Bộ Chính trị có làm sai quy định của đảng trong vụ Đinh La Thăng?
9-12-2017
Vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng hôm qua có một chi tiết đáng chú ý: ông Thăng bị bắt khi chưa bị cách hết chức vụ trong đảng như thông lệ, mà chỉ bị Bộ Chính trị “đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy.” [1]
Để hiểu và đánh giá diễn biến này cần điểm qua một số sự kiện quan trọng trong tiến trình xử lý kỷ luật ông Thăng.Hồi tháng 5, trong khuôn khổ Hội nghị TƯ 5, Bộ Chính trị có tờ trình ra Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) đề nghị kỷ luật ông Thăng. Không rõ mức đề xuất của Bộ Chính trị là gì, nhưng BCHTW (hơn 90%) bỏ phiếu quyết định chỉ cảnh cáo ông Thăng, cho thôi ủy viên Bộ Chính trị, chuyển sang vị trí khác. [2]
Kỷ luật đảng viên, theo Điều lệ Đảng, có 4 mức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Vậy thì, quyết định cảnh cáo của BCHTW cho thấy, bất luận Bộ Chính trị muốn xử nặng Đinh La Thăng ra sao, đa số ủy viên Trung ương, ít nhất là ở thời điểm đó, vẫn muốn cho ông ấy một đường lùi.
Hội nghị TƯ 6 vào tháng 10 diễn ra trong bối cảnh Trịnh Xuân Thanh, người được cho là con át chủ bài trong hồ sơ Đinh La Thăng, đã nằm gọn trong tay cơ quan điều tra được hơn 3 tháng. Nhiều người đã dự đoán Bộ Chính trị sẽ tiếp tục có một tờ trình khác để BCHTW đưa ra quyết định kỷ luật nặng hơn đối với Đinh La Thăng – người lúc này chỉ còn là một ủy viên Trung ương, nhằm mở đường cho việc bắt giữ. Nhưng cuối cùng thì Hội nghị đã kết thúc mà không nhắc gì đến ông Thăng cả.
Vì sao lại như thế? Có thể có 2 khả năng sau:
Một là Bộ Chính trị lo ngại không thuyết phục được BCHTW “cách chức” hoặc “khai trừ” Đinh La Thăng. Nếu kết quả bỏ phiếu vẫn chỉ ở mức “cảnh cáo” như Hội nghị lần trước thì đây có thể coi là một thất bại của Bộ Chính trị.
Hai là Bộ Chính trị bị vướng vào Quy định 181-QĐ/TW, theo đó, đảng viên dù có một hay nhiều vi phạm trong thời điểm xem xét, sẽ gom chung lại KỶ LUẬT MỘT LẦN BẰNG MỘT HÌNH THỨC KỶ LUẬT [3]. Nghĩa là BCHTW đã kỷ luật cảnh cáo ông Thăng ở Hội nghị trước rồi thì ở Hội nghị này không thể xem xét lại vi phạm của ông trong vụ việc cũ để đưa ra một hình thức kỷ luật khác nữa.
Thế thì, nếu Bộ Chính trị vẫn muốn bắt ông Thăng, nhưng không muốn bị mang tiếng là bắt một ủy viên Trung ương đang tại nhiệm, Bộ Chính trị phải làm thế nào?
Sáng kiến của Bộ Chính trị là ra quyết định “đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy (BCHTW)” đối với ông Thăng. Không được sinh hoạt trong BCHTW nữa thì cũng có thể coi là không mang tư cách ủy viên Trung ương, nên công an có bắt ông Thăng thì cũng chẳng thể coi là bắt một ủy viên Trung ương được.
Quyết định “đình chỉ” này theo Bộ Chính trị được ban hành dựa trên Quy định số 30-QĐ/TW, nhưng nếu đọc kỹ Quy định này sẽ thấy, Bộ Chính trị hoàn toàn KHÔNG CÓ THẨM QUYỀN “đình chỉ sinh hoạt” ông Đinh La Thăng.
Quy định 30 nêu rõ chỉ tổ chức đảng có thẩm quyền khai trừ/cách chức một đảng viên thì mới được phép “đình chỉ sinh hoạt đảng/sinh hoạt cấp ủy” đối với đảng viên đó (Điều 40.4.2). Mà ông Thăng là ủy viên Trung ương nên theo Điều 36.3, BCHTW là tổ chức đảng duy nhất có quyền khai trừ/cách chức ông Thăng. Và bởi vậy, cũng chỉ có BCHTW mới có quyền “đình chỉ sinh hoạt” ông ấy. [4]
Thật khó có thể tin rằng một tập thể quyền uy như Bộ Chính trị, đứng đầu bởi một người am tường quy chế đảng như TBT Nguyễn Phú Trọng lại mắc lỗi thẩm quyền nghiêm trọng như thế này. Chỉ có thể giải thích là vì quá muốn trừng trị Đinh La Thăng mà họ đã đặt quy chế đảng sang một bên – một tiền lệ nguy hiểm chẳng khác nào “mở cánh cửa địa ngục” ngay trong lòng nội bộ đảng. Mở ra thì dễ, nhưng quan trọng hơn là sẽ đóng lại thế nào?