Biện pháp pháp lý cho Biển Đông?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Biện pháp pháp lý cho Biển Đông?

 

 Image copyrightAP
Image captionTrung Quốc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa để khẳng định chủ quyền
Thái Văn CầuGửi cho BBC từ California, Mỹ14 tháng 1 2016 Tại Mỹ tháng 9 năm 2015, Tập Cận Bình tuyên bố các đảo (Hoàng Sa-Trường Sa) là lãnh thổ Trung Quốc từ ngàn xưa. Sau khi khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục những hoạt động hợp pháp trên Biển Đông, Tổng thống Obama khuyến khích các bên tranh chấp tìm kiếm giải pháp.
Bài sau đây bàn về yếu tố ảnh hưởng quá trình hành xử chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Pháp trong nửa đầu thế kỷ XX, và phương án khả thi cho tranh chấp biển, đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc.

1. Đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, và chủ quyền quốc gia

Bộ đại từ điển của nhà địa dư học Hà Lan Jacobus Van Wijk Roelandszoon, xuất bản năm 1821, ghi rõ đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) là của Việt Nam. Đầu thập niên 1920, chính quyền Pháp ở Đông Dương thường xuyên tuần hành Hoàng Sa, từng khám xét tàu Nhật khai thác phốt phát từ đảo Phú Lâm. Từ giữa đến cuối thập niên 1920, nhiều đoàn khảo sát người Pháp thực hiện nghiên cứu ở Hoàng Sa-Trường Sa, bao gồm đảo Phú Lâm.
Sau khi Pháp thông báo chủ quyền Trường Sa đến các siêu cường, vào tháng 3 năm 1932, Bộ Quốc phòng gửi Bộ Ngoại giao kế hoạch chiếm hữu Trường Sa, tại khu vực không nguy hiểm. Monique Chemillier-Gendreau nhận định kế hoạch này có mục đích chiếm hữu toàn bộ quần đảo Trường Sa. Một năm sau, Pháp hoàn tất sự chiếm hữu. Nhật là nước duy nhất phản đối Pháp.
Pháp quản lý đảo Phú Lâm nói riêng và Hoàng Sa nói chung, cho đến khi bị quân đội Nhật ngăn chặn đầu năm 1945. Pháp không có quân trú đóng ở Trường Sa nhưng khi hải quân Nhật gia tăng hoạt động tại Trường Sa, Pháp phản đối. Cuối năm 1946, quân đội Tưởng Giới Thạch bất ngờ đổ bộ lên Hoàng Sa-Trường Sa. Chính quyền Tưởng bác bỏ đề nghị của Pháp đưa tranh chấp ra quốc tế giải quyết.
Đầu năm 1950, quân Tưởng rút khỏi đảo Phú Lâm. Trong khi quân đội Pháp duy trì sự hiện diện ở đảo Hoàng Sa, Pháp không gửi quân đến đảo Phú Lâm. Cuối năm 1950, lễ bàn giao quyền kiểm soát Hoàng Sa giữa Pháp và Việt Nam xảy ra. Không có lễ bàn giao quyền kiểm soát Trường Sa vì không có chứng cứ quân đội Pháp hiện diện ở Trường Sa vào thời điểm đấy.
Yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hành xử chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa ở nửa đầu thế kỷ XX:

1.1 Nhật Bản:

Nhật theo đuổi chủ trương bành trướng từ thập niên 1890, gây chiến tranh với Trung Hoa năm 1894, với Nga năm 1905. Trong thập niên 1920, phe quân sự Nhật thắng thế. Nhật dùng vũ lực chiếm đóng Manchuria năm 1931, xâm lược miền Đông Trung Hoa năm 1937-1938, tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhật tuyên bố đầu hàng khối đồng minh tháng 8 năm 1945 sau khi bị ném bom nguyên tử.

