Biển Đông: “Hoàng Sa – Nỗi đau mất mát” hay là kế phản khách vi chủ của TC đã thành công
Gần đây chúng tôi đã có dịp được giới thiệu với bạn đọc về một chủ đề là kế phản khách vi chủ của Trung Quốc trên Biển Đông[1]. Nhân gần đây Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) có trụ sở tại Washington D.C., Hoa Kỳ đã tổ chức hội thảo lần thứ năm về chủ đề Biển Đông (South China Sea)[2], chúng tôi xin được gửi tới bạn đọc những bình luận từ góc nhìn của hội thảo tới câu chuyện đã trình bày trước đó về kế sách và thủ đoạn của bọn bành trướng Bắc Kinh.
Diễn biến hội thảo gần như là một cuộc đấu khẩu giữa một bên là Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Hầu hết các tham luận đều có đề cập đến China, và tất nhiên, tham luận của ông giáo sư người Trung Quốc lại càng chú trọng vào vấn đề giải thích hành động của nước này cũng như đổ lỗi cho các nước khác, nhất là Mỹ, Nhật vì đã có kế hoạch để kìm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Về nội dung các tường thuật diễn biến và thực trạng tình hình căng thẳng trên Biển Đông thì không cần nhắc lại, bởi đều đã được thông tin đến bạn đọc qua thông tin báo chí trước đó, và các tham luận không đến từ Trung Quốc cũng khá thống nhất về quan điểm. Chúng tôi chỉ muốn xin nhấn mạnh tới nội dung những gợi ý về phương thức hành xử để có thể giải quyết vấn đề mâu thuẫn trong hoà bình. Gợi ý của hai học giả quốc tế đều có chung một quan điểm là «giữ nguyên trạng, không sử dụng vũ lực, chỉ qua ngoại giao và thương thảo để đạt thoả thuận».
Đáng chú ý nhất là gợi ý của ông Bill Hayton, một nhà báo, học giả, người đã có nghiên cứu rất sâu sắc về Việt Nam cũng như Biển Đông và có xu hướng nghiêng về phía Việt Nam. Trong phân tích của ông Hayton đã chỉ ra một cách rất chi tiết rằng[3]: nếu giải quyết xung đột theo hướng giữ nguyên trạng và thừa nhận sự chiếm đóng của các bên tại các cơ sở đã có như hiện tại, Việt Nam sẽ phải chấp nhận mất toàn bộ Hoàng Sa, để được đổi lại « tính chính danh » đối với những đảo đang chiếm đóng ở Trường Sa, và nếu Trung Quốc đồng ý bỏ đường lưỡi bò thì Việt Nam có thể được đánh cá cũng như khai thác dầu khí mà không bị quấy nhiễu. Mặc dù không thể phủ nhận tính khách quan của ông Hayton, người Việt chúng ta có ai mà không thấy đau khi nghe những lời góp ý như vậy? Liệu ai trong số mỗi người dân Việt có thể chấp nhận được nỗi đau mất mát một phần máu thịt của Tổ Quốc?
Tranh chấp Hoàng Sa chỉ là tranh chấp tay đôi giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trong tất cả các đàm phán về biển đảo giữa hai bên, theo như chúng tôi được biết thì phía Trung Quốc cương quyết không bàn đến Hoàng Sa, không coi đó là vùng có tranh chấp. Hầu hết trong các hội thảo về vấn đề Biển Đông, các học giả, nhà báo và người nghiên cứu quốc tế ít đề cập đến Hoàng Sa, trường hợp như ông Hayton có đề cập đến là rất hiếm có vì sự sâu sắc và kinh nghiệm lâu năm của ông đối với khu vực. Ngay cả những học giả Việt Nam cũng ít thậm chí không đề cập tới tranh chấp Hoàng Sa tại các hội thảo như thế này, trong khi lẽ ra đây phải là một cơ hội bằng vàng để chúng ta phổ biến câu chuyện về Hoàng Sa. Bởi vì trên thực tế là Trung Quốc đang chiếm đóng, kiểm soát và giữ gìn sự kiểm soát của chúng một cách rất bền vững. Vậy thì ai sẽ giúp chúng ta, ai sẽ ủng hộ Việt Nam nếu bản thân chúng ta không tự thân tích cực nghiên cứu, vận động, phổ biến tới thế giới về cuộc chiếm đóng của Trung Quốc năm 1974, để khẳng định lịch sử và tính chính danh của Việt Nam đối với chủ quyền tại Hoàng Sa và hướng tới nghiên cứu phương án giải quyết? Chính quyền Việt Nam đã để vấn đề này ngủ quên quá lâu hàng chục năm, đến nỗi cả người dân cũng như thế giới đã dần quen với sự đã rồi của việc Hoàng Sa mặc định thuộc về phía Trung Quốc kiểm soát. Chúng ta cần phải chứng minh, chỉ rõ cho thế giới thấy sự nguy hiểm nếu để Trung Quốc độc chiếm Hoàng Sa, ảnh hưởng của việc bọn chúng có thể thiết lập các thiết chế cản trở tự do lưu thông (hàng hải cũng như hàng không) ở khu vực.
