Biển Đông: Đấu khẩu Việt-Trung gay gắt trong hậu trường ASEAN; Bắc Kinh tố ngược VN đã xâm lấn vùng biển TC
Hãng tin Mỹ AP ngày 02/11/2019 cho biết tranh cãi đã nổ ra gay gắt giữa phái đoàn Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Bản dự thảo Tuyên Bố Chung Thượng Đỉnh ASEAN mà hãng AP đọc được có đoạn ghi: “Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC (Bộ Quy Tắc Ứng Xử), và hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ gây sự cố, hiểu lầm và tính toán sai lầm”.
AP trích dẫn tiết lộ của hai nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết trong một cuộc họp, phía Việt Nam đã yêu cầu đưa vào bản tuyên bố chung một cụm từ nói đến hành vi xâm lấn mới đây của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Phía Trung Quốc, thông qua đồng minh Cam Bốt, đã phản đối đề nghị này.
Cũng theo nguồn tin trên, các nhà ngoại giao Việt Nam đã đặt lại vấn đề tiến bộ của Bộ Quy Tắc Ứng Xử trong khi mà Trung Quốc tiếp tục xâm nhập vào vùng biển của Việt Nam.
Trong vấn đề này, theo lời một trong hai nhà ngoại giao Đông Nam Á xin giấu tên, thì một nhà ngoại giao Trung Quốc đã cho rằng ASEAN không được để cho Việt Nam phá hoại tiến trình đàm phán COC giữa toàn khối Đông Nam Á với Trung Quốc.
Biển Đông : Bắc Kinh tố ngược Việt Nam là đã xâm lấn vùng biển Trung Quốc
Lời tố cáo ngược này được đưa ra ngay sau khi một quan chức ngoại giao cao cấp của Việt Nam hàm ý cho rằng Hà Nội không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu tại một hội nghị khoa học bàn về Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ở Hà Nội hôm thứ Tư 06/11, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Lê Hoài Trung cho biết Việt Nam chủ trương đàm phán để giải quyết tranh chấp Biển Đông, nhưng cũng có những phương án khác, trong đó có cả biện pháp trọng tài và kiện tụng.
Khi được hỏi về ý kiến nói trên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 08/11 khẳng định rằng cốt lõi của vấn đề Biển Đông là việc Việt Nam và các nước có yêu sách khác đã “xâm chiếm và chiếm đóng” các hòn đảo của Trung Quốc.
Theo ông Cảnh Sảng, “Việt Nam cần phải đối mặt với thực tế lịch sử và tuân thủ sự đồng thuận ở cấp cao mà hai nước đã đạt được, giải quyết tranh chấp bằng đối thoại và tham vấn, đồng thời tránh những hành động có thể làm phức tạp vấn đề, xáo trộn đại cục hòa bình, ổn định ở Biển Đông và quan hệ song phương”.
Vấn đề Biển Đông đã gây căng thẳng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc kể từ tháng 7/2019 khi Trung Quốc cho tàu khảo sát vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời đưa tàu hải cảnh quấy phá hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại vùng Bãi Tư Chính.
Bất chấp các phản đối liên tiếp của Việt Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục cho tàu của họ ngang nhiên đi lại trong vùng biển Việt Nam, và tàu khảo sát Trung Quốc chỉ rời khỏi vùng biển Việt Nam ngày 24/10/2019.
Theo RFI