Bể Dâu
– M. Toa còn nhớ bị nhốt ba ngày trong conex không?
– Đâu phải ba ngày. Một tháng với ba ngày.
– Mà toa có viết cái thơ võn vẹn chín chữ đó không?
– Moi đâu có viết. Tụi nó chỉ nghi thôi mà nhốt moi suýt toi mạng.
Đêm hôm đó, bổng nhiên cả một khung trời dĩ vãng hiện lại trong trí tôi.
Nhân dân cho lên lon.
Đài phát thanh thông báo lệnh của Thượng Tướng Trần Văn Trà, chủ tịch Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Hồ Chí Minh (tên mới của Sài Gòn): Các sĩ quan chế độ cũ phải trình diện “học tập cải tạo”. Những sĩ quan cấp thiếu tá trở lên phải đi trình diện từ ngày thứ Bảy 15 và Chủ Nhật 16 tháng 6, 1975, thời gian “cải tạo” là 30 ngày và điạ điểm trình diện là các trường học rải rác khắp Sài gòn, Chợ lớn, Gia định như Petrus Ký, Trưng Vương, Hồ Ngọc Cẩn, Don Bosco…
Gia đình tôi ở đường Nguyễn Trải, Quận 5, gần Nhà thương Phước Kiến, căn phố lầu, tầng một và hai. Tầng trệt làm phòng mạch. Khuya thứ Hai 7-6-75 (hết hạn trình diện học tập cho cấp tá và tướng), có người nhận chuông. Nhìn đồng hồ: Một giờ sáng. Tôi xuống mở cửa, bực và lo. Không phải một, mà năm người: Bốn bộ đội với súng AK và một người đeo K54 mà tôi đoán là hạ sĩ quan. Vừa bước vào bên trong, hắn hỏi ngay:
– Anh tên Nguyễn Sơ Đông phải không?
– Phải.
– Sao anh chưa đi trình diện học tập?
– Đài ra thông cáo: cấp thiếu tá trở lên trình diện, tôi chỉ là đại úy thôi.
Tôi đưa cho hắn xem giấy tờ của Cao Đăng Chiếm, đại tá Công An/Tình Báo Cộng Sản ký.
– Tôi có lịnh mời anh đi trình diện học tập ngay.
Làm sao tôi cải lại được với AK và K54:
– Lệnh gấp như vầy, các anh phải cho tôi sửa soạn áo quần, thuốc men, thực phẩm chớ…
Vừa nói tôi vừa bước trở lại hướng cầu thang để lên lầu.
– Không, anh không được đi đâu hết. Muốn gì, gọi người nhà anh lấy.
Đành chịu thôi. Bà xã tôi vừa sắp xếp áo quần, thuốc suyễn, thức ăn tiền bạc cho tôi, vừa khóc thút thít. Trước khi bước ra cửa, tôi còn bình tĩnh dặn:
-“Má” đừng sợ.. Nếu họ muốn giết thì chắc đã giết rồi chớ còn dẫn đi đâu.
Ra khỏi nhà, tôi đi giữa, bốn người bộ đội đi bốn góc. Thì ra chúng dẫn tôi xưống Chi Cảnh sát Chợ Hoà Bình. Vào trong chi cảnh sát, đã thấy ba người tôi đoán là sĩ quan ngụy như tôi. Đến gần ba giờ sáng, lục đục bộ đội dẫn về thêm hai người nữa. Cộng với tôi là sáu. Chất lên xe cảnh sát cũ (màu xanh và trắng), chở lên Ty Cảnh Sát Quận Năm, đường Đồng Khánh. Chúng tôi được đưa vào một phòng nhỏ có vài cái bàn, mươi cái ghế và bốn năm người ngồi chờ. Mỗi người được phát một tờ giấy học trò.
Khai lý lịch. Cấm “liên hệ” với nhau. Gần bốn giờ sáng, một công an, có vẻ là sĩ quan đến, ngồi sau một bàn viết, kê ở góc phòng, gọi từng người, “khai thác“ lại.
– Anh khai là trung úy. Tình báo nhân dân bảo anh là thiếu tá. Tại sao?
– Dạ, vì tôi mang lon Hải Quân, bà con nhìn không ra chớ tôi mới 23 tuổi, làm sao lên thiếu tá được?
– Anh thì sao? Anh khai là binh nhì đào ngũ?
– Dạ phải, tôi thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh ở Lai Khê. Tôi đào ngũ. Vì tôi muốn o con nhỏ ở trong xóm, nên tôi mang đại lon thiếu tá giả. Tôi học chưa hết lớp ba, làm sao làm thiếu tá được?
– Anh thì sao? Tình báo nhân dân “nhất trí“ anh là thiếu tá mà? Hắn hỏi tôi.
– Tôi mang lon đại úy từ năm 68; lúc sau này, mỗi lần về thăm nhà, tôi mặc dân sự, bà con tưởng tôi lên thiếu tá rồi, chớ thật tôi còn là đại úy.
Mỗi người đều có một lý do riêng. Cuối cùng, tên công an bảo:
– Các anh xác nhận không phải sĩ quan cấp tá ngụy phải không?
– Dạ đúng.
– Khai mang “cách mạng” kỷ luật nặng lắm. Được, tôi cho các anh về chờ lệnh.
Lục tục, chúng tôi mang đồ đạt hướng ra cổng Ty Cảnh Sát Quận Năm. Bổng tên công an gọi lại. Hồi hộp. Hắn bảo: Mới 5 giờ sáng, còn giới nghiêm (cho đến 6 giờ), mấy anh ra đường bộ đội bắn chết. Thế là xe cảnh sát chở tôi về nhà. Hú vía. Nhận chuông. Bà xã tôi tưởng tôi “hiện thân về”.
Tự chui vào rọ.
Chủ Nhật 23–6-75, khoảng một giờ trưa, bạn tôi, Nguyễn Lộc Thọ, giáo sư Trường Quốc Gia Nghĩa Tử đến chở Honda tôi đi trình diện “học tập cải tạo”.
Lần này, trình diện đúng ngày, đại úy thật, 10 ngày. Địa điểm: Trường Nữ Trung Học Trưng Vương, gần Sở Thú.
Sắp hàng. Vai mang túi áo quần, thuốc men… và một cái võng nylon.
Đến lượt tôi, đứng trước bàn một bộ đội tôi không biết cấp bực. Hắn ngồi ngay ngắn, nhìn tôi khá lâu và hỏi:
– Anh đứng trước cán bộ cách mạng mà còn mang kính?
Tôi chưa kịp hiểu anh ta nói gì, đã nghe lệnh:
– Gỡ kính xuống.
Gỡ thì gỡ. Tôi là kẻ bại trận mà. Tôi gỡ kính, cầm tay, không dám để trên mặt bàn.
– Ngồi xuống.
Ngồi thì ngồi. Giờ tôi như cá nằm trên thớt. Hắn đưa tôi tờ giấy, bảo khai lý lịch. Tôi cầm tờ giấy, chậm rãi:
– Kính thưa… Tôi không biết gọi anh ta bằng gì? Đồng chí thì không đúng và không được. Cấp bực thì tôi không biết. Gọi bằng ông sợ bị mắng.
– Cho phép anh gọi tôi là cán bộ.
-Vâng, kính thưa cán bộ, kính tôi mang là kính cận, tròng trong vắt, không phải kính râm. Tôi cố đọc trọ trẹ “râm-dâm”, sợ cán bộ không hiểu nếu tôi phát âm theo “Nam kỳ rặc” là “râm”. Gọi là kính mát, chắc chắn hắn không hiểu rồi. May mà tôi không mang verre fumé.
Cán bộ ra lịnh tôi gỡ kính xuống, tôi không thấy đường để viết, đọc gì hết. Hắn nhìn tôi, nhìn sang kính tôi đang cầm tay, gật đầu:
– Cho phép anh mang kính lại.
Tôi biết, từ đây đời mình sẽ còn nhiều giông bão.