Khu vực Trường Sa cũng vậy, từ chỗ không có chỗ đứng ở Trường Sa, sau 1988 Trung Quốc đã có chỗ đứng và đến nay, sau đợt xây đảo vừa rồi thì bọn chúng đã củng cố vững chắc chỗ đứng này. Hiện tại Trung Quốc đã tuyên bố sẽ dừng các biện pháp xây dựng đảo, nhưng cũng chỉ là hàng động lùi một bước sau khi đã tiến ba (chục) bước của bọn chúng. Hoạt động xây đảo của chúng gần như đã hoàn tất, hiện tại chúng có thể tuyên bố như vậy để đánh lạc hướng dư luận trong khi tập trung vào các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo đã bồi đắp. Mặc dù tiến sĩ Trần Trường Thuỷ đã nói được một số điểm quan trọng để bảo vệ quan điểm của Việt Nam, chúng tôi rất tiếc ở một số điểm sau: Trong khi nhiều học giả quốc tế nổi tiếng, có hiểu biết sâu sắc về khu vực tránh dùng chữ « land reclamation » để chỉ các hoạt động xây đảo của Trung Quốc [4], thì ông lại dùng chữ này. Việc dùng chữ « land reclamation » – có nghĩa là lấn biển, cải tạo đất – để chỉ các hoạt động này đã tạo cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục luận điệu rằng các nước khác cũng có hoạt động tương tự và bọn chúng chỉ cố gắng bắt kịp các hoạt động như vậy của các nước tranh chấp khác. Giống như sau đó, một câu hỏi từ phía một khán giả Trung Quốc đã đặt câu hỏi cho ông Thuỷ, nhưng không biết vô tình hay cố ý gọi ông là một học giả Phillipines (!). Đây chính là chiêu trò đánh tráo khái niệm, dẫn đến những tranh cãi mất thời gian, lòng vòng để đánh lạc hướng, câu giờ của phía Trung Quốc. Lẽ ra, cần gọi các hoạt động của phía Trung Quốc là xây đảo nhân tạo ngay từ đầu để làm rõ bản chất sự khác biệt so với các hoạt động lấn biển của Việt Nam, Philipines và Malaysia. Và cuối cùng, chúng tôi thắc mắc rất lớn là tại sao trước một cơ hội vàng như vậy, ông Thuỷ lại không chiếu để mời bạn bè thế giới xem video do chính bọn Trung Quốc ghi lại cảnh chúng sử dụng súng tự động thảm sát 64 chiến sĩ trên đảo Gạc Ma, cũng do chính bàn tay chúng ghi hình lại và đưa lên mạng YouTube? Những hình ảnh thực tế và có tính tác động mạnh mẽ như vậy sẽ làm rõ hơn nữa bản chất ác ôn, hung hăng của Trung Quốc để tại một diễn đàn nơi nó có sức lan toả nhanh ra cộng đồng thế giới. Đáng tiếc là một cơ hội như vậy đã bị bỏ qua.
