Bầu cử Mỹ 2020: The Economist kêu gọi bầu cho Joe Biden

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bầu cử Mỹ 2020: The Economist kêu gọi bầu cho Joe Biden

Diễn biến mới nhất trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 dĩ nhiên là đề tài không thể thiếu vắng đối với các tuần báo ra vào cuối tháng 10/2020 này. Đây chính là chủ đề số một được tuần báo Anh The Economist nêu bật trên trang bìa, với tuyên bố ủng hộ ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden.

Trang bìa tuần báo Anh The Economist với tuyên bố ủng hộ ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ảnh chụp màn hình trang Facebook của The Economist ngày 31/10/2020.
Trang bìa tuần báo Anh The Economist với tuyên bố ủng hộ ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ảnh chụp màn hình trang Facebook của The Economist ngày 31/10/2020. © The Economist

Các chủ đề tài khác được các báo chú ý là những vấn đề liên quan đến làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 đang đánh vào châu Âu. Trên hồ sơ này, các tuần san tuy nhiên lại khai thác mỗi tờ một khía cạnh.

Vào lúc Courrier International hoài niệm về cuộc sống về đêm sinh động đang bị Covid-19 xóa bỏ, thì L’Express lo ngại trước nguy cơ phá sản đang rình rập các ngân hàng truyền thống, còn L’Obs thì giải mã hiện tượng các đại đô thị Pháp đang mất dần cư dân.

Gắn chặt nhất với vấn đề y tế là tạp chí Le Point, đã công bố “Bảng vàng 2020” của các bệnh viện công và tư tại Pháp, tổng hợp đánh giá của 80 chuyên gia về tổng cộng 1.400 cơ sở y tế lớn nhỏ. Đứng đầu bảng xếp hạng này vẫn là Bệnh Viện-Đại Học CHU Bordeaux, theo sau là CHU Lille và xếp thứ 3 là CHU Toulouse.   

Bầu cử Mỹ: The Economist ủng hộ Joe Biden

Trang bìa The Economist dành cho cuộc bầu cử Mỹ với lời ủng hộ ứng cử viên đảng Dân Chủ: “Tại sao phải là Biden”. Tuần báo Anh rất có uy tín giải thích ngay: Đó là vì “Donald Trump đã làm vấy bẩn các giá trị từng biến nước Mỹ thành ngọn hải đăng của thế giới”.

Trong bài xã luận giải thích lời kêu gọi của mình, The Economist khẳng định rằng tình hình xã hội Mỹ dưới thời ông Trump đã xấu đi đáng kể, với tình trạng chia rẽ ngày càng nặng nề hơn. Trong bối cảnh đó, cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ lại bị dịch bệnh Covid-19 tác hại, một đại dịch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người.

Đối với The Economist, ông Donald Trump có đa phần trách nhiệm trong việc để xẩy ra tình trạng nêu trên và chiến thắng của ông sắp tới đây vào ngày 03/11 sẽ mang ý nghĩa công nhận rằng ông đã làm đúng.

Theo tuần báo Anh, “Joe Biden không phải là phương thuốc thần kỳ để chữa trị bệnh tình của nước Mỹ, nhưng ông là một người tốt, sẽ khôi phục lại sự ổn định và phong thái văn minh cho Nhà Trắng”, một người “có đủ hành trang để bắt đầu nhiệm vụ dài lâu và khó khăn là hàn gắn một đất nước bị rạn nứt”.

Và The Economist nhấn mạnh: “Đó là lý do tại sao, nếu chúng tôi có quyền bỏ phiếu, thì lá phiếu đó sẽ thuộc về Joe.”

Theo The Economist, ưu điểm của Biden là nằm ở chỗ ông có lập trường trung dung, một người tôn trọng thể chế, biết xây dựng đồng thuận. Đây là những đặc điểm khiến ông trở thành “một người chống Trump được trang bị để sửa chữa một số thiệt hại trong bốn năm qua.”

Còn về ông Trump, The Economist nhắc lại rằng ngay chính những người phê phán ông trong đảng Cộng Hòa cũng thấy rằng “chủ nghĩa Trump” đã phá sản về mặt đạo đức. Đối với tạp chí Anh, ông Trump “chưa bao giờ tìm cách đại diện cho đa số những người Mỹ đã không bỏ phiếu cho ông… Trước làn sóng phản đối ôn hòa sau cái chết của George Floyd, bản năng của ông không phải là xoa dịu bất bình, mà là mô tả sự kiện như là những hành vi cướp bóc và bạo lực cánh tả – một cách phản ứng nằm trong mô hình gây căng thẳng chủng tộc.”

The Economist cho rằng: “Trong lần bầu cử này, nước Mỹ phải đối mặt với một lựa chọn có tính chất định mệnh (vì) bản chất dân chủ của Mỹ đang bị đe dọa. Một bên là con đường dẫn đến cách cai trị mang tính chất cá nhân, ngang ngược, của một nguyên thủ quốc gia coi thường phép tắc và sự thật, và bên kia là con đường dẫn đến một điều gì đó tốt đẹp hơn, sát với những gì mà The Economist coi là các giá trị vốn đã biến nước Mỹ thành nguồn cảm hứng cho khắp thế giới.”

Courrier International: Tối Cao Pháp Viện Mỹ sẽ là công cụ của đảng Cộng Hòa?

Các tuần báo Pháp không mạnh dạn tuyên bố lập trường dứt khoát như The Economist, nhưng cũng dành nhiều trang, bài cho cuộc đua vào Nhà Trắng Mỹ đã đến giai đoạn nước rút. Rất đáng chú ý là bài phân tích trên Courrier International về một diễn biến quan trọng: Nữ thẩm phán do tổng thống Trump đề cử được Thượng Viện trong tay đảng Cộng Hòa bầu vào Tối Cao Pháp Viện Mỹ.

Courrier International đã trích dịch một bài bình luận trên tờ báo Mỹ New York Times và chạy hàng tựa: “Tối Cao Pháp Viện Mỹ hơn bao giờ hết đã trở thành công cụ của đảng Cộng Hòa”.

Theo bài báo, vào lúc chỉ còn mấy ngày nữa là nước Mỹ sẽ bầu ra  tổng thống mới, sự kiện thẩm phán vô cùng bảo thủ Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện đã củng cố sự thống trị của đảng Cộng Hòa trên định chế tư pháp cao nhất nước Mỹ trong hàng thập niên tới.

Cuộc bỏ phiếu ở Thượng Viện Mỹ ngày 26/10, là một thủ tục thông thường, đã có từ lâu đời trong Hiến Pháp Mỹ. Thế nhưng các thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Mỹ, chỉ đại diện cho một thiểu số trong dân chúng Mỹ, bằng hành động của họ, đã ảnh hưởng đến tính chính đáng của Tối Cao Pháp Viện.

Cùng với hai thẩm phán Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh mà ông Trump đã đề cử, bà Amy Coney Barrett nằm trong dự án biến các tòa án Mỹ, không phải là thành lá chắn bảo vệ quyền của giới thiểu số, mà là một lưỡi gươm phi dân chủ đe dọa những đạo luật tiến bộ như luật cải cách bảo hiểm y tế Obamacare chẳng hạn.

Theo bài báo, việc đề cử bà Barrett mang nặng tính chất đạo đức giả, vì đảng Cộng Hòa đã làm mọi cách để vội vã phê chuẩn đề nghị của ông Trump, chỉ một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống 03/11, đi ngược lại nguyên tắc mà họ khăng khăng bám giữ vào năm 2016.

RFI – Mai Vân