Biển Đông: Phải bắt Bắc Kinh đối đầu với Luật quốc tế, thay vì với Mỹ – Không quân Indonesia mở tập trận lớn chưa từng thấy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Biển Đông: Phải bắt Bắc Kinh đối đầu với Luật quốc tế, thay vì với Mỹ – Không quân Indonesia mở tập trận lớn chưa từng thấy

Thật là đáng tiếc khi Liên Hiệp Châu Âu đã không bày tỏ được thái độ ủng hộ phán quyết về Biển Đông ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài Thường trực (PCA) ở La Haye, đã phủ nhận yêu sách của TC đòi quyền kiểm soát rộng khắp trên Biển Đông. Trong bài phân tích ngày 19/08/2016, trên trang web Atlantic-Community.org, tiến sĩ Michael John Williams, thuộc Đại học New York cho rằng Liên Hiệp Châu Âu phải khẳng định quyết tâm hậu thuẫn cho luật pháp quốc tế bằng cách hỗ trợ phán quyết của PCA, qua đó cho thấy rằng cuộc đối đầu hiện nay ở Biển Đông không phải là giữa TC với Mỹ, mà là giữa TC với luật pháp quốc tế. Châu Âu không thể bỏ quên nghĩa vụ quốc tế của mình, trong đó có việc bảo tồn trật tự thế giới dựa trên luật pháp.

Tiến sĩ Williams trước hết ghi nhận là sau khi phán quyết Biển Đông được đưa ra, các lãnh đạo châu Âu đã không thể nhất trí được với nhau về một phản ứng chung, mà chỉ ghi nhận một cách yếu ớt là họ không bênh ai trong tranh chấp giữa Philippines và TC. Có điều, theo ông Williams, vấn đề không phải là ủng hộ nước này chống lại nước kia, mà là hậu thuẫn luật pháp quốc tế chống lại một hình thức của “chủ nghĩa xét lại”.

Vào lúc đang bị Nga thách thức với những hành động vi phạm luật pháp quốc tế ở châu Âu, lẽ ra Liên Hiệp Châu Âu phải thoải mái hơn trong việc đưa ra một ý kiến nói rằng phán quyết của tòa án quốc tế phải được tôn trọng. Xa hơn nữa, lẽ ra các nước châu Âu cần phải hỗ trợ Hoa Kỳ và các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương khác đang tìm cách bảo vệ luật pháp quốc tế thông qua các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải.

Theo tiến sĩ Williams, Liên Hiệp Châu Âu luôn muốn trở thành một cường quốc thế giới, thậm chí còn có riêng một ngoại trưởng. Thế nhưng lạ thay, khi có một cơ hội tuyệt vời để quảng bá giá trị nền tảng của mình là duy trì luật pháp quốc tế một cách hòa bình, thì các thành viên lại thoái thác trách nhiệm quốc tế của mình. Liên Hiệp Châu Âu cho biết sẽ “nghiên cứu” phán quyết PCA, nhưng một tuyên bố như vậy thật phi lý và có nguy cơ làm suy yếu các quy tắc thượng tôn luật pháp mà Liên Hiệp Châu Âu lúc nào cũng nói là cần phải bảo vệ.

Các nước Đông Âu không nên vì sợ TC mà chống PCA

Có một số thành viên Châu Âu đã lo ngại về nguy cơ quan hệ thương mại với TC bị tổn hại, đặc biệt là các nước Đông Âu đã được TC chiêu dụ bằng các hợp đồng thương mại. Câu hỏi đặt ra là các nước đó sẽ cảm thấy như thế nào, nếu phần còn lại của châu Âu và Mỹ bỏ mặc Đông Âu và luật pháp quốc tế để theo Nga vì lợi ích thương mại? Nền kinh tế Đức đã bị thiệt hại lớn, vì thủ tướng Merkel ban hành lệnh trừng phạt chống nước Nga, nhưng bà đã làm vậy chính là để bảo vệ luật pháp quốc tế và các thành viên mới nhất của Liên Hiệp Châu Âu.

Quốc gia Châu Âu nào, mà cho rằng Tòa Trọng Tài Thường Trực đã lạm quyền, đều đã hoàn toàn sai lầm. Rõ ràng là PCA có thẩm quyền đối với các trường hợp quy định trong Điều 288 (1) phù hợp với Phần XV của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hơn nữa, để tránh rơi vào những vấn đề ‘chính trị’, tòa án đã cẩn thận tách riêng 15 đề xuất của Philippines để phán quyết trong tinh thần chỉ dựa trên luật về tranh chấp biển, chứ không phán quyết về vấn đề chủ quyền rộng lớn… Vì thế, phán quyết của PCA theo đó TC, một quốc gia thành viên UNCLOS, đã vi phạm Công Ước 1982, là một văn kiện hợp lệ và không cần phải được Liên Hiệp Châu Âu “nghiên cứu” kỹ lưỡng trước khi ủng hộ.

Các nước Liên Hiệp Châu Âu cần phải chứng tỏ là mình có năng lực tập thể để chống lại các áp lực của TC. Lập luận của Croatia, theo đó mọi tuyên bố chính thức đều không được đề cập đến UNCLOS là một đòi hỏi đáng khinh…

Một khối hùng mạnh như Châu Âu cần bạo dạn bảo vệ luật quốc tế

Một câu hỏi khác là phán quyết về Biển Đông thì có liên quan gì đến Liên Hiệp Châu Âu ? Với người tị nạn từ Trung Đông đang tràn ngập, một nước Nga muốn phuc hận, với nạn khủng bố gia tăng trên lục địa, Châu Âu phải chăng đã có đủ việc để lo rồi?

