Bắt người ‘nói xấu Đảng’ và tự do ngôn luận
BBC
9 tháng 9 2018
Một luật sư bình luận với BBC rằng quyền tự do ngôn luận của người dân “cần được tôn trọng và bảo vệ” trong lúc truyền thông Việt Nam cho hay một số người vừa bị bắt vì tội “nói xấu Đảng”.
VietnamNet hôm 2/9 tường thuật vụ hai ông Đoàn Khánh Vinh Quang và Bùi Mạnh Đồng ở Cần Thơ vừa bị bắt vì” có hành vi đăng tải bài viết, hình ảnh nói xấu, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, Quốc hội trên mạng xã hội”.‘VN sao chép cách kiểm soát thông tin của TQ’
Ông Quang được mô tả lập Facebook Quang Đoàn để chia sẻ bài viết, hình ảnh “có nội dung xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; nói xấu Đảng, Nhà nước, Quốc hội; đăng bài viết có nội dung kêu gọi xuống đường tuần hành, biểu tình”.
Ông Đồng được ghi nhận lập Facebook Kiều Thanh và trang “Ăn cướp Công An” đưa những hình ảnh, bài viết “nói xấu, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, lãnh đạo”.
Cả hai ông đều bị khép vào hành vi “Đưa trái phép thông tin máy tính, mạng viễn thông”, theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015.
‘Sự ban phát’
Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp ở TP Hồ Chí Minh, nói với BBC: “Hiện nay, hành lang pháp lý để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dân đang rất mù mờ. Mặc dù Điều 25 của Hiến pháp cũng quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.
“Tuy nhiên, ngay tại điều này lại thòng thêm một câu: “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều này dẫn đến quyền tự do ngôn luận của người dân nằm trong tay và chịu sự ban phát của những người làm luật.”
“Thực tế, khi ban hành Bộ luật Hình sự mới cũng như luật An ninh mạng, quyền tự do ngôn luận của người dân bị hạn chế đi rất nhiều vì những đạo luật này không có sự phân biệt giữa hành vi bày tỏ chính kiến, quan điểm hay chia sẻ thông tin gây bất lợi cho đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và hành vi cố tình xuyên tạc, bịa đặt sự thật gây bất lợi cho Đảng, Nhà nước.”
‘Có thể bị xử lý bất cứ lúc nào’
Luật sư Sơn nhận định: “Đây là một rủi ro rất lớn cho người dân. Người dân có thể bị xử lý bất cứ lúc nào nếu đăng hoặc chia sẻ những post gây bất lợi cho Đảng, chính quyền.”
“Điều này tạo ra sự sợ hãi trong nhân dân. Người dân không dám bày tỏ chính kiến, chia sẻ những thông tin đi ngược lại với đường lối, chủ trương chính sách của Đảng. Việc này về lâu dài sẽ tạo ra một xã hội giáo điều, làm xã hội thụt lùi.”
“Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có định nghĩa thế nào là quyền tự do ngôn luận nên việc diễn giải người dân vi phạm quyền tự do ngôn luận rất tùy tiện.”
“Luật báo chí mới chỉ đề cập đến quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Mà Việt Nam không có báo chí tư nhân nên quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân thực tế cũng đã bị hạn chế đi rất nhiều. Những nội dung không “hợp nhãn” với chủ trương đường lối chính sách của Đảng, nhà nước, nhóm lợi ích thường không được đăng.”
“Theo triết học Marx-Lenin thì mâu thuẫn là hiện tượng khách quan và mang tính phổ biến, là nguồn gốc của sự vận động và phát triển. Nếu chính sách pháp luật của nhà nước ban hành nhằm triệt tiêu các mâu thuẫn giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân thì nó đi ngược lại sự vận động và phát triển.”
‘Biểu đạt theo kiểu suy diễn’
Tuy vậy, dường như cách hiểu thế nào là quyền tự do ngôn luận còn khác nhau giữa quan chức và giới luật sư.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông được báo VTC hồi năm ngoái dẫn lời: “Cần khẳng định là không phải Việt Nam hạn chế quyền tự do ngôn luận. Có một sự khác nhau rất lớn giữa việc biểu đạt chính kiến một cách hòa bình, có văn hóa, với việc biểu đạt theo kiểu suy diễn, suy đoán, đặc biệt là những sự chụp mũ vấn đề nào đó, làm rối loạn tình hình.”
“Những vấn đề đó cho thấy, mạng xã hội có những tác động tiêu cực cần phải tỉnh táo nhận thức rõ. Chúng ta cũng thấy có những thông tin được phát tán nhân chuyện nọ, chuyện kia, chẳng hạn như chuyện lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để kêu gọi biểu tình trái pháp luật, xuyên tạc những chính sách chủ trương và những việc mà Đảng và Nhà nước làm ở vấn đề xử lý sự cố môi trường biển miền Trung chẳng hạn… Đó là những hành vi không chấp nhận được trên mạng xã hội, vi phạm pháp luật Việt Nam.”
Giải pháp nào?
Luật sư Phùng Thanh Sơn đưa ra đề xuất: “Vấn đề này cần phải được quy về hệ quy chiếu chung của nhân loại đó là quyền tự do ngôn luận của con người được ghi nhận tại Điều 19 Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị.”
“Công ước này quy định rõ: “Mọi người đều có quyền giữ vững quan điểm mà không bị can thiệp. Mọi người đều có quyền tự do thể hiện; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt thông tin và ý tưởng của tất cả các loại, không kể biên giới, bằng miệng, bằng văn bản hoặc ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác của sự lựa chọn của mình.”
“Như vậy, nếu người dân dùng mạng xã hội hay bất kỳ phương tiện nào khác để nêu quan điểm, chính kiến, truyền tải thông tin, ý tưởng, tâm tư tình cảm của mình về bất kỳ sự vật, hiện tượng, thể chế chính trị, đảng phái, chính sách…. thì đó là quyền tự do ngôn luận của người dân.”
“Quyền này cần phải được tôn trọng và bảo vệ,” Luật sư Sơn nói với BBC.
Đến nay, việc bắt người “nói xấu Đảng” đã có tiền lệ tại các địa phương.
Hồi tháng 5/2018, theo VietnamNet, ông Nguyễn Duy Sơn, cán bộ quản lý học sinh, sinh viên của trường Dự bị Đại học Sầm Sơn bị bắt với cáo buộc lập Facebook Nguyễn Sơn để đăng tải các bài viