BBC Tiếng Việt có “non nớt” hay không?

Cac Bai Khac

No sub-categories

BBC Tiếng Việt có “non nớt” hay không?

Ban Biên tập đăng bài này để rộng đường dư luận lâu nay thường quan tâm đến nội dung một số bài viết và lập luận thiên cộng, hoặc bào chữa cho bọn tham nhũng, hay tán dương những phần tử trở cờ như Phạm Duy của những nhân viên gốc cs nằm trong BBC.

Lê Anh Hùng

Gần đây, trang Chép Sử Việt có đăng một bài viết khá gây xôn xao dư luận, với nhan đề: “Một bài viết ngu xuẩn, một cách làm báo non nớt của BBC”.

Bài của trang “Chép Sử Việt” nhằm phản ứng lại bài “Nhân quyền Việt Nam: thắng thua thua thắng” của ông Trần Nhật Phong, đăng trên trang BBC Tiếng Việt, bình luận về cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Sau khi phân tích sự xuyên tạc, với ý đồ định hướng dư luận một cách sai lệch của ông Trần Nhật Phong, Chép Sử Việt viết: “Và đương nhiên, một khi cho đăng tải một bài viết ngu xuẩn như vậy, không thể không nhận xét cách làm báo của BBC là quá non nớt, nếu như không muốn đặt dấu hỏi nghiêm trọng hơn, rằng cái gì đang được che đậy đằng sau bài báo và việc cho đăng tải nó.

Việc Chép Sử Việt nhận định bài viết trên là “ngu xuẩn” và BBC Tiếng Việt “non nớt” khiến độc giả bình luận khá nhiều. Với tôi, qua kinh nghiệm của chính bản thân mình, BBC Tiếng Việt không những không “non nớt”, mà ngược lại, còn rất “cáo” là đằng khác. Họ không những không đăng bài một cách “vu vơ”, mà ngược lại, rất có “định hướng” nữa kia, y như cái “định hướng XHCN” ở cái xứ sở “dân chủ gấp triệu lần tư bản” này vậy.

Năm 2013, tôi từng 2 lần viết bài chung với một trí thức tên tuổi ở hải ngoại (luật sư V, một cộng tác viên lâu năm của BBC) và gửi cho BBC Tiếng Việt đăng (tháng 7 & 8.2013). Họ đăng hai bài đó nhưng lại ngang nhiên tước bỏ tư cách đồng tác giả của tôi, mà chỉ ghi ở cuối bài viết là “Bài viết có sự đóng góp của blogger Lê Anh Hùng từ Hà Nội”, trước sự “rất ngạc nhiên” của tác giả còn lại. (Tôi không tiện nêu tên ông, vì không muốn ảnh hưởng đến mối quan hệ của ông với BBC Tiếng Việt.)

Tháng 7.2013, theo gợi ý của luật sư V, tôi gửi một bài viết riêng của mình cho họ, nhưng họ cũng không đăng (điều khiến luật sư V “rất ngạc nhiên”), nhưng khi tôi chuyển bài sang cho VOA Tiếng Việt thì trang mạng này lại đăng ngay. Thực ra, trước khi cộng tác với luật sư V để viết bài gửi cho BBC Tiếng Việt, tôi cũng đã nói trước với ông là “BBC cố ý ‘né’ tôi” rồi, và dĩ nhiên, tôi chẳng hề tỏ chút “ngạc nhiên” nào cả.

Trước đấy, trong hai năm 2011-2012, tôi từng một số lần gửi bài cho họ nữa nhưng họ không những không đăng mà thậm chí còn chẳng thèm hồi âm lấy một câu. Thậm chí có lần tôi còn gửi cho họ cả mấy đoạn ghi âm các cuộc trao đổi giữa tôi với ĐBQH Dương Trung Quốc về vụ tố cáo lẫn văn bản của ĐBQH Dương Trung Quốc xác nhận việc tiếp nhận đơn thư tố cáo của tôi và chuyển cho Chủ tịch Quốc hội (thời điểm tôi chưa công bố các tài liệu này), và tha thiết mong họ đăng bài của mình để thu hút sự chú ý của dư luận đến vụ tố cáo các ông Hoàng Trung Hải, Nguyễn Tấn Dũng và Nông Đức Mạnh, nhưng kết quả cũng chỉ là con số không tròn trĩnh.

