‘Biết ơn Gorbachev vì có công khiến Liên Xô sụp đổ’

Cac Bai Khac

No sub-categories

‘Biết ơn Gorbachev vì có công khiến Liên Xô sụp đổ’

Trần Quốc Quân

Gửi tới BBC Tiếng Việt từ Warsaw, Ba Lan

26 tháng 12 2016

Cựu lãnh đạo Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev trong một buổi lễ kỷ niệm tại Điện Kremlin hôm 12/6/2016Image copyrightMIKHAIL SVETLOV/GETTY IMAGES
Image captionCựu lãnh đạo Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev trong một buổi lễ kỷ niệm tại Điện Kremlin hôm 12/6/2016
Ngày này 25 năm trước (25/12/1991), tôi ngẫu nhiên trở thành nhân chứng lịch sử chứng kiến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.
Tôi quan tâm chính trị từ rất sớm. Tôi còn nhớ như in năm 1968 khi còn là cậu bé 10 tuổi, tôi với ba người bạn cùng trại trẻ quân đội C12 đã xé tờ họa báo Trung Quốc, bôi phân gà lên ảnh Mao Trạch Đông để phản đối Cách mạng Văn hóa và ủng hộ Lưu Thiếu Kỳ.
Hành động này của chúng tôi đã bị cô giáo phạt úp mặt vào tường.
Tất nhiên nhận thức của lũ trẻ chúng tôi lúc đó chỉ là do nghe lỏm chuyện người lớn, những người bố, sĩ quan chỉ huy của Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chuyện với nhau.

Lý tưởng

Năm 1973, khi mới 15 tuổi, tôi suýt rơi nước mắt khi được nghe kể về Tổng thống Chile Salvador Allende với khẩu súng AK47 (quà tặng của Phidel Castro) trong tay chống lại cuộc tấn công đảo chính vào dinh tổng thống của quân đội tướng Pinochet và đã hi sinh anh dũng.
Năm 1983, tôi trở thành đảng viên cộng sản khi mới 25 tuổi.
Thú thật, việc vào Đảng của tôi trước hết 50% do cơ hội. Lúc đó tôi công tác tại một cơ quan kinh tế đầu não Chính phủ, muốn thăng tiến dứt khoát phải là đảng viên. Nhưng bên cạnh đó, tôi có 50% là do say mê lí tưởng.
Nếu không xuất ngoại năm 1988 và được mở mắt, dám chắc bây giờ tôi là một trong những dư luận viên kiên trung của Đảng.
Năm 1989, khi Ba Lan tiến hành Hội nghị Bàn tròn, hiệp thương giữa chính quyền Cộng sản và Công đoàn Đoàn kết và sau đó là cuộc bầu cử quốc hội dân chủ đầu tiên, tôi vẫn một lòng chống lại phe đối lập dân chủ, ủng hộ đảng “anh em”.

