Bộ trưởng Quốc Phòng biến mất : Nội bộ Trung Quốc đang rối rắm ?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bộ trưởng Quốc Phòng biến mất : Nội bộ Trung Quốc đang rối rắm ?

Báo chí Pháp hôm nay 18/09/2023 đề cập đến « Sự mất tích kỳ lạ của Lý Thượng Phúc, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc ». Le Monde đặt câu hỏi : Điều gì đã diễn ra trên thượng tầng quyền lực Bắc Kinh ?

Đăng ngày: 18/09/2023 – 22:0

Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) tại Diễn đàn Quân sự Quốc tế 2023, Công viên Ái Quốc gần Matxcơva (Nga) ngày 15/08/2023.

Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) tại Diễn đàn Quân sự Quốc tế 2023, Công viên Ái Quốc gần Matxcơva (Nga) ngày 15/08/2023. AP – Alexander Zemlianichenko
Thụy My

Hai bộ trưởng quan trọng lần lượt biến khỏi chính trường Trung Quốc

Hai tháng sau khi ngoại trưởng Tần Cương biến mất trên chính trường, đến lượt tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) không còn xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 29/08. Chính quyền im lặng, nhưng điều bất thường là đại sứ Mỹ ở Nhật Bản, Rahm Emanuel, đã đổ dầu vào lửa. Trên danh khoản X (Twitter) chính thức của đại sứ quán hôm 14/09, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng thời Obama nhận xét không ai thấy ông Lý Thượng Phúc từ ba tuần qua. « Ông ta đã không đến Việt Nam, và nay vắng mặt trong cuộc hẹn với chỉ huy thủy quân lục chiến Singapore, phải chăng đang bị quản thúc ? »

Lẽ ra Lý Thượng Phúc sang tham gia một sự kiện với các đồng nhiệm Việt Nam trong hai ngày 7 và 8 tháng Chín, nhưng theo Hà Nội, Trung Quốc đã hủy vì « lý do sức khỏe » của ông Lý. Ông cũng không hiện diện tại Hắc Long Giang hôm 08/09 khi Tập Cận Bình kêu gọi quân đội « duy trì cao độ đoàn kết, an ninh và ổn định », bên cạnh là tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Financial Times dẫn lời các viên chức Mỹ khẳng định tướng Lý đang bị điều tra và ngưng chức.

Năm nay 65 tuổi, Lý Thượng Phúc không chỉ là bộ trưởng mà còn là một trong năm ủy viên Quốc vụ viện. Cho đến nay chỉ có ba quan chức nắm một lúc cả hai chức trách như vậy. Đó cũng là trường hợp của Tần Cương (Qin Gang), bộ trưởng Ngoại Giao đã biến mất từ 28/06 và nay được người tiền nhiệm Vương Nghị thay thế, không rõ do tham nhũng hay một vụ liên quan đến an ninh quốc gia. Dù Tần Cương trước đó là đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Washington chừng như quan tâm đến vụ Lý Thượng Phúc hơn. Hơn nữa quân đội Trung Quốc, một trong những định chế tham nhũng nhất, đang có nhiều lời đồn đãi

Chỉ huy Quân chủng Hỏa tiễn và tàu ngầm nguyên tử mất tích ?

Từ cuối tháng Sáu, có tin tướng Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), tư lệnh Quân chủng Hỏa tiễn dính tai tiếng về vũ khí và con trai đang du học ở Mỹ vướng vào một vụ gián điệp. Người ta cũng nói rằng một trong những chỉ huy của Quân chủng đã tự sát. Hôm 31/07, Tập Cận Bình bổ nhiệm Vương Hậu Bân (Wang Houning), tư lệnh phó hải quân thay thế Lý Ngọc Siêu, và Từ Tây Thịnh (Xu Xisheng), phó chính ủy Chiến khu Nam bộ lên làm chính ủy Quân chủng Hỏa tiễn. Bộ trưởng Lý Thượng Phúc không có mặt trong buổi lễ.

Từ ngày 22/08 một tin đồn khác lan truyền tại Đài Loan và trên mạng xã hội : một tàu ngầm trang bị động cơ nguyên tử của Trung Quốc bị mất tích tại eo biển Đài Loan cùng với 100 thành viên thủy thủ đoàn. Trang web Liberty Times Net tiết lộ tin này, nhưng ngay hôm sau bộ Quốc Phòng Đài Loan bác bỏ và ngày 31/08 đến lượt bộ Quốc Phòng Trung Quốc chính thức bác tin « một tàu ngầm nguyên tử type 093 bị tai nạn nghiêm trọng ».

Một chi tiết khả nghi nữa là Tập Cận Bình dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi từ 21 đến 23/08, nhưng hôm 22/08 bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc bỗng thay ông Tập đọc diễn văn, một điều hoàn toàn bất thường. Cuối cùng, trong hội nghị ngày 28 và 29/08 tại Bắc Kinh về chất lượng thiết bị quân đội, người chủ trì là tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương khẳng định cần phải cải thiện chất lượng thiết bị, có thái độ trách nhiệm đối với « mạng sống của sĩ quan và binh lính » – một điều hiếm thấy.

Khi số phận hơn 1 tỉ người chỉ do một cá nhân quyết định

Le Monde nhận định, những sự kiện trên đây cho thấy nội bộ Bắc Kinh đang lủng củng. Cộng vào đó, loan báo hôm 15/09 rằng Vương Nghị sẽ không đại diện Trung Quốc trong cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra từ ngày 19/09, thay bằng phó chủ tịch nước Hàn Chính (Han Zheng) vốn chỉ đóng vai trò tượng trưng, càng tăng thêm bí ẩn về cách vận hành của quyền lực Bắc Kinh, vào lúc bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình.

Les Echos cho rằng tuy chiếc ghế của ông Tập vẫn vững, nhưng tranh luận sẽ lại dấy lên ở nước ngoài lẫn một phần giới tinh hoa Trung Quốc, về chất lượng của mô hình quản lý chỉ xoay quanh một cá nhân duy nhất. Hứa hẹn ổn định chính trị, « phục hưng » đất nước, nhưng Tập Cận Bình lại phải cách chức hai bộ trưởng quan trọng, chưa đầy sáu tháng sau khi được chính ông ta bổ nhiệm. Đồng thời còn phải xử lý tình trạng kinh tế trì trệ mà nhà độc tài ở Bắc Kinh không lường trước được.

RFIViet