Berlin tận dụng quan hệ với Nga trong khủng hoảng Ukraina
Quan hệ giữa các nước Tây phương và Nga không còn giới hạn giữa Washington và Matxcơva. Tham vọng của điện Kremli chia cắt Ukraina đã đẩy Berlin lên tuyến đầu. Trong cuộc hội kiến tại Nhà Trắng ngày 02/05, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel 4 tiếng đồng hồ mà trọng tâm là hồ sơ Ukraina.
Chính phủ Đức sẽ khai thác những lá chủ bài nào của chính sách ngoại giao Đức, bên cạnh các biện pháp trừng phạt quốc tế, để thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin ? Theo quan điểm của ông Putin thì «Hoa Kỳ là kẻ thù, còn Đức là đối tác thật sự». Nhận định trên đây của sử gia Đức Andreas Umland được thể hiện qua hàng loạt sự kiện từ khi khủng hoảng Ukraina bùng dậy.
Từ nhiều tháng nay, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Thủ tướng Angela Merkel tìm một giải pháp làm giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraina. Đối với Mỹ, và hầu hết các nước châu Âu, Đức có vị thế kinh tế và ngoại giao thuận lợi nhất để đối thoại với Vladimir Putin: quan hệ truyền thống đặc biệt từ thời chiến tranh lạnh và là đối tác thương mại số hai của Nga (đứng đầu là Trung Quốc).
Mỗi lần điện Kremli muốn tìm một người để đối thoại về một vấn đề nghiêm trọng nào liên quan đến Nga và châu Âu, cựu trung tá mật vụ KGB không gọi cho Bruxelles hay Paris, mà gọi thẳng đến số 1,(đường)Willy Brandt Strasse, thủ đô Berlin, Phủ thủ tướng Đức. Hai bên nói chuyện trực tiếp bằng tiếng Nga hoặc tiếng Đức.
Vấn đề là với 6.200 công ty đầu tư làm ăn tại Nga và gần 40% khí đốt nhập khẩu từ Nga, liệu Berlin có đủ quyết tâm đương đầu với tham vọng vẽ lại bản đồ châu Âu của Putin ? Theo Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier thì nước Đức không thể “điềm nhiên tọa thị” nhìn Nga thao túng tại Ukraina.
Áp lực chính trị cuối cùng đã buộc giới chủ nhân, doanh nghiệp Đức, tuy bị ảnh hưởng ít nhiều vì đối tác Nga bị trừng phạt, đã lên tiếng ủng hộ hành động của Thủ tướng Angela Merkel bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Ukraina. Chủ tịch Liên đoàn kỹ nghệ gia Đức BDI, Ulrich Grillo tuyên bố «tôn trọng công pháp quốc tế là ưu tiên».
Để tìm hiểu thêm về vai trò của Đức trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraina, RFI đặc câu hỏi với nhà nghiên cứu chính trị kinh tế Âu Dương Thệ, ở Dormunt về vai trò của Đức trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraina
1. Mặc dù có nhiều cuộc vận động ngoại giao nhưng ”nội chiến” vẫn đang diễn ra ở đông Ukraina, tại sao?
Sau nhiều ngày vận động quốc tế và kêu gọi các nhóm cực đoan người Nga ở Ukraina chấm dứt bạo lực và chiếm đóng các trụ sở công an và hành chánh ở một số tỉnh phía Đông và Nam Ukraina không có kết quả, nên từ giữa tuần qua chính quyền trung ương Ukraina đã mở một số cuộc hành quân ở những nơi này. Nhiều cuộc đụng độ trực tiếp giữa quân chính phủ và nhóm nổi dậy đã diễn ra và làm nhiều người thiệt mạng và bị thương. Cuộc nội chiến thực sự dã diễn ra ở Ukraina.
