Biển Đông Lặng Lẽ?
Theo Vietbao
Vẫn lặng lẽ… nhưng vẫn có cơ nguy bùng nổ bất ngờ… Biển Đông với Hải quân Trung Quốc gầm gừ, trong khi Tổng Thống Hoa Kỳ tân nhiệm Donald Trump chuẩn bị tiếp nhận nhiệm vụ.
Việt Nam sẽ về đâu, sẽ giữ nổi Biển Đông chăng?
Chính phủ Philippines đã có tháí độ hòa nhã với Bắc Kinh… Phaỉ chăng, lễ độ sẽ thu hồi được các đảo đã bị TQ cuớp mất?
Báo Illawarra Mercury hôm Thứ Hai cho biết chính phủ Philippines đã nộp một kháng thư ngoại giao để phản đối về các tình hình TQ đã gắn súng phòng không và vũ khí chống phi đạn trong các đảo nhân tạo ở biển Đông.
Một trong các đảo đó nằm trong vùng 200 dặm đặc khu kinh tế của Philippines.
Ngoại Trưởng Philippines là Perfecto Yasay nói với các phóng viên rằng kháng thư là bày tỏ quan ngại, nhưng không để tạo ra chuyện ầm ĩ gì…
Ông nói rằng Philippines không muốn gây chiến với TQ, nhưng khi có tin vũ khí gắn nơi các đảo nhân tạo Biển Đông (người Philippines gọi là Biển Tây), chính phủ Manila phải bảo đảm là quyền lợi dân tộc Philippines được bảo vệ…
Nghĩa là, nhỏ nhẹ nói với đàn anh TQ…
Trong khi đó, bản tin RFA ghi nhận rằng trong chuyến công du Việt Nam lần này, Nhật mang một tin vui tới cho Hà Nội, đó là cam kết tài trợ 6 tàu tuần duyên mới cho Việt Nam. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Nhật sẽ hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam bằng cách tăng cường năng lực hàng hải thực thi pháp luật, đồng thời nhấn mạnh rằng các tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán phù hợp với pháp luật quốc tế.
Mặc dù Tokyo không tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông nhưng lo lắng về những hành động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên vùng biển này cũng như tại khu vực biển Hoa Đông khiến Tokyo tìm sự đồng thuận nhiều nước trong vùng như Philippines, Indonesia và Việt Nam.
Ngoài việc cam kết cung cấp tàu tuần duyên cho Việt Nam phái đoàn đã ký một số thỏa thuận kinh doanh, bao gồm cả năng lượng và các dự án dệt may và một dự án giúp đỡ chống tác động của biến đổi khí hậu.
Nhưng biển mênh mông, 6 tàu tuần duyên của Nhật giúp VN thấm vào đâu?
Bản tin VOA ghi thêm chi tiết rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm đến Việt Nam hôm 16/01 đã cam kết viện trợ cho nước này 6 tàu tuần tra mới.
Bản tin ghi rằng Việt Nam sẽ được cấp một khoản vay ưu đãi để mua sáu tàu tuần tra mới có tổng trị giá 338 triệu đô la, một quan chức Nhật Bản nói. Vẫn chưa rõ liệu khi nào 6 chiếc tàu này được bàn giao, nhưng trước đó Nhật Bản đã đồng ý viện trợ cho Việt Nam 6 tàu tuần tra cũ.
Trong khi Phillipines dưới thời của Tổng thống Rodrigo Duterte tỏ ra sẵn sàng xích lại gần hơn với Trung Quốc, xa rời đồng minh truyền thống là Mỹ, thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực có vẻ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc.
Những câu hỏi đặt ra cho chính sách của Hoa Kì tại châu Á một lần nữa được nêu lên trong tuần qua sau khi ứng viên cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng TQ cần chấm dứt xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông, và rằng cần phong tỏa những hòn đảo đó.
Bất chấp những khác biệt còn tồn tại, Việt Nam vẫn duy trì một đường hướng ngoại giao gắn bó với Trung Quốc. Tuần trước, hai nước đã đồng ý kiểm soát các tranh chấp hàng hải, giữ gìn hòa bình, ổn định.
VOA ghi nhận rằng Việt Nam và Nhật Bản đều là những nước ủng hộ mạnh mẽ hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn có nguy cơ bị đình trệ sau khi ông Trump hứa sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định này.
Trong khi đó, RFI ghi nhận tình hình quan hệ ngày thắt chặt thêm giữa Ấn Độ và Việt Nam mang lại lợi ích chiến lược cho cả hai bên.
