Bế tắc tột cùng của nhà cầm quyền
Trung Nguyễn 17-5-2018
Sau khi hai hiệp sỹ đường phố bị đâm chết bởi băng trộm xe máy vào tối ngày 13/5, hai ngày sau, ngày 15/5, thiếu tướng Phan Anh Minh, phó Giám đốc công an TPHCM đã đề nghị chính quyền cần “công nhận mô hình hiệp sỹ đường phố”.
Ở Bình Dương cũng đã có nhiều “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm”, nằm trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các câu lạc bộ này được cho là hiệu quả trong việc ngăn chặn và trấn áp tội phạm tại Bình Dương. Thậm chí UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quy chế số 34/2013/QĐ-UBND, ngày 4/11/2013: “Quy chế tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.
Tổ chức xã hội của quần chúng nhưng chịu sự lãnh đạo của đảng Cộng sản
Trong quy chế trên, ngay điều 1 đã khẳng định: “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm (sau đây gọi tắt là Câu lạc bộ) là tổ chức xã hội của quần chúng tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp xã; là tập hợp những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tâm huyết trong việc bảo vệ an ninh trật tự, góp phần xây dựng nếp sống văn minh; cùng nhau vận động, giáo dục, cảm hóa những người có hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.”
Điều 3 nói rõ hơn: “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy; sự quản lý của UBND cấp xã; sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của ngành Công an, Tư pháp, Quân sự và sự giám sát của Hội đồng nhân dân cấp xã.”
Điều 18 về kinh phí hoạt động:
“Nguồn thu gồm:
a) Đóng góp của Hội viên; căn cứ điều kiện của Câu lạc bộ có thể thỏa thuận thống nhất (bằng biên bản cuộc họp) mức Hội phí của Hội viên;
b) Các khoản tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân;
c) Khoản hỗ trợ từ quỹ quốc phòng – an ninh theo Quyết định 75/2011/QĐ-UBND ngày 21/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành quy định việc đóng góp, quản lý, sử dụng Quỹ quốc phòng – an ninh ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương;
d) Từ các nguồn kinh phí nêu trên, nếu không đủ chi thì được hỗ trợ từ ngân sách của xã, phường, thị trấn.”
Như vậy có thể thấy, dù các câu lạc bộ phòng chống tội phạm ở Bình Dương được định nghĩa là “tổ chức xã hội của quần chúng tại xã, phường, thị trấn” nhưng vẫn chịu sự lãnh đạo của đảng ủy [cộng sản] ở địa phương, khi cần thiết thì nhận được kinh phí từ ngân sách, nghĩa là từ tiền đóng thuế của dân.
Do vậy, về bản chất, “tổ chức xã hội của quần chúng” theo định nghĩa của giới lãnh đạo cộng sản cũng không khác gì công chức, vì vẫn ăn lương nhà nước. Điều này cũng phù hợp với bản chất của những tổ chức đang ở trong Mặt trận Tổ quốc, mang danh nghĩa là tổ chức nhân dân nhưng lãnh đạo trong đó ăn lương nhà nước như Đoàn Thanh niên cộng sản, Hội phụ nữ, Hội Liên hiệp thanh niên,…
Từ đó, ta có thể dự đoán được nếu TPHCM làm theo đề nghị của thiếu tướng Phan Anh Minh thì mô hình cũng sẽ rất giống Bình Dương là “câu lạc bộ”, “hội” chống tội phạm vẫn phải chịu sự lãnh đạo của đảng ủy địa phương. Điều này cũng dễ hiểu vì giới lãnh đạo cộng sản không bao giờ cho phép bất cứ hình thức tổ chức và tập hợp lực lượng nào mà họ không nắm được. Đó là lý do họ thù ghét “xã hội dân sự” là những tổ chức hoàn toàn do dân lập ra và có kinh phí từ nguồn đóng góp của dân.
Nên thay công an bằng “hiệp sỹ”?
Sau phát biểu của thiếu tướng Phan Anh Minh, cần công nhận mô hình hiệp sỹ, tôi đã dự định thành lập các câu lạc bộ hiệp sỹ như “Câu lạc bộ hiệp sỹ bảo vệ dân oan mất đất”, “Câu lạc bộ hiệp sỹ bảo vệ môi trường”, “Câu lạc bộ hiệp sỹ bảo vệ công lý – chống oan sai”, “Câu lạc bộ hiệp sỹ chống BOT sai phạm”… Lý do là vì đất nước thực sự đang cần những “hiệp sỹ” trong những lãnh vực này, chứ không chỉ trong lãnh vực chống cướp giật.
Có điều là, theo như quy chế ở tỉnh Bình Dương, dân càng phải đóng sưu cao thuế nặng để nuôi các “hiệp sỹ” để bảo vệ công lý. Trong khi đó là phần việc của công an, nên chăng người dân giải tán công an lấy để tiền thuế nuôi “hiệp sỹ”?
Đất nước đang loạn?
Qua việc phải có thêm những câu lạc bộ phòng chống tội phạm, nhóm hiệp sỹ,… người dân chúng tôi đặt lại câu hỏi, đã có rất nhiều tổ chức do giới lãnh đạo cộng sản lập ra như “dân quân tự vệ”, “thanh niên xung phong”,… chưa kể đến những tổ chức chính thống như công an, bộ đội địa phương, nhưng tình hình tội phạm càng lúc càng tăng. Việc tiếp tục thành lập các tổ chức chống tội phạm có phải là giải pháp?
Không ai hiểu được tại sao trong thời bình mà có hàng loạt các tổ chức được lập ra chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng vũ trang chính thống? Cứ y như đất nước đang trong thời chiến.
Chắc chắn không phải chiến tranh với Trung Cộng vì Trung Cộng là “bạn vàng” của “đảng ta”, dù Trung Cộng đang công khai tấm bản đồ lưỡi bò ở biển Đông, quân sự hóa các đảo ở Hoàng Sa – Trường Sa, ngăn cản ngư dân Việt đánh cá trong vùng biển Việt Nam, ngăn cản các giàn khoan dầu Việt trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam…
Do đó, chỉ có hai lý do để giải thích: Thứ nhất, xã hội đang loạn, tội phạm hoành hành, và thứ hai là giới lãnh đạo Cộng sản cần tiến hành chiến tranh với nhân dân để giữ vững quyền cai trị nhân dân.
Về lý do thứ nhất, một nghiên cứu vào năm 2017 của Bộ Tư pháp cho biết: “…tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, kéo dài từ năm này qua năm khác, tuy ở mỗi thời điểm khác nhau tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật ở các lĩnh vực có tăng, giảm nhưng về căn bản loại tội phạm, vi phạm pháp luật thường được lặp đi lặp lại với các mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.”
Điều này chứng tỏ năng lực lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam rất yếu kém, để tội phạm hoành hành, đạo đức xã hội suy đồi. Giải pháp đề ra của giới lãnh đạo cộng sản lại chỉ mang tính tình thế là hô hào dân tuân thủ pháp luật, thành lập ngày càng nhiều các hội nhóm để chống tội phạm. Trong khi gốc rễ vấn đề là đời sống kinh tế của người dân khó khăn, giáo dục lạc hậu đạo đức giả thì không thấy giới lãnh đạo cộng sản có giải pháp.
Về lý do thứ hai, hẳn mọi người còn nhớ hình ảnh những bạn trẻ “thanh niên xung phong” được huy động đi đàn áp người biểu tình chống … Trung Cộng xâm lược; hay những bạn trẻ trong “đoàn thanh niên cộng sản”, “hội liên hiệp thanh niên” được huy động ra để “phản biểu tình” chống lại biểu tình của người dân chống Trung Cộng xâm lược.
Những công việc đi chống biểu tình có bạo động là việc của công an, cảnh sát cơ động nhưng những công việc này đã được chuyển giao cho “thanh niên xung phong”, “đoàn thanh niên cộng sản”,… Có lẽ giới lãnh đạo cộng sản cần giữ cho hình ảnh “của dân, do dân, vì dân” nên chưa dám đưa các lực lượng vũ trang chính thống ra đàn áp biểu tình chống Trung Cộng xâm lược của người dân.
Năng lực lãnh đạo yếu kém, bất lương
Qua cả hai lý do ở trên, người dân chỉ có thể rút ra kết luận là năng lực lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam rất yếu kém, thậm chí những kiến thức căn bản về chức năng, nhiệm vụ, và cách thức tổ chức nhà nước cũng không có. Ngoài ra còn bất lương hơn là giới lãnh đạo Cộng sản dùng chính sách “lấy dân trị dân” để duy trì quyền cai trị tuyệt đối của mình.
Rất tiếc là những giải pháp chắp vá đó chỉ càng làm cho tình hình tồi tệ hơn. Việc ngày càng lập ra nhiều tổ chức mang danh quần chúng nhân dân để đi làm thay việc của quân đội, công an, sẽ càng làm cho ngân sách nhà nước eo hẹp, từ đó nhà cầm quyền càng phải tăng thuế, phí, để bù đắp ngân sách thiếu hụt, như thực tế đang diễn ra. Việc tăng thuế, phí, khiến ngày càng có nhiều người dân rơi vào cảnh nghèo đói, càng dễ dẫn dắt họ sa vào con đường tội phạm. Từ đó, càng gia tăng bất ổn xã hội.
Nếu giới lãnh đạo Cộng sản không thực tâm tiến hành cải cách chính trị, dân chủ hóa đất nước, để hóa giải tình trạng bế tắc của xã hội hiện nay, Việt Nam rồi sẽ trượt đến khủng hoảng, xã hội sẽ hỗn loạn trong thời gian không xa nữa. Một xã hội Việt Nam loạn lạc, rối ren là thời cơ tuyệt vời để Trung Cộng ra tay kiểm soát Việt Nam.
Nên nhớ rằng, từ hàng ngàn năm qua, giới lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ mộng xâm chiếm Việt Nam, biến Việt Nam thành sân sau, thậm chí là sân nhà của chúng.
Trung Nguyễn