Trong khi ấy những cuộc vận động ngoại giao từ Mỹ, Liên Hiệp Âu châu và Liên Hiệp quốc đang diễn ra rất rốt ráo. Cụ thể là cuộc tiếp xúc riêng rẽ của Ngoại trưởng Đức với hai Ngoại trưởng Nga và Ukraina ngày 06/05 tại phi trường Wien (Áo).Cuối tuần qua, trong cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Đức bà Merkel vấn đề khủng hoảng Ukraina cũng là một trọng tâm thảo luận trong bốn tiếng đồng hồ.
Mỹ và châu Âu đã thấy rõ nguy cơ này và đã thực hiện một số biện pháp. Nếu không ngăn chặn sớm thì cuộc chiến không chỉ diễn ra ở Ukraina mà còn tạo ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho cả Âu châu. Năm 2014, Âu châu kỷ niệm 100 Thế chiến Thứ nhất từng nổ ra ở Âu châu, nay lại đứng trước đe dọa về hòa bình nghiêm trọng.
2. Trước khi đưa ra những giải pháp thì phải nắm vững những đặc điểm của cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Vậy cuộc tranh chấp này có những đặc điểm như thế nào?
Giải pháp chính trị khả thi phải phù hợp với tình hình Âu châu và thích hợp với điều kiện đặc biệt của Ukraina. Ukraina là một nước lớn về diện tích ở Âu châu, có dân số gần 46 triệu, trong đó 17% gốc Nga, nằm ở giữa Nga và Liên Hiệp Châu Âu. Sau ba thế kỷ sát nhập vào đế chế Nga hoàng và tiếp theo từ sau Cách mạng tháng 10 không lâu Ukraina trở thành một bộ phận của Liên bang Xô viết dưới quyền lãnh đạo của CS Nga. Ukraina mới được độc lập sau hơn hai thập niên, cơ cấu chính trị chưa vững, số người Nga sinh sống ở Ukraina rất đông, kinh tế Ukraina, đặc biệt trong lãnh vực năng lượng lệ thuộc rất lớn vào Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Putin do những tính toán cá nhân và nuôi ý tưởng phục hồi Đại Nga nên không muốn Ukraina thân thiện với Liên Âu và Mỹ; vì thế đã lợi dụng cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng ở Ukraina để chiếm bán đảo Crimée của Ukraina vài tuần trước và hiện nay một mặt khơi dậy hận thù và chuyển bí mật vũ khí cho những nhóm quá khích gốc Nga ở Ukraina, mặt khác tuyên truyền tinh thần quốc gia cực đoan ở Nga.
Đặc điểm quan trọng nữa là Liên Âu và Nga có quan hệ lớn với nhau trong kinh tế và tài chánh. Trong khi nhiều nước trong Liên Hiệp Châu Âu , trong đó có Đức, phụ thuộc sự cung cấp khí đốt của Nga thì ngược lại, nền kinh tế Nga lại tùy thuộc vào đầu tư vốn và kỹ thuật của Mỹ, Tây Âu đặc biệt là Đức.
3. Những giải pháp ưu tiên nào của Tây phương đã được triển khai để giải quyết khủng hoảng?
Từ sau Thế chiến thứ hai Liên minh Âu châu ra đời với một thế giới quan mới, đó là quyền lợi quốc gia mật thiết với sự thịnh vượng và an ninh toàn Âu châu và vì thế theo đuổi những giá trị khác so với trước đây, đó là hòa bình, thịnh vượng và thống nhất Âu châu. Trong đó ranh giới giữa các nước được tôn trọng theo như Hiệp định An ninh và Hợp tác Âu châu được ký kết từ giữa thập niên 70.
Việc ông Putin sát nhập Crimée một cách trái phép đã vi phạm nền tảng an ninh và ngoại giao của Âu châu, nên cả Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đều rất bất bình và phản đối cực lực. Vì thế cuối tháng Ba vừa qua, Tổng thống Obama đã sang Bruxelles dự hội nghị thượng đỉnh với Liên Âu để tìm giải pháp chung ngăn chặn chính sách nguy hiểm của Putin.