Lập luận đó tuy nhiên rất ngớ ngẩn. Một cường quốc phải có khả năng vừa đi bộ, vừa nhai kẹo cao su. Ba nước đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu như Anh, Pháp và Đức – chưa kể đến phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu rộng lớn – có nghĩa vụ duy trì sự tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp trên thế giới. Hiện nay, họ đã chối bỏ trách nhiệm này, với hệ quả là để cho Hoa Kỳ một mình đối đầu với TC về tính hợp pháp của các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Điều này rất nguy hiểm.

Nếu Mỹ trở thành cường quốc duy nhất tiến hành các cuộc tuần tra vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, một cuộc đối đầu lẽ ra là giữa TC và luật pháp quốc tế, lại biến thành một cuộc xung đột giữa TC và Hoa Kỳ. Nhưng nếu các quốc gia Châu Âu ủng hộ phán quyết của tòa án La Haye, thì cuộc đối đầu sẽ được quốc tế hóa, và làm cho căng thẳng giảm bớt, tránh được nguy cơ nổ ra xung đột Mỹ-Trung.

Thay vào đó, khi các nước Châu Âu thực hiện các hoạt động tuần tra, và bị TC chống lại, thì cục diện sẽ biến thành Bắc Kinh đối đầu với “luật pháp quốc tế” được cả thế giới nói chung ủng hộ, chứ không chỉ đơn giản là một xung khắc song phương Mỹ-Trung. Bắc Kinh sẽ không còn có thể đổ lỗi cho một mình Mỹ, nếu cả cộng đồng quốc tế hậu thuẫn cho phán quyết của PCA…

Hậu thuẫn cho luật pháp quốc tế thông qua các hoạt động tuần tra vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ chứng tỏ quyết tâm của Liên Hiệp Châu Âu trong việc duy trì một trật tự thế giới dựa trên các nguyên tắc của pháp luật. Điều đó đồng thời là tín hiệu cảnh cáo TC, cho biết là Bắc Kinh đừng hòng áp đặt luật lệ theo ý mình.

Tóm lại, ủng hộ phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực là một chính sách đơn giản, nhưng rất quan trọng để thúc đẩy lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu, ở cả bên trong lẫn bên ngoài. – Theo RFI

***
Trong một động thái phô trương thanh thế rõ nét, không quân Indonesia đang tham gia cuộc tập trận được đánh giá là lớn chưa từng thấy trên không phận Biển Đông gần quần đảo Natuna. Theo một số quan chức Indonesia vào hôm nay, 04/10/2016, đợt tập trận nhằm chứng minh chủ quyền của Jakarta trên một vùng giàu khí đốt sát cạnh vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền.

Theo phát ngôn viên Không Quân Indonesia, Jemi Trisonjaya, nước này “muốn chứng tỏ sự tồn tại của mình ở trong vùng, với một lực lượng không quân đủ hùng hậu để răn đe đối phương”.

Viên chức này cho biết là cuộc tập trận kéo dài kéo dài hai tuần sẽ chấm dứt vào ngày thứ năm 06/10, huy động các phi đội chiến đấu cơ Sukhoi của Nga và F-16 của Mỹ. Riêng chuyên san quốc phòng Anh IHS Jane’s tiết lộ là từ ngày 06/10, quân đội Indonesia sẽ tiến hành một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ”Angkasa Yudha”, với sự tham gia của các máy bay tiêm kích, máy bay vận tải, trực thăng và lực lượng đặc biệt tại vùng Natuna.

Vào tháng 6 vừa qua, tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tung ra một chiến dịch chưa từng thấy để đẩy mạnh việc tăng cường hoạt động đánh cá, khai thác dầu khí và củng cố các cơ sở quốc phòng ở vùng quần đảo Natuna sau một loạt những vụ chạm trán giữa Hải Quân Indonesia và tàu Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc không tranh chấp chủ quyền quần đảo Natuna, nhưng đã làm Indonesia bực tức khi cho rằng hai bên có yêu sách chồng lấn tại một phần vùng biển xung quanh Natuna, tại một khu vực bị đường lưỡi bò lấn vào.

Theo các nguồn tin từ ban tham mưu lực lượng võ trang Indonesia, Không Quân nước này sẽ đưa các loại chiến đấu cơ, máy bay vận tải và trực thăng chuyên dùng vào cuộc tập trận, kết hợp với các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt ở dưới đất. Lực lượng Hải Quân cũng sẽ tập trận để thử nghiệm lại một số tên lửa chống hạm, mua của Trung Quốc, nhưng đã gặp thất bại trong những lần thử trước đây.

Điểm đáng lưu ý, theo chuyên san Jane’s, thì lẽ ra cuộc tập trận phải diễn ra trên đảo Belitung, ở Đông Sumatra, nhưng đã được chuyển đến khu vực quần đảo Natuna, trên đảo Pulau Natuna Besar.

Lý do di chuyển địa điểm tập trận không được chính thức loan báo, nhưng hòn đảo mới được chọn nằm gần đường “chín đoạn” mà Bắc Kinh đã đơn phương vạch ra để tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông. – RFI