Tập họp chia nhóm: 18 người thành một A. Tôi cũng không thắc mắc tại sao 18, không phải là 15 hoặc 20. Bốn A thành một B. Tôi thuộc A8 B12. Lên lầu, vào lớp học, tạm trú.
Tôi đã đến trường Trưng Vương nhiều lần rồi. Trong những năm ở Đại học Y khoa ở số 28 Đường Trần Quý Cáp, tôi là giáo sư dạy giờ, môn vạn vật, Trường Petrus Ký. Năm nào cũng đi gác thi, chấm thi Tú tài I và ÌI ở Petrus Ký, Gia Long, Chu văn An hoặc Trưng Vương. Đâu ngờ, đây là lần cuối cùng… vào Trưng Vương “Tử Cấm Thành”.
Khoảng 5 giờ chiều, lệnh xuống sân lãnh cơm. Trời! Cơm do Nhà hàng Đồng Khánh mang đến. Tôi nghĩ là phải ngon lắm vì nhìn cũng giống cơm chiên Dương Châu mà mỗi lần đi dự tiệc cưới ở Đồng Khánh người ta hay đãi. Nhưng nuốt cho đỡ đói thôi chứ có biết mùi vị gì. Nhìn chung quanh, anh em đồng cảnh… cũng lặng thinh. Mỗi người một tâm sự, ánh mắt lo âu.
Ăn xong tập họp. Nghe lệnh. Những điều cấm không được làm… không được nói.
Màn đêm từ từ buông xuống.
Trở lên lầu, tìm cách giăng mùng giữa các bàn học, ngủ đỡ, qua đêm. Trằn trọc mãi.
Bao nhiêu câu hỏi. Tương lai về đâu? Bao nhiêu lo âu.
Nửa khuya, có tiếng tu huýt, lệnh trở xuống sân. Tập họp theo đơn vị A, B. Nhận lệnh mới. Di chuyển. Tuyệt đối cấm, cấm, cấm. Nhiều điều cấm lắm. Anh nào ra khỏi hàng là bắn bỏ. Thòng lọng ở cổ từ từ siết lại.
Xe Motorola chờ sẳn trước cổng Trường Trưng Vương. Lên xe. Kiểm soát. Tấm bạt mui xe khép kín lại. Trời tối càng thêm tối om… như đời của kẻ bại trận. Có tiếng AK đạn lên nòng. Xe chuyển bánh. Quo vadis?
Sau nhiều lần quẹo, xe chạy thẳng và êm hơn. Mình ra xa lộ. Anh ngồi ngoài cũng hé chút mui cố nhìn và định hướng. Chạy mãi đến sáng thứ hai 24-6-75.
“Ê, mình đến Long Khánh rồi đó mấy cha. Vừa qua khỏi vườn cây của Đại Tướng Lê Văn Tỵ, chạy nữa. Đi đâu cà?” Cuối cùng, bộ đội mở tấm bạt. Xuống xe. Hai chân tê cóng. Anh nào đó nhìn ra: Đây là Long Giao, doanh trại cũ của Trung Đoàn 48, Sư đoàn 18 Bộ Binh, trước là căn cứ Black Horse của Mỹ.
Tập họp. Mỗi B gồm 72 người vào một nhà, gọi là lán, do một cán bộ gọi là quản giáo chỉ huy. Nhà trống, đầy bụi rác. Đủ thứ rác.
“Thế mình ở đây à?” Có giọng ngây ngô hỏi.
– “Ngủ ở đâu?”- “Nằm ngay trên sàn nhà mà ngủ”. Nhưng trước hết phải tìm cách quét cho sạch cái sàn nhà đã.
Một đoạn đời mới từ đây.
Đời sống vô sản.
Mỗi người mang theo một túi vải, trong chứa áo quần, thuốc men. Đứa nào cũng có môt lon “gô”(lon sữa Guigoz bằng nhôm). Riêng tôi còn có thêm mấy lưỡi câu, dây nylon và cái võng nylon có mùng luôn. Thuốc suyễn uống và bơm. Hơn 100 viên chloroquine. Mỗi tuần một viên, tôi sẽ chịu đựng được trên hai năm. Tôi không tin mình sẽ đi 10 ngày, nhưng tôi dự trù có sáu tháng thôi. Đâu ngờ phải đi ở tù lâu quá vậy!
Mỗi người được 40 cm sàn ciment. Tôi nằm đong đưa trên võng, không đụng ai và rộng thêm chỗ cho hai bạn tù bên phải và trái.
“Khôn dại cùng chung ba thước đất
Giàu sang chưa chín một nồi kê!”
Vua Tự Đức mà còn cam ba thước đất, mình được bốn tấc… mà còn than nổi gì?
Tổ chức thành “tổ” (A) và lán (B) chia phiên bữa củi, kéo nước giếng, nấu ăn (gọi là anh nuôi) hoặc ra ngoài trại lao động. Thật tình, đối với những người không bị đưa ra Bắc, phần lớn là sĩ quan cấp úy, thì lao động không đến mức “cực hình, khổ sai” nhờ nhiều yếu tố. Bắt đầu cuối năm 1976, đầu 1977, họ nhận được thơ, thực phẩm, thuốc men của gia đình, nâng đỡ tinh thần lắm; họ còn trẻ, trên dưới hoặc vừa bốn mươi ngoài, thân thể còn tráng kiện; thời tiết trong Nam không khắc nghiệt như ở thượng du Bắc Việt, trại Hà Nam Ninh, Hoàng Liên Sơn, Cổng Trời… tối đến lạnh xuống 3-4 độ Celsius; mỗi lần ra khỏi trại làm lao động gặp dân địa phương còn có cảm tình với “ngụy”, nhiều khi họ giúp cho thức ăn như chuối, bắp cũng thấy “ấm lòng”.
Đói vẫn cứ đói, mỗi ngày 400 gram gạo không thấm vào đâu.. Tuy nhiên không ai than phiền gì vì bên ngoài, gia đình mình cũng vất vả lắm. Chỉ lo cho vợ con. Lấy gì sống? Đi kinh tế mới. Qua mấy lần đổ tiền rồi còn gì đâu!
Đời sống tinh thần.
Người cải tạo rất khổ tâm về phương diện tinh thần. Những linh mục phải đi học tập vì là đại úy tuyên úy Công Giáo rất đáng khâm phục. Bất chấp ngăn cấm, kiểm soát chặt chẽ, các cha vẫn làm Thánh Lễ cho người tù Công Giáo. Lễ bỏ túi, lễ chạy, lễ di động. Nhưng vẫn có Thánh Lễ, nâng đỡ tinh thần với đức tin Chúa.
Ngược lại các cán bộ chỉ lập lại những lời tuyên truyền trước đây trong chiến tranh có thể áp dụng với dân chúng ít học nơi vùng quê hẻo lánh nhưng bây giờ đối tượng lại là những sĩ quan có trình độ, tối thiểu cũng đã tốt nghiệp trung học.
Luận về tội của người đi cải tạo: “Anh là giặc lái, lái máy bay bỏ bom toàn trẻ em và phụ nữ; bộ đội được huấn luyện kỷ thuật tránh bom, đâu có chết. Anh là quân y, chích thuốc kích thích cho lính ngụy nó hăng lên đánh phá cách mạng dữ dội. Anh là Cha, là Cố, làm phép cho lính Ngụy đạn bắn không trúng”.
Ngoài ra những buổi sinh hoạt “văn nghệ” làm tôi khổ sở lắm. Không muốn nghe, không muốn thấy cũng không được. Ngồi xoay qua xoay lại cũng bị phê bình. Ngồi ngủ gục tội còn nặng hơn nữa. Cuối cùng tôi có cách. Tuyệt chiêu! Tôi ráng nhớ hết tên quý cô giáo, thầy giáo, giáo sư trung học, giáo sư đại học khoa học, đại học y khoa…Tôi ngồi đó, như tượng gỗ. Ngồi ngay ngắn, nghiêm chỉnh nhưng tôi không thâu nhận gì hết vì trí óc tôi đang bận với tên tuổi những người đã góp phần dạy dỗ tôi. Xong. Tôi nhớ hết.
