Biển Đông: Các bản đồ cổ giúp gì VN trong cuộc chiến pháp lý với TQ?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Biển Đông: Các bản đồ cổ giúp gì VN trong cuộc chiến pháp lý với TQ?

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52391830 – Mỹ Hằng BBC News Tiếng Việt

Một tài liệu Hán Nôm từ thế kể 17-18 được trưng bày ở Hà Nội năm 2014 nhằm hỗ trợ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông

Bản quyền HOANG DINH NAM/Getty Images – Một tài liệu Hán Nôm từ thế kể 17-18 được trưng bày ở Hà Nội năm 2014 nhằm hỗ trợ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông

Hàng chục năm qua chính phủ Việt Nam đã cho người đi khắp thế giới sưu tập bản đồ để có chứng cứ hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông, nhưng giá trị pháp lý của chúng đến đâu?

Một trong những người từng được báo Mỹ gọi là “Người săn bản đồ”, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, đã tìm thấy nhiều bản đồ quý hiếm, và bằng chứng trong hơn 50 cuốn sách bằng tiếng Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – về việc một nhà thám hiểm Việt Nam thời Nguyễn đã cắm cờ ở Hoàng Sa và Trường Sa vào những năm 1850.

Một số nhà nghiên cứu khác, như ông Nguyễn Đình Đầu, cũng sưu tập được khoảng 200 bản đồ quý.

Những bản đồ này đã được chính phủ Việt Nam cho triển lãm trong và ngoài nước để dư luận được tận mắt nhìn thấy Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Nhưng nếu mang ra cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc thì những bản đồ này có đủ sức nặng không?

‘Cần kèm theo các văn kiện nhà nước’

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho hay các bản đồ Việt Nam sưu tập được cho tới nay chủ yếu dùng cho mục đích tuyên truyền, động viên, để mọi người biết Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Nhưng nói về độ xác thực, ông cho rằng quan trọng nhất là bản đồ phải đi theo các văn bản pháp lý, các văn kiện của nhà nước thời bấy giờ.

“Các văn kiện này phải phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của một quốc gia đã chiếm hữu vùng đó một cách hòa bình, và khai thác liên tục một cách có hiệu quả,” ông Đinh Kim Phúc nói.

“Không thể chỉ dùng mỗi bản đồ để đấu tranh pháp lý vì nếu vậy, mang ra tòa quốc tế thì không có giá trị.”

“Ví dụ tờ Lệnh Lý Sơn do vua Minh Mạng ban năm 1834, điều động quân và dân các làng chài ở Quảng Ngãi đi coi sóc, thám sát vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Đó là văn kiện có tính chất nhà nước.”

Vietnam, South China Sea, maps
Bản quyền hình ảnh Dinh Kim Phuc
Image caption Một bản đồ cổ

“Giả sử bây giờ chúng ta mang bản đồ ra tòa quốc tế, thì phải dùng các bản đồ được thừa nhận dưới góc độ của công pháp quốc tế. Như tôi nói ở trên, tức là phải đi kèm theo các pháp lệnh của nhà nước thời bấy giờ. Còn sử dụng bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây hoặc của các thuyền nhân lúc bấy giờ đi ngang qua khu vực Biển Đông thì sẽ không có giá trị pháp lý.”

‘Bản đồ phải do bên thứ ba vẽ’

Trong khi đó, giảng viên luật, nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt đưa ra một số nhận định khác về các yếu tố làm nên giá trị pháp lý của một tấm bản đồ.

Ông Hoàng Việt nói với BBC News Tiếng Việt: “Nói về bản đồ với ý nghĩa là bằng chứng pháp lý thì không đơn giản.”

“Nó tuỳ thuộc nhiều thứ, như bản đồ đó được vẽ khi nào? Ai vẽ? Nó có các tỷ lệ chính xác như của phương Tây hay không?”

“Trong nhiều án lệ quốc tế về tranh chấp biên giới, lãnh thổ thì việc đưa ra bản đồ cổ chỉ là nhằm hỗ trợ thêm cho các bằng chứng pháp lý khác, chứ bản đồ không đóng vai trò quyết định.”

Trong nhiều yếu tố khác nhau để xem xét giá trị pháp lý một tấm bản đồ, ông Hoàng Việt cho rằng quan trọng nhất là tính khách quan.

“Ví dụ, bản đồ phải được vẽ bởi một bên thứ ba, chứ không phải do hai bên tranh chấp vẽ. Nếu bên tranh chấp đưa ra bản đồ, thì nó phải dựa trên công ước hay hiệp ước nào đó đã ký kết giữa hai bên.”

“Ví dụ, trong lịch sử, Pháp từng đại diện cho người Campuchia ký‎ với người Thái một hiệp ước công nhận một vùng đất gần biên giới hai nước là lãnh thổ Campuchia, trong đó có kèm theo một số bản đồ. Sau này người Thái đòi lại khu vực biên giới đó thì không được vì nó đã được thể hiện trong hiệp ước rồi.”

