Bộ Ngoại giao Mỹ họp báo về chuyến thăm Việt Nam của Obama
Ngày 18/5, Trung tâm Báo chí Quốc tế (FPC) Bộ Ngoại giao Mỹ đã tổ chức họp báo về chuyến thăm chính thức tới Việt Nam từ ngày 23-25/5 của Tổng thống Barack Obama.
Tham gia cuộc họp báo là Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Daniel Kritenbrink và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á -Thái Bình Dương Daniel Russel.
Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Daniel Kritenbrink. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Mỹ)
Tại đây, ông Kritenbrink đã thông báo lịch trình chính thức chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Obama như đã công bố trước đó. Tổng thống Mỹ sẽ khởi hành vào 21/5 (giờ Mỹ) để đến Hà Nội. Tại đây, ông sẽ tiến hành các cuộc họp và tham dự sự kiện cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Cũng tại Hà Nội, Tổng thống Obama sẽ có bài phát biểu về quan hệ Việt – Mỹ và gặp gỡ với các nhóm xã hội dân sự. Sau đó, ông sẽ tới Saigon để gặp gỡ các thành viên của tổ chức Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp tại đây.
Củng cố các cam kết
Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nhận định, chuyến công du châu Á của Tổng thống Obama phù hợp với những cam kết của Washington với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chuyến đi này sẽ củng cố chiến lược tái cân bằng châu Á của Tổng thống Obama, điều đã được nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN ở Sunnylands (Mỹ) vào tháng 2 vừa qua cũng như trong các cuộc gặp ba bên Mỹ – Nhật – Hàn và cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân vào tháng 3, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vào tháng Một…
Chuyến công du châu Á lần này của ông Obama biểu thị rõ ràng hai yếu tố quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ: Thứ nhất, xây dựng quan hệ đối tác với nước “mới nổi” trong khu vực, như Việt Nam. Thứ hai, tăng cường quan hệ đồng minh với Nhật Bản – trọng tâm của chiến lược châu Á mà Washington theo đuổi.
Đặc biệt, tại Việt Nam, Tổng thống Obama sẽ cùng các lãnh đạo Việt Nam trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Toàn diện trong một loạt lĩnh vực như hợp tác kinh tế – thương mại, giao lưu nhân dân, an ninh, nhân quyền cũng như các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm.
Tất cả những tiến bộ trong các lĩnh vực hợp tác mà Việt Nam và Mỹ đã đạt được trong 20 năm qua đã tạo một nền tảng vững chắc cho những gì hai bên có thể đạt được trong 20 năm tới và xa hơn nữa. (Nguồn: ĐSQ Mỹ tại Việt Nam)
Thông qua các cuộc gặp chính thức và hoạt động tại Việt Nam, Tổng thống Obama muốn nêu bật bề rộng và chiều sâu của mối quan hệ đối tác Việt – Mỹ, cũng như những bước tiến nổi bật mà hai nước đã đạt được trong những năm gần đây.
Thúc đẩy quan hệ nhiều mặt
Theo ông Kritenbrink, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa Mỹ với Việt Nam. Phía Mỹ cũng kỳ vọng có thể đạt được một số thỏa thuận hợp tác về thương mại trong chuyến thăm này để chứng minh cho những lợi ích đặc biệt khi hợp tác kinh tế với Việt Nam.
Về hợp tác an ninh-quốc phòng, ông Kritenbrink nhấn mạnh Việt Nam và Mỹ đã cam kết thúc đẩy an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương dựa trên nguyên tắc tôn trọng hòa bình và luật pháp quốc tế. Ông khẳng định một trong những điểm định hình quan hệ đối tác Việt – Mỹ thế kỷ XXI là những cam kết chung nhằm thúc đẩy trật tự khu vực châu Á – Thái Bình Dương dựa trên các nguyên tắc và thông lệ quốc tế.
Phía Mỹ mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam trên một loạt lĩnh vực từ giáo dục, cứu trợ thảm họa, viện trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình cho tới an ninh hàng hải.
Về quan hệ ngoại giao nhân dân, hợp tác giáo dục Việt – Mỹ đã giúp xây dựng lòng tin và sự hiểu biết giữa nhân dân hai quốc gia. Hiện Việt Nam là quốc gia có nhiều sinh viên theo học các trường đại học Mỹ hơn bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào. Đây chính là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ Việt – Mỹ ngày càng phát triển trong nhiều thập kỷ tới.
Về hợp tác giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, Washington cho rằng, đây là một lĩnh vực còn nhiều dư địa để phát triển quan hệ hợp tác Việt – Mỹ trong nhiều năm tới: Hai bên đã và đang hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực như sức khỏe, chống phổ biến hạt nhân, biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình hay cấm buôn bán động vật hoang dã.
Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Daniel Kritenbrink khẳng định: “Tất cả những tiến bộ trong các lĩnh vực hợp tác mà Việt Nam và Mỹ đã đạt được trong 20 năm qua đã tạo một nền tảng vững chắc cho những gì hai bên có thể đạt được trong 20 năm tới và xa hơn nữa”.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel một lần nữa khẳng định chuyến thăm của Tổng thống Obama thật sự là một chuyến thăm lịch sử. (Nguồn: FPC DoS)
Trong khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Russel một lần nữa khẳng định chuyến thăm của Tổng thống Obama thật sự là một chuyến thăm lịch sử. Theo ông Russel, chuyến thăm đầu tiên của ông Obama tới Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương Việt Nam-Mỹ. Ông nhấn mạnh Việt Nam là một đối tác trong khuôn khổ hiệp định TPP, cũng như là một đối tác luôn tuân thủ và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước khung Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đồng thời giải quyết hòa bình các căng thẳng và tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam cũng là một đối tác bảo vệ sông Mekong như là một nguồn sống của hàng triệu người tại một số quốc gia sống dọc hai bờ sông.
(theo Bộ Ngoại giao Mỹ/ Thế giới & việt nam) Minh Tuấn