Kế đến, lần sinh hoạt văn nghệ tới, tôi ráng nhớ tên mấy đứa bạn cùng lớp. Lẽ dĩ nhiên tôi đâu có nhớ hết nổi, nhưng đầu óc tôi đâu có rảnh để “tiếp thu” những lời vô nghĩa, chướng tai. Tôi ráng nhớ mấy bài “học thuộc lòng” (recitation). Vui lắm. Học từ những năm 1947-48. Ví dụ bài ”Cắt Móng Tay”:
Đời xưa có thói dị thường
Những người sang trọng ngồi không tối ngày
Bởi nên không cắt móng tay
Để cho nó mọc ra dài uốn cong
Đời nay có thói lạ lùng
Móng tay họ cắt mà không cắt cùi
Mỗi ngày mài dũa lau chùi
Thoa son đánh phấn ra mùi Tây U…
Cũng có bài cảm động lắm như bài “Tan Buổi Học”:
Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa,
Nhác trông con đưa đứa về dần,
Xa xa con đã tới gần,
Mẹ con tề tựu quay quần bửa ăn.
Cơm dưa muối khó khăn mới có,
Của không ngon nhà khó cũng ngon.
Khi vui câu chuyện thêm dòn,
Chồng chồng vợ vợ, con con một đàn.
Hoặc bài ”Après la bataille’ của Victor Hugo, bắt đầu bằng câu:
Mon père ce heros, au sourire si doux,
…Donne lui tout de même à boire, dit mon père..
Đặc biệt bài “La maison paternelle” càng làm nhớ nhà thêm:
“Inoubliable est la demeure
Qui vit fleurir nos premier jours…”
Ngày lại qua ngày. Không ai dám đếm ngày đếm tháng nữa.
Vụ án Bác Sĩ B. Q. M:
“Học tập cải tạo” đã hơn một năm rồi. Ngày về mù mịt như Tô Vỏ chăn dê. Bặt tin tức. Có “ai” đề cập đến liên lạc với gia đình đâu. Trái lại, hàng ngày cán bộ nhắc nhở lệnh: Cấm “liên hệ”với bất cứ ai, lúc ở trong trại cũng như lúc ra ngoài đi lao động (cuốc đất trồng khoai mì, chặt tre, đốn củi).
Không biết bằng cách nào, các bà vợ “tù cải tạo’ ở Sài Gòn biết được Trại Long Giao. Thế là ngày nào cũng có mươi bà lên đón mong gặp các toán tù “xuất trại để lao động”.
– Các anh ơi, tôi là vợ của Đại Úy X, trước ở Đơn Vị Y. Các anh nhắn dùm là gia đình bình yên. Ba đứa con tôi nuôi không nổi nên cho nó theo Cậu Z, theo chú nó hết rồi. OK Salem hết rồi.
Thế là chiều hôm đó thế nào cũng có màn: “Sáng nay tao thuộc tổ chặt tre, có thấy Bà Xã mày lên. Không làm sao nhận được quà cáp gì hết vì bộ đội kiểm soát chặt chẽ quá. Nhưng Bà Xã mày nhắn là gia đình bình yên, ba đứa con bả cho Cậu Z nuôi. Mẹ, Cậu Z “vọt” hồi 75 phải không mậy? Ê, còn đường không, cho xin một thẻ”.
Tối hôm đó, trong giấc ngủ chập chờn, Đại Úy X. mỉm cười.
Sau này, Bà Xã tôi kể lại: Đã lên Long Giao tám lần. Những ngày ấy, tôi không thuộc toán lao động ra ngoài.. Những ngày tôi cuốc đất, vác củi ngoài trại, Bà Xã tôi không lên. Cũng dễ hiểu thôi: Còn lo chạy gạo, săn sóc bốn đứa con nữa chớ!
Mỗi buổi tối sinh hoạt, quản giáo nhắc lại: Cấm “liên hệ”.
Rồi giông tố nổi lên. Không biết cách nào đó, cán bộ bắt được một tờ giấy nhỏ với vỏn vẹn chín chữ: “Má và các con yên tâm, Ba bình an”.
Theo ngôn ngữ được dùng, tác giả là một tên Nam Kỳ. An ninh trại điều tra và quả quyết Bác Sĩ B. Q. M. là thủ phạm với bản án: “Nhốt vào conex”. Thời gian sẽ quyết định sau.
Conex là một hộp sắt hình vuông, mỗi cạnh khoảng 1,5m, có hai cánh cửa, kín mít, dùng để chứa hàng hóa, gởi từ Mỹ sang. Người ta khoét hai lổ khoảng 10x20cm cho người tù thở. Conex để giữa “trời cao đất rộng”, không một bóng mát. Trong conex, tù không đứng thẳng được. Ban ngày nhiệt độ lên tới 105-110 F. Sắt giản ra bưng bưng (đâu có chuyện “Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát,” đâu có “áo lụa Hà Đông”!). Người tù conex chỉ có một bộ đồ, cởi ra hết, che trên đầu, hy vọng đỡ nóng. Mắt đỏ hoe. Miệng khô đắng. Da sần lên như da cắt kè. Mỗi ngày được một lít nước. Tiểu tiện ngay tại chỗ. Nước tiểu vừa đụng sàn conex đã bốc hơi. Cục phân, nhỏ như cứt dê, cũng khô cứng.
Cửa conex chỉ mở ngày hai lần cho bạn tù mang nửa khẩu phần cơm tới. Rồi đóng lại ngay. Người ta không muốn tù được hưởng chút không khí trong sạch. Đúng nghĩa không khí trong sạch, không bóng gió gì hết.
Ban đêm lạnh thấu xương. Tù nằm cong queo nghe sắt co rút lại kêu răn rắc. Không còn sức để mà run.
Bị nhốt trong conex là kể như mình đã đặt một chân vào thế giới bên kia rồi. Chỉ cần rút nhẹ một chân nữa là xong một kiếp người ở cái tuổi chưa đầy bốn mươi. Vậy mà BS B.Q.M. còn sống nhăn sau một tháng cọng với ba ngày trong conex.
Đến nay, ba mươi năm sau, BS B.Q.M. vẫn BỐN không biết: Không biết ai là tác giả chín chữ đó, không biết tại sao an ninh trại lại quả quyết là mình, không biết tại sao được thả ra, không biết nhờ đâu mình sống được.
“Vertigo” của Bác Sĩ Nguyễn sơ Đông.
Một buổi chiều không đi lao động, tôi đang ngồi vá chiếc võng nylon thì có bộ đội chuyển lệnh: lên văn phòng làm việc với Anh Lực. Nghe tên Anh Lực, tôi lạnh mình. Mấy đứa bạn tù ngồi gần đó ngước nhìn tôi, nhìn tên bộ đội non choẹt vác AK mà ngao ngán dùm tôi.
“Anh Lực” là trung úy an ninh của trại Long Giao nổi tiếng “ác ôn”. Thật tình, tận mắt, tôi chưa có dịp thấy hắn hành hung, đấm đá gì ai. Nhưng nộ nạt, sỉ vả, chửi mắng, hăm dọa tù là chuyện cơm bửa đối với hắn. Tôi đã bị hắn gọi đích danh ra “trước hàng quân”… tù để sỉ vả:
– Lúc nhỏ, anh là con đẻ của thực dân Pháp (vì cái tội theo học ở trường Chasseloup Laubat của Pháp), lớn lên, anh làm tay sai đắc lực cho Đế quốc Mỹ. Tội của anh đáng chết mười lần, anh có thấy nhục nhã không?
