Biểu tình ở Hy Lạp trước trưng cầu dân ý
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras kêu gọi cử tri bỏ phiếu ‘Không’ trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7
Theo BBC 4 tháng 7 2015 Hàng chục nghìn người xuống đường tham gia các cuộc biểu tình kình chống nhau tại Athens, Hy Lạp, trước thềm cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7. Thủ tướng Alexis Tsipras nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ đám đông sau khi kêu gọi cử trị bỏ phiếu ‘Không’ trước điều khoản mà các chủ nợ đưa ra để đổi lại một gói cứu trợ quốc tế. Tuy nhiên những người tham gia một cuộc biểu tình lớn khác gần đó cảnh báo việc bỏ phiếu ‘Không’ sẽ khiến Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng euro. Một tòa án tại Hy Lạp trước đó đã bác bỏ những nghi vấn về tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7, và khẳng định việc bỏ phiếu sẽ tiếp tục diễn ra. Chương trình cứu trợ của Hy Lạp đã hết hạn hôm 30/6. Các ngân hàng nước này đã phải đóng cửa suốt một tuần và trần rút tiền mặt bị giới hạn ở mức 60 euro/ngày. Phóng viên BBC tại Athens, Chris Morris, nói cuộc trưng cầu dân ý giờ đây đã trở thành sự lựa chọn có nên ở lại khu vực euro hay không. “Khả năng thiệt hại cho các bên là rất lớn, khiến cuộc khẩu chiến trở nên ngày càng khốc liệt hơn. Cho đến nay vẫn không ai chắc chắn được rằng các ngân hàng của Hy Lạp có thể mở cửa vào tuần sau như chính phủ đã hứa”, phóng viên của chúng tôi nhân định. Kết quả thăm dò hôm 3/7 của hãng Ipsos cho thấy 44% người dân nước này ủng hộ bỏ phiếu ‘Có’, trong khi 43% ủng hộ bỏ phiếu ‘Không’.
‘Ngày tận thế’
Ước tính có khoảng 25.000 đến 50.000 người xuống đường tại Athens hôm 3/7. Cảnh sát và giới quan sát cho biết đám đông tham gia ủng hộ việc bỏ phiếu ‘Không’ có vẻ lớn hơn. Trong bài diễn văn tối 3/7, ông Tsipras tái khẳng định quan điểm mà ông đã đưa ra tuần trước – Hy Lạp cần bảo vệ danh dự và “nói ‘Không’ trước tối hậu thư của châu Âu”. Ông nói: “Đây không phải là biểu tình, mà là ăn mừng việc vượt lên trên nỗi sợ hãi và hành động tống tiền”. Ông Tsipras đã kêu gọi người dân Hy Lạp “sống trong danh dự”. Tuy nhiên ông cũng phủ nhận việc bỏ phiếu “Có” đồng nghĩa với việc rời khỏi châu Âu. “Chúng ta sẽ không để cho họ phá hoại châu Âu,” ông nói.
Tuy nhiên, cách đó chỉ vài trăm mét, những người ủng hộ bỏ phiếu “Có” nói họ không tin rằng ông Tsipras có thể làm đúng lời hứa này. Ông Nikos, một bác sỹ, nói với hãng thông tấn AFP: “Họ không thể giả vờ rằng không muốn rời khỏi khu vực đồng euro”. Kinh tế gia Marina Peppa, 45 tuổi, vốn đang thất nghiệp, nói với Reuters: “Điều này sẽ không dễ dàng, nhưng nếu phe ủng hộ bỏ phiếu ‘Không’ giành chiến thắng, chúng tôi sẽ đối mặt với ngày tận thế, sự nghèo nàn trên toàn diện”. Thị trưởng Athens George Kaminis nói người dân thậm chí còn không hiểu rõ câu hỏi trên lá phiếu. “Chúng ta đang bị lôi kéo vào một cuộc trưng cầu dân ý vô nghĩa, gây chia rẽ trong người dân và làm tổn thương đất nước,” ông nói. Các lãnh đạo châu Âu cũng đã bác bỏ ý kiến từ giới chính trị gia Hy Lạp rằng việc bỏ phiếu ‘Không’ sẽ giúp chính phủ nước này có vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu Jeroen Dijsselbloem, khẳng định lá phiếu ‘Không’ sẽ làm suy yếu vị thế của Hy Lạp và ngày cả một lá phiếu ‘Có’ cũng không có nghĩa là việc đi đến một thỏa thuận sẽ trở nên dễ dàng. Ông Dijsselbloem nói: “Cần có những quyết định cứng rắn để đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng suy thoái. Bất cứ chính trị gia nào nói có thể tránh khỏi điều này bằng việc bỏ phiếu ‘Không’ đều đang đánh lừa người dân của mình”.