Dao động

Chỉ đến khi kết quả bầu 100 ghế thượng nghị viện, phái Cộng sản cầm quyền không được ghế nào tôi mới bắt đầu hồ nghi.
Đến cuộc bầu cử tổng thống năm 1990, Walesa lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết thắng lợi vang dội thay tướng Jaruzelski lên làm tổng thống Ba Lan thì tôi hoang mang thực sự.
Chứng kiến những thay đổi kì diệu trên đất nước Ba Lan từ khi chuyển sang thể chế mới, tôi dần thay đổi quan điểm chính trị.
Ngày 19/8/1991, tôi đang ở Việt Nam thực hiện phi vụ đánh áo gió sang Ba Lan. Cả nhà đang quây quần quanh mâm cơm chào đón tôi thì đài truyền hình thông báo tin thời sự đặc biệt “Ủy ban tình trạng khẩn cấp Liên Xô thay thế tổng thống Gorbachev tạm thời quản lí đất nước”.
Xe tăng chiếm khu vực gần Cổng Spassky Gate (trái), lối vào Điện Kremlin và Thánh đường St. Basil's hôm 19/8/1991 sau cuộc đảo chính nhằm lật đổ ông Gorbachev. Cuộc đảo chính thất bại vào chiều 21/8 khi Bộ Quốc phòng ra lệnh cho lính rút khỏi MoscowImage copyrightANATOLY SAPRONYENKO/AFP/GETTY IMAGES
Image captionXe tăng chiếm khu vực gần Cổng Spassky Gate (trái), lối vào Điện Kremlin và Thánh đường St. Basil’s hôm 19/8/1991 sau cuộc đảo chính nhằm lật đổ ông Gorbachev. Cuộc đảo chính thất bại vào chiều 21/8 khi Bộ Quốc phòng ra lệnh cho lính rút khỏi Moscow
Sáu đảng viên trong gia đình tôi gồm ba má và bốn người anh trai reo hò ủng hộ phái đảo chính, một mình tôi là út, đảng viên trẻ nhất ủng hộ Gorbachev và Yeltsin. Cuột xung đột tư tưởng với phần thắng đương nhiên thuộc về đa số gần như tuyệt đối.
Tuy say sưa lý tưởng cộng sản từ khi còn trẻ nhưng tôi luôn thuộc phái cấp tiến, cổ vũ nhân tố mới.
Chính vì thế, tôi ủng hộ Gorbachev từ khi ông còn là Ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô sang dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 5, hồi 1982.
Khi Tổng bí thư Andropov chết, tôi nhiệt thành ủng hộ Gorbachev lên thay, nhưng tôi ghét cay ghét đắng Chernenko khi ông được chọn chứ không phải Gorbachev.
May mà trị vì chỉ hai năm thì ông chết, nhường cơ hội đổi mới cho Gorbachev.
Có lẽ vì quá sùng bái tư tưởng Perestroika mà tôi luôn ủng hộ Gorbachev, kể từ việc nhỏ và có vẻ phi lí như cấm rượu trở đi.
Niềm tin bị đổ vỡ
Ngày 23/12/1991, phải đưa một xe tir áo gió sang Dom 5 cũ trên phố Ulianova Dmitria, Moscow tiêu thụ, tôi kí hợp đồng với hãng vận tải Ba Lan.
Với dân nước này ngày Giáng Sinh rất thiêng liêng nên người lái xe tir bày ra kế hỏng cái gạt nước (trời mưa tuyết) để tới sau lễ mới chịu đi.
Nhưng vì có khách hàng đặt trước nên tôi không nhượng bộ, chủ hãng xe sợ mất khách quen nên cũng gây sức ép bắt lái xe phải đi ngay trong ngày. Đến bây giờ tôi vẫn ân hận mãi về điều này.
Chiều tối ngày 24/12, xe tir gồm lái xe và một người áp tải tới Moscow. Tôi ngồi tàu hỏa sang sau.
Ngày 25/12, Gorbachev đọc thông điệp tuyên bố giải thể Liên Xô. Tôi vẫn còn nhớ cái chỉ tay của Yeltsin vào tờ giấy và ánh mắt bất bình của Gorbachev lúc đó.
Chính quyền tan rã, bộ máy nhà nước tê liệt cộng với Giáng Sinh Chính thống giáo và năm mới nước Nga muộn hơn lịch Công giáo khiến ba chúng tôi phải vật vờ nằm chờ suốt hai tuần trong một căn hộ heo hút gần vành đai 2 Moscow.
Nước Nga thời gian đó rất khó khăn, thiếu thốn. Có lần thèm thuốc lá, tôi phải lội tuyết dày tới nửa mét rồi ngồi tàu điện ngầm vào tận trung tâm mới mua được một tút Stolichnyje.
Có tiền, muốn được ăn thịt, ăn cá chúng tôi chỉ có cách đi chợ nông trường. Vào cửa hàng trên phố tôi chỉ thấy các gương mặt lam lũ xếp hàng. Vào các quán ăn, bến tàu, bến xe tôi chỉ thấy dân say rượu vật vờ. Ra khỏi thành phố tôi thấy các nông trang tập thể với tên rất kêu “Con đường sáng” leo lét ánh đèn, xập xệ nếp nhà nhỏ run rẩy trong mưa tuyết.
Thành trì của cách mạng thế giới đây ư? Chủ nghĩa xã hội với tôi lúc đó thật tăm tối. Niềm tin vào lý tưởng cộng sản của tôi sụp đổ từ đó.
Và chính từ sự được chứng kiến tận mắt cái gọi là xây dựng xong chủ nghĩa xã hội phát triển đang trên đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản khiến tôi quyết định từ bỏ đội ngũ.
Cảm ơn “tội đồ” làm đổ vỡ Liên Xô Gorbachev! Nhờ ông mà Ba Lan, Đức và các nước Đông Âu có được cuộc sống dân chủ và thịnh vượng ngày hôm nay.
Nhờ ông mà Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Nhờ ông mà đầu đạn hạt nhân nóng chĩa vào nhau được tháo ngòi dù chỉ là tạm thời.
Nhờ ông mà bản đồ thế giới đã được vẽ lại bằng các nét bút tích cực.
Trong trái tim tôi, tượng đài ông được đúc bằng vàng.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một người đang sống tại Ba Lan. Bài được gửi cho BBC sau khi đã đăng trên trang Facebook cá nhân của ông Trần Quốc Quân.