“Anh Lực” mà ra lệnh nhốt vào conex thì hết thấy mặt vợ con, anh em, bè bạn. Tôi lại nhớ đến hình dáng của Bác Sĩ B.Q. M. sau khi được dìu ra khỏi conex. Trắng xanh, mắt sâu hoắm, không còn chút sinh lực, ốm tong teo… Nhìn vào không thấy đâu hết, chỉ thấy bộ quần áo rộng thênh thang bay phất phơ trong gió. Đứng không vững. Nói không ra tiếng. Bây giờ, năm 2006, ngồi yên viết lại, chớ lúc đó tôi sợ lắm, bước chậm chậm như cái xác không hồn. Tôi ráng lấy can đảm, nắm chặt tay lại chớ chân tôi bắt đầu run run khi gần đến văn phòng Tiểu Đoàn Tù L2T1.
Đến cửa văn phòng, tự nhiên tôi quay lại nhìn trời. Biết đâu đây là lần cuối mình còn có thể nhìn lại chút bầu trời trong mát.
Bộ đội đứng nghiêm: “Báo cáo đồng chí…“, vừa báo cáo vừa để tay vào lưng tôi, “dìu” nhẹ tôi vào văn phòng. Toàn thân tôi nổi da gà. Tôi có cảm tưởng đao phủ đưa tội nhân lên máy chém.. Tôi bước vài bước vào đứng nghiêm trong văn phòng Trung Úy Lực:
– Kính xin báo cáo… Tôi vừa nói vừa nhìn hắn, cố lấy giọng bình tĩnh.
Hắn ngồi sau bàn viết, cố tình không nhìn tôi, như đang tìm kiếm gì đó, lấy ra một xấp hồ sơ (tôi nghĩ đó là hồ sơ của tôi vì từ khi vào trại đến giờ đã khai lý lịch trích dọc trích ngang hơn chục lần rồi). Rồi từ từ, hắn đứng dậy, kéo áo lại cho ngay ngắn, từ từ tháo dây thắt lưng có dính tòn ten bao da đựng cây K54, để nhẹ trên bàn viết, kế một tách trà đã vơi.
Nãy giờ cũng đã gần năm phút rồi, hắn vẫn không thèm nhìn tôi bằng nửa con mắt, không thèm phán cho tôi nửa lời. Tim tôi đập liên hồi, có cái gì ngăn ở ngực. Muốn ói. Tai ù. Mắt mờ. Như đang lạc vào thế giới huyền ảo. Cái sợ đã lên tới tột đỉnh.
Bổng hắn đập mạnh nắm tay xuống mặt bàn. Rầm.. Tiếng rầm kéo tôi trở lại thực tế. Tôi mở mắt to, há hốc nhìn hắn. Hắn quát:
-Tại sao tới giờ này anh còn dối cách mạng. Cách mạng đã tha tội chết cho anh… Thật là một lũ ngụy.
Sợ quá, tôi không biết lúc đó tôi có hiểu hết những gì hắn nói không. Hắn ra mặt giận dữ, vừa thét to, vừa đẩy xấp hồ sơ về phía tôi.
Như có phép lạ, trong thoáng giây, đầu óc tôi minh mẫn lại. Có lẽ ngọn đèn bừng sáng lên trước khi bị dập tắt. Tôi linh cảm trong cử chỉ, trong giọng nói của hắn có chút gì giả dối, có chút gì muốn áp đảo tôi.
– Xem đây, anh viết anh không hề vào đảng “Thằng Thiệu” mà sao lên cấp bậc đại úy. Mẹ, không vào đảng, lên đại úy. Dối cách mạng cho cải tạo mục xương.
Tôi tỉnh lại hẳn. Tôi cám ơn hắn đã lập lại câu nói “không vào đảng, sao lên đại úy”. Tôi không nghe sai. Tôi cảm được con người tôi hiện đầy sinh khí. Tôi muốn cười thật to, cho sướng. Tôi vẫn đứng nghiêm. Hắn còn hét to lên nữa, tiếp tục mắng chữi, hăm dọa đủ điều. Tôi đâu có nghe nữa. Tôi biết chắc chắn hắn hố rồi. Tôi biết chắc chắn không có gì để buộc tội tôi, ngoài cái tội ngụy. Và tôi không sợ nữa. Hắn mệt rồi. Hớp cạn tách trà, hắn ngồi lại xuống ghế, mắt mở to nhìn tôi như cố ý xem tôi “xanh mặt” đến mức nào. Run chưa?
Tôi chậm rãi để hưởng hết cái hương vị đậm đà của “chiến thắng”.
– Kính thưa anh cho phép tôi báo cáo.
Sau một thoáng suy nghĩ hắn gật đầu chấp thuận.
– Kính xin báo cáo anh mấy điều. Thứ nhất, anh xem lại bảng lý lịch của tôi, tôi không có mang cấp bực thiếu úy động viên vào quân đội … (tôi muốn nói Quân lực Việt Nam Cộng Hòa mà không dám)…
– Ngụy chứ quân đội gì, hắn cắt ngang.
– Động viên tháng 3 năm 1966, tôi mang ngay cấp bực trung úy (tôi cố tránh chữ ngụy). Thứ hai: Trong quân đội miền Nam …
– Tôi ra lệnh anh nói quân ngụy, hắn bực dọc lắm rồi.
– Vâng trong quân ngụy, không có cấp “thượng” như thượng úy, thượng tá, thượng tướng, nghĩa là từ trung úy lên ngay đại úy. Thứ ba: Tôi lên đại úy từ năm 1968 (đặc cách tại mặt trận, tết Mậu Thân, tôi không dám nói sợ hắn “quýnh” tôi) và đến năm 1975 vẫn còn mang đại úy.. Như thế tôi vào quân… ngụy hơn 9 năm, lên có một cấp bực thì có đảng nào đâu!
Tôi vẫn đứng nghiêm, nghiêm để nhìn cái bối rối của hắn. Hắn vẫn trừng mắt nhìn tôi, trong ánh mắt có chút bẽn lẽn của một người vừa đánh… hụt. Hắn cố gỡ gạc:
– Cách mạng tìm được tài liệu anh là đảng viên đảng “Thằng Thiệu” thì sao?
– Kính xin báo cáo: Tùy cách mạng định đoạt.
– Thôi cho anh về. Cấm kể lại chuyện này cho bất cứ ai. Chết với tôi đấy.
Hắn gọi bộ đội đưa tôi lại lán B12. Trên đường về tôi huýt sáo nho nhỏ… “The Longest Day”. Về đến lán, anh em ngạc nhiên thấy tôi còn nguyên vẹn. Mắt không bầm, mặt không sưng. Tay chân còn cử động nhịp nhàng. Tuy nhiên không anh nào dám hỏi han gì hết. “Anh Lực” oai đến thế.
Chuyển trại
Một ngày đầu tháng 3 năm 1977. Sáng sớm ban quản giáo ra lệnh: Hôm nay không học tập, không lao động, các anh mang hết đồ đạc ra sân khám xét.
Đây không phải là lần đầu. Trong quá khứ, thỉnh thoảng đôi ba tháng một lần chúng tôi bị “khám xét tổng quát”: Vũ khí nhọn (chống đối), cơm khô (âm mưu trốn trại), thư từ (liên lạc), tài liệu (tuyên truyền)… Sau khi ăn cơm trưa, xét tiếp đến xế chiều mới xong.
Anh em đang xếp đồ đạc lỉnh kỉnh cho vào túi vải bỗng quản giáo ra lệnh: “Cán bộ trung đoàn đến, tất cả đứng yên tại chỗ”. Cán bộ trung đoàn, gầy đét, mắt vàng sốt rét kinh niên, môi thâm thuốc lào trao một tờ giấy, quản giáo đọc: “Các anh có tên sau đây đứng qua bên phải, chờ lệnh”. Mười lăm, muời sáu tên, trong đó có tôi. Các anh khác mang đồ trở vô lán, đóng cửa lại. Cấm trở ra sân. Nhóm chờ lệnh, hoang mang. Nhóm trở vào nhà lo âu. Cả hai nhóm đều xanh mặt.
Sau đó, nhóm chờ lệnh mang túi đồ đạc được dẫn lên trước văn phòng tiểu đoàn L2T1, ngồi thành một hàng dọc cùng với nhiều nhóm khác. Tiếp tục chờ lệnh. Chờ lệnh trong sợ sệt. Chốc chốc lại có anh thì xin phép đi tiểu. Mờ tối, khoảng 8 giờ, một đoàng 5 chiếc Molotova tới. Bây giờ cán bộ trung đoàn mới cho biết: “Có lệnh chuyển trại các anh.” Giống như gần 2 năm trước từ “Tử cấm thành Trưng Vương” lên Long Giao, nghĩa là đi ban đêm, với bạt mui xe đóng kín; lệnh rất nghiêm nghĩa là ra khỏi hàng là bắn bỏ. Một chi tiết nhỏ: lần này, tôi không nghe tiếng AK đạn lên nòng. Molotova chạy suốt đêm, bỏ đường nhựa, chạy quanh co đâu trong rừng, dằn, xốc lắm. Sáng hôm sau, đoàn xe thả tù xuống một trảng tranh. Lần lượt nhảy xuống. Anh nào cao dưới 1.60 m không thấy đâu! Tranh cao khỏi đầu. Tập hợp. Chia tổ, chia lán. Đốn cây, dựng nhà, đào giếng. rành quá rồi. Địa danh: Katum, rừng già, nguyên là mật khu giữa Tây Ninh và biên giới của Việt Miên.
Sống giữa rừng già Katum.
Cán bộ nói chung quanh không có hàng rào, không kẽm gai, không bộ đội gác gì hết, nhưng các anh đừng có dại dột mà trốn trại. Không biết đường ra đâu. Đúng, chúng tôi bị nhốt giữa rừng già. Đi lao động thỉnh thoảng gặp hầm hố, công sự chiến đấu, doanh trại của cộng sản, trước 75, nay đã hoang tàn. Cuộc sống có vẻ đỡ gò bó và đỡ đói vì có “kiếm chác” được chút “ của trời cho”: cải trời, măng, trái cây rừng … Thích nhất là gặp những hố bom, mỗi hố đường kính rộng hơn cả 10m, không biết sâu bao nhiêu, nhưng đầy âm ấp nước; có nước là có sinh vật: Cá và ếch. Tôi mang lưỡi câu “thứ thiệt”, có ngạnh đàng hoàng, nhợ nylon, chặt trúc làm cần câu cá và ếch, thằng bạn cùng tổ làm việc ngạc nhiên lắm. –“Ở đâu mày có?” –“ Mang theo khi đi trình diện chứ ở đâu mậy. Tao đâu có tính 10 ngày mậy”.
Giữa rừng già, đêm xuống, trăn trở nhớ nhà lắm. Trăng rừng, bóng trăng xanh tải, lành lạnh. Chập chờn, ma quái. Mưa rừng reo rắt, buồn thúi ruột. Còn lòng dạ nào mà nhớ Thanh Nga … “Mưa rừng ơi mưa rừng giọt mưa, nhớ ai mưa triền miên”… Thấm thoát mà ở tù hơn hai năm rồi. Cách đối xử của cán bộ đối với tù vẫn hằn học và khinh rẻ. Họ là kẻ thắng trận, nhưng họ biết không khi nào họ “tẩy não” được chúng tôi. Vậy, họ còn giữ chúng tôi làm gì? Từ ngày lên Katum đến nay đã 4, 5 tháng rồi có “học hành” gì đâu. Những đêm trằn trọc nghe bạn tù mớ… mớ cha, mớ mẹ, mớ vợ, mớ con… mớ bạn bè.
Thăm nuôi. Vive la “2CV”
Một ngày đầu tháng 6/1977, quản giáo ra lệnh: “Khẩn trương, đốn cây, cất thêm mấy căn nhà. Các anh sắp được thăm nuôi. Cắt tóc, chọn áo quần “tốt” mà đón gia đình”. Chúng tôi ghi nhận tin “thăm nuôi” bán tín, bán nghi. Lần này, như có phép lạ, “Cách Mạng” thực hiện điều mới tuyên bố. L’exception confirme la règle. Thế là tôi được gặp mặt vợ con.
Lại Nguyễn Lộc Thọ, cựu giáo sư Quốc Gia Nghĩa Tử, người đã chở Honda tôi đi trình diện học tập ngày Chúa Nhật 23/6/1975, nay chở vợ và bốn đứa con tôi lên Katum, bằng chiếc 2 CV cũ kỹ. Cảm động nhất, là có bà nhạc mẫu tôi. Bà ngoại, bảy mươi ngoài, lụm cụm lên thăm thằng rể “tù”.
Ánh sáng cuối đường hầm
Tháng 8/77, một số chuyên viên y tế, kiến trúc, kỹ sư được “chuyển trại”. Không nói thẳng, nói thật, chuyển trại, thế thôi. Về bến mới đục hay trong? “Cũng liều nhắm mắt đưa chân”. Autant en emporte le vent. Sắp xếp hành trang lên Molotova… lần thứ ba.
Lần này, chúng tôi nhận thấy hai điểm “sáng sủa”, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, là di chuyển ban ngày và bạt mui xe không khép kín lại, tuy vẫn có hai bộ đội với AK ngồi ngoài bìa hai băng xe. Có AK nhưng không nghe tiếng đạn lên nòng. Đến xế chiều, xe chạy vào một doanh trại cũ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, không biết đơn vị nào, chỉ nghe anh ngồi ngoài bìa nói Tây Ninh. Xe ngừng. Lần lượt nhảy xuống đất. Bỗng nhìn lên vách một căn trại chữ phai mờ rồi nhưng còn đọc được: TD 252 PB. Mắt tôi hoen mờ. Môi tôi nghe mặn. Tôi đã khóc: Thì ra đây là một phần của đơn vị cũ của tôi, Sư Đoàn 25 Bộ Binh.
Tái diễn cái màn: Chia tổ, chia lán, nhưng khỏi dựng nhà. Hàng dãy doanh trại bỏ trống. Ở đây tôi gặp lại Dương Tấn Lợi, đại úy Quân Nhu, trong nhóm Chasseloup/ Jean Jacques Rousseau đi nhậu hàng tháng với nhau. Vợ anh Lợi “dân Tây” – Quốc tịch Pháp, thứ thiệt chứ không phải như tôi bị chửi oan, đã đem đứa con “hồi hương” về Pháp rồi. Khỏe ru. Nó khỏi lo con, cháu nó. Lợi kéo tôi ra một góc, “nói nhỏ cho mầy biết, tao còn hai con khô sặc, tao cho mầy một con”. Trời! Tôi không biết caviar, tôi không biết “khô lân chả phụng” ngon đến mức nào, chớ giờ đây, đổi con khô sặc rằn, rằn, rằn này… tôi không chịu.
Độ hai tuần sau, tôi được giấy xuất trại … Tưởng là tốt lắm. Có ngờ đâu, như thầy Huyền Trang Tam Tạng, sau 80 nạn rồi … chỉ thỉnh được mấy pho “vô tự kinh”.
Nguyễn Sơ Đông
01 tháng 1 năm 2007
Sống lại
Đúng như Tam Tạng qua bao nỗi “trần ai” chỉ thỉnh được mấy pho “vô tự kinh”.
Được giấy xuất trại chỉ là thả ra khỏi trại tù nhỏ Củ Chi … Để được giam trong trại tù lớn Việt Nam.
Chữ “Ngụy” được in vào hồ sơ, như được xâm lên trán, thời trung cổ.
Ngụy có nghĩa là:
– Mất quyền công dân.
– Bị áp lực đi kinh tế mới, giao nhà cửa cho nhà nước “cách mạng” quản lý.
– Lẽ dĩ nhiên không nơi nào cho mình việc làm, bất cứ ở tầng lớp nào trong xã hội.
Dẹp hết tự ái, tôi xin vào làm y tá trong phòng y tế của một xí nghiệp dưới sự “chỉ huy” của một “bác sĩ chuyên tu” Cộng Sản (chỉ mong có việc làm ở Sài Gòn, khỏi đi kinh tế mới). Vậy mà hai tuần sau, chi bộ đảng quyết định: Chỗ này phải dành cho “thân nhân liệt sĩ cách mạng”.
