Biển Đông và quan hệ Mỹ-Trung sau chuyến đi của ông Dương Khiết Trì
HỒNG THỦY
11:38 01/03/17)
(GDVN) – Khuynh hướng chống phương Tây của Tập Cận Bình cho thấy ông sẽ không cố gắng “làm bạn với Hoa Kỳ” như Giang Trạch Dân hay Đặng Tiểu Bình
Học giả Mỹ đề xuất 4 bước phá hủy đảo Trung Quốc xây trái phép ở Biển ĐôngÔng Dương Khiết Trì không “chốt” được thời gian Donald Trump gặp Tập Cận BìnhÔng Dương Khiết Trì thăm Mỹ
Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đã kết thúc 2 ngày thăm Hoa Kỳ với các cuộc tiếp xúc song phương cùng các quan chức cấp cao trong Nội các Tổng thống Donald Trump và chào xã giao tân chủ nhân Nhà Trắng.
Không có thỏa thuận nào được công bố sau chuyến thăm ngoài những phát biểu đóng khung trong nghi thức ngoại giao quen thuộc từ chính phủ hai nước.
Một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình mà nhiều người dự đoán cũng không được nhắc tới.
Bên cạnh những bình luận cho rằng ông Dương Khiết Trì đã “thất bại” trong chuyến thăm này, không đạt được kết quả nào trong 3 vấn đề quan trọng: Triều Tiên, Biển Đông và thương mại, cũng có những đánh giá cho thấy khả năng Trung Quốc đã âm thầm nhượng bộ Donald Trump.
Tổng thống Donald Trump luôn luôn đạt được một cái gì đó
The Guardian ngày 28/2 đưa tin, Thư ký báo chí Nhà Trắng Spicer cùng ngày cho biết trong cuộc họp báo: “Tổng thống luôn luôn đạt được một cái gì đó”.
Đây là câu trả lời của ông Spice với câu hỏi từ một phóng viên: ông Donald Trump có dám đảm bảo với người dân Mỹ rằng, ông đã nhận được một cái gì đó khi chấp nhận tôn trọng nguyên tắc “một nước Trung Quốc” hay không?
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì trong chuyến thăm Mỹ thứ 2 kể từ khi tỉ phú Donald Trump trúng cử Tổng thống. Ảnh: Daily Mail. |
Tờ báo Anh lý giải, trước khi lên nắm quyền, tỉ phú Donald Trump đã phát biểu công khai rằng ông có thể đảo ngược lập trường của Mỹ trong vấn đề Đài Loan.
Nhưng trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây, ông khẳng định rằng sẽ tôn trọng nguyên tắc này.
Điều đó khiến những suy đoán ông “đầu hàng” Bắc Kinh nổi lên trong dư luận.
Theo The Guardian, phát biểu trên của người phát ngôn Nhà Trắng cho thấy Trump đã có được nhượng bộ nào đó từ Trung Nam Hải, cái ông Spicer gọi là “một cái gì đó”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng từ chối cung cấp chi tiết sự nhượng bộ (nếu có) từ Trung Nam Hải để đổi lấy cam kết tiếp tục tôn trọng chính sách “một nước Trung Quốc” với lý do:
Trump không thích thảo luận công khai về các chiến lược đàm phán của mình.
Bruce Gilley, một chuyên gia về Trung Quốc từ Đại học bang Portland cho biết, ông lạc quan về khả năng Donald Trump cùng Tập Cận Bình có thể tìm ra một mối quan hệ hợp tác cùng có lợi.
“Tôi nghĩ rằng họ có khá nhiều điểm chung. Cả hai đều là người nghiêm túc và dứt khoát. Cả hai ông đều hành động như những doanh nhân.
Sự khác biệt chỉ là Trump đang ở trong một hệ thống kiểm soát ông ấy, còn Tập Cận Bình thì không.
Khuynh hướng chống phương Tây của Tập Cận Bình cho thấy ông sẽ không cố gắng “làm bạn với Hoa Kỳ” như Giang Trạch Dân hay Đặng Tiểu Bình đã từng làm.
Nhưng Tập Cận Bình đã thể hiện trước Donald Trump rằng, khi ông muốn tạo sức hút, ông hoàn toàn có thể. Trong một số tình huống, chính sách không can thiệp không phải là một lựa chọn xấu”. [1]
Chuyến công du Hoa Kỳ của ông Dương Khiết Trì “xôi hỏng bỏng không”?
Xôi hỏng bỏng không là bình luận của tờ Sankei Shimbun, Nhật Bản được Đa Chiều ngày 28/2 dẫn lại, về kết quả chuyến công du 2 ngày tới nước Mỹ của ông Dương Khiết Trì.
Học giả Mỹ đề xuất 4 bước phá hủy đảo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông |
Đầu tiên là vấn đề Triều Tiên mà Bắc Kinh, Washington không thể né tránh trong bất kỳ cuộc tiếp xúc cấp cao nào.
Ngày 12/2 Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo khiến Mỹ còn chưa hết bất mãn, thì mới đây lại xảy ra sự cố anh trai ông Kim Jong-un được cho là bị ám sát tại Malaysia.
