Biển Đông: Báo TC hằn học đe dọa Nhật Bản

Cac Bai Khac

No sub-categories

Biển Đông: Báo TC hằn học đe dọa Nhật Bản

Như thông lệ, Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho báo chí lên tiếng hù dọa những nước dám can dự vào Biển Đông. Sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản tuyên bố nước này sẽ tuần tra chung với Hải Quân Mỹ ở Biển Đông, Hoàn Cầu Thời Báo, ấn bản bình dân của Nhân Dân Nhật Báo Trung Hoa, hôm 17/09/2016, đã lớn tiếng đe dọa rằng tàu Nhật sẽ là đích nhắm của Bắc Kinh nếu cùng Mỹ tuần tra trên Biển Đông.

Một bài xã luận trên Hoàn Cầu Thời Báo, ấn bản tiếng Anh, cho rằng sau tuyên bố lập trường công khai của Tokyo, Bắc Kinh “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đề ra các biện pháp đối phó”. Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Hoa không ngần ngại liệt kê các biện pháp mà Bắc Kinh có thể áp dụng, mở đầu bằng việc triển khai quân sự tại vùng quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc đặt cho Trường Sa), sau khi thông báo trước cho ASEAN.

Trong trường hợp các cuộc tuần tra trở nên dồn dập hơn và có nhiều nước tham gia hơn, Bắc Kinh sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, cho phép nước này có một hệ thống cụm đảo quân sự và những khu vực phòng không nhỏ hơn để chống lại chiến hạm Mỹ và Nhật Bản.

Riêng tàu Hải Quân Nhật Bản sẽ là mục tiêu chính của TC, và chiến đấu cơ TC sẵn sàng bay rà sát trên tàu Nhật Bản để gây sức ép. Bên cạnh đó, Bắc Kinh sẽ gia tăng đáng kể nhịp độ tuần tra của lực lượng hải cảnh TC tại vùng quần đảo Điếu Ngư (mà Nhật Bản gọi là Senkaku) đang tranh chấp trên Biển Hoa Đông.

Về phương diện chính trị, Hoàn Cầu Thời Báo đe dọa rằng “thời khắc mà Tokyo quyết định đưa tàu chiến tới Biển Đông sẽ làm cho nỗ lực cải thiện quan hệ song phương từ cả TC lẫn Nhật Bản đều trở thành vô ích”.

Nguyên nhân khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ là tuyên bố hôm 15/09 vừa qua của nữ bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Tomomi Inada tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington, theo đó Tokyo sẽ tăng cường các cuộc tuần tra tập huấn chung với Mỹ ở Biển Đông.

Bà Inada còn xác nhận rằng Nhật Bản đã quyết định dấn thân sâu hơn vào khu vực Biển Đông thông qua việc xây dựng năng lực giám sát biển cho những quốc gia Đông Nam Á đang bị TC chèn ép như là Việt Nam và Philippines. – Theo RFI