Tôi cắn răng chịu đựng mọi đắng cay: Ra Sở Y Tế (Tòa Lãnh Sự Trung Hoa Dân Quốc cũ, đường Hai Bà Trưng) thành phố Hồ Chí Minh, gặp Bác Sĩ Nguyễn Hải Nam, cùng khóa Y Khoa Sài Gòn. Nam bây giờ là VIP, vì là “cơ sở cách mạng” (nằm vùng) do anh ruột Đại Tá Công An Cộng Sản Nguyễn Hải Thọ gài trong Bệnh Viện Cảnh Sát/ Tổng Nha Cảnh Sát Việt Nam Cộng Hòa, đường Võ Tánh. Nam chỉ phán một câu: ”Anh về thu xếp đi kinh tế mới”.
Đứng xếp hàng mấy tiếng đồng hồ để mua “nhu yếu phẩm”, thì bà tổ trưởng dân phố bảo:
– Cậu là ngụy, không bán.
Cay đắng ở chỗ: Bà này bà con khá gần với mình, nhưng nay mình là ngụy: Hết bà con. Tôi cố xoay sở, cố nuốt nhục, mong gia đình được dễ thở chút nào. Nhưng sau đây là giọt nước mắt làm tràn ly.
Con trai đầu lòng, học hết lớp 9, xét lý lịch, con ngụy, không được tiếp tục lên lớp 10.
Vậy người Cộng Sản muốn đầy đọa bao nhiêu thế hệ gốc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa?
Tôi xin viết rõ ràng, minh bạch cho thế hệ mai sau: tôi đã đi dạy trung học, đã là giám khảo thi Tú Tài I & II nhiều khóa, tôi đã hành nghề y khoa trong và ngoài giới quân đội, tôi chưa khi nào hỏi lý lịch thí sinh hay bệnh nhân. Thí sinh giỏi, tôi cho điểm tốt. Bệnh tôi chữa. Bị thương, tôi săn sóc. Nặng tôi gọi trực thăng tản thương không cần biết đó là chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hay Việt Cộng. Đó là tôn chỉ của Việt Nam Cộng Hòa.
Vì thế, khi con tôi mang phải cái tội “con ngụy” bị từ chối lên lớp trên, tôi quyết định vượt biên.
Tôi bàn kỹ với nhà tôi, chấp nhận biết bao gian lao, nguy khổ, đem mạng sống cả gia đình đổi lấy tự do. Chúng tôi hy sinh, mong các con có một tương lai sáng lạn hơn hay ít nhất không bị trả thù..
Trong lịch sử, chưa có thời nào, chưa có dân tộc nào phải chấp nhận thương đau, chết chóc, tan nát … bỏ xứ ra đi nhiều như Việt Nam Cộng Hòa, sau 75. Một cách khiêm tốn, ước lượng 10 người vượt biên, 6 người thoát hiểm, 4 người chết ngoài biển khơi (giông bão, bệnh, hải tặc, đói …), thì nếu 300.000 (ba trăm ngàn) “boat people” đến được bến bờ tự do, đã có 200.000 (hai trăm ngàn) chìm sâu đáy biển.
Việc tôi không hiểu được là con số chết chóc quá cao như thế, đã làm thức tỉnh lương tâm cả THẾ GIỚI… mà chính quyền mới vẫn dửng dưng. Họ có lương tâm hay không? Tôi không sai khi viết “thức tỉnh lương tâm cả thế giới”.
Trại Bidong
UNHCR, tháng đến hai lần, có khi ba bốn lần. Lãnh Sự Pháp Jean Blattes, phái đoàn Mỹ, Úc, Pháp, Gia Nã Đại, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch… đã đến phỏng vấn, nhận tị nạn… và nhận cả con nuôi.
Khắp thế giới
– Đủ mọi thành phần xã hội từ nhiều quốc gia, kể cả những nhân vật đã từng có thái độ thiếu thân thiện với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa như triết gia Jean Paul Sartre, ca sĩ Yves Montand, tài tử điện ảnh Brigitte Bardot, văn hào Virgil Georghiu.
– Màu da, tôn giáo, ngôn ngữ họ khác.
– Chính kiến, lập trường, nhân sinh quan họ khác.
Nhưng họ có một mẫu số chung: Lương tâm và tri thức con người.
Họ đã cùng nhau quyên góp tổ chức “Một con tàu cho Việt Nam” (Un bateau pour le Viet Nam) để cứu vớt người vượt biển.
Vượt biên:
Tìm cái sống trong ngàn cái chết, gia đình tôi rời Sài Gòn ngày 26/10/78. Lẽ dĩ nhiên đầy hãi hùng. Chúng tôi chấp nhận hết. Nhờ ơn trời, chúng tôi đến Pulau Bidong ngày 3/11/78: ngưỡng cửa trước khi vào chân trời mới.
Ở Bidong, cũng khổ cực, thiếu thức ăn, thiếu đủ thứ … và nhiều lo lắng, nhưng sống vẫn HY VỌNG. Hy vọng làm lại cuộc đời ở một “đệ tam quốc gia”… Úc, Mỹ, Pháp… gì cũng được. Nơi đó có chút tình người. Những ngày đầu đói lả người. Chồng 39 tuổi, vợ 38. Bốn con, đứa nhỏ nhất: 5 tuổi.
Gia tài: Mỗi người một bộ đồ, chứa trong túi vải cộng với bộ đang mặc là hai, cọng với 2 ponchos “nhà binh”: Một tấm trên nền cát, một làm mái che mưa nắng. Còn được 16 gói “gạo sấy”. Đồ hành quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Từ đó nấu thành cháo lỏng… ráng chịu đựng.
Không một dollar. Không một chỉ vàng. Đó là gia đình tôi khi cập bến Bidong.
Tôi đi vòng khắp đảo … tìm viện trợ. Hỏi Ban đại diện: không biết! Chính quyền Mã Lai không cho được hạt gạo, lít nước nào.
Ngày thứ sáu trên đảo. Hết gói “gạo sấy” cuối cùng. Tôi gặp lại Bác Sĩ Nguyễn Cẩm Thạch và Dược Sĩ Nguyễn Kim Sơn (trước ở Trung Tâm 3 Huấn Luyện), vợ chồng Bác Sĩ Trịnh Văn Chương và Bác Sĩ Mã Ngọc Phương, Bác Sĩ Đoàn Lân, không quen trước nhưng giờ làm quen … tiếp tế cho mì gói, gạo, chén, nồi và dầu (để nấu và đốt đèn). Quý hơn bát cơm Xiếu Mẫu. Trân trọng đội ơn năm bạn.
Vào thời điểm này tháng 11/1978, “dân số” Bidong khoảng 12 ngàn. Việc tổ chức “ban đại diện” rất phôi thai. Trại trưởng là Nha sĩ Đỗ Cao Minh (anh ruột Trung tướng Đỗ Cao Trí).
Chúng tôi làm thủ tục ghi tên. Tàu chúng tôi được xếp số thứ tự 76, để theo đó mà được gọi vào phỏng vấn khi có phái đoàn “đệ tam quốc gia” đến.
Ngày nào cũng có “vượt biên” đến: Hoặc đến “thẳng” từ Việt Nam, hoặc do chính quyền Mã Lai chở đến từ các trại khác. Exodus. 7, 8, 10 … 15 mười lăm ngàn vào cuối 1978.
Nha sĩ Minh rời trại. Bác sĩ Nguyễn Dương Đơn (con của bác sĩ Nguyễn Dương Đôn, Bộ trưởng Quốc Gia Giáo Dục năm 1954) thế. Bác sĩ Đơn đến đảo trước tôi nửa giờ, cùng với gia đình bên vợ là Bác sĩ Nguyễn Đình Hoàng, giáo sư Quang tuyến Y Khoa Sài Gòn (Tàu số 75).