1.2 Chiến tranh Đông Dương:

Đầu thập niên 1950, chiến tranh chống Pháp đi vào thời kỳ mới. Pháp cần Mỹ giúp đỡ sau khi có sự thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với Trung Quốc, Liên Xô và Đông Âu, sự gia tăng nguồn viện trợ từ khối cộng sản, sự lớn mạnh trong phong trào chống chiến tranh Đông Dương ở Pháp, sự thất bại quân sự của Pháp trong Chiến dịch Biên giới, v.v. Vào tháng 5 năm 1950, lần đầu tiên Mỹ gửi 23,3 triệu dollars viện trợ cho Pháp. Đến năm 1954, Mỹ hỗ trợ khoảng 75% ngân sách chiến tranh Đông Dương của Pháp.
Từ đầu thập niên 1920, Pháp hành xử chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa để ngăn chặn bước tiến của Nhật. Từ cuối thập niên 1940 đến giữa thập niên 1950, do mối đe dọa của Nhật không còn, do mức độ khốc liệt trong chiến tranh Đông Dương gia tăng, do thiếu hụt ngân sách, Pháp giảm quan tâm về Hoàng Sa-Trường Sa.
Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, đại diện Quốc gia Việt Nam (QGVN) tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa. Các nước tham dự không phản đối. Theo Hiệp ước ký ở Hội nghị, Nhật từ bỏ mọi yêu sách chủ quyền ở Hoàng Sa-Trường Sa.
Hội nghị Geneva chia đôi Việt Nam năm 1954. QGVN (sau là Việt Nam Cộng hoà) được quyền quản lý Hoàng Sa-Trường Sa. Chính quyền Ngô Đình Diệm và vai trò của Mỹ khiến quân đội Pháp phải rời khỏi Việt Nam cuối tháng 4 năm 1956, trước thời hạn quy định trong Hiệp ước Geneva. Dù Mỹ cho Pháp biết quan tâm của họ về vị thế chiến lược của Hoàng Sa, Pháp không có phản ứng thích hợp. Nắm lấy thời cơ, tháng 12 năm 1955, Trung Quốc bắt đầu gửi quân xâm nhập đảo Phú Lâm. Cuối tháng 2 năm 1956, theo Stein Tonnesson, tàu tuần tra Pháp phát hiện quân Trung Quốc xây dựng công sự ở đảo Phú Lâm, thiết lập sự chiếm đóng bất hợp pháp.
Trước đòi hỏi chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Trung Quốc, vào đầu tháng 6 năm 1956, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao QGVN khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam. Không ngừng ở đảo Phú Lâm, vào đầu năm 1974 và năm 1988, Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng phần đảo còn lại của Hoàng Sa và 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam.

2. Giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc

2.1 Phương án giải quyết tranh chấp của Philippines

Sau gần 20 năm theo đuổi đàm phán hoà bình để giải quyết tranh chấp Trường Sa nhưng đối diện với lập trường ngang ngược của Trung Quốc, vào đầu năm 2013, Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng tài. Vào cuối tháng 10 năm 2015, Toà án khẳng định thẩm quyền cho một số điểm trong hồ sơ kiện của Philippines và xem xét những điểm còn lại trong thời gian sau. Phán xét của Toà án đánh dấu thắng lợi đầu tiên cho Phillipines trong vụ kiện Trung Quốc.

2.2 Nỗ lực thúc đẩy đàm phán hoà bình của Việt Nam

Vào tháng 9 năm 1975, khi Bí thư Thứ nhất đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn nêu vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thừa nhận có tranh chấp và đề nghị hai nước thảo luận sau.
Trong hơn ba tháng qua, tuyên bố của Tập Cận Bình trong các chuyến thăm từ châu Mỹ sang châu Á cho thấy rất rõ một thực tế, Trung Quốc gạt bỏ mọi thiện chí của Việt Nam. Trung Quốc có một lập trường nhất quán trong hơn 40 năm: không đàm phán hoà bình với Việt Nam về Hoàng Sa-Trường Sa!

