Bộ lọc văn hóa
Tiếp thu văn hóa Trung Hoa, nhưng nhờ có bộ lọc tốt, sinh viên miền Nam xuống đường chống TC cưỡng chiếm Hoàng Sa. Ảnh: internet.
Manh Kim 15-7-2016
Miền Nam trước 1975 in đậm văn hóa Trung Hoa. Sách báo văn hóa Trung Hoa bán khắp nơi và số học giả nghiên cứu văn học-triết học Trung Hoa có thể nói nhiều không thua giới nghiên cứu Tây học. Sách triết học cổ đại Trung Hoa thậm chí được đón đọc nhiều hơn sách triết phương Tây. Tập “Cổ Học Tinh Hoa” của hai cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần Lê Nhân (in từ thập niên 1920), với những mẩu chuyện ngắn về đạo lý và đạo đức, về tu tâm dưỡng tánh, về nhân quả nhãn tiền, là một trong những đầu sách in đi in lại không biết bao nhiêu lần.
Người dân thích ẩm thực Tàu, đọc truyện Tàu, xem hồ quảng-cải lương-hát bội dựng lại từ tuồng tích Tàu. Báo chí đăng nhiều kỳ truyện kiếm hiệp Kim Dung. Thanh niên bàn tán các thần tượng điện ảnh võ thuật Hong Kong, từ Địch Long, Khương Đại Vệ đến Vương Vũ. Vài quán bar Sài Gòn thậm chí có chương trình hát nhạc Hoa ngữ, với các ca sĩ gốc Hoa Hoàng Lệ Quân, Triệu Mẫn…
Sách vở đầy từ Hán-Việt. Chợ Lớn và người Hoa Chợ Lớn là một phần của Sài Gòn. Người Việt (miền Nam lúc đó) không có lý do gì để ghét người Hoa và bài xích văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên, yêu thích văn hóa Trung Hoa không có nghĩa tự nguyện bị tròng vào cái xích nô lệ văn hóa.
Điều gì khiến miền Nam không bị ảnh hưởng trong khi văn hóa Trung Hoa tràn lan? Có lẽ vì miền Nam được thụ hưởng một nền giáo dục và không khí tự do trong giáo dục quá tốt. Sự đón nhận văn hóa Trung Hoa tại miền Nam VNCH thật ra cũng hệt sự đón nhận văn hóa thế giới nói chung. Người ta đọc Lâm Ngữ Đường theo cách cũng như họ đọc Henry Miller hoặc Jean Paul-Sartre.
Sự tiếp nhận đó là sự tiếp nhận tư tưởng và cái đẹp của văn hóa nhân loại, một cách tự do và độc lập. Nó không phải là sự tiếp nhận do bị bắt buộc. Nó không phải là sự tiếp nhận bởi định kiến và những ràng buộc áp đặt. Không ai, thời đó, có thể ép người khác phải đọc sách này và cấm đọc sách khác. Nền giáo dục tốt trên tinh thần tự do không chỉ đưa đến sự chọn lựa tự do trong tiếp nhận mà còn, cuối cùng, tạo ra được một bộ lọc tốt. Nó mang lại cho xã hội cơ chế tự lọc, giúp phân biệt được tư tưởng các bậc học sĩ Trung Hoa khác với “tư tưởng Mao Trạch Đông” như thế nào.
Cần nhấn mạnh nữa: trong giai đoạn hoàng kim của văn hóa miền Nam, lịch sử dân tộc là điều mà chưa bao giờ bị thờ ơ. Tuổi thơ trẻ em lớn lên với hình ảnh Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, với Thoát Hoan chui nhục vào lỗ ống đồng. Tuổi thơ trẻ em lớn lên với “Tuấn, chàng trai nước Việt” của Nguyễn Vỹ, với “Mơ thành người Quang Trung” của Duyên Anh…
Bài học Bạch Đằng Giang chưa bao giờ bị bỏ quên hoặc được đặt sự quan tâm sau vở cải lương “Lữ Bố hí Điêu Thuyền”. Người dân thời đó có thể thuộc vanh vách những câu chuyện về Gia Cát Lượng nhưng cùng lúc họ cũng thuộc nằm lòng để kể cho con cháu những câu chuyện đánh giặc phương Bắc hiển hách sử nhà.
Nhờ đâu? Một lần nữa, tôi tin rằng chỉ có một nền giáo dục cực tốt mới tạo ra sự phân biệt rạch ròi như vậy. Văn hóa Trung Hoa, do đó, không thể đè bẹp văn hóa Việt. Văn hóa Trung Hoa vẫn nằm một góc nhỏ trên cái kệ sách Việt khổng lồ. Văn hóa Trung Hoa, những cái tốt cũng như xấu của nó, cũng chỉ là một “tham chiếu” cho hệ tư tưởng và nhân văn Việt.
“Bộ lọc” ấy ngày nay còn không? Không thể nói nó biến mất hoàn toàn nhưng nó đã bị mai một quá nhiều, cùng với sự tụt dốc bi thảm của nền giáo dục và chính sách giáo dục hiện tại. Bộ lọc hoen gỉ, qua thời gian, bây giờ, không còn đủ sức cản lại chất bẩn từ cơn lốc “văn hóa” ào ạt đổ vào từ phía Bắc. Nó không phải là cơn gió lành của tinh hoa văn hóa Trung Hoa, vốn đã bị chính cộng sản Trung Quốc vùi dập và chôn lấp, mà là cơn gió độc của thứ văn hóa tuyên truyền. Nó tuyên truyền sự thuần phục, một cách khéo léo, về quan hệ nước lớn-nước nhỏ. Nó đánh bóng lại tư tưởng “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Nó sửa lại lịch sử thậm chí đối với cả lịch sử đất nước mình.
10 tỉ USD/năm, như David Shambaugh viết trên Foreign Affairs, là số tiền mà Bắc Kinh dùng cho các chiến dịch tuyên truyền bằng phim ảnh, báo chí, thể thao, nghệ thuật… Mỗi tháng 12, SCIO (“Quốc vụ viện tân văn biện công thất”) tổ chức hội nghị thường niên để hoạch định kế hoạch tuyên truyền cho năm tới. SCIO hướng dẫn và chỉ thị gần như mọi công tác liên quan truyền thông, từ báo chí đến điện ảnh, với mục tiêu nhắm vào Đài Loan, Hong Kong, cộng đồng người Hoa hải ngoại, các nước khu vực. Mục tiêu là thâm nhập vào văn hóa các nước láng giềng, đặc biệt bằng điện ảnh truyền hình. Nói cách khác, văn hóa Trung Quốc bây giờ là văn hóa được thiết kế để “tuyên truyền mềm”. Nó ngấm dần, thẩm thấu từng chút một, từ từ ảnh hưởng rồi lấn át văn hóa bản địa.
Nếu không có bộ lọc tốt, không có sức đề kháng và thậm chí không có sức phản công, đặc biệt không có một nền giáo dục khai sáng và tự do giúp tạo ra một bộ lọc biết nhìn ra chân-giả, văn hóa bản địa sẽ chết. Một cái chết rất chậm, đến mức không nhận ra, cho đến khi cái xác được ném xuống huyệt mộ. Cho nên, đừng nói rằng phản ứng với cơn lốc văn hóa Trung Cộng là cực đoan. Hãy dành những từ “tử tế” này để cầu nguyện cho cái chết văn hóa nước nhà.
https://www.facebook.com/nguyen.manhkim/posts/10154659905009796
Bài trích đăng chỉ nhằm mục đích thông tin. Nội dung bài viết không nhứt thiết phản ảnh quan điểm của Website. BBT