Bác Sĩ Đôn rời trại rất sớm, Giáo Sư Lê Tấn Kiệt, cựu hiệu trưởng một trường trung học công lập ở Hậu Giang lên thế.
Người tị nạn ồ ạt đến. Việc tổ chức “ban đại diện” lần lần chu đáo hơn, liên lạc thường xuyên với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR/ United Nations High Commissioner for Refugees)). Nhờ vậy trại Pulau Bidong được chính quyền Mã Lai tiếp tế thức ăn, nước ngọt. Tất cả chi phí do UNHCR đài thọ: 4(bốn) US dollar cho mỗi đầu người tị nạn, mỗi ngày.
Tàu tị nạn tiếp tục đến, vẫn có nhiều chiếc bị Hải quân Mã Lai kép trở ra hải phận quốc tế … Mặc cho sóng bão …
Bác Sĩ Bernard Kouchner và “một con tàu cho Việt Nam”
Tàu bệnh viện L’Ile de Lumière
Nhắc đến Jean Blattes, lãnh sự Pháp ở Kuala Lumpur, Bernard Kouchner và nhóm cộng tác,
Thuyền Trưởng Francois Herbelin và thủy thủ đoàn, tôi chỉ có 6 chữ: THÀNH KÍNH TRI ÂN & CẢM PHỤC
Vượt bao khó khăn, trở ngại khắp mọi nơi, từ Paris đến Geneve, đến Kuala Lumpur, trở ngại ngay trong nhóm Médecins sans frontiere, trở ngại với IRC, với MRC (Malaysian Red Crescent), Bác Sĩ Kouchner đã thực hiện chương trình cứu trợ người vượt biển với tất cả con tim và khối óc của ông:
– Cứu trợ trực tiếp, đúng lúc, ngay trên biển cả.
– Đón người vượt biển, chữa trị và đưa đến bờ tự do THẬT SỰ.
Bác Sĩ Kouchner và nhóm cộng tác đã thuê một tàu hàng “trống lỏng” ở Nouvelle Calidonie. Ráp vào giường, máy quang tuyến X, phòng thí nghiệm, phòng vệ sinh… để biến thành tàu bệnh viện
L’Ile de Lumière.
Bao nỗi trần ai, bao nỗi nhọc nhằn với được chính quyền Mã Lai cho phép hoạt động. Tàu cập bến Bidong ngày 18 tháng 4, 1979.
Tôi đang làm trưởng trại, thế giáo sư Lê Tấn Kiệt đã được định cư. Cảnh thật là cảm động. Người tị nạn hoan hô dậy trời. Những người “may mắn” đến gần được phái đoàn, ôm chầm lấy họ, òa lên khóc. Khác màu da, khác màu mắt, khác ngôn ngữ … Sao họ chấp nhận xa vợ, xa con, quên no ấm, quên tiện nghi … tìm đến một góc trời xa thẳm để cứu giúp mình … Những người họ chưa hề quen.
Phái đoàn cứu trợ gồm có: Jean Blattes, lãnh sự Pháp, Bác Sĩ Bernad Kouchner, Bác Sĩ Vladan Radoman, Bác Sĩ Eric Cheysson, Bác Sĩ Patrick Laburthe, Bác Sĩ Pierre Bonniaud, Bác Sĩ Jean Claude Sénéchal và cô Ghislaine Martin, y tá.
Không người nào cầm được nước mắt. Các bác sĩ và y tá đã từng tình nguyện đi cứu trợ ở nhiều trại tị nạn rồi, nhứt là Bác Sĩ Bernard Kouchner đã từng đến Afghanistan, Biafra, Eritrea, Jordan, Kurdistan, Tchad … và Sài Gòn. Nhưng chưa bao giờ họ thấy tình trạng thê thảm … “địa ngục trần gian Bidong”.
Bắt tay ngay vào việc. Khám bệnh. Cần thì chuyển lên “Ile de Lumière” … Quang tuyến X, thử nghiệm, giải phẫu. và … sanh … trên tàu.
Tàu rời Bidong ngày 5 tháng 7 năm 1979 với thành quả: khám bệnh 1927 người, 151 ca “giải phẫu” với gây mê, 18 em bé đã chào đời trên tàu, trong đó có 3 trường hợp sanh mổ.
Trước khi rời Bidong vì gần hết giao kèo và gần hết tiền quyên được, Bác sĩ Kouchner đã cho gỡ hết máy móc, dụng cụ, giường bệnh, máy phát điện … để giúp ban đại diện trại Bidong lập một bệnh viện 65 giường. Thuốc men, y cụ … cho lại hết để Ban Y Tế có thể tiếp tục hoạt động.
Bỗng nhiên tôi nhớ đến một chuyện trong “Bài tập đọc” lớp nhì: Một con vượn bị thợ săn bắn, biết mình sắp chết (hết tiền quyên được) bèn vắt hết sữa của mình cho con bú.
Bác Sĩ Kouchner đã gõ hết các cửa ở Paris từ Điện Matignon (Phủ Thủ Tướng Pháp) đến Quai d’ Orsay (Bộ Ngoại Giao) và đã được phép – với một quota khá cao – vớt được người tị nạn nào, chính phủ Pháp sẽ chấp nhận cho vào Pháp người đó..
Nhờ thế, sau khi rời Bidong, “con tàu cho Việt Nam” còn “tuần dương” dọc theo đường vượt biển Việt Nam – Mã Lai và Vịnh Thái Lan trong nhiều tuần.
Và nhiều người tị nạn được cặp bến bờ tự do … bờ sông Seine.
Nhân vật đến đảo Bidong
Chắc chắn có nhiều vị đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa nhưng tôi không biết.. Có rất nhiều kỹ sư, kiến trúc sư, luật sư. Đốc sự hành chánh …
Tôi chỉ xin ghi lại giới dân, quân y mà thôi:
Vào tháng 3, tháng 4 năm 1979, dân số Pulau Bidong đạt mức cao nhất: non 45.000 (bốn mươi lăm ngàn), khoảng 140 y nha dược sĩ đủ mọi khóa. Đặc biệt:
– Bác Sĩ Nguyễn Đức Tiến, y sĩ trung tá, trưởng khối Tê Mê Tổng Y viện Cộng Hòa … Thuộc hạng “sư” về khả năng chuyên môn. Đàn em gọi là Tiến “thầy”. Gia đình anh vượt biên làm hai nhóm, trước sau. Cả hai nhóm (hai cái ½ gia đình) đều gặp hãi hùng: Anh suýt bị hải tặc Thái Lan đạp xuống biển, tàu của chị cũng suýt bị đắm.
Mỹ, Nga phóng phi thuyền để ráp nối với trạm không gian… tí teo trong vũ trụ mênh mông.
Dễ òm. Không ráp nối được mới là lạ, là trục trặc vì họ có đủ yếu tố kỹ thuật. Hai cái nửa gia đình anh chị Bác Sĩ Nguyễn Đức Tiến mà “ráp nối” nhau được ở Pulau Bidong mới không phải là lạ mà là PHÉP LẠ. Anh em ở giới Y chúng tôi nghĩ: Trời giúp bởi anh chị Tiến rất hiền, rất tốt với mọi người.
– Bác Sĩ Nguyễn Duy Cung rất hiền và đa tài. Anh đã là thuyền trưởng cận duyên và viễn duyên trước khi về học y khoa. “Interne Cung” (nội trú các bịnh viện). Chuyên khoa giải phẫu lồng ngực. Giám đốc bệnh viện Nguyễn Văn Học. Ngày 30/4/75, từ chối lời mời di chuyển, đứng giải phẫu với Bác Sĩ Bernad Kouchner cho đến khi bộ đội Cộng Sản vào chĩa AK đuổi cả hai ra khỏi phòng mổ.
Anh Cung vẽ rất tài, làm chirungie plastique rất có “hoa tay”.