2. 3 Phương án giải quyết tranh chấp của Việt Nam

Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền Việt Nam khi chiếm đóng đảo Phú Lâm năm 1956, sử dụng vũ lực ở Hoàng Sa năm 1974, ở Trường Sa năm 1988, hàng năm tuyên bố lệnh cấm đánh cá, liên tục gây thiệt hại tài sản và ngay cả thiệt hại nhân mạng cho ngư dân Việt Nam.
Trong 5 năm qua, Trung Quốc tích cực xây dựng tổ chức hành chính, sân bay quân sự, quân cảng, hải đăng, v.v., ở Hoàng Sa-Trường Sa, cải tạo các bãi đá ngầm chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa thành đảo nhân tạo, ở tốc độ kỷ lục chưa từng có trong lịch sử.
Kể từ khi Trung Quốc chiếm đóng đảo Phú Lâm năm 1956 cho đến nay, tranh chấp Biển Đông hiện ở mức độ khẩn trương cao nhất. So với các nước có tranh chấp trên Biển Đông, Việt Nam là nước bị thiệt hại lâu dài nhất, nặng nề nhất, trong tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Cuối năm 2011, lần đầu tiên lãnh đạo Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trước Quốc hội sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa, “… năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974 Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự đang quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn – chính quyền Việt Nam cộng hòa.”
Vào tháng 5 năm 2014, trong chuyến thăm Philippines, Thủ tướng khẳng định, “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông … Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế.”
Vào tháng 11 năm 2015, khi gặp gỡ kiều bào Đức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại lời dạy của vua Lê Thánh Tông, “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di.”
Ông cha chúng ta như thế, đến đời chúng ta cũng phải thế.”
Vào cùng tháng 11 năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết là cử tri cả nước “đề nghị sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế”.
Sự kết hợp giữa ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam, của Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, với thực tế tình hình Biển Đông, và với các nghiên cứu về luật pháp quốc tế, cho thấy Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của phương án: Kiện Trung Quốc ra hệ thống toà án quốc tế.
Khi sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ giải quyết vấn đề chủ quyền giữa hai nước, mà còn giúp tạo tin tưởng từ các nước phụ thuộc vào giao thông hàng hải ngang qua một khu vực với hơn 5.300 tỷ dollars mậu dịch quốc tế hàng năm. Cách hành xử như trên sẽ chứng minh mạnh mẽ rằng Việt Nam là nước tôn trọng luật pháp, và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh là cường quốc kinh tế hàng thứ hai và cường quốc quân sự hàng thứ ba trên toàn cầu, Trung Quốc có quan toà đại diện trong Toà án Quốc tế và Toà án Quốc tế về Luật Biển. Trung Quốc luôn luôn khẳng định trước dư luận thế giới là họ có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý hậu thuẫn cho đòi hỏi chủ quyền đảo, đá trên Biển Đông.
Nếu Trung Quốc muốn chứng minh họ tôn trọng luật pháp, có trách nhiệm, tương xứng với vị thế của nước họ, nếu Trung Quốc muốn thuyết phục quốc tế tin tưởng vào chứng cứ chủ quyền của họ, phủ nhận vai trò mà Toà án Quốc tế hành xử hữu hiệu trong hơn 60 năm nay sẽ là hành động phản tác dụng nhất của Trung Quốc. Khi Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện, Điều 53 trong Quy chế của Toà án Quốc tế cho phép vụ kiện tiến hành khi có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý. Quyết định không thuận lợi cho Trung Quốc đưa đến cái giá phải trả có khả năng vượt khỏi mọi dự đoán của Trung Quốc.
Trong hơn 40 năm qua, do tham vọng bành trướng và lập trường ngang ngược cố hữu của Trung Quốc, tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc không được giải quyết qua đàm phán hoà bình. Trái ngược với một số lập luận, ý kiến thường được nêu lên, nghiên cứu của người viết, dựa trên phán xét của Toà án Quốc tế, cho thấy cánh cửa sử dụng biện pháp pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ hoà bình trong khu vực quan trọng hàng đầu thế giới, không mở ra cho Việt Nam mãi mãi.
Khi kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế, thế hệ hôm nay không những làm theo lời dạy của tiền nhân, đền đáp sự hy sinh to lớn của bao thế hệ đi trước, mà còn góp phần tạo nên một bước ngoặt trong lịch sử của đất nước.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một chuyên gia khoa học không gian hiện sinh sống ở Hoa Kỳ.