêu sách đường lưỡi bò phi lý trên Biển Đông, Chính phủ Trung Quốc được cho là chuyển hướng sang thủ đoạn mới với khái niệm Tứ Sa.
Trước động thái này của Trung Quốc, Ths Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông khẳng định, cái gọi là chiến thuật Tứ Sa của Trung Quốc không hề mới, đó chỉ là thủ thuật của nước này sau khi bị dư luận quốc tế phản bác mạnh mẽ về đường lưỡi bò.
Theo đó, trước đây Trung Quốc đã thành lập trái phép cái gọi là “thành phố Tam Sa” từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam (Trung Quốc gọi lần lượt là quần đảo Nam Sa và Tây Sa), bãi cạn Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa).
Mới đây, nước này thêm vào vùng thứ 4 ở phía bắc Biển Đông là quần đảo Pratas (Đông Sa) gần Hong Kong.
Trung Quốc gọi đó là Tứ Sa và cho rằng nó là vùng nước lịch sử và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.
“Chiến thuật này vẫn nằm trong tham vọng của Trung Quốc là chi phối toàn bộ khu vực Biển Đông, chỉ có điều giờ đây họ nói theo một cách khác, một cách để Trung Quốc né phản ứng của dư luận quốc tế.
Trước đây Trung Quốc đã thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và họ bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài hồi tháng 7/2016 và gọi phán quyết là không có giá trị. Giờ đây, Trung Quốc đẩy mạnh hơn, đưa ra khái niệm Tứ Sa. Về mặt ngôn ngữ nghe có vẻ lạ hơn nhưng về bản chất thì không thay đổi, nó vẫn thể hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc”, Ths Hoàng Việt chỉ rõ.
Vị chuyên gia về Biển Đông khẳng định, dù Tam Sa hay Tứ Sa, Trung Quốc vẫn phải dựa trên luật quốc tế, mà theo luật quốc tế những khái niệm này không hợp lý ở rất nhiều điểm.
Chẳng hạn, ông dẫn ví dụ, bãi Macclesfield được Trung Quốc gọi là quần đảo nhưng đó luôn là một bãi ngầm dưới mặt nước biển, chưa nổi lên lúc nào để Trung Quốc gọi là đảo và xưng chủ quyền.
Tương tự, tòa trọng tài đã phán quyết không một cấu trúc nào thuộc quần đảo Trường Sa có thể đáp ứng là đảo theo điều 121 UNCLOS mà chỉ là đá, do đó không có vùng đặc quyền kinh tế kèm theo.
“Luật pháp quốc tế đang bị Trung Quốc đẩy xuống thứ yếu và gần như Trung Quốc một mình một chợ tung hoành. Có nhiều thứ Trung Quốc bất chấp và không dựa trên luật quốc tế mà chỉ dựa trên tham vọng của mình.
Tuy nhiên, những thứ mà Trung Quốc đưa ra không lừa được ai, nhất là những người hiểu biết luật pháp quốc tế”, Ths Hoàng Việt nhấn mạnh.