Điều này đã khiến ông Donald Trump “vô cùng phẫn nộ” với Bắc Hàn khi trả lời phỏng vấn Reuters.
Mặc dù sau vụ thử tên lửa hôm 12/2, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than từ CHDCND Triều Tiên ít nhất cho đến cuối năm nay, nhưng trên thực tế Bắc Kinh vẫn công khai đón tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên sang thăm lúc này.
Đồng thời vì lo ngại Mỹ có các biện pháp cứng rắn đối với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh liên tục kêu gọi Washington quay trở lại bàn đàm phán 6 bên. Thái độ và chính sách này của Trung Quốc khác hoàn toàn với Donald Trump.
Thứ hai là câu chuyện Biển Đông, trước khi vào Nhà Trắng ông Donald Trump đã thể hiện một lập trường khác hoàn toàn Barack Obama, sử dụng mọi biện pháp cứng rắn bảo vệ lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ trong khu vực.
Cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson đang tuần tra ở Biển Đông.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương – Đô đốc Harry Harris tuyên bố: các chiến hạm Mỹ sẽ tiến hành hàng loạt “hoạt động nghiệp vụ” bình thường ở Biển Đông, nếu gặp phải phản ứng quá khích sẽ đáp trả thích đáng bằng vũ lực.
Trong khi đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai tuyên bố, yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc với Biển Đông, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) là “bất khả xâm phạm”.
Tuyên bố này đã không chừa đường lùi cho khả năng thỏa hiệp với Mỹ ở Biển Đông, do đó nguy cơ nổ ra xung đột rất lớn. Đi Mỹ trong vai trò đặc sứ của Trung Nam Hải, ông Dương Khiết Trì rất khó tháo gỡ nút thắt này.
Vấn đề thứ ba là thương mại Trung – Mỹ.
Sau cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình không lâu, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Trung Quốc là “nhà vô địch thao túng tiền tệ”. Trump sẽ không né tránh một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Trước thái độ này của Trump, Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách hoãn xung, triển khai hợp tác. Tuy nhiên lập trường và nguyên tắc của hai bên cho đến nay vẫn cơ bản đối lập nhau, khả năng thỏa hiệp không cao.
Có lẽ chính vì điều này khiến cho kỳ vọng trong chuyến thăm Mỹ vừa qua của ông Dương Khiết Trì về một hội nghị thượng đỉnh Trung – Mỹ vẫn chưa thể thực hiện. [2]
Trump không nói chơi
Cá nhân người viết đánh giá cao chiến thuật giữ bí mật của Tổng thống Donald Trump với cả đối thủ lẫn đối tác, nhất là với Trung Quốc khi động đến các vấn đề gai góc, nhạy cảm.
Khi Trump không nói chơi, người Việt cần thay đổi |
Việc không bộc lộ ý đồ trước, trong và cả sau đàm phán sẽ giúp Trump giữ thế chủ động trên bàn cờ chiến lược cả đối nội lẫn đối ngoại.
Thậm chí một tấm ảnh về cuộc chào xã giao của ông Dương Khiết Trì với chủ nhân Nhà Trắng trong 5 đến 7 phút, cũng không lọt ra ngoài.
Có lẽ chính nhờ chiến thuật này mới khiến ông luôn luôn “có được cái gì đó” từ bàn đàm phán.
Hơn một tháng qua kể từ khi chính thức bước vào Nhà Trắng, Trump đã cho thấy mình là một chính khách “nói là làm”.
Mặc dù những quyết sách đối nội, đối ngoại của ông có thể gây tranh cãi trong chính lòng xã hội Mỹ cũng như dư luận truyền thông quốc tế, nhưng ông đã và đang thực hiện những gì cam kết khi tranh cử.
Mới đây nhất, việc Tổng thống Donald Trump kêu gọi tăng ngân sách quốc phòng thêm 54 tỉ USD, tương đương 10% ngân sách quốc phòng hiện tại là một minh chứng.
Chính giới quan sát Trung Quốc cũng ghi nhận điều này với đánh giá, quân đội Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Đông nếu đề nghị tăng ngân sách của Tổng thống Hoa Kỳ được Quốc hội nước này chấp nhận. [3]
Theo Reuters, một quan chức biết rõ về đề xuất này cho biết, yêu cầu của Tổng thống Trump tăng ngân sách cho Lầu Năm Góc để có tiền chi trả cho việc đóng tàu, mua sắm máy bay nhằm thiết lập một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn ở eo biển Hormuz và Biển Đông. [4]
Người viết cho rằng, mặc dù Tổng thống Donald Trump không phải người ra quyết định cuối cùng về ngân sách quốc phòng, mà do Quốc hội Mỹ quyết định, nhưng việc làm này của ông đã củng cố thêm lòng tin cho đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương rằng Trump không nói chơi, không xoay trục trên giấy.
Cá nhân người viết cũng đánh giá rất cao nhận định sắc sảo của học giả Bruce Gilley về Donald Trump và Tập Cận Bình trên The Guardian.
Tài liệu tham khảo: