Biden buông ngắn nắn dài
13/11/2021 – Tổng thống Joe Biden tuyên bố thắng lợi với Tuần lễ Hạ tầng Cơ sở, một khẩu hiệu cựu Tổng thống Donald Trump đã cổ động từ bốn năm trước. Hạ viện thông qua bản dự luật với tỷ số 228-206, nhờ thêm được 13 phiếu của các đại biểu Cộng Hòa. Ông Biden nhấn mạnh đạo luật này sẽ tạo hàng triệu công việc làm, đại đa số là cho các công nhân không cần tốt nghiệp đại học. Đó là một thành phần cử tri đã rời bỏ đảng Dân chủ trong nhiều cuộc bầu cử gần đây.
Theo nghiên cứu của Harris Poll, dân Mỹ ủng hộ dự luật tái thiết Hạ tầng Cơ sở, 57 phần trăm các cử tri Cộng Hòa và 79% Dân chủ hoan nghênh. Bốn đời tổng thống Mỹ trước đây biết cần tái thiết nhưng chưa làm được. Hơn một ngàn tỷ mỹ kim chi ra sẽ giúp kinh tế Mỹ tiến vững chắc hơn, “trong cuộc chạy đua với Trung Cộng,” như ông Biden nhấn mạnh. Trong hai tháng cuối năm, ông sẽ thúc đẩy Quốc hội thông qua dự luật $1.75 ngàn tỷ cho dự luật “Tái thiết Tốt hơn” (Build Back Better). Luật 3B sẽ cải thiện hệ thống an sinh xã hội và môi trường sống trong 10 năm.
Nhưng đến bao giờ thì dân Mỹ sẽ trông thấy những kết quả tốt đẹp của các đạo luật này? Họ có thể phải chờ đợi hàng năm, trước khi đi bỏ phiếu bầu quốc hội cuối năm 2022. Các chương trình của chính phủ Biden sẽ ích lợi cho kinh tế trên đường dài, nhưng trong ngắn hạn thì chưa ảnh hưởng được bao nhiêu.
Hệ thống giao thông vận tải ở Mỹ đã quá cũ, khi được cải thiện sẽ giúp các cơ xưởng hoạt động mạnh hơn với đường dây tiếp liệu và chuyển hàng hóa đi bán thuộc loại tối tân nhất. Dự luật Hạ tầng Cơ sở sẽ chi thêm $550 tỷ, ngoài hơn $600 tỷ đã được chấp thuận từ trước. Hơn $120 tỷ dành cho các dự án cầu, đường sẽ do các tiểu bang đề nghị. Giao thông trong các khu đô thị sẽ được cải thiện với $226 tỷ đô la, trong vòng 5 năm cho tới 10 năm. Và $39 tỷ sẽ giúp các hệ thống chuyên chở công cộng chạy tốt hơn.
Ông Biden vẫn thường xuyên đi xe lửa trong hơn 30 năm, để từ nhà đi làm ở Quốc hội hoặc Tòa Bạch Ốc. Đường xe lửa sẽ có $66 tỷ để sửa sang – trong đó $30 tỷ dành cho 2,200 chuyến tàu hỏa mỗi ngày trong vùng Đông Bắc. Các phi trường ở Mỹ phần lớn quá cũ, sẽ nhận được $25 tỷ để làm mới. Hiện nay không phi trường Mỹ nào được đứng trong số 25 phi trường tốt nhất thế giới – hệ thống máy vi tính trong các phòng điều khiển phi hành đã quá cũ!
Theo Wall Street Journal ông Biden đã đề nghị $45 tỷ để thay các ống dẫn nước bằng chì trên toàn quốc. Quốc hội đã cắt xuống chỉ còn $15 tỷ. Uống nước có chất chì rất hại cho sức khỏe các sản phụ, làm trẻ em chậm phát triển, hàng triệu dân Mỹ chịu ảnh hưởng mà không biết.
Năm ngoái, 22 vụ đường dây phân phối điện bị hư hại vì thiên tai đã gây thiệt hại kinh tế một tỷ mỹ kim, hàng triệu dân Texas mất điện. hơn 200 người chết. Đạo luật mới sẽ cung cấp $28 tỷ đô la để cải thiện hệ thống điện toàn quốc. Đạo luật cũng dành $7.5 tỷ lập hệ thống “chạc” cho các xe hơi chạy điện, và $5 tỷ để thay thế các xe búyt bằng loại chạy điện, đặc biệt là xe chở học sinh. Một điều mới mẻ trong đạo luật mới là giúp phát triển hệ thống internet cho tới các vùng xa xôi, thôn quê và vùng núi. Mỗi gia đình nghèo sẽ được trợ cấp $30 đô la một tháng.
Đạo luật Hạ tầng Cơ sở sẽ bắt đầu tác động trên kinh tế Mỹ trong vòng một, hai năm. Đạo luật 3B tương lai sẽ phải chờ lâu hơn. Nhưng trong khi đó, đa số dân Mỹ vẫn lo lắng về những vấn đề trước mắt.
Thứ nhất là mối lo lạm phát. Theo Gallup nghiên cứu thì trong tháng Mười 5% dân Mỹ coi lạm phát là mối lo lớn nhất, hồi tháng Chín chỉ có 1%. Bộ Lao Động mới công bố tỷ lệ lạm phát trong tháng Mười là 6.2 phần trăm, cao nhất trong 30 năm qua. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát hiện nay vẫn còn thấp so với năm 2008 và rất thấp so với những tỷ lệ lạm phát từ 10% tới 50% trong thập niên 1980.
