Bầu cử Tổng thống Pháp 2022 vòng 1: Nguy cơ vắng mặt kỷ lục như 2002
Chỉ còn ba ngày trước vòng một bầu cử tổng thống Pháp 2022, 10/04/2022. Nếu như cách đây ít tuần, kết quả bầu cử dường như được coi là đã ngã ngũ, với ưu thế gần như tuyệt đối nghiêng về phía tổng thống mãn nhiệm Emmnuel Macron, thì giờ đây không khí bất trắc bao trùm, theo nhiều nhà quan sát. Một trong những yếu tố gây lo ngại lớn là nguy cơ cử tri vắng mặt đông đảo.
Tỉ lệ vắng mặt có thể đạt mức kỷ lục vào năm 2002, trong cuộc bầu cử được nhiều người ví như một «cơn địa chấn» chính trị với nước Pháp, khi ứng cử viên cực hữu lần đầu tiên lọt vào vòng hai. Nguy cơ tỉ lệ không tham gia bỏ phiếu cao trong cuộc bầu cử tổng thống lần này cụ thể ra sao? Những lý do gì dẫn đến tình trạng này? Tỉ lệ cử tri không đi bầu cao có những hậu quả gì? RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.
***
1/ Nguy cơ tỉ lệ cử tri không tham gia bỏ phiếu cao cụ thể ra sao?
Báo Le Monde, ngày 06/04/2022, có bài «Hiện tượng không tham gia bỏ phiếu bầu tổng thống: ‘‘hội chứng 2002’’ tái diễn?», giới thiệu kết quả thăm dò dư luận của Ipsos-Sopra Striea phối hợp với Trung tâm nghiên cứu chính trị của Học viện Chính trị Sciences PO (Cevipof) và viện nghiên cứu chính trị Fondation Jean-Jaurès. Điều tra- dựa trên thăm dò quan điểm của gần 13.000 cử tri Pháp– cho thấy khả năng tỉ lệ cử tri tham gia bầu cử tổng thống năm nay có thể còn thấp hơn cuộc bầu cử tổng thống 2017.
80% cử tri cho biết «chắc chắn hoặc gần như chắc chắn sẽ đi bầu», thấp hơn 5 điểm so với năm 2017.
Theo Le Monde tình hình càng đáng lo ngại hơn khi xét về dài hạn, tỉ lệ người dự định tham gia bỏ phiếu nói trên không tăng đáng kể. Kể từ tháng Giêng 2022, con số này chỉ tăng 3%. Có nghĩa là tỉ lệ vắng mặt dự kiến có thể nói là tương đối ổn định, khó thay đổi. Các nỗ lực vận động cử tri trong những ngày tranh cử cuối cùng, trong cuộc bầu cử năm nay, có khả năng rất khó tác động đến bộ phận cử tri dự kiến vắng mặt. Giáo sư Céline Braconnier, giám đốc khoa học của Học viện Chính trị Saint-Germain (vùng Ile-de-France), chuyên gia về hiện tượng vắng mặt trong bầu cử, nhận định: «sự thiếu vắng của một không khí tranh cử sôi động» khiến «những cử tri xa cách nhất với đời sống chính trị, những người dễ tổn thương nhất, những người ngờ vực nhất» bị gạt ra bên lề.
Ông Brice Teinturier, quyền tổng giám đốc Viện thăm dò dư luận Ipsos, nêu ra hai kịch bản. Theo kịch bản bất ngờ, tương tự như năm 2017, cử tri hăng hái hơn trong những ngày cuối, tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản này, tỉ lệ vắng mặt dự kiến cũng sẽ cao hơn cuộc bầu cử tổng thống 2017. Kịch bản thứ hai có nhiều khả năng xảy ra hơn, tức tỉ lệ vắng mặt đạt mức từ 27 đến 29%, tức tương tự như mức kỉ lục của năm 2002, được coi là năm «địa chấn» chính trị với nước Pháp.
2/ Những lý do chính nào gì dẫn đến xu hướng cử tri vắng mặt năm nay có thể đạt mức kỷ lục như vậy?
