Bộ trưởng Ngoại giao tương lai của Hoa Kỳ bắn phát pháo đầu tiên tấn công Bắc Kinh
Trong buổi điều trần trước Quốc hội để được chính thức phê chuẩn vào chức vụ Bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Rex Tillerson đã tuyên bố rằng những hành động của Trung cộng tại biển Đông cũng giống như việc Nga xâm lấn Crimea.
Ông Tillerson đã tuyên bố rằng phải có biện pháp ngăn chận Trung cộng tiếp cận các hòn đảo nhân tạo tại biển Đông. Tuyên bố này nếu được biến thành chính sách tương lai của Hoa Kỳ sẽ mở ra một cuộc đối đầu nghiêm trọng giữa 2 siêu cường có nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Điều trần trước Quốc hội, ông Tillerson kêu gọi Hoa Kỳ phải gửi một thông điệp rõ ràng đến Trung cộng rằng – điều trước tiên là phải chấm dứt ngay lập tức việc xây dựng các đảo nhân tạo tại biển Đông; và thứ hai là Hoa Kỳ sẽ ngăn chặn không cho Trung cộng đến các đảo nhân tạo này.
Nếu thông điệp của ông Tillerson được biến thành hành động cụ thể sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống thì đây là một bước ngoặc lớn trong thái độ của Hoa Kỳ đối với việc Trung cộng xây những đảo nhân tạo tại biển Đông.
Theo các chuyên gia của Hoa Kỳ thì ý đồ của Trung cộng trong việc xây dựng các đảo nhân tạo là từng bước biến biển Đông hầu như thành một “cái hồ Trung Quốc”.
Dưới thời của chính phủ Obama, Hoa Kỳ nhiều lần cảnh báo Trung cộng đã quá đáng trong việc tuyên bố chủ quyền tại biển Đông qua việc sử dụng những tàu chiến gần các đảo nhân tạo trong đó có những hạ tầng cơ sở như đường sân bay, bến cảng sâu. Tuy nhiên, Trung cộng đã xem thường những cảnh báo của Hoa Kỳ và tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo với các hệ thống radar quân sự.
Tuyên bố của ông Rex Tillerson với hàm ý Hoa Kỳ sẽ dùng hải quân để ngăn chận Trung cộng tiếp cận các đảo nhân tạo đã làm cho các nhà phân tích Trung quốc vừa ngạc nhiên, vừa không tin nỗi và xem đó là những đe dọa chiến tranh của Hoa Kỳ. Riêng phía truyền thông quốc doanh của nhà nước Trung cộng đã phản ứng mạnh mẽ, cảnh báo rằng mọi hành động theo ý hướng của ông Tillerson sẽ buộc dẫn đến một cuộc đối đầu đầy thảm họa và cả 2 phía sẽ phải chuẩn bị cho một cuộc đụng độ quân sự.
Ông Rex Tillerson từng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của đại công ty dầu hỏa Exxon Mobil. Ông từ nhiệm chức vụ này sau khi được Donald Trump đề nghị giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong nội các mới của Trump. Ông được xem là người có quan hệ làm ăn mật thiết với Tổng thống Nga là Vladimir Putin và có nhiều kinh nghiệm trong những vụ tranh chấp với Trung cộng về chủ quyền dầu hỏa tại biển Đông trong lúc là ông đang là CEO của Exxon Mobil.
Trong thời gian ông lãnh đạo, Exxon Mobil đã thiết lập quan hệ gần gũi với nhà cầm quyền CSVN. Exxon Mobil đã ký một thỏa thuận với PetroVietnam để khai thác dầu hỏa tại 2 khu vực nằm trong vùng biển Đông. Thỏa thuận này đã được ký kết bí mật vì nó đi ngược lại những tuyên bố chủ quyền của Trung cộng nhưng sau đó bị tiết lộ ra trong một công điện ngoại giao.
Exxon Mobil hiện chỉ có một thị trường dầu hỏa tương đối nhỏ tại Trung cộng. Ngược lại, tại Việt Nam, viễn ảnh phát triển của công ty này được xem là khổng lồ với dung lượng dầu hỏa có thể khai thác ở biển Đông lên đến 11 tỉ thùng dầu và 190 ngàn tỉ feet khối khí đốt tự nhiên.
Tuyên bố của ông Rex Tillerson rõ ràng là đã tạo thêm sự căng thẳng trong mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới. Sau sự việc Tổng thống tân cử Donald Trump điện đàm với Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan, tuyên bố sẽ gia tăng thuế lên các mặt hàng của Trung Quốc, tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sắp kế nhiệm là dấu hiệu cho thấy chính quyền Donald Trump sẽ thay đổi toàn bộ chính sách đối đầu với Trung cộng, được xây dựng hơn 40 năm kể từ thời tổng thống Richard Nixon.
13.01.2017
Nguồn:
* Bài trích đăng chỉ nhằm mục đích thông tin. Nội dung bài viết không nhứt thiết phản ảnh quan điểm của Website. BBT