‘Bình đẳng xã hội chủ nghĩa’: Đầu năm đồng loạt tăng viện phí !
09/01/2017
![]() |
‘Bình đẳng xã hội chủ nghĩa’: 4 trẻ một giường! Ảnh: Báo Tuổi Trẻ |
Theo một “nghị quyết” của Bộ Y tế vào năm 2015, từ quý I/2017, viện phí sẽ tính thêm tiền lương nhân viên y tế và áp dụng với 27 địa phương còn lại trên cả nước. Với việc đưa lương vào viện phí, hàng ngàn dịch vụ kỹ thuật sẽ tăng giá khoảng 30%-50%.
Báo chí nhà nước chỉ dám thẽ thọt với câu cửa miệng muôn thuở “giá dịch vụ tăng chưa tương xứng với chất lượng dịch vụ”.
Đừng nhìn vào bản báo cáo của Bộ Y Tế – địa chỉ của một nữ bộ trưởng quá tai tiếng bởi chân dung cá nhân gắn liền với hình ảnh phong bì, nhưng vẫn “kiên định xã hội chủ nghĩa” bám chặt ghế – mà hãy nghe lời tách bạch của những chuyên gia phản biện: hoàn toàn chẳng khó để nhận ra nếu chuyển viện phí sang tính theo cơ chế thị trường, chi phí khám, chữa bệnh có thể tăng từ hai đến năm lần. Chẳng hạn chi phí chạy thận nhân tạo sẽ tăng từ 460,000 đồng một lần hiện nay lên ít nhất 0.9 – 1 triệu đồng một lần. Còn giá khám bệnh sẽ tăng gấp 5 lần, từ 20,000 đồng lên đến 100,000 đồng. Giá chụp CT có thể cũng sẽ tăng từ 500,000 đồng lên 1 triệu đồng…
“Giờ bị bịnh mà không có tiền thì chỉ có nằm chờ chết” đã trở thành một thành ngữ phổ biến đến mức sinh tử mặc lòng trong xã hội Việt Nam, vào lúc mà các lý thuyết gia Cộng Sản vẫn tranh cãi như thể lần cuối với nhau về việc “như thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Cái chết hữu thể của những bệnh nhân không tiền, cùng cảnh thất học của những sinh viên bị móc túi, đang biến dư luận xã hội và nỗi phẫn uất dân chúng thành nơi chôn cất cuối cùng cho một chính thể “ăn của dân không chừa thứ gì.”
Không thiếu gì cái chết của bệnh nhân bị đẩy ra nằm ở hành lang khu cấp cứu quá lâu, khi người nhà không đủ tiền để “tạm ứng” cho bệnh viện. Ngày càng hiện ra nhiều hơn những mạng người ra đi để càng tô thắm cho một chế độ “của dân, do dân và vì dân.”
Giá cả chữa bệnh lại đạp lên đầu lương tâm để vượt dốc. Những năm qua, chiến dịch tăng giá phi mã viện phí đã thường nâng mặt bằng giá dịch vụ y tế bình quân lên gấp rưỡi đến hai lần qua mỗi năm, quá đủ để làm bệnh nhân khốn đốn và thỉnh thoảng lại có người lao mình từ tầng mười bệnh viện xuống đất.
Khó có thể nói khác hơn, giới quản lý và thực thi chính sách xã hội đã biến chủ trương “xã hội hóa” từ vài chục năm qua thành phản cảm, và hơn nữa là đang tâm phản động.
Cái chết của người nghèo chưa bao giờ chắc chắn như giờ đây!
Lê Dung