Bị phớt lờ yêu cầu, Việt Nam nói đang ‘theo dõi sát’ tàu khảo sát của Trung Quốc.
01/06/2023
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 1/6 nói Việt Nam đang theo dõi sát mọi diễn biến liên quan đến con tàu của Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
“Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam luôn theo dõi sát mọi diễn biến liên quan và đang kiên quyết, kiên trì bảo vệ, thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và pháp luật Việt Nam”, báo Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Đức Thắng, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao, nói với báo chí vào chiều 1/6.
Thông tin mới được Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra sau khi tàu Trung Quốc phớt lờ yêu cầu của Hà Nội vào tuần trước là hãy rời khỏi vùng đặc quyền của Việt Nam.
Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 và một số tàu hải cảnh hộ tống, tàu cá của Trung Quốc bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 7/5, gần các lô dầu khí mà Việt Nam đang để cho Nga khai thác ở Biển Đông.
Đây được xem là một động thái “xâm phạm” nghiêm trọng nhất kể từ năm 2019, theo chuyên gia Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu về Biển Đông của Đại học Stanford, Hoa Kỳ.
Reuters dẫn lời ông Powell nói rằng hành vi của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam là một “sự leo thang đáng lo ngại”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam tuần trước cho biết Bộ này và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã “giao thiệp nhiều lần” với phía Trung Quốc và triển khai những biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam, theo lời của Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói với báo chí hôm 25/5.
Trong những tuần qua, tàu khảo sát và đôi khi có tới hàng chục tàu hộ tống của Trung Quốc đã di chuyển phần lớn qua lô khí đốt 04-03, do Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft và PetroVietnam vận hành, theo dữ liệu theo dõi tàu biển được Dự án Đại Sự Ký Biển Đông (SCSCI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập, chia sẻ với Reuters.
Các tàu này cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga và PetroVietnam. Trung Quốc cũng đã đưa ra các hồ sơ dự thầu cạnh tranh để cấp phép cho hai lô này.
Tại cuộc họp báo ngày 1/6, ông Nguyễn Đức Thắng nhắc lại lập trường của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 25/5 là yêu cầu tàu thăm dò Hướng Dương Hồng 10 cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá của Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
VOAViet