Bộ Ngoại Giao Việt Nam nay dám nói Trung Quốc ‘chiếm đoạt’ Hoàng Sa.
[Ảnh minh họa trên internet]
January 20, 2024
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một ngày sau hôm tưởng niệm 50 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm, bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bỗng nhiên viện dẫn “…Vào ngày 19 Tháng Giêng, 1974, Trung Quốc đã ngang nhiên sử dụng vũ lực để chiếm đoạt quần đảo này.”
Báo Tuổi Trẻ hôm 20 Tháng Giêng dẫn lời bà Hằng: “Các hành động sử dụng vũ lực không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền, cũng như làm thay đổi sự thật chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.”
Bộ Ngoại Giao Việt Nam nhấn mạnh: “Chân lý, lẽ phải và cơ sở pháp lý đối với chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam, bất chấp sự việc có lùi xa bao nhiêu năm.”
Bản tin được cho là viết theo quan điểm của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, nhắc lại sự kiện lịch sử: “…Vào ngày 19 Tháng Giêng, 1974, Trung Quốc đã ngang nhiên sử dụng vũ lực để chiếm đoạt quần đảo này. Chính quyền Trung Quốc cũng xây dựng và cải tạo trái phép các thực thể bị chiếm đóng ở Hoàng Sa, dù có sự phản đối của quốc tế và Việt Nam.”
“Bất chấp các hành động của Trung Quốc, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhấn mạnh sự phù hợp với luật pháp quốc tế,” theo báo Tuổi Trẻ.
Bà Hằng cũng nhắc lại “điệp khúc” quen thuộc về chuyện Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
Tuy đưa ra phát ngôn có vẻ “mạnh miệng,” dám dùng từ “chiếm đoạt” để mô tả hành động Trung Quốc nhưng bà Hằng tránh đề cập đến VNCH và trận hải chiến Hoàng Sa hồi năm 1974.
Việc bà Phạm Thu Hằng lên tiếng về Hoàng Sa chậm một ngày so với sự kiện tưởng niệm được hiểu là cách Việt Nam tránh làm phật ý Trung Quốc, trong lúc lãnh đạo Việt-Trung đang trao đổi điện mừng 74 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Các năm gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn giành thế “độc quyền” tưởng niệm Hoàng Sa với việc cho các báo đưa tin “có chừng mực” về sự kiện, trong lúc trấn áp triệt để các hoạt động biểu tình, thắp nhang hoặc giương biểu ngữ lên án Trung Quốc của giới xã hội dân sự.
Thay vào đó, một số người thuộc giới tranh đấu chỉ có thể tưởng niệm âm thầm tại tư gia của họ hoặc bày tỏ ý kiến trên trang cá nhân. (N.H.K)