RFI ghi rằng một bài báo trên Asia Times ngày 11/01/2017, mang tựa đề «Giúp bạn trong cơn túng quẫn – Việc Ấn Độ bán vũ khí cho Việt Nam mang đầy ý nghĩa», nhà báo Helen Clark, đã phân tích bối cảnh của đề nghị mới đây của New Delhi, sẵn sàng cung cấp cho Hà Nội loại tên lửa hiện đại Akash do chính Ấn Độ chế tạo.
Đối với tác giả bài báo, khả năng Ấn Độ sắp bán cho Việt Nam hệ thống tên lửa phòng không Akash tinh vi, là yếu tố mới nhất trong quan hệ chiến lược rộng lớn không ngừng được tăng cường nhanh chóng giữa hai nước trong những năm gần đây. Điều này đã tác động thêm vào cuộc tranh chấp đang leo thang ở Biển Đông. Được nhật báo Ấn Times of India tiết lộ lần đầu tiên vào tuần qua, cuộc đàm phán trên thương vụ này, cũng phù hợp với tham vọng của Ấn Độ muốn trở thành nước cung cấp vũ khí quan trọng.
Đề nghị mới nhất của New Delhi bao gồm trước hết loại hỏa tiễn tầm trung địa đối không Akash do bộ Quốc Phòng Ấn Độ sản xuất, có thể bắn hạ chiến đấu cơ, phi cơ trực thăng và máy bay không người lái drone ở cách xa 25km, trong lúc mà Bắc Kinh đang xây dựng hệ thống phòng không trên những thực thể mà Trung Quốc chiếm giữ ở vùng Biển Đông đang tranh chấp. Ấn Độ cũng đề nghị bán cho Việt Nam loại ngư lôi chống tàu ngầm Varunastra trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc căng thẳng thêm lên.
Trong khi đó, BBC ghi nhận tình hình: Tập đoàn ExxonMobil ký thỏa thuận khí đốt với Việt Nam…
Bản tin nói rằng Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ ExxonMobil vừa ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với hai đối tác Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cho biết trên website của mình rằng Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh vừa được ký hôm 13/1 giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Công ty TNHH Thăm dò Khai thác Dầu khí ExxonMobil Việt Nam (ExxonMobil).
Dự án khai thác và mua bán khí đốt lấy từ mỏ Cá Voi Xanh nằm ngoài khơi Quảng Ngãi là dự án khí lớn nhất Việt Nam cho tới nay, được trông đợi đạt dòng khí đầu tiên vào năm 2023.
Trong giai đoạn đầu, sản lượng khai thác của dự án Cá Voi Xanh sẽ đủ cung cấp khí cho bốn nhà máy điện với tổng công suất 3.000 MW.
Theo Chính phủ Việt Nam, tổng đầu tư chuỗi dự án gồm hai giai đoạn khoảng 10 tỷ USD và sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 20 tỷ USD.
BBC ghi rằng một điều đáng chú ý là thỏa thuận khung mới nhất được ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam lần cuối của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và trong khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng ở thăm Trung Quốc.
Theo Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông, “thỏa thuận mới nhất diễn ra trong hai chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa cho thấy chiến lược cân bằng giữa các cường quốc của Việt Nam”.
Lô 118 nằm ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, thuộc vùng biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam, rất gần đường chín đoạn mà Trung Quốc lập ra để đòi hỏi chủ quyền Biển Đông.
Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước thông tin này nhưng trước đây Bắc Kinh từng bóng gió cảnh báo các tập đoàn nước ngoài không nên làm ăn với Việt Nam tại các vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Bằng nhiều cách, Trung Quốc đã gây áp lực buộc các công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam phải rút lui.
BBC cũng nhắc rằng người được tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chỉ định làm tân ngoại trưởng, Rex Tillerson, người đã thông báo nghỉ hưu tại tập đoàn ExxonMobil, vừa có tuyên bố mạnh mẽ về Biển Đông.
GS Thayer nói với BBC: “Rex Tillerson chắc chắn có hiểu biết sâu sắc về các nỗ lực của Trung Quốc nhằm cản trở hoạt động của ExxonMobil tại Việt Nam từ các năm 2007-2008. Tillerson sẽ không nao núng trước các phản đối của Trung Quốc”.
Biển Đông sẽ êm? Hay sẽ sóng gió? Nhưng thấy rõ rằng, quyền lợi Hoa Kỳ đang đặt vào Biển Đông…
Trong khi VN và Philippines quyết định chọn giải pháp đi dây…