Bộ Chính trị tung ra quy định ‘luân chuyển cán bộ’ nhằm mục tiêu gì?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bộ Chính trị tung ra quy định ‘luân chuyển cán bộ’ nhằm mục tiêu gì?
Calitoday                                                                                                                                
8/10/2017
Thiền Lâm
Việt Nam – Cali Today News – Chính trường Việt Nam có lẽ lại sắp có biến động lớn, bằng vào thiết chế “đảng điều hành” thay cho “đảng lãnh đạo” như trước đây.
Cựu Trưởng ban tổ chức trung ương Tô Huy Rứa – nhân vật được xem là “kiến trúc sư” của các đợt luân chuyển cán bộ vào năm 2015 mà đã giúp cho ông Nguyễn Phú Trọng lật ngược thế cờ trước ông Nguyễn Tấn Dũng ngay trước đại hội 12. Ảnh: Người đưa tin

Ngày 7/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.

Mặc dù việc luân chuyển cán bộ đã được các cơ quan đảng thực hiện từ lâu, đặc biệt là vào thời gian gần một năm trước đại hội 12, nhưng đảng văn trên là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, được xem là “cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý”.

Một số nội dung đáng chú ý trong văn bản trên:
“Chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ (trừ trường hợp nhằm mục đích tăng cường cán bộ cho cơ sở, cho lĩnh vực hoặc địa bàn cần thiết).
Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển.
Cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị, cụ thể: Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy và tương đương, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện; trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Quy định, thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng) đối với một chức danh (trừ chức danh kiêm nhiệm). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Trong thực tế, “luân chuyển cán bộ” có tác dụng thế nào trong những cuộc đua quyền lực?
Hãy nhìn lại một thế cờ khá liều lĩnh nhưng lại chế ngự phần lớn bàn cờ đại hội 12: vào quý đầu năm 2015 và trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 11, Ban Tổ chức Trung ương của ông Tô Huy Rứa đã bất ngờ thực hiện một đợt điều động nhân sự từ các địa phương ra Trung ương và từ Trung ương về địa phương, tổng cộng lên đến gần sáu chục người.
Trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 12 vào tháng 10/2015, lại có thêm một đợt điều động nhân sự hai chiều như thế với con số ước khoảng hai chục người.
Tình hình biến động nhân sự cấp kỳ như vậy đã khiến cán cân lực lượng trở nên cân bằng hơn, khác khá nhiều với thế một chiều đi lên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Trung ương 10 vào đầu năm 2015 – khi chỉ số thăm dò của ông Dũng được xem là cao nhất trong Bộ Chính trị. Trước đó, thậm chí còn có thông tin cho biết Thủ tướng Dũng “nắm” đến gần 70% nhân sự trên tổng số 200 thành viên Ban Chấp hành Trung ương.
Chưa kể đến con số ủy viên Trung ương khoảng 70 người do bên đảng muốn “tăng cường” trong thời gian tới, tình hình nhân sự trong Ban Chấp hành Trung ương hiện thời có vẻ được kiểm soát khá chặt chẽ bởi Ban Tổ chức Trung ương – cũng được hiểu là “cánh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phần lớn dàn nhân sự đầu não tỉnh/thành ủy mà Tô Huy Rứa đã bỏ công tiến hành chiến dịch “luân chuyển cán bộ” vào năm 2016 để giúp cho Tổng Bí thư Trọng tạo nên kỳ tích “tôi bất ngờ” trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại đại hội 12: “Trọng ở, Dũng về”.
Còn sắp tới dây là thời “hậu Nguyễn Tấn Dũng”. Ông Dũng dù đã “nghỉ”, nhưng “dây rợ” của ông Dũng vẫn còn vô số. Không chỉ thế, còn đủ thứ “dây rợ” của các nhóm quyền lực mang sắc thái sứ quân khác mà luôn dẫn đến nguy cơ soán đạt quyền hành của chế độ tập quyền trung ương.
Bởi thế, từ năm 2015, đảng đã “sáng tác” ra một cơ chế mới” Nhất thể hóa.
Một khi “nhất thể hóa” nhằm tăng cường xu hướng tập quyền cho đảng đươc triển khai rộng bằng một quy định khá cụ thể, người ta sẽ chứng kiến quyền lực của các cơ quan đảng không những không bị co hẹp vì “khó khăn ngân sách” mà còn mạnh hơn trong thời gian tới. Nhưng sẽ có một khác biệt rất cơ bản là nếu trước đây đảng chỉ “lãnh đạo đường lối” thì trong thời gian tới, hàng loạt nhân sự của đảng sẽ được cho kiêm chức bên chính quyền trung ương và cả chính quyền địa phương, lấy đó làm cơ sở để “người của đảng” kiêm việc điều hành chính quyền, và từ đó sẽ xuất hiện một cơ chế “chính ủy trong chính quyền”.
Xin mời quý vị xem Video: Hội nghị Trung ương 6 ngày thứ 4: Đề cử 2 nhân sự thay thế Chủ tịch Nước Trần Đại Quang vì lý do gì?

            
Sẽ có nhiều nhân vật chủ tịch tỉnh/thành phải tự giác nhường ghế chính quyền cho các “chính ủy”. Nhưng trước hết, đảng có thể “thí điểm” kế hoạch “nhất thể hóa” tại một số tỉnh thành lớn. Sau đó mới đến chuyện “đánh ngược lên” cấp trung ương.
Đã từng thành công quá khứ gần, cơ chế “luân chuyển cán bộ” có thể sẽ được ông Nguyễn Phú Trọng và người kế nhiệm Tô Huy Rứa là Phạm Minh Chính tiến hành không mấy khó khăn. Theo đó, ngay trong năm 2018 sẽ diễn ra những biến động lớn về nhân sự ở nhiều tỉnh và thành phố.
Nếu đà “luân chuyển cán bộ” và “nhất thể hóa” thuận lợi, lẽ đương nhiên bên đảng và do đó tổng bí thư sẽ “nắm” hết. Mô hình “đảng điều hành” thay cho “đảng lãnh đạo” sẽ ứng với hai chức danh chính là tổng bí thư và thủ tướng mà không quá cần thiết vai trò chủ tịch nước.
Thiền Lâm
(Cali Today)