Bất thường trong những thương vụ thâu tóm đất vàng của tập đoàn BRG?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bất thường trong những thương vụ thâu tóm đất vàng của tập đoàn BRG?

24/07/2017

Cổ phần hóa trong nền kinh tế thị trường là việc làm hết sức cần thiết, nhằm hạn chế tình trạng làm ăn thua lỗ của các DNNN hiện nay. Thế nhưng một số DNTN lợi dụng những mối “quan hệ tiền tỷ”, để thâu tóm tài sản nhà nước một cách dễ dàng, không công khai minh bạch. Bằng chứng là, những năm gần đây tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga liên tục thâu tóm hàng loạt DNNN có vị trí đắc địa tại Hà Nội với giá rẻ mạt, một cách nhanh chóng lặng lẽ và đầy bí ẩn. Bà Nga là ai, quyền lực cỡ nào mà được ưu ái đến như thế? Liệu những thương vụ này có điều gì khuất tất chăng?
Bà Nguyễn Thị Nga chủ tịch tập đoàn BRG liên tục thâu tóm đất vàng ở Hà Nội một cách bất thường.
Hàng loạt thương vụ thâu tóm của nữ đại gia quyền lực nhất châu Á
1. Công ty cổ phần Intimex trực thuộc Bộ Công Thương
Intimex Việt Nam là công ty kinh doanh XNK, siêu thị và nuôi tôm công nghiệp, dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị Nga (bà Nga giữ chức Chủ tịch HĐQT) liên tục thua lỗ (năm 2012 là 3,755 tỉ đồng, năm 2013 là 964 triệu đồng), chỉ lãi ròng hợp nhất 129 triệu đồng năm 2014. Intimex sở hữu hơn 2.800 m2 đất kim cương cạnh Hồ Gươm, nếu không kinh doanh gì mà chỉ cần cho thuê 15m2 đất, mỗi năm cũng thu về bằng số lãi đã kinh doanh. Đến năm 2015 Intimex chào bán 49% cổ phần với giá 11.200 đồng/cp, cao hơn hẳn so với giá trị sổ sách hiện tại khiến các nhà đầu tư e dè, vì tình trạng thua lỗ và khó chuyển đổi mục đích kinh doanh.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn bà Nga kéo dài tình trạng thua lỗ, sau đó nâng giá trị cổ phiếu lên cao, khiến các nhà đầu tư khác không mặn mà, nhằm chiếm trọn 34,3% cổ phần Intimex về tay mình. Sở dĩ bà Nga làm như thế là vì Intimex nắm trong tay quỹ đất khổng lồ tại 8 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Dương ( 2.521 m2); Hà Nội (37.383 m2 nhà nước cho thuê tại những vị trí đẹp như Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Láng Hạ…); Nghệ An (2,1 triệu m2); Thanh Hóa (166.500 m2); Quảng Ninh (1 triệu m2); Hải Phòng (7.000 m2)…Điều đáng nói là sau khi Intimex về tay BRG, Thường trực Thành ủy cho triển khai xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm nơi Intimex tọa lạc. Liệu nếu không có mối quan hệ gì thì tại sao mục đích kinh doanh được chuyển đổi nhanh chóng đúng thời điểm như thế?
2. Công ty TNHH Một thành viên Khách sạn Du lịch Thắng Lợi thuộc Tổng công ty Du Lịch Hà Nội
Tương tự Intimex, Thắng Lợi cũng sở hữu 4.5 ha đất nằm ven hồ Tây – địa điểm đắc địa bậc nhất về ngành khách sạn ở Hà Nội, được giới chuyên gia đánh giá trị giá hàng triệu USD. Cuối năm 2014 Thắng Lợi cổ phần hóa, nhưng không công khai ra thị trường. Đến khi Thắng Lợi rơi vào tay Nguyễn Thị Nga hơn 30% cổ phần với giá rẻ bèo, thì dư luận mới xôn xao nghi vấn. Sau đó, lãnh đạo Công ty Thắng Lợi lý giải rằng do BRG góp vốn chứ không phải là cổ phần hóa.
Nhưng góp vốn và mua cổ phần có khác gì nhau. Chẳng qua nếu mua cổ phần sẽ phải công khai trên thị trường như thế giá cả sẽ do thị trường quyết định. Còn góp vốn chỉ là hành động của hai bên thỏa thuận với nhau. Việc mua bán Thắng Lợi không công khai minh bạch sẽ gây thất thoát cho ngân sách. Ai đã dung túng và làm ngơ cho Nguyễn Thị Nga thực hiện giao dịch mờ ám này?
Khách sạn Thắng Lợi là một khách sạn có phong cảnh đẹp bậc nhất Hà Nội khi chiếm trọn một góc Hồ Tây – đúng ở vị trí mà người dân thường quan niệm là mắt “con rồng”
3. Thăng Long GTC thuộc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội – Hanoitourist – “cánh chim đầu đàn” của du lịch Việt Nam
Không giống như khách sạn Thắng Lợi, việc cổ phần hóa Thăng Long GTC được chào bán công khai 27,6% cổ phiếu với giá 10.600 đồng/cổ phần vào tháng 8/2015. Nhờ có sự chỉ định của UBND thành phố Hà Nội, 27% cổ phần của Thăng Long GTC rơi vào tay Công ty TNHH Thung lũng Vua (thuộc tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga) một cách dễ dàng ngay trong đợt chào bán IPO.
Với việc Thăng Long GTC sở hữu hàng chục nghìn m2 đất, quản lý cũng như vốn góp tại các khách sạn lớn trên địa bàn như: khách sạn Hilton (30%), khách sạn Intercontinental (25%), BigC Thăng Long (35%), khách sạn Mercure (94 Lý Thường Kiệt), tòa nhà 115 Lê Duẩn, nếu được đấu giá để các DN khác cạnh tranh thì sẽ đem về cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng không hiểu vì sao việc mua tài sản nhà nước lại có sự chỉ định là doanh nghiệp nào mua ở đây? Liệu giữa bà Nga và chính quyền Hà Nội có mối quan hệ thâm tình chăng?
Nữ đại gia Nguyễn Thị Nga đã lặng lẽ thâu tóm bao nhiêu DNNN
4. Tổng công ty Công Nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor) thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Vinamotor tọa lạc tại phố Hàng Trống, là cái “bánh ngon” bởi có cơ sở hạ tầng, đất đai, nhà máy diện tích lớn và có vị trí “vàng”, ngoài ra một số công ty con của đơn vị này cũng ở Hàng Trống, Minh Khai (Hà Nội)…thế nhưng Vinamotor lại làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ nặng nề. Đầu năm 2016 Bộ Giao thông Vận tải tiến hành đấu giá 85,58 triệu cổ phiếu, tương đương 97,7% vốn điều lệ Vinamotor với giá khởi điểm 14.612 đồng/cp. Đồng thời Bộ cũng yêu cầu nhà đầu tư trúng giá sẽ phải chi ra tối thiểu 1.250 tỷ đồng và phải đặt cọc 125 tỷ đồng để tham gia đấu giá và vốn chủ sở hữu tối thiểu 926 tỷ đồng, không có lỗ lũy kế và cam kết nắm giữ trong 5 năm.
Chính vì những yêu cầu “khắt khe” nên cuối cùng chỉ có 2 tổ chức tham gia đó là Công ty cổ phần Phát triển TN (TN Development) và Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco thuộc BRG). Nếu đấu giá cạnh tranh công bằng thì không có gì để nói, thế nhưng không ai hiểu được lý do vì sao Vinamco chiếm được Vinamotor trước đối thủ nặng ký chỉ với mức giá 1.200 tỷ đồng – cũng là mức giá tối thiểu, cao hơn “đối thủ” chỉ 2 triệu đồng. Liệu ở đây có gì đó không công khai minh bạch chăng?
“Bóng dáng” BRG Group đằng sau thương vụ thâu tóm Vinamotor
5. Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) thuộc Bộ Công thương
Tháng 08/2016 VEAM bán đấu giá 167 triệu cổ phần, tương đương 12,57% vốn điều lệ với giá khởi điểm là 14.290 đồng/cổ phần. Ngay sau đó trên thị trường xuất hiện những đồn đoán, là Vinamco – công ty con của Tập đoàn BRG sẽ mua VEAM. Đúng như những gì dư luận nghi vấn trước đó BRG Group tiếp tục chi hàng ngàn tỷ đồng để thâu tóm VEAM.
BRG Group được biết với hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng, sân golf nhưng lại lấn sân sang ngành cơ khí. Nguyên nhân chắc ai cũng đều biết vì VEAM nắm trong tay quỹ đất rộng lớn trải dài khắp các tỉnh thành như Hà Nội, T.P HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Vũng Tàu…Trong đó, nhiều khu đất vàng như tòa nhà VEAM với diện tích sử dụng 2.734 m2 tại quận Tây Hồ hay khu đất rộng 3,6 ha tại phường Yết Kiêu- Hà Đông. Điều đáng chú ý là VEAM “miếng bánh ngon” nhưng không hiểu vì sao lại dễ dàng rơi vào tay BRG mà không có sự cạnh tranh giữa các DN?
Thâu tóm hàng loạt DNNN với giá rẻ bèo, tài sản của bà chủ tập đoàn BRG “phình to” cỡ nào?