Ông Biden công nhận lạm phát là vấn đề lớn và hứa ông sẽ tìm cách ngăn chặn. Nhưng các nguyên nhân gây ra lạm phát hiện nay nằm ngoài tầm tay bất cứ một vị tổng thống nào. Giá cả tăng lên vì Covid-19, khi các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa phải giảm hoạt động. Cả dây chuyền tiếp liệu bị ngưng trệ và công nhân sợ bệnh chưa muốn đi làm. Chỉ bao giờ chặn được Covid-19 thì những khó khăn đó mới biến đi!
Trên nhật báo The Wall Street Journal, nhà bình luận Greg Ip nhận xét rằng các chương trình của chính phủ Biden không nhắm vào các vấn đề trước mắt đó mà có thể làm trầm trọng hơn. Bộ tham mưu của ông bị ám ảnh về kinh nghiệm thời Tổng thống Obama. Năm 2009 chính phủ Obama đưa ra một kế hoạch “kích cầu” nhỏ quá nên kinh tế không phục hồi được nhanh chóng, năm sau đảng Cộng Hòa chiếm được hai viện quốc hội. Chính phủ Biden đã tung ra những chương trình kích cầu thật lớn, hơn một ngàn tỷ Cứu trợ nạn Covid-19 ngay sau khi ông Biden nhậm chức.
Nhưng Greg Ip nhận xét, kinh tế Mỹ thời Obama khác bây giờ. Năm 2009 kinh tế xuống vì “thiếu cầu,” người dân không có tiền tiêu. Hiện nay đang “thừa cầu” và “thiếu cung” vì người tiêu thụ có quá nhiều tiền, họ không được tiêu trong cả năm trời, mà các nhà sản xuất phải tạm ngưng làm việc. Các kế hoạch của chính phủ hiện nay kích cầu trong khi các nhà máy phải tạm nghỉ.
Nước Mỹ đang bị kẹt vì các cơ xưởng không nhận được nguyên liệu, đồ phụ tùng kịp thời. Khi các công trình xây dựng bắt đầu thì hệ thống giao thông có thể tắc nghẽn hơn, và các nhà máy khi cần tiếp liệu và tuyển người làm việc sẽ phải cạnh tranh với các công trường xây cất. Cho nên những hậu quả tốt của đạo luật Hạ tầng Cơ sở sẽ phải chờ đợi hàng năm hoặc lâu hơn.
Kinh tế đang phục hồi thực sự mặc dù chậm chạp. Tỷ lệ thất nghiệp đã tụt xuống 4.6% từ 10% năm ngoái, đâu đâu cũng tuyển thêm người làm. Khi Covid-19 được khắc phục, kinh tế Mỹ tự nó sẽ vươn lên. Các đạo luật mới sẽ thúc đẩy cuộc hồi phục mạnh hơn. Nhưng dư luận không chú ý đến các hình ảnh tích cực còn xa đó mà vẫn lo lắng về đời sống mỗi ngày.
Từ thời ông Obama lên, dân Mỹ nhìn nền kinh tế dưới con mắt đảng phái nhiều hơn là theo dõi các con số! Dân ủng hộ ông tổng thống thường thấy nền kinh tế khả quan hơn, dân đối lập thấy ngược lại. Theo ông Greg Ip, vào táng 10 năm 2020, khi ông Donald Trump là tổng thống, 55% cử tri Cộng Hòa thấy kinh tế rất tốt; trong khi 67% cử tri Dân chủ nghĩ ngược lại. Từ khi ông Joe Biden nhậm chức, tất cả đã đổi chiều!
Joe Biden có thể rút một bài học từ thời Bill Clinton. Ông nhậm chức năm 1993, năm 1994, đảng Dân chủ đại bại trong cuộc bầu cử quốc hội. Ông Clinton đã thay đổi ngay, chuyển các chính sách từ thiên tả sang ôn hòa. Ông bàn việc cải tổ hệ thống xã hội. Ông tái đắc cử năm 1996, thực hiện việc thay đổi, cắt bớt các trợ cấp. Năm 1998 đảng Dân chủ lấy lại được nhiều ghế quốc hội.
Cử tri Mỹ có 40% thường bỏ phiếu cho một đảng không thay đổi, và 20% chọn một đảng trong mùa bầu cử. Những người này đa số sống ở các vùng “ngoại ô” (suburbs), họ làm chủ ngôi nhà mình ở, lo nuôi dạy con cái. Những vấn đề giáo dục, an ninh trong cuộc sống hàng ngày, vấn đề tôn giáo sẽ trở thành đề tài tranh cử trong năm tới. Trong mấy tháng qua, các cử tri này vẫn chưa biết rõ các đạo luật Hạ tầng Cơ sở và BBB của chính phủ Biden ích lợi thế nào. Nhưng họ chỉ thấy cảnh chia rẽ trong đảng Dân chủ khiến các dự luật bị trì hoãn! Ông Biden sẽ phải thay đổi các hình ảnh tai hại đó.
https://www.voatiengviet.com/a/biden-buong-ngan-nan-dai/6311890.html