“Tương tự như vậy, quá trình phân định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc phải dựa chủ yếu vào biên giới đã được phân định thời Pháp-Thanh và các bản đồ kèm theo hiệp ước được ký kết lúc đó.”

Vì sao dựa trên tiêu chuẩn phương Tây?

Vietnam, South China Sea, protests
Bản quyền HOANG DINH NAM/Getty Images
Một biểu ngữ phản đối Trung Quốc của người biểu tình tại Việt Nam năm 2012

Lý giải vì sao lấy mốc thời Pháp-Thanh và tiêu chuẩn châu Âu để đánh giá độ tin cậy của bản đồ, ông Hoàng Việt phân tích:

“Trước khi bị đô hộ, nhiều quốc gia châu Á trong đó có Trung Quốc và Việt Nam không vẽ bản đồ theo chuẩn phương Tây. Cả Việt Nam và Trung Quốc thời đó đều chưa có tư duy về mốc giới hay đương biên giới, mà chỉ có khu vực biên giới.”

“Sau khi phương Tây sang đô hộ, họ mang theo các tiêu chuẩn phương Tây chặt chẽ, khoa học hơn. Chẳng hạn người Pháp thời đô hộ Việt Nam, khi đại diện Việt Nam ký một hiệp ước phân định các quốc gia trên bộ, đã áp đặt tư duy phương Tây và đưa ra một đường biên giới rõ ràng, với các cột mốc có kinh độ, vĩ độ.”

Về phân định đường biên giới trên Biển Đông, ông Hoàng Việt nhận định đây là câu chuyện ‘phức tạp hơn nhiều’.

“Với các bộ sưu tập bản đồ của Việt Nam mà tôi được tiếp cận, như bộ 200 bản đồ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, cá nhân tôi cho rằng chúng có giá trị nhất định.”

“Theo đánh giá sơ bộ của cá nhân tôi, đa phần bản đồ trong 200 chiếc này là của các giáo sỹ phương Tây. Như vậy nó đảm bảo tính khách quan vì không phải của Việt Nam vẽ. Chúng cũng đảm bảo một số tiêu chí như tính chính xác, bởi được đo đạc bằng thiết bị và tư duy của các nhà khoa học phương Tây lúc đó.”

“Các bản đồ này bác bỏ quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền của họ ở Hoàng Sa và Trường Sa rằng đó là lãnh hải của họ. Bởi cả các bản đồ của Trung Quốc và phương Tây mà chúng ta có đều không cho thấy như vậy. Chứng tỏ lập luận của Trung Quốc là không có cơ sở.”

‘Việc đưa ra tòa quốc tế còn hạn chế’

Việt Nam từng tổ chức triển lãm, trưng bày các bản đồ cổ để chứng minh chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
Bản quyền Getty Images
Việt Nam từng tổ chức triển lãm, trưng bày các bản đồ cổ để chứng minh chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa

Bàn về mức độ ảnh hưởng của bản đồ nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định rằng chúng đóng góp “20%” vào khả năng thành công.

“Tôi nghĩ rằng bản đồ đi kèm với văn kiện của nhà nước thì chiếm khoảng 20% giá trị pháp lý khi đấu tranh chủ quyền trước các nhà tài phán quốc tế.”

“Cái quan trọng nhất là phải dựa vào Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, thì mới có khả năng chiến thắng trước Trung Quốc,” nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói.

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt thì cho rằng dù Việt Nam đã sưu tầm được một bộ bản đồ đồ sộ, nhưng tính chính xác của chúng tới mức độ nào cần phải nghiên cứu thêm.

“Philippines trước khi kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài thường trực năm 2013 đã xuất bản một tập bản đồ trong đó có các bằng chứng về chủ quyền. Và đã được tuyên thắng kiện năm 2016.”

“Điều đó để nói rằng bản đồ có những giá trị nhất định trong cuộc chiến pháp lý, mang tính chất hỗ trợ các bằng chăng pháp lý khác. Chứ không phải là bằng chứng độc lập đủ sức chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

“Việc đưa ra tòa quốc tế còn rất hạn chế do Trung Quốc không chấp thuận vai trò của tòa quốc tế. Như thế tòa quốc tế sẽ không có thẩm quyền giải quyết. Cho nên hiện Việt Nam vẫn tập trung vào vấn đề tuyên truyền và tâm lý nhiều hơn.”

“Đánh giá các bản đồ này đóng góp bao nhiêu phần trăm thành công thì khó vì chưa biết sẽ ra tòa nào. Nhưng tôi cho rằng, không chỉ bản đồ, Việt Nam cần xem xét lại tổng thể về mặt bằng chứng xem mình hiện đang có những gì.”

“Còn riêng với bộ sưu tập bản đồ mà Việt Nam thu thập được qua nhiều dự án cử người đi nước ngoài sưu tầm, tôi cho rằng cần thành lập một ban đánh giá chất lượng.”

“Ban này cần tập hợp các chuyên gia lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế. Đến nay tôi chưa rõ một ban như vậy từng được thành lập hay chưa.”