Bill Clinton gặp xã hội dân sự ở VN – Dư luận trước chuyến công du Hoa Kỳ của Nguyễn Phú Trọng
Tiến sỹ Nguyễn Quang A thuật lại cuộc gặp mặt giữa cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton với tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, trong cuộc tiếp tân của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội hôm 02/7/2015, nhân 20 năm bình thường quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt và quốc khánh Mỹ.
Theo nhà nhà quan sát chính trị – xã hội Việt Nam này, cuộc gặp có thể còn liên quan tới chuyến thăm Hoa Kỳ dự kiến vào đầu tuần sau của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Trước cuộc tiếp xúc kể trên, vẫn theo Tiến sỹ Quang A, ông Clinton cũng đã có cuộc gặp ‘riêng và kín’ với Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Việt Nam, Phạm Bình Minh và Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Hoàng Bình Quân.
Tiến sỹ Quang A dùng chữ ‘cân bằng’ để so sánh việc phía Mỹ và ông Clinton đã gặp cả phía đại diện đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, cũng như gặp đại diện giới vận động dân chủ, nhân quyền và xã hội dân sự ở trong nước.
Dư luận trước chuyến công du Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, vào tuần tới sẽ đến Hoa Kỳ trong chuyến công du đầu tiên của một người đứng đầu đảng cầm quyền tại Việt Nam đến Hoa Kỳ.
Chuyến đi này được giới chuyên gia đánh giá ra sao?
Mỹ chìa tay cho VN?
Nhiều chuyên gia về Việt Nam, nhất là mối quan hệ Hà Nội- Washington, trong những ngày qua lên tiếng cho rằng chuyến công du của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ lần này mang tính ‘biểu tượng’. Chính phủ Mỹ hiểu rõ hệ thống chính trị của Việt Nam là đảng cộng sản nắm toàn quyền cai trị, dù rằng Việt Nam cũng có chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia và thủ tướng là người đứng đầu chính phủ.
Tôi có kỳ vọng ngay trong ngắn hạn là sau chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đến Washington gặp tổng thống Obama phía VN có thể chấp nhận một số cam kết, thực hiện một số cam kết về nhân quyền: thả tù nhân lương tâm, chấp nhận hoạt động đương nhiên của các tổ chức xã hội dân sự. – Phạm Chí Dũng
Hoa Kỳ từng tiếp thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, chủ tịch Nguyển Minh Triết năm 2007, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2008 và chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013 tại Nhà Trắng. Tuy nhiên lần này thông tin nói tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ được tổng thống Barack Obama tiếp tại Nhà Trắng khiến nhiều người quan tâm.
Luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada, có bình luận về tin Nguyễn Phú Trọng sẽ được gặp người đứng đầu chính phủ Mỹ tại chính nơi làm việc của nguyên thủ Hoa Kỳ như sau:
“Tôi nghĩ rằng vì chiến lược chuyển trục sang Á Châu-Thái Bình Dương của tổng thống Hoa Kỳ Obama, cho nên Nhà Trắng sẽ làm một ngoại lệ là tiếp ông tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Thật sự ra có nhiều người từng vào Nhà Trắng, trong đó có những nhà lãnh đạo cộng đồng như Đức Dalai Lama, hoặc gần đây chúng ta có thấy tổng thống Obama tiếp anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải trong Nhà Trắng. Vì vậy vấn đề ông Trọng vào Nhà Trắng cũng không phải là vấn đề gì quá to tát. “
Vai trò cá nhân lãnh đạo
Đối với những người trong nước thì vai trò của Nguyễn Phú Trọng không giống những vị nguyên thủ quốc gia khác có thể có những quyết định cá nhân. Trong trường hợp Việt Nam với cơ chế tập thể làm chủ, Bộ Chính Trị đưa qua quyết định và Nguyễn Phú Trọng chỉ là người được chọn để mgang đi thông điệp đã được thống nhất.
Luật sư Vũ Đức Khanh nói về điều này:
“Việt Nam không phải là một trục quan trọng trong chiến lược chuyển trục sang Á châu- Thái Binh Dương của Hoa Kỳ; tuy nhiên Việt Nam sẽ là một trong những tiền đồn quan trọng cua liên minh Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương vì Việt Nam có đường biên giới sát với Trung Quốc và có cùng ý thức hệ với Trung Quốc. Nếu như Việt Nam nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc thì bắt buộc Hoa Kỳ phải mở một vòng tuyến Đông Nam Á, phải sử dụng trục của Eo biển Malacca, trong đó có Singapore, Mả Lai và Indo. Vì không muốn trục Đông Nam Á đó phải dời xuống tận cùng của khu vực Biển Đông, bằng mọi giá Hoa Kỳ muốn giữ được một thế cân bằng ở Việt Nam. Mục đích của Hoa Kỳ là muốn sử dụng Việt Nam như một vùng ‘trái độn’ nếu như Hà Nội ngả về phía Trung Quốc thì ít nhất Hoa Kỳ còn kiểm soát được một vùng nào đó. Tôi không muốn trở lại cuộc chiến tranh trước đây ở vùng vĩ tuyến thứ 17; nhưng Hoa Kỳ phải bằng mọi giá với cách nào đó giữ được vùng nào đó ở phía nam Việt Nam, dùng Việt Nam như vùng ‘trái độn’.
