Biển Đông Chờ Sóng Gió

Cac Bai Khac

No sub-categories

Biển Đông Chờ Sóng Gió
Tuesday, December 13, 2016
Trần Khải 
Theo Vietbao 
Có phải Mỹ sắp mất quyền kiểm soát Thái Bình Dương? Một chuyên gia Pháp nói như thế trên RFI. Trong khi đó, Việt Nam mời Ấn Độ vào tìm dầu Biển Đông… và Tổng thống đắc cử hoa kỳ Donald Trump không nghĩ rằng chính sách “một Trung Quốc” là các gì cần ràng buộc Hoa Kỳ.

Thế là, Bắc Kinh sôi sục.

Bản tin RFA ghi rằng Việt Nam đã mời Ấn Độ tiến hành thăm dò các nguồn năng lượng tại khu vực Biển Đông cũng như ủng hộ kế hoạch mở rộng quan hệ ngoại giao đa phương với các nước khác.

Chủ tịch quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn thị Kim Ngân, hôm thứ bảy vừa qua cho biết như vừa nêu khi đang có mặt tại New Dehli trong chuyến công du đến nước này.

Phát biểu của bà Nguyễn thị Kim Ngân được cho là quan trọng trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền căng thẳng tại khu vực Biển Đông giữa Trung Quốc với một số quốc gia biển ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tình hình này cũng đang thu hút chú ý của cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, RFI ghi rằng một chuyên gia Pháp nhận định: Mỹ sắp mất quyền kiểm soát Thái Bình Dương.

RFI ghi rằng theo tướng Jean-Vincent Brisset, giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Chiến Lược và Quốc Tế IRIS, trên chuyên san Atlantico ngày 02/12/2016, các động lực mới trong khu vực có vẻ không thuận lợi cho cường quốc Thái Bình Dương là Hoa Kỳ.

Trong khi đó, VOA ghi rằng Trung Quốc chính thức yêu cầu VN ngưng nạo vét ở biển Đông.

Trung Quốc hôm 9/12 kêu gọi Việt Nam ngừng các hoạt động xây dựng trên một bãi cạn tranh chấp ở biển Đông, sau khi xuất hiện tin Hà Nội đã bắt đầu nạo vét Đá Lát.

Khi được hỏi về động thái của quốc gia láng giềng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố rằng Bắc Kinh “có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) và bãi cạn Riji (Đá Lát) cũng như các vùng nước lân cận”.

Trang web của Bộ này dẫn lời ông Lục “thúc giục các quốc gia liên quan tôn trọng chủ quyền của chúng tôi” cũng như “ngưng các hoạt động và kiềm chế không làm phức tạp tình hình; làm việc với Trung Quốc để bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông)”.

VOA nhắc rằng hãng tin Reuters hôm 8/12 dẫn các hình ảnh vệ tinh của công ty Planet Labs có trụ sở ở Mỹ cho thấy rằng một số tàu của Việt Nam đang tiến hành các hoạt động nạo vét mở đường cho các hoạt động xây dựng lớn hơn nữa trong tương lai.

Bản tin khác của VOA ghi rằng Ấn Độ và Indonesia ngày 12/12 chính thức nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông, thúc giục các bên chứng tỏ tôn trọng Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển UNCLOS, văn kiện thiết lập trật tự pháp lý quốc tế về các vùng biển và đại dương trên thế giới.

Lời kêu gọi này được xem là cấp thiết trước thái độ của Trung Quốc từ chối không công nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hình thành theo Công ước UNCLOS qua đó tòa bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên 90% diện tích Biển Đông trong vụ kiện của Philippines.

“Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các phương cách hòa bình, theo các tiêu chí của luật quốc tế được thế giới công nhận kể cả UNCLOS,” theo tuyên bố chung của hai nước sau cuộc họp giữa Thủ tướng Ấn, Narendra Modi, và Tổng thống Indonesia, Joko Widodo.

Cho tới nay, Ấn đã có các cuộc họp thượng đỉnh nhắc tới vấn đề Biển Đông với Mỹ, Nhật, và Việt Nam. Truyền thông Ấn cho hay New Dehli đã đề nghị một cuộc họp tương tự với Singapore trước cuộc gặp giữa Thủ tướng Modi và người đồng nhiệm Lý Hiển Long của Singapore hồi tháng 10 nhưng Singapore không đồng ý.

Một bản tin khác của VOA nêu ngay trên tựa bản tin: Ông Trump đổ dầu vào chảo lửa biển Đông?

Trung Quốc mới đây đã triển khai máy bay ném bom tầm xa vần vũ ở biển Đông, ít ngày sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển tranh chấp này, cũng như điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.

Máy bay ném bom có khả năng hạt nhân H-6 của Trung Quốc bay dọc đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò hôm 8/12, chương trình Fox News dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết.

Đây được coi là lần đầu tiên Bắc Kinh bay dọc theo đường ranh giới mà Trung Quốc tự lập ra để tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, nhưng đã bị Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc bác bỏ hồi tháng Bảy năm nay.

Bản tin VOA nói rằng theo các quan chức Hoa Kỳ giấu tên được trích lời nói rằng động thái chứng tỏ sức mạnh của Trung Quốc nhằm “phát đi một thông điệp cho tân chính quyền của Tổng tống đắc cử Donald Trump”.

Khi được hỏi liệu các tuyên bố mạnh mẽ của ông Trump đối với Bắc Kinh thời gian qua có thể “đổ thêm dầu vào chảo lửa biển Đông”, hay “thổi bùng căng thẳng” ở vùng biển tranh chấp này như một số nhận định trên mạng xã hội, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore, nói:

“Tôi nghĩ rằng cũng có thể những hành động mạnh mẽ của ông Donald Trump, nếu mà xảy ra, có thể sẽ kích động Trung Quốc hơn, và như vậy dẫn tới căng thẳng gia tăng hơn. Tuy nhiên, cũng phải xét tới khía cạnh còn lại, đó là sự cứng rắn của ông Donald Trump có thể làm Trung Quốc cảm giác bị kiềm chế và họ sẽ phải cân nhắc hơn trong hành động của mình, đặc biệt là những hành động mang tính chất khiêu khích và mang tính chất phiêu lưu. Họ có thể sẽ phải cân nhắc hơn về phản ứng của ông Donald Trump cũng như chính quyền Hoa Kỳ. Những phản ứng cứng rắn có thể sẽ có lợi hơn cho tình hình khu vực vì các nước cứ tiếp tục nhún nhường, Trung Quốc sẽ càng lấn tới, và họ lấn tới đâu thì càng khó có thể đảo ngược được tình thế tới đó. Chính vì vậy, tốt hơn là phải có sự răn đe, ngăn chặn ngay từ đầu để mà tình hình không đi tới mức không thể khắc phục, không thể đảo ngược”.

VOA cũng ghi rằng hôm 11/12, trả lời chương trình “Fox News Sunday”, ông Trump đặt dấu hỏi về chuyện liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục quan điểm bấy lâu nay về việc Đài Loan là một phần của chính sách “một Trung Quốc” hay không.

Tổng thống đắc cử Mỹ được trích lời nói: “Tôi hoàn toàn hiểu chính sách một Trung Quốc, nhưng tôi không biết lý do vì sao chúng ta lại phải bị ràng buộc bởi chính sách một Trung Quốc, trừ phi chúng ta có một thỏa thuận với Trung Quốc về những thứ khác như thương mại”.

Biển Đông sẽ về đâu? Sóng gió có tới mức chiến tranh hay không? Đành chờ hồi sau sẽ rõ.