Căn cứ vào tương quan lực lượng giữa Mỹ-Liên Hiệp Châu âu và Nga về nhiều lãnh vực chính trị, quân sự, kinh tế và ngoại giao, nên Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đã thống nhất chiến lược dùng mặt trận ngoại giao, tài chánh – là những thế mạnh của Tây phương – để vừa áp lực vừa thuyết phục Putin.
Các biện pháp đó gồm việc không cấp Visa và khóa tài khoản trong các ngân hàng của một số nhân vật thân cận của Putin, chấm dứt vai trò của Nga trong G8, để Đại hội đồng Liên hiệp quốc kết án hành động chiếm Crimée của Nga, giúp tài chánh và giành ưu đãi cho Ukraina trong thương mại, đồng thời tăng cường sự hiện diện quân sự của liên minh Bắc Đại Tây dương NATO tại một số nước nằm sát Nga…
4. Đường lối ngoại giao của Đức trong vụ khủng hoảng Ukraine có những đặc điểm như thế nào ?
Trong chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraina của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, chính quyền Đức của Thủ tướng Merkel đóng vai trò rất quan trọng. Bà Merkel tin tưởng là, truyền thống ngoại giao của Tây Đức trước đây với Liên xô cũ đã rất thành công trong việc thống nhất Đức trong hòa bình hơn hai thập niên trước cũng có thế áp dụng với Nga thời Putin. Đặc điểm của chính sách ngoại giao này là, song song với những vận động áp lực quốc tế, đặc biệt dựa vào siêu cường Hoa Kỳ, Berlin nuôi quan hệ cá nhân tốt với các lãnh tụ trong điện Kremlin.
Chiến lược nổi tiếng “Ostpolitik“ trong kế hoạch ngoại giao với Liên xô và Đông Âu thời cố Thủ tướng Đức Willy Brandt từ cuối thập niên 60 theo châm ngôn, muốn bắt cọp phải vào hang – hay “liên hệ để thay đổi“- đã đạt kết quả là chấm dứt căng thẳng với Mạc tư khoa và bình thường hóa quan hệ với Đông Đức khi ấy.
Tới thời cựu Thủ Tướng Kohl và ngoại trưởng Genscher không chỉ giữ quan hệ chính thức mà còn nuôi các quan hệ cá nhân với các Tổng bí thư Brejnev và Gorbatchov, mà còn nuôi cả quan hệ cá nhân với Tổng thống Mỹ Bush (bố) và Tổng thống Pháp Mitterrand. Khi ấy ngoài các cuộc hội đàm chính thức, Thủ tướng Kohl thường mời các nguyên thủ dùng cơm trưa ở tư thất để tỏ sự chân tình bạn hữu.
Chính vì thế khi các biến cố chính trị ở Đông Âu và Liên xô bùng ra vào cuối thập niên 80 Thủ tướng Kohl đã được sự tin cậy của các đồng minh chính và sự tín nhiệm của Gorbatschov nên đã thống nhất Đức rất nhanh trong hòa bình. Chính sách ngoại giao biến thù thành bạn của Đức từ sau Thế chiến thứ 2 đã được thử nghiệm thành công trong nhiều giai đoạn.
Cựu Thủ tướng Schröder, người tiền nhiệm của bà Merkel,cũng đã nuôi quan hệ cá nhân thân thiết với Tổng thống Putin ngay cả cho tới bây giờ. Vài hôm trước chính ông đã sang St. Peterburg bề ngoài là cùng với Putin ăn mừng sinh nhật thứ 70 của ông, nhưng thực ra là can thiệp để phe thân Nga ở Đông Ukraina thả một số quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu, trong đó có 4 người Đức.
Riêng Thủ tướng Merkel cũng xây dựng quan hệ tốt với Tổng thống Putin. Từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraina đạt tới cao độ, dù rất bất bình với Putin, nhưng bà Merkel vẫn có những cuộc điện thoại đều đặn,cứ 7 tới 10 ngày lại nói chuyện điện thoại trực tiếp với Putin. Họ không cần thông dịch viên vì cả hai đều thông thạo tiếng của bên kia. Dưới thời Đông Đức bà Merkel đã từng du học ở Liên xô cũ và ông Putin là sĩ quan mật vụ Nga hoạt động ở Đông Đức khi ấy.
