Biển Đông: Bảo vệ sinh thái, chìa khóa giải quyết tranh chấp

Cac Bai Khac

No sub-categories

Biển Đông: Bảo vệ sinh thái, chìa khóa giải quyết tranh chấp

Trong các tranh chấp tại Biển Đông giữa TC và nhiều quốc gia Đông Nam Á, cá và san hô là các nạn nhân tương đối ít được chú ý. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực La Haye ngày 12/07/2016 về vụ Philippines kiện các tham vọng chủ quyền của TC tại Biển Đông đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh môi trường của các tranh chấp. Trong bối cảnh nguy cơ khủng hoảng sinh thái tại Biển Đông bị coi rất nhẹ, nhiều nhà khoa học khuyến nghị: Bảo vệ sinh thái cần phải coi là một chìa khóa để giải quyết tranh chấp.

Tòa án La Haye nhận định các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo “trên 7 cấu trúc của Quần đảo Trường Sa gần đây của TC đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt”. Khía cạnh môi trường được nêu bật trong phán quyết của Tòa án quốc tế khơi dậy niềm tin trong giới bảo vệ sinh thái, là môi trường có thể là “một chìa khóa” góp phần giải quyết cuộc xung đột tại Biển Đông.

Cho đến nay, dường như công luận chú ý nhiều hơn vào vấn đề tự do và an toàn hàng hải trên con đường huyết mạch của giao thông đường biển toàn cầu, với hơn 5.000 tỉ đô la hàng hóa qua lại hàng năm và tiềm năng dầu mỏ tại Biển Đông, ước tính hơn 7,5 tỉ baril, tuy nhiên giá trị của Biển Đông về thực phẩm và sinh thái cũng hết sức lớn. Trong thời gian gần đây, các nhà khoa học ngày càng chú ý đến các tổn hại về môi trường hết sức nghiêm trọng, không chỉ do việc bồi đắp các đảo nhân tạo, mà còn do việc khai thác hải sản bừa bãi. “Biển Đông bên bờ thảm họa sinh thái” là cảnh báo của The Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI).

San hô bị thảm sát

Trong một khu vực tương đối nhỏ so với tổng diện tích biển toàn cầu, với khoảng 3 triệu km² ở vùng khí hậu cận nhiệt đới, nhưng Biển Đông là nơi cư trú của 37% giống cá của toàn thế giới và đến 76% loài san hô.

Giáo sư Edgardo Gomez, nhà sinh học Philippines, thuộc Viện khoa học hải dương, University of the Philippines (được trang mạng Quartz.com dẫn lời), nhận định: Biển Đông là “một thiên đường dưới nước”.

Chỉ riêng hệ sinh thái san hô được các nhà khoa học ước tính giá trị khoảng 350.000 đô la đối với một hecta trong một năm. Theo các chuyên gia, sinh thái san hô mang lại giá trị hơn bất cứ loại sinh thái nào khác, như sinh thái rừng rậm nhiệt đới, hay sinh thái rừng ngập nước…

Tuy nhiên, san hô đã bị tàn phá kinh hoàng trong những năm gần đây. Theo giáo sư John McManus, chuyên gia về sinh vật biển đại học Miami, các hoạt động khai thác hải sản của con người đã hủy hoại đến 16.200 hecta (tương đương 162 km²) san hô, mà trong đó 98% là do người Trung Quốc. Thiệt hại ước tính 6 tỷ đô la/năm. Diện tích san hô tại Biển Đông cứ một thập niên lại giảm 16%.

Theo các hình ảnh vệ tinh mới đây, diện tích san hô bị phá hủy do người TC khai thác (đặc biệt để phục vụ trang trí nhà cửa) là tương đương 104 km² (Bài “Giant Clam Poaching Wipes Out Reefs in South China Sea”). Việc ngư dân tăng cường khai thác hải sản bằng việc sử dụng thuốc nổ hay xyanua cũng tham gia vào quá trình san hô bị phá hủy với tốc độ rất nhanh chóng này. Bên cạnh đó, 58 km² san hô bị hủy diệt trong quá trình TC bồi đắp các đảo nhân tạo.

Cá chỉ còn bằng 1/10 so với giữa thế kỷ trước

Bên cạnh các tổn hại nghiêm trọng về san hô, sự vắng mặt của một quy định bảo vệ môi trường và sinh thái tại Biển Đông cũng khiến tôm cá của khu vực này đang trên được bị đánh bắt đến mức cạn kiệt. Biển Đông vốn là nơi khai thác hải sản chiếm 12% sản lượng toàn cầu, với tổng trị giá 21,8 tỷ đô la. Nghề cá sử dụng khoảng 4 triệu nhân công, và là nguồn thực phẩm cho hàng trăm triệu cư dân ven bờ.