Hai lý do hàng đầu được nhiều nhà quan sát nêu bật. Lý do thứ nhất là cuộc bầu cử không gây chú ý đối với khá nhiều cử tri, bởi nhiều người cho rằng kết quả đã ngã ngũ. Một tuần trước vòng một cuộc bỏ phiếu, chỉ có 75% người được hỏi quan tâm đến cuộc bầu cử, thấp hơn 7% so với cùng thời điểm trước cuộc bỏ phiếu 2017. Năm 2002, một không khí tương tự bao trùm xã hội Pháp, khi đông đảo cử tri vào thời điểm đó, tin tưởng chắc chắn là vòng hai bầu cử tổng thống sẽ là cuộc đối đầu tả – hữu, giữa ứng cử viên tổng thống mãn nhiệm (Jacques Chirac) và ứng viên thủ tướng mãn nhiệm (Lionel Jospin).
Lý do thứ hai, cũng liên quan đến lý do thứ nhất, là cuộc tranh cử «gần như không tồn tại», với «ấn tượng là kết quả đã biết trước», theo nhiều nhà quan sát.
Le Monde có bài nhận định đáng chú ý của Brice Teinturier, quyền tổng giám đốc Viện thăm dò dư luận Ipsos, có tựa đề «Bầu cử tổng thống 2022: Cuộc tranh cử kỳ lạ». Tác giả nêu bật một không khí chung có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ cử tri vắng mặt kỷ lục, «dấu hiệu của sự mệt mỏi sâu sắc» của cử tri đối với cuộc bầu cử tổng thống, sự kiện vốn được coi là hệ trọng với nền dân chủ, và bên cạnh đó là «sự rối loạn của một số luật chơi».
Chỉ có 50% cử tri quan tâm đặc biệt đến cuộc bầu cử này (với mức quan tâm 9/10). 40% cử tri cảm thấy «mệt mỏi» (45% «bất an», 47% «lo lắng»). Tỉ lệ người «giận dữ» chỉ là 17%, «phẫn nộ» là 14%. Theo chuyên gia về dư luận Viện Ipsos, ti lệ trên cho thấy vắng mặt một tâm thế giận dữ phổ biến trong xã hội, có khả năng «lôi cuốn» cử tri bày tỏ thái độ qua lá phiếu.
Có hai tác nhân khác, trên nền tâm trạng chung trong xã hội, đã khiến mức độ quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống không cao. Trước hết, dịch bệnh Covid-19 đã góp phần nhiều vào «không khí mệt mỏi » này. Trong một thời gian dài, dịch bệnh đã không cho phép tổ chức các cuộc tranh luận, đây là điều «khiến không khí tranh cử chìm xuống». Ra khỏi đại dịch kéo dài, ưu tiên của người dân Pháp là «tìm lại những niềm vui trong cuộc sống cá nhân và gia đình». Thế rồi cuối cùng, cuộc chiến tranh tại Ukraina bùng lên, sau một giai đoạn sững sờ và lo lắng sâu sắc, nhìn chung đã «làm phai mờ» không khí của cuộc tranh cử quốc gia, cho dù một số ứng viên đặc biệt chú trọng đến cuộc chiến tranh này.
Nhìn chung, việc thiếu hẳn đi các cuộc mít tinh tranh cử so với năm 2017 cũng khiến giai đoạn tranh cử tổng thống năm nay thiếu hẳn sinh khí.
3/ Ngoài các nguyên nhân –kết quả bầu cử trong một giai đoạn dài được coi là đã biết trước-, tâm trạng «mệt mỏi» chung, đại dịch Covid và chiến tranh tại Ukraina, còn có những tác nhân nào khác khiến cuộc tranh cử tổng thống Pháp năm nay ít được chú ý?