Khi tôi bị nhà chức trách bắt cóc trái pháp luật và đưa vào trại tâm thần trá hình mang tên Trung tâm Bảo trợ Xã hội II Hà Nội từ 24.1 – 5.2.2013, mặc dù các cơ quan truyền thông quốc tế lớn như VOA, RFA và RFI đều nhiều lần đưa tin, nhưng riêng BBC Vietnamese thì im bặt. Chỉ đến khi tôi được trả tự do ngày 5.2.2013 thì họ mới phỏng vấn tôi một lần duy nhất vào đúng hôm đó (chắc là vì ở vào cái thế “cực chẳng đã”, không thể không đưa một tin nào về vụ việc đang gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước đó).

Thỉnh thoảng có những bài mà BBC Tiếng Việt đã đăng từ đời tám hoánh nào rồi nhưng bỗng nhiên lại nổi lên trong mục “Bài được xem nhiều nhất” của họ. Chừng đó đủ biết là họ ý thức việc “định hướng” thông tin đến thế nào.

Mới đây, dư luận trong và ngoài nước lại nóng lên về vụ bà Bùi Thị Minh Hằng cùng hai người bạn bị công an H. Lấp Vò bắt giữ trái phép từ ngày 11.2. Trong khi các cơ quan truyền thông quốc tế quan trọng như VOA, RFI, RFA đã sớm đưa tin về vụ việc, nhưng riêng BBC Tiếng Việt thì mãi đến ngày 20.2 mới đưa tin, với một cái tít mà có lẽ đến cả báo “lề đảng” cũng chẳng thể “nhỏ nhẹ” hơn: “‘Biểu tình viên’ Bùi Hằng bị công an giữ” (các cơ quan truyền thông khác đều gọi bà là “nhà hoạt động Bùi Hằng” và dĩ nhiên không chỉ đơn giản là bị “giữ”).

Và chỉ mới hôm qua, ngay giữa lúc dư luận đang sôi sục trước hình ảnh về khối tài sản khổng lồ cùng những tai tiếng trong thời gian đương chức của ông cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền thì BBC Tiếng Việt lại tung ngay một bài hòng “uốn nắn dư luận”: “Sao quan chức không được ở nhà to?” với những “lập luận” mà hẳn quan chức nào ở Việt Nam cũng cảm thấy “hả hê”, “mát lòng mát dạ” và chỉ khao khát được làm “đầy tớ” của dân cho đến “hơi thở cuối cùng”:

Tôi cũng nhớ một án tử hình cho anh cục trưởng cục quân nhu thời ông Hồ mới nắm quyền, anh bị tử hình, vụ việc khởi động là do anh tổ chức một đám cưới quá xa hoa được tả lại như sau: “Trên những dãy bàn dài tít tắp (bày tiệc cưới) xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, giò chả, nấm hương, thịt bò thui, rượu tây, cốc thủy tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng, hoa Ngọc Hà dưới Hà Nội cũng kịp đưa lên, ban nhạc “Cảnh Thân” được mời từ Khu Ba lên tấu nhạc réo rắt.”

Anh bị tử hình, chết có lẽ không nhắm được mắt, vì một đám cưới kiểu đó thì ở thời điểm hiện tại, đâu cũng có. Và anh chết, do dám ăn tiêu “xa hoa” khi dân còn nghèo. Tất nhiên, anh bị khép tội tham nhũng sau đó với một phiên tòa đầy cảm tính.

…Nhưng thực sự, nhà của ông Truyền to nhưng chưa chắc đã có giá, nếu bán cả nhà cả đất, ông chỉ mua được cái giường hoàng gia của đại gia Lê Ân hay không đến một zerô mét vuông đất phố cổ Hà nội hay quận nhất Sài Gòn.

