Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đọc diễn văn tại Đối thoại Shangri-La

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đọc diễn văn tại Đối thoại Shangri-La
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đọc diễn văn tại hội nghị về hội nghị Đối thoại Shangri-La 30/5/15

Theo VOA – Steve Herman – 01.06.2015

TC kịch liệt bác bỏ chỉ trích của Hoa Kỳ về hành động lắp biển chiếm đất ở Biển Đông.

Đô đốc TC Tôn Kiến Quốc nói trước cử toạ hội nghị thượng đỉnh an ninh ở Singapore, hôm Chủ nhật, rằng việc xây dựng của TC “chính đáng, hợp pháp và hợp lý,’ và các dự án nhằm mục tiêu cung cấp các “dịch vụ công ích quốc tế.”

Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc

Đô đốc TC Tôn Kiến Quốc

Phó Tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân TC khẳng định “Không có thay đổi trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như không có sự thay đổi lập trường của Trung Quốc về giải pháp hòa bình đối với các vụ tranh chấp liên hệ qua thương thảo và tham vấn.”

Viên đô đốc đã bị đặt câu hỏi dồn dập bởi cử tọa đầy hoài nghi, trong đó có giới chức quân sự, các nhà ngoại giao, các học giả và các ký giả. Nhưng viên chức quân đội cao cấp này của TC khư khư sử dụng văn bản đã soạn sẵn mà không đưa ra giải thích nào làm sáng tỏ vấn đề.

Bà Bonnie Glaser cố vấn cao cấp về châu Á của trung tâm nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế, nói với phóng viên của VOA: “Chỉ đơn giản đọc các câu soạn sẵn trả lời các câu hỏi, cho thấy theo tôi nghĩ là ngang nhiên gạt bỏ các mối quan ngại của những thành viên cộng đồng quốc tế tại đây bày tỏ. Và tôi nghĩ quả sẽ có sự thất vọng lớn lao.”

Bà nói thêm rằng việc thiếu các câu trả lời từ ông Tôn làm tăng thêm mức độ lo ngại và dẫn đến kết luận rằng TC có ý định quân sự hoá các đảo đang tranh chấp mà họ đang xây dựng

Viên đô đốc TC đưa ra các tuyên bố một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter chỉ trích thẳng thừng TC hành động “ra ngoài” các chuẩn mực quốc tế giữa lúc hoạt động cải tạo đảo ở tốc độ chưa từng có, và ông nói rằng “chưa rõ TC sẽ đi xa đến mức nào.”

Trong bài diễn văn đọc tại phiên họp Đối thoại Shangri-La hôm Thứ bảy Bộ trưởng Carter nói các hành động này đang gia tăng “nguy cơ tính toán sai lầm và xung đột”.

Ông nêu lên sự kiện TC đã cải tạo trên 800 hecta, nhiều hơn tất cả các nước tuyên bố chủ quyền gộp lại và đã làm công việc này chỉ trong 18 tháng qua. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói:

“Tất cả các bên tuyên bố chủ quyền nên ngưng ngay tức khắc và lâu dài hoạt động cải tạo đất. Chúng tôi phản đối bất cứ hành động quân sự hóa thêm nữa các địa hình trong vòng tranh chấp. Tất cả chúng ta đều biết không có giải pháp quân sự cho cuộc tranh chấp Biển Đông.”

Các rạn san hô và các bãi cạn đang tranh chấp

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ không công nhận bất cứ mưu toan nào của TC tuyên bố lãnh hải vòng quanh các đảo, các rạn san hô và các bãi cạn đang tranh chấp. Ông nói:

“Điều không nên nhầm lẫn là: Hoa Kỳ sẽ bay qua, qua lại bằng tàu và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như lực lượng Hoa Kỳ vẫn làm trên khắp thế giới.”

Ông nói thêm:

“Xét cho cùng thì việc biến một bãi đá ngầm thành một sân bay, đơn thuần là không mang lại các quyền hạn thuộc chủ quyền hay hạn chế việc cho phép qua lại vùng biển và không phận quốc tế.”

Hồi đầu tháng này, quân đội TC đã ra lệnh cho một máy bay trinh sát của Hải quân Hoa Kỳ rời khỏi khu vực đảo Trường Sa, nhưng viên phi công không quan tâm đến đòi hỏi này.

Kế hoạch hàng hải

Trong bài diễn văn, Bộ trưởng Carter cũng loan báo một chương trình hàng hải mới cho vùng, cung cấp ngân khoản 425 triệu đôla nhằm giúp các quốc gia Đông Nam Á nâng cao khả năng hải quân và bảo vệ bờ biển.

Tại cuộc họp báo ngay tại chỗ tiếp theo sau bài diễn văn của Bộ trưởng Carter, một phái đoàn gồm đại biểu của cả 2 đảng quốc hội Hoa Kỳ đang công du trong vùng hỗ trợ lời của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ Cộng hoà tiểu bang Arizona John McCain, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện, nhận định:

“Chúng tôi tin rằng những điều Bộ trưởng Carter nói hôm nay rất quan trọng. Giờ đây chúng tôi muốn thấy những lời nói đó được diễn dịch thành hành động.”

Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ Mazie Hirono của bang Hawaii, nơi Bộ Tư lệnh Thái Bình dương đặt bản doanh, tuyên bố:

“Đất nước chúng ta không lui bước.”

Đối thoại Shangri-La diễn ra chỉ mấy ngày sau khi TC công bố một bạch thư quốc phòng đầy tự tin.

Các nhà phân tích diễn giải văn kiện TC công bố hôm Thứ ba, như một cảnh báo mạnh mẽ cho các nước láng giềng châu Á của Bắc Kinh và cho Washington về “sự can thiệp năng động” của quân đội Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông, nơi TC ráo riết xây dựng các đảo.

Giới chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác nhận, hôm Thứ sáu, rằng các hình ảnh giám sát gần đây của Hoa Kỳ đã phát hiện võ khí của quân đội TC trên một trong các đảo nhân tạo TC xây trong quần đảo Trường Sa.

Các khẩu trọng pháo

Mặc dù điều này không đề ra mối đe doạ quân sự nào cho tàu bè hay máy bay của Hoa Kỳ trong vùng, các khẩu trọng pháo cơ giới được báo cáo nằm trong tầm đạn một hòn đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, trên đó Việt Nam đã bố trí các loại võ khí khác nhau.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, nước đang tranh chấp lãnh thổ riêng rẽ với TC trong vùng biển Hoa Đông, kêu gọi Bắc Kinh “hành xử như một cường quốc có trách nhiệm: và đừng ngăn trở Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani nói, TC nên có “lời nói đi đôi với việc làm.”

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, trong bài diễn văn đọc vào tối Thứ sáu trước cử toạ trên 20 Bộ trưởng Quốc phòng, kêu gọi TC và các nước thành viên khối ASEAN “phá vỡ vòng luẩn quẩn” bằng cách tôn trọng luật quốc tế và ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử.

Các đại biểu cũng đã nghe lời phát biểu của Đô Đốc Harry Harris, tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái bình dương Hoa Kỳ, có trách nhiệm trong một khu vực gồm nửa bề mặt Trái Đất.

Vạn lý Trường thành bằng cát

Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ đã khiến TC bất bình qua việc đề cập các dự án cải tạo đất rộng lớn của TC như “Vạn lý Trường thành bằng Cát” – ông muốn nói đến bức tường thành bảo vệ vùng biên cương của đế chế Trung Hoa thời Tần Thủy Hoàng. Ông nói:

“Tôi không nghĩ rằng tôi đã phản ứng thái quá,” Đô đốc Harris đáp lại câu hỏi của phái đoàn TC về việc ông sử dụng thuật ngữ này.

Mặc dù có những lời qua tiếng lại đôi khi thẳng thừng trong bối cảnh căng thẳng trên biển gia tăng, các đại biểu kỳ cựu tại hội nghị thường niên Đối thoại Shangri-La cho rằng âm điệu ít thù nghịch hơn những năm trước.

Sự kiện diễn ra bên ngoài hội nghị

Có một vài phiền hà xảy ra bên ngoài địa điểm tổ chức hội nghị.

Sáng sớm Chủ nhật, cảnh sát đã bắn chết một người và bắt giữ 2 người, khi một chiếc xe hơi sedan màu đỏ, mà những người này đi trên đó, đâm qua rào chắn an ninh gần Khách sạn Shangri-La.

Chiếc xe hơi trước đó đã bị chận lại tại một trạm kiểm soát được dựng lên giữ an ninh cho hội nghị, nhưng khi được yêu cầu mở cốp xe, người lái xe đã tăng tốc độ tìm cách chạy trốn, theo lời cảnh sát Singapore.

Cảnh sát nổ súng vào chiếc xe hơi, và chiếc xe dừng lại ở một con đường gần khách sạn sang trọng này.

Một thông báo của cảnh sát cho biết họ tìm thấy ma tuý trên người một trong 2 người bị bắt.

Các giới chức trong phái đoàn của ông Carter cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ có mặt trong khách sạn vào lúc sự kiện này diễn ra, nhưng phái đoàn không hay biết sự việc diễn ra cho đến nhiều giờ sau đó họ mới biết được qua tin tức.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã rời Singapore sau đó vào buổi sáng để đi thăm Việt Nam.

Ra vào khách sạn đã bị hạn chế trong nhiều giờ đồng hồ, gây trì hoãn việc đi đến của nhiều đại biểu và ký giả tại địa điểm hội nghị, tuy nhiên phiên họp toàn thể hội nghị vào sáng Chủ nhật đã bắt đầu đúng giờ, với sự tham dự của Đô đốc Tôn cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Đức và New Zealand.