Chuyên gia về dư luận Viện Ipsos cũng nhấn mạnh đến một số tác nhân cụ thể khác, mang tính nội tại đặc biệt của cuộc bầu cử năm nay. Cụ thể là việc 7 trong số 12 ứng cử viên đã là những gương mặt cũ, đã tranh cử lần trước năm 2017, và thậm chí năm 2012. Cử tri Pháp đã quen mặt họ. Đối với cử tri, một số ứng cử viên còn trở nên ít đặc sắc hơn trước. Đây là điều, mà theo chuyên gia nói trên, đã ít được chú ý. Theo các thăm dò dư luận, bốn gương mặt mới, ông Fabien Roussel (đảng Cộng Sản), ông Yannick Jadot (đảng Xanh), bà Anne Hidalgo (đảng Xã Hội), bà Valérie Pécrese (đảng Những người Cộng Hòa) nhìn chung đã không tạo được «hiệu ứng mạnh». Ứng cử viên duy nhất đã từng tạo được hiệu ứng mạnh là ứng cử viên cực hữu Eric Zemmour (đảng Reconquête!), gây ấn tượng nhưng chủ yếu khiến lo ngại, hơn là thích thú. Theo chuyên gia viện Ipsos, ứng cử viên Fabien Roussel (đảng Cộng Sản) «thể hiện sự độc đáo, nhưng chỉ một hiện tượng ngoại vi».
Chuyên gia Brice Teinturier Viện Ipsos cũng đặc biệt nhấn mạnh đến một tác nhân nội tại khác khiến cuộc tranh cử năm nay kém thu hút cử tri. Đó là: bên cạnh việc thiếu cái mới như đã nói trên, đã có «quá nhiều đề xuất được đưa ra, nhưng lại không đủ những tầm nhìn mang tính hệ thống ».
Theo chuyên gia Viện Ipsos, thật rất khó nói đến đâu là vấn đề trung tâm của cuộc tranh cử năm nay, trong bối cảnh thế đối lập tả – hữu suy giảm mạnh. Tác giả ghi nhận trong hầu hết các cuộc bầu cử tổng thống trong vòng 40 năm trở lại, đều nổi rõ các vấn đề trung tâm. Ví dụ như năm 1981, đó là nhu cầu đứt đoạn với «ý thức hệ tư bản», khiến đảng Xã Hội đã giành chiến thắng. Năm 1995, vấn đề chủ yếu là chống lại sự «rạn nứt xã hội». Năm 2007, dân Pháp đông đảo bỏ phiếu chống lại tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy, người được coi là đã làm gia tăng đối kháng trong nội bộ xã hội Pháp. Năm 2017, cử tri Pháp đã bầu cho ông Macron, để kết thúc thế đối lập tuyệt đối tả – hữu lâu đời.
Còn đâu là vấn đề trung tâm của cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 này? Theo chuyên gia Brice Teinturier, vấn đề căn bản dường như đã «bị tan loãng».
Lẽ dĩ nhiên, nguy cơ tỉ lệ cử tham gia bỏ phiếu bầu tổng thống thấp kỷ lục không đồng nghĩa với việc đa số cử tri Pháp thờ ơ với cuộc bầu cử quan trọng này. Chuyên gia Viện Ipsos nhấn mạnh là «nhiều vận động mạnh mẽ trong công luận đã diễn ra trong ba tháng qua». Nhiều diễn biến bất ngờ như tỉ lệ ủng hộ bất ngờ với ứng viên cực hữu Eric Zemmour tăng vọt trong giai đoạn đầu, trước khi giảm mạnh, ứng viên cánh hữu Valérie Pécresse hụt hơi. Ủng hộ đối với ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen tăng mạnh. Ứng viên cánh tả Jean-Luc Mélenchon bám khá sát Le Pen. Cuộc tranh cử tổng thống 2022 hứa hẹn nhiều bất ngờ.
4/ Tỉ lệ cử tri vắng mặt cao có lợi cho ai?
Trước hết, về mặt biểu tượng, mức độ tham gia của cử tri vào một cuộc bầu cử, cụ thể ở đây là cuộc bầu cử tổng thống, là một dấu hiệu cho thấy ý thức công dân, «sự gắn bó với nền dân chủ », đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế đang rất căng thẳng như hiện nay. Về các hệ quả cụ thể của tỉ lệ vắng mặt cao, đối với các ứng viên tổng thống, tác động có thể nói là rất đa chiều.