Nếu Việt Nam không ngả hẳn về phía Trung Quốc hay Hoa Kỳ thì Mỹ thành công ở mức độ vô hiệu hóa Việt Nam và Trung Quốc.”
Kỳ vọng giới hạn và lực cản TC!
Một người theo dõi sát tình hình Việt Nam hiện nay, nhà báo Phạm Chí Dũng, từ Sài Gòn thừa nhận quyết định cử ông tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ trong thời điểm hiện nay cũng khiến những người như ông có một số kỳ vọng. Nhà báo Phạm Chí Dũng phát biểu:
“Tôi có kỳ vọng ngay trong ngắn hạn là sau chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đến Washington gặp tổng thống Obama phía Việt Nam có thể chấp nhận một số cam kết, thực hiện một số cam kết về nhân quyền: thả tù nhân lương tâm, chấp nhận hoạt động đương nhiên của các tổ chức xã hội dân sự.
Về dài hạn thì còn tùy thuộc vào Trung Quốc mà Trung Quốc thì đang muốn chiếm lấy Biển Đông. Trong những ngày này chúng ta thấy xuất hiện giàn khoan Hải Dương 981 như những gì mà nó đã ‘vươn vòi’ vào tháng 5, tháng 6 năm 2014. Nếu như Trung Quốc vẫn cố tình gây hấn với Việt Nam; điều đó sẽ trở thành sức cản đáng ngại đối với vấn đề thay đổi thể chế và sự phát triển dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.”
Tôi không đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng vì chắc chắn Đại hội 12 ông Trọng cũng sẽ nghỉ. Thứ hai theo tôi nghĩ ông Trọng không phải là con người quyết đoán, có tư duy táo bạo, không có năng lực thực sự. – Võ Văn Tạo
Về sức cản của TC, thì nhà nghiên cứu Biển Đông Trương Nhân Tuấn từ Pháp nêu ra việc Bắc Kinh vừa cho di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng chồng lấn tại Vịnh Bắc Bộ như hiện nay là có tính toán đối với chuyến công du Hoa Kỳ của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam. Ông này nhận định:
“Tôi nghĩ trong vài ngày tới giàn khoan này có thể di dịch về phía bờ biển Việt Nam, ở một vị trí gây tranh cãi như hồi năm ngoái để làm áp lực với ông Trọng nếu ông này biểu lộ những ý tưởng thân Mỹ.”
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang cũng có ý kiến về chuyến công du Mỹ của tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng như sau:
“Việc người Mỹ có mời ban lãnh đạo Việt Nam mà năm ngoái có ông Phạm Quang Nghị sang thăm với tư cách thành viên Bộ Chính Trị và bí thư thành ủy Hà Nội, và năm nay ông Nguyễn Phú Trọng. Nhưng tôi không đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng vì chắc chắn Đại hội 12 ông Trọng cũng sẽ nghỉ. Thứ hai theo tôi nghĩ ông Trọng không phải là con người quyết đoán, có tư duy táo bạo, không có năng lực thực sự. Do đó tôi không hy vọng lắm về chuyến đi của ông Trọng.
Mặc dù các diễn biến ở khu vực với tình hình như ở Myanmar, tôi biết người Mỹ có vai trò rất lớn trong việc thuyết phục chế độ độc tài quân sự của thống chế Thein Sein theo xu hướng dân chủ hóa ở mức độ nào đó. Myanmar có thể được như thế nhưng còn Việt Nam tôi cho rằng khả năng đó rất hiếm có. Ai cũng muốn nó xảy ra, nhưng theo tôi nghĩ khó, rất khó, mà tôi cho tỷ lệ hầu như chỉ là 1 hoặc 2% thôi.”
Trong tuần qua, có tù nhân lương tâm luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân mãn án tù 30 tháng và được trả về nhà. Trường hợp này khác hẳn trước đây người khởi xướng CLB Nhà báo Tự Do và chống TC Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, sau khi mãn án tù với lý do trốn thuế bị giam lại ngay với cáo buộc chính trị.
Một tù nhân chính trị khác là ông Lê Thanh Tùng ở Sóc Sơn Hà Nội được tha về sớm 5 tháng. Điều này được một số người cho rằng đó là món quà mà tổng bí thư Trọng mang theo sang Mỹ lần này.
Tuy nhiên, luật sư Vũ Đức Khanh trích dẫn phát biểu của đại sứ Mỹ ở Việt Nam, Ted Osius, rằng Hà Nội không thể dùng tù chính trị để đổi chác, mà mối quan hệ song phương Việt- Mỹ phải được xây dựng trên nền tảng những giá trị mà hai phía cùng chia xẻ. Hoa Kỳ muốn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng, trong đó có tôn trọng những quyền cơ bản của người Việt Nam.