Nếu công kích các quan chức giàu, thì đó là một sự lãng phí, đồng tiền, dù tham ô mà có, nếu vẫn ở Việt Nam và sinh lời, tạo thêm công ăn việc làm, kích cầu cho xã hội thì cần được cổ vũ, hơn là chỉ trích để tạo tiền lệ xấu để các quan chức mua vàng hay đổi đô gửi ngân hàng nước ngoài, chứ không dám đầu tư hay ăn tiêu trong nước.

…Làm quan to, chỉ cần một thông tin sớm về cổ phiếu, hay một dự án về con đường mới mở v.v…, thì quan chức có thể bổ sung thêm vài hàng số không vào tài khoản mà không cần đến lương hay nhận hối lộ.

Tôi tin rằng, ở một chức vị cao, chỉ cần nhìn món đồ nào đó hơi lâu, thì khi về nhà, món đồ đó đã ở nhà rồi, do các đàn em cung tiến.

Theo BBC Tiếng Việt, nếu bán cả cơ ngơi trên diện tích gần 2ha này, ông Truyền chỉ mua được cái giường hoàng gia của đại gia Lê Ân hay không đến một mét vuông đất phố cổ Hà Nội hoặc quận nhất Sài Gòn? Và dù cái cơ ngơi kia đồ sộ thế chứ có khủng hơn mấy đi nữa thì cái ông “nhân dân” đang gò lưng đạp xe kia cũng đừng có tỏ ra rảnh quá mà “ý kiến ý cò” gì, vì vì điều đó sẽ chỉ khiến cho khối tài sản khổng lồ của hàng trăm ngàn quan chức khác bị “lãng phí”!?

Không phải vô cớ mà dư luận lâu nay vẫn bàn tán về những gián điệp mà chính quyền cộng sản Việt Nam cài cắm vào BBC, dù dĩ nhiên là người ta chẳng thể đưa ra được bằng chứng xác thực theo kiểu “bắt tận tay, day tận trán” nào (tương tự như chuyện tham nhũng hay “chạy chức, chạy quyền” ở Việt Nam vậy).

Trang VietInfo từng đăng bài “Có hay không gián điệp của Việt Nam nằm trong BBC?”, trong đó có đoạn:

…“Riêng BBC, không những có gián điệp của Bộ Công An Việt Nam mà còn không ít phóng viên của BBC đã bị an ninh của Nguyễn Văn Hưởng ‘xoa đầu’! Đặc biệt trong thời gian gần đây, phóng viên BBC thường trú tại Việt Nam và ngay cả một lãnh đạo làm việc cho BBC, người Việt Nam cũng đã nhận được lệnh của an ninh Bộ Công An cấm không được đăng bài liên quan đến một số nhân vật mà Đảng X và đồng chí X bị ‘dị ứng’!”

…“Một điểm khác của những gián điệp mạng được an ninh vIệt Nam điều khiển là chúng không phải đơn thuần phục vụ bảo vệ chế độ công sản vô hình, mà chúng được đào tạo với những mệnh lệnh phục vụ cho chính những cá nhân đang nắm các thế lực an ninh. Chính vì vậy, hơn hai năm qua, đội ngũ gián điệp mạng của an ninh Việt Nam xem ra chủ yếu phục vụ Đảng X.”

Việc cơ quan an ninh Việt Nam cài người vào các cơ quan truyền thông quốc tế lớn chẳng phải là điều gì quá ghê gớm hay đáng ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên ở đây chính là mức độ lũng đoạn của an ninh cộng sản ở một cơ quan truyền thông quốc tế lớn bậc nhất thế giới như BBC, hay sự tiếp tay vô cùng hiệu quả mà BBC Tiếng Việt, một cơ quan truyền thông tên tuổi của cái mà người ta vẫn gọi là “thế giới tự do”, dành cho một chế độ cộng sản độc tài, tàn ác và nhơ nhớp như ở Việt Nam.