Bác Sĩ Nguyễn Bội Hoàn, quyết định đi Pháp, rời đảo rất nhanh. Bác Sĩ Hoàn là trưởng nam của Giáo Sư Nguyễn Ngọc An, cựu bộ trưởng Bộ Chiêu Hồi..
Bác Sĩ Trần Dương Đôn (Dominique), em ruột Giáo Sư Trần Lữ Y (Louis), cựu bộ Trưởng Bộ Y Tế, ở đảo có mấy tuần. Vợ là Bác Sĩ Thái Ngọc Hoa (em của Thái Tường, tiến sĩ Dược, giáo sư Ký Sinh Trùng Học) và con đã “di tản” sang Pháp trước 30/4/1975 nên Son Excellence Consul de France à Kuala Lumpur, Jean Blattes chấp thuận lẹ.
Giới ca sĩ có Thanh Tuyền, Băng Châu.
Báo Nouvelle Calédonie, nơi xuấn xứ chiếc tàu bệnh viện L’ Ile de Lumiere, đài truyền hình Mỹ: CBS, Pháp: Antenne 2 đến Pulau Bidong … làm phóng sự, thu hình … có “dính” tôi trong đó. Nhờ vậy, một số bạn hữu ở Mỹ, Pháp biết tôi đã thoát khỏi “địa ngục trần gian” và viện trợ cho tôi, qua trung gian UNHCR.
Trở lại Pulau Bidong hay: 30 năm sau, Việt Cộng vẫn là Việt Cộng, nghĩa là tàn ác và ngu dốt.
Tháng 3, năm 2005, một nhóm thuyền nhân trở lại Pulau Galang và Pulau Bidong để: tưởng nhớ những người đồng cảnh ngộ đã vắng số trên bước đường tìm tự do và tỏ lòng tri ơn chính phủ, hội đoàn, cơ quan, tư nhâ … đã cứu giúp người tị nạn. Ở mỗi nơi họ dựng một tấm bia với những giòng như sau. Tôi xin ghi nguyên văn:
“In commemoration of the hundreds of thousands of Vietnamese people who perished on the way to freedom (1975 – 1996). Though they died of hunger or thirst, or being raped, or exhaustion or any other causes, we pray that they may now enjoy lasting peace. Their sacrifice will never be forgotten. Overseas Vietnamese communities, 2005”.
Tạm dịch:
Tưởng niệm hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mình trên con đường đi tìm Tự Do (1975-1996).
Dù họ chết vì đói khát, vì bị hãm hiếp, vì kiệt sức hay vì bất cứ lý do nào khác, chúng ta thảy đều cầu nguyện để họ được yên nghỉ dài lâu.
Sự hy sinh của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên.
CỘNG ÐỒNG NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI, năm 2005.
Chính phủ Việt Nam làm áp lực với chính phủ Mã Lai Á và Nam Dương phá bỏ hai bia đá đó.
Trăm năm bia đá thì mòn Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ
Làm lại cuộc đời
Gia đình tôi đến Annandale, Virginia ngày 01 tháng 06 năm 1979. Lúc bấy giờ người “tị nạn” “boat people” chưa đông. Thủ tục trợ cấp xã hội, y tế (welfare, medicaid) rất nhanh …
Sáng sớm 4 giờ, tôi và ba đứa con lớn thức dậy đi … bỏ báo Washington Post. Nhớ bài học thuộc lòng từ lớp ba, năm 1948:
Tôi chỉ là một trẻ em bán báo Khắp phố phường chân sáo nhảy tung tăng … Bán văn chương ai dám bảo nghề hèn …
Đến 6 giờ … “công tác phổ biến văn chương, chữ nghĩa” xong, cha con về ngủ lại một chút.
7:30 sáng thức dậy. Con đi học. Cha đi làm “thợ phụ” với một nhóm … sửa chữa nhà để có chút tiền bù vào “ngân sách” gia đình.
Tối về, cơm nước xong xuôi, các con làm “home work” vật vã với Anh văn cho học sinh ngoại quốc (English as a Second Language/ ESL), cha lo học thi ECFMG (bằng tương đương cho bác sĩ ngoại quốc).
Khóa ECFMG tháng 7/79 đã hết hạn nộp đơn rồi, hơn nữa biết gì mà thi – Tù đày cải tạo, gian khổ Bidong, trí óc có ngu muội, thì hợp lý thôi. Ráng “gạo” để thi khóa 02/80. Đến cuối năm 79, đành phải bỏ bớt cái “job” “bán văn chương” của Washington Post.
Đậu ECFMG luôn phần Y khoa và Anh văn, mừng hết lớn. Lo nộp đơn “xin một chỗ đứng dưới ánh mặt trời”: nội trú (residency). Ráng cho kịp niên khóa 80 – 81.
FMG, đứa con “vô thừa nhận”
Tôi gởi ra tất cả là 62 đơn, khắp nước Mỹ, trừ những nơi người ta ghi rõ ràng: No FMG (Foreign Medical Graduates là bác sĩ tốt nghiệp trường ngoại quốc).
Đủ mọi ngành, trừ những ngành mình thấy rõ ràng l … vô hy vọng như Giải Phẫu Thẩm Mỹ, Tai Mũi Họng, Nhãn Khoa…. Tiền làm bản sao, tiền bưu phí… muốn ói cơm.
Số trời còn thương. Được ba nơi gọi phỏng vấn … và chỉ một nơi nhận: Family Practice (Y Khoa Gia Đình) ở Delaware County Memorial Hospital, Drexel Hill, PA 19026.
Bấy giờ là tháng 6/1980. Lần đầu tiên, năm năm sau ngày Cộng Sản chiếm miền Nam Việt Nam tôi … thấy chút yêu đời.
Residency 3 năm. Cũng cực nhọc, cũng ê chề lắm! Một y tá hỏi: Biết “start an IV” không ?
Một bà bệnh đuổi tôi ra khỏi phòng vì tôi không hiểu “Charlie horse” là gì?
Thôi, rán nín thở lặn qua sông, thôi noi gương Quốc Văn Giáo Khoa Thư… về nhà viết một trăm chữ NHẪN…
Chân trời mới
Xong chương trình thường trú Family Practice tôi làm full time ER physician (bác sĩ khoa cấp cứu) ở Somerset Hospital, PA 15501.
Khoảng đầu tháng 3 năm 1985, bỗng nhiên tôi nhận điện thoại từ Los Angeles (L.A.).
– Bác sĩ xuống L.A. được không?
– Tôi đang đi làm, mà xuống L.A. làm chi? Ông là ai?
– Tôi đại diện CBS, muốn mời bác sĩ xuống L.A. “thu hình”, trong tiết mục “Ten years later”..
– Tôi không xuống LA được. Thời khóa biểu (schedule) của phòng cấp cứu (ER) nhà thương chặt chẽ lắm …
– Vậy bác sĩ lên New York được không?
– Cũng không được … job mà!
Ông ta suy nghĩ một chút:
– Thôi, bác sĩ không xuống L.A., không lên New York thì CBS team sẽ đến nhà bác sĩ ở Somerset, bác sĩ có chấp nhận không?
– Ông có thể cho tôi biết lý do nào tôi được hân hạnh này?
– Bác sĩ quên là hồi tháng 3 năm 79, CBS có thu hình bác sĩ ở Pulau Bidong?
– OK! OK! Hẹn ngày giờ ngay.
Tối hôm ấy tôi suy nghĩ: Cả đời không khi nào dám khoe khoang. Có được cái gì đâu mà khoe. Nhưng, lần này, khi CBS đến phỏng vấn, mình phải “gáy” một chút. Để chi?
Để nhắn rằng những sĩ quan ngụy, vượt biên, những người mà họ gọi là “non sông chối bỏ giống nòi khinh”… giờ cũng an cư lạc nghiệp ở nước ngoài và “đám con ngụy” mà họ trả thù không cho tiếp tục học trung học cấp III… nay đang theo học ở các Ivy League Colleges cả.
Bác Sĩ Nguyễn Sơ Đông
Y Khoa Sài Gòn 65