Như vậy thông qua con đường mua cổ phần DNNN, BRG đã sở hữu hàng loạt DN cùng toàn bộ tài sản đất đai, dự án, công trình rất giá trị…với giá rẻ mạt, mà hầu như không có nhà đầu tư nào dám cạnh tranh. Điều đáng nói nữa là sau khi những tài sản này về tay BRG, thì chúng được chuyển đổi mục đích kinh doanh hay thay đổi quản lý kinh doanh một cách dễ dàng. Nếu không có thế lực “đỡ đầu” và những mối quan hệ đi đêm tiền tỷ, thì liệu bà Nga có thực hiện trót lọt những thương vụ béo bở trên hay không? Còn nhớ khi bị tờ Infonet phanh phui những điều bất thường qua bài “Nữ đại gia Nguyễn Thị Nga đã lặng lẽ thâu tóm bao nhiêu DNNN”, thì ông Võ Đăng Thiên TBT và ông Phạm Thanh Phó BBT tờ báo này bị đình chỉ chức vụ. Điều này cho thấy thế lực đằng sau bà Nga không hề nhỏ.
Không biết từ khi nào tài sản nhà nước trở thành mỏ vàng màu mỡ cho BRG và nhóm lợi ích? Đề nghị cơ quan chức xử lý triệt để những DN cũng như BRG, lợi dụng kẽ hở pháp lý chiếm đoạt tài sản công một cách hợp pháp, nếu không sẽ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng thậm chí tạo ra nhóm lợi ích.
(Blue VN)