Bài tổng hợp nói trên của Le Monde, về nguy cơ tỉ lệ vắng mặt cao, dẫn nhận định của giáo sư chính trị học Daniel Gaxie, Đại học Paris Sorbonne 1, nhấn mạnh: «Tỉ lệ vắng mặt càng cao, thì bầu cử càng trở nên cuộc bỏ phiếu của giới tinh hoa», bởi người có học vấn cao, những người quan tâm nhiều đến chính trị, người cao tuổi chiếm số lượng lớn hơn trong số cử tri tham gia bỏ phiếu. Nhóm cử tri thiện cảm với tổng thống mãn nhiệm Macron được coi là có tỉ lệ đi bỏ phiếu cao nhất. Có học vấn cao, và tương đối cao tuổi cũng là đặc điểm của khối cư tri ủng hộ Macron.
Nếu căn cứ vào kết quả thăm dò nói trên của Viện Ipsos, xác suất rất cao là «giới công nhân, nhân viên, giới trẻ, hay những người ít bằng cấp» sẽ vắng mặt nhiều nhất trong vòng một cuộc bầu cử ngày 10/04. Trẻ hơn, ít bằng cấp hơn, làm trong những ngành nghề thu nhập thấp hơn cũng là đặc điểm của khối cử tri của ứng viên cực hữu Le Pen, và ở mức độ thấp hơn là của khối cử tri ủng hộ ứng viên cánh tả Jean-Luc Mélenchon.
Tuy nhiên, có một số yếu tố khác khiến phe của bà Le Pen có thể an tâm, bởi tỉ lệ cử tri gần gũi với đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia dự định tham gia bỏ phiếu là khá cao, khoảng 72% (tỉ lệ này là 66% với khối người thiện cảm với đảng của ứng viên Mélenchon và 78% với đảng của tổng thống mãn nhiệm) (theo một thăm dò giữa tháng 3).
Nhìn chung, có xu thế rất rõ được nhiều thăm dò dư luận khẳng định, đó là đông đảo cử tri vốn có thiện cảm với cánh tả (như với đảng Xanh, đảng Xã Hội, đảng Nước Pháp Bất Khuất) sẽ vắng mặt, do không tìm được ứng cử viên phù hợp. Theo chuyên gia Daniel Gaxie, nỗi sợ ứng viên cực hữu Le Pen đắc cử cũng không còn là một động lực mạnh thúc đẩy cử tri cánh tả đến phòng phiếu đông đảo như trước.
Trong số ba ứng viên dẫn đầu (Macron, Le Pen và Mélenchon) (*), tỉ lệ cử tri vắng mặt cao có xác suất tác động mạnh nhất đến ông Mélenchon, bởi khá đông đảo người trẻ không chắc chắn sẽ đi bỏ phiếu. Chỉ có 55% cử tri từ 25 đến 34 tuổi nói «chắc chắn» đi bầu, so với 77% ở lứa tuổi 60 – 69 và hơn 80% với lứa tuổi trên 70.
Nhìn chung, bất trắc rất lớn trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp là tỉ lệ cử tri vắng mặt, và ở mức độ thấp hơn là số lượng cử tri chắc chắn đi bỏ phiếu, nhưng hiện phân vân chưa biết chọn ai (chiếm một phần ba số cử tri cho biết chắc chắn đi bầu, theo một số thăm dò dư luận) (**). Việc đông đảo cử tri tẩy chay hòm phiếu, về cơ bản, được coi là sẽ để ngỏ rộng hơn cánh cửa cho ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen lọt vào vòng hai.
***
Ghi chú
(*) Theo một thăm dò của Viện Ifop-Fiducial, công bố ngày 05/04/2022, Macron, Le Pen và Mélenchon – ba ứng viên dẫn đầu – lần lượt có tỉ lệ dự định bỏ phiếu là 27%, 23% và 16,5%. Theo kết quả một thăm dò của Ipsos-Steria công bố hôm qua là Macron 27%, Le Pen 20,5% và Mélenchon 16,5%.
(**) Mức độ phân vân của cử tri cũng được đánh giá là cao hiếm thấy. Theo thăm dò của Kantar Public France, công bố ngày 06/04, 5% cử tri được hỏi lưỡng lự giữa việc bầu cho Le Pen hay Macron, 6% lưỡng lự giữa Le Pen và Mélenchon.
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20220407-bau-cu-tt-phap-2022-nguy-co-vang-mat-ky-luc