Dù người Việt chúng ta biết rõ bản chất lươn lẹo của Trung Quốc và chúng ta biết rõ một thoả thuận giữ nguyên trạng sẽ không bao giờ được chúng thực thi nghiêm túc, nhưng đó là cách gợi ý tốt nhất mà cộng đồng các học giả quốc tế có vẻ như đang đề nghị. Sẽ ra sao nếu một ngày bọn chúng hoàn thiện xong các công trình cơ sở hạ tầng trên các đảo? Hành động tiếp theo của Trung Quốc là gì ? Liệu chúng sẽ công bố vùng nhận dạng phòng không ADIZ hay là sẽ dùng một biện pháp gì khác ? Nếu xem bản đồ, bạn đọc sẽ nhận thấy các đảo mới xây của Trung Quốc nằm ở vị trí rải rác nhưng đều là vị trí chiến lược quan trọng, có tính chia cắt đối với các đảo của Việt Nam đóng giữ. Chúng có thể sử dụng chiêu thức như đã làm đối với Philipines ở Bãi Cỏ Mây, sử dụng một số lượng tàu hải giám và tàu cá vượt trội áp đảo để ngăn chặn các tàu tiếp tế của ta đến các đảo nhỏ nhằm buộc Việt Nam phải bỏ đảo. Làm như vậy sự việc sẽ thu hút ít sự chú ý của quốc tế hơn so với việc công bố ADIZ, và thậm chí, với cách hành xử mù mờ quen thuộc của chính quyền Việt Nam thì thậm chí là dư luận Việt Nam cũng có thể bị giấu nhẹm nếu có sự việc như vậy xảy ra.
Tóm lại, phần tổng kết nhận định trên cho thấy, kế sách phản khách vi chủ của Trung Quốc trong âm mưu chiến lược độc chiếm Biển Đông đã được chúng từng bước thực hiện một cách thành công. Từ chỗ chỉ có cụm đảo phía Đông Hoàng Sa, giờ chúng đã đóng giữ toàn bộ Hoàng Sa một cách vững chắc và không nhận được sự phản kháng nào từ phía quốc tế, còn tiếng nói phản kháng từ phía Việt Nam thì quá yếu ớt, hầu hết chỉ là ở trong nước và không có tiếng nói đáng kể tại các diễn đàn quốc tế như ở hội nghị trên. Từ chỗ không có chỗ đứng ở Trường Sa, hiện tại Trung Quốc đã có cơ sở vững chắc để có thể tiến hành các bước leo thang tiếp theo tại Trường Sa khi đã chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết. Trong khi đó, hoạt động nghiên cứu lịch sử và giải pháp; phổ biến thông tin; vận động trong nước và quốc tế của Việt Nam vừa ít vừa yếu. Việt Nam thậm chí còn bỏ lỡ nhiều cơ hội bằng vàng như tại hội thảo này để khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và làm rõ hình ảnh tham lam, hiếu chiến, vô nhân đạo của Trung Quốc. Việc Việt Nam có thể làm là tích cực nghiên cứu, thu thập chứng cứ tài liệu lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền biển đảo, nhưng việc quan trọng hơn là phổ biến thông tin về biển đảo một cách mạnh mẽ hơn nữa cả ở trong nước và ngoài nước. Nhất là đối với sự kiện Hoàng Sa 1974 và cuộc tàn sát ở Trường Sa 1988 phía Việt Nam càng cần nhắc lại nhiều hơn nữa tại các diễn đàn quốc tế, thay vì giấu diếm hoặc né tránh đề cập. Đó là những sự kiện có tính mấu chốt giữa vị trí chủ khách trên thực địa tại Biển Đông, cần được tích cực thông tin làm rõ để giúp Việt Nam chứng minh chủ quyền, tính chính danh của mình và lột trần bộ mặt cũng như kế sách bẩn thỉu của bọn bành trướng Trung Quốc.
____________________________
[1] https://www.danluan.org/tin-tuc/20150817/hoai-vu-doi-loi-ban-ve-ke-sach-phan-khach-vi-chu-cua-trung-quoc
[2] https://www.youtube.com/watch?v=6RFWgocf0Ls
[3] Video trên, phút thứ 24:20
[4] http://thediplomat.com/2015/06/no-china-is-not-reclaiming-land-in-the-south-china-sea/
– See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20150915/bien-dong-hoang-sa-noi-dau-mat-mat-hay-la-ke-phan-khach-vi-chu-cua-trung-quoc-da#sthash.49bMQVdW.dpuf