Có lẽ bà Merkel tin rằng, các giải pháp ngoại giao và trừng phạt tài chánh là khôn ngoan, nhưng không thể mang lại kiến hiệu tức thời mà phải chờ thời gian. Cho nên giữa thời gian đó cần phải tiếp tục kiên trì giữ liên lạc cá nhân với Putin để tạo một tâm lý thích hợp không làm mất mặt đối phương .Khi điều kiện cho phép sẽ để Nga trở lại với cộng đồng quốc tế.
5. Những bước ngoại giao với Putin của Merkel sau chuyến gặp Obama
Nếu theo dõi những chủ đích và các hoạt động của bà Merkel tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Obama vào thứ Sáu tuần trước và sau đó thì sẽ thấy, chính sách ngoại giao này của Đức đang được thúc đẩy mạnh thêm. Chuyện bất đồng giữa Berlin và Washington về việc Cơ quan An ninh của Mỹ (NSA) đã theo dõi cả điện thoại của bà Merkel chỉ được bàn bên lề, nhưng cuộc khủng hoảng Ukraina đã là đề tài chính trong suốt 4 giờ hội đàm với Obama.
Trong cuộc họp báo tại Nhà trắng ngày 02/05/2014, hai nguyên thủ Mỹ-Đức để cho thấy đã có sự nhất trí cao, một mặt đe dọa sẽ có những biện pháp trừng phạp tài chánh và kinh tế mạnh hơn với Nga nếu Putin không biết điều, nhưng đồng thời cũng để cho Putin biết là không có ý đẩy Nga vào chân tường. Vì thế sau khi từ Washington trở về bà Merkel đã lại gọi điện thoại trực tiếp với Putin, cả hai bên đồng ý là phải tái lập vai trò quan trọng của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu trong việc làm trung gian giải quyết khủng hoảng Ukraina.
Hôm qua (07/05) Tổng thống Thụy sĩ Burkhalter, đồng thời là Chủ tịch đương nhiệm của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu, sẽ hội đàm ở Matxcơva với ông Putin. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Steinmeier thúc đẩy Mỹ-Liên Âu, Nga và Ukraina tái lập Hội nghị Genève thứ hai để đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm tái lập hòa bình và tiến hành bầu cử Tổng thống ở Ukraina vào 25/05 tới. Để thực hiện mục tiêu này ngày 06/05 ông đã gặp riêng rẽ hai ngoại trưởng Nga và Ukraina tại phi trường Wien, Áo.
6. Tương lai cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ ra sao?
Chính sách ngoại giao “còn nước còn tát” của Thủ tướng Merkel nói riêng và của Mỹ-Liên Hiệp Châu Âu nói chung, thành công hay thất bại tùy thuộc vào một số yếu tố :
1. Kết quả việc cô lập tài chính và bao vây ngoại giao với Nga của Mỹ và Liên Âu như thế nào. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Nga năm nay chỉ còn tăng trưởng ở mức 0,2% và 100 tỷ USD đầu tư của nước ngoài sẽ rút khỏi Nga.
2. Tình hình nội trị của Ukraina ra làm sao trong thời gian tới: Liệu cuộc bầu cử TổngThống vào 25/05 có diễn ra tốt không ? Chính quyền mới có đủ uy tín và khôn ngoan giải quyết các khó khăn nội trị và kinh tế không ? 3. Mức độ thức tỉnh của Putin như thế nào ?
Nếu hai điều kiện đầu diễn ra tốt đẹp, thuận lợi cho Tây phương thì Putin chắc chắn phải tính lại. Khi đó những đường dây liên hệ cá nhân với bà Merkel có thể là một lối thoát danh dự cho ông Putin.