Bình Nhưỡng cố tình lộ tin mật về vũ khí : Hù dọa và tuyên truyền
Một thử nghiệm cho hỏa tiễn xuyên lục địa tại trung tâm không gian Sohae, Bắc Triều Tiên.Ảnh KCNA công bố ngày 09/04/2016.Reuters
Trong những ngày qua, thông tin về các bước tiến của chế độ Bình Nhưỡng trong việc hoàn thiện tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân liên tiếp được tung ra. Điểm khác thường là chính truyền thông chính thức của Bắc Triều Tiên lại là phía tiết lộ các thông tin trên nguyên tắc là tuyệt mật. Theo giới phân tích, mục tiêu chính của Bình Nhưỡng trong hành động này hù dọa và tuyên truyền. Câu hỏi đặt ra là phải chăng đó chỉ là « thùng rỗng kêu to ».
Hãng tin Anh Reuters ngày 12/04/2016 ghi nhận rằng cho đến gần đây, tìm kiếm thông tin về chương trình vũ khí Bắc Triều Tiên là một công việc rất gian nan, với các chuyên gia phải căng mắt phân tích các hình ảnh vệ tinh, những mẫu hạt nguyên tử li ti thu thập sau các vụ thử nghiệm, những mảnh vỡ tìm được sau những vụ thử tên lửa…
Giờ đây thì không cần khổ nhọc như vậy nữa : từ hơn một tháng nay, Bình Nhưỡng đã cho công bố một loạt bài báo với ảnh màu minh họa về các vụ thử nghiệm tên lửa cùng với các hoạt động cho thấy nỗ lực của Bắc Triều Tiên trong việc hoàn thiện tên lửa đạn đạo liên lục địa, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Làm điều chưa từng thấy để tuyên truyền
Trả lời hãng Reuters, ông John Schilling, một kỹ sư hàng không không gian chuyên nghiên cứu vệ tinh và các hệ thống phóng vệ tinh, đã không che giấu ngạc nhiên : « Những bức ảnh chụp cận cảnh những hoạt động thử nghiệm gần như là điều chưa từng thấy tại Bắc Triều Tiên ».
Theo chuyên gia này, mục tiêu tuyên truyền của Bắc Triều Tiên rất rõ ràng : Bình Nhưỡng muốn cả thế giới tin rằng họ thực sự có năng lực trong lãnh vực phóng tên lửa đạn đạo được gắn đầu đạn hạt nhân.
Bên cạnh đó, ý đồ hù dọa các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, và nhất là Mỹ, bị Bắc Triều Tiên xếp vào diện kẻ thù số một cũng rất lộ rõ.
Đối với chuyên gia tên lửa Michael Elleman, thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS, các tiết lộ về chương trình vũ khí, các tuyên bố, thông báo về các vụ thử nghiệm « thành công », tất cả những yếu tố này đều nhằm cảnh cáo Washington là Bình Nhưỡng « đang hoặc sắp sở hữu một tên lửa hạt nhân tầm xa có khả năng đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ ».
Năng lực thực thụ của Bắc Triều Tiên vẫn là một ẩn số
Cho đến nay, các chính quyền Hàn Quốc, Nhật Bản hay Hoa Kỳ, vẫn hoài nghi về năng lực quân sự thực thụ của Bình Nhưỡng.
Chính là để xóa tan thái độ hoài nghi nói trên mà Bắc Triều Tiên liên tiếp có những tiết lộ mang tính chất « nói có sách, mách có chứng ». Giáo sư Yang Moo Jin thuộc trường Đại Học Triều Tiên Học ở Seoul ghi nhận : « Đối với mỗi quân đội, chương trình phát triển vũ khí trên nguyên tắc là tuyệt mật… Thế nhưng trong nhiều năm trời, Kim Jong Un đã vấp phải thái độ của Hàn Quốc và Hoa Kỳ luôn coi thường năng lực của Bắc Triều Tiên. Vì thế Kim Jong Un đã tìm cách tăng cường tối đa mối lo ngại nơi các đối thủ về đe dọa đến từ các vũ khí mà Bình Nhưỡng đang phát triển ».
Vấn đề đặt ra đối với Bắc Triều Tiên là đất nước khép kín với thế giới bên ngoài này thường có những lời lẽ phô trương quá lố, lại nổi tiếng là hay ngụy tạo hình ảnh và video để phục vụ mục tiêu tuyên truyền. Trong bối cảnh đó, bất chấp những hình ảnh được đưa ra, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ý hoài nghi.
Ông Markus Schiller, một kỹ sư Đức trong ngành hàng không vũ trụ thường xuyên theo dõi chương trình tên lửa của Bắc Triều Tiên nhận định : « Tôi vẫn chưa thể tin được vào những thứ mà họ muốn chúng ta tin ».