Trang mạng thông tin độc lập Theconversation.com dẫn lại một nghiên cứu hồi năm ngoái, theo đó, 55% tàu cá trên toàn thế giới hoạt động tại Biển Đông (Bài “Cá, chứ không phải dầu lửa, là trung tâm của tranh chấp Biển Đông”). Trữ lượng cá tại Biển Đông hiện nay giảm từ 70 đến 95% so với những năm 1950. Theo ước tính của nhiều chuyên gia, tới năm 2045, đối với mỗi loài cá được nghiên cứu, trữ lượng sẽ còn giảm thêm từ 9% đến 59%.

Ước tính trong 30 năm vừa qua, lượng cá đánh bắt được mỗi giờ chỉ còn bằng một phần ba so so với trước. Điều đó có nghĩa là phải nỗ lực gấp bội để có thể đánh bắt được cùng một lượng cá so với trước đây.

Trong số các quốc gia ven bờ Biển Đông, TC cũng là nước đang triển khai một chính sách khai thác quy mô lớn, vừa vì mục tiêu kinh tế, vừa nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này. Trước khi phán quyết La Haye được đưa ra, tương lai sinh thái Biển Đông là vô cùng u ám.

Bên cạnh việc khai thác bừa bãi, bồi lấp đảo quy mô lớn, thì tình trạng giao thông hàng hải gia tăng, và sự phát triển nhiều khu công nghiệp ven bờ biển, với hệ quả là vô số rác thải, độc chất, cũng là các nhân tố đe dọa nghiêm trọng môi trường Biển Đông.

Vẫn theo giáo sư John McManus, đại học Miami, cộng đồng quốc tế đang chứng kiến “sự sụp đổ của nghề ngư nghiệp tại Biển Đông, và hàng trăm thảm họa về môi trường tại khu vực này, đe dọa cuộc sống hàng trăm triệu cư dân ven bờ”.

ASEAN phải đạt thỏa thuận về “an ninh sinh thái”

Tuy nhiên tình hình đã thay đổi với phán quyết La Haye. Ông James Borton – nhà nghiên cứu tại học viện Mỹ-Châu Á ở Washington – DC, tác giả cuốn “South China Sea: Challenges and Promises/Biển Đông, các thách thách thức và hứa hẹn” – ví phán quyết của tòa án La Haye như “một siêu bão” đối với lập trường đầy tham vọng bất chấp láng giềng của TC, cho dù Bắc Kinh tuyên bố không thừa nhận phán quyết nói trên.

Trong bài viết “Hậu La Haye…”, chuyên gia về Biển Đông James Borton nhấn mạnh đến sứ mạng hàng đầu của ASEAN trong tranh chấp Biển Đông là tìm ra “một thỏa thuận về an ninh sinh thái”.

Trong bối cảnh môi trường và sinh thái Biển Đông lâm nguy, các nhà khoa học khuyến cáo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gia tăng hợp tác khoa học về biển, đặc biệt là mở cửa cho việc nghiên cứu tại các đảo và rạn san hô tranh chấp, dẹp qua một bên mọi bất đồng về chủ quyền, đổi mới phương thức hoạt động của Viện ASEAN vì Hòa Bình và Hòa Giải (APIR), lập ra một ủy ban khoa học để xem xét kinh nghiệm của Hiệp Ước Nam Cực trong việc quản lý Biển Đông, xúc tiến đối thoại để thành lập một công viên biển hòa bình, tại khu vực Trường Sa….

Dự án công viên hòa bình, hoặc ít nhất là một công viên biển được bảo vệ tại Trường sa, Biển Đông, “có thể là bước đi đầu tiên để cải thiện sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước láng giềng”.

Theo nhà sinh vật biển John McManus, một thỏa thuận về khai thác hải sản tại Biển Đông là một điều cần thiết, một giải pháp duy nhất để tránh cho nghề cá Biển Đông rơi vào sụp đổ, và đây cũng là con đường đi đúng để tránh nguy cơ xung đột quân sự gia tăng. Giáo sư McManus lạc quan cho rằng hiện nay triển vọng cho một thỏa thuận sinh thái như vậy tăng lên rất nhiều, sau phán quyết La Haye (ông đưa ra hình ảnh: xác xuất 1/10 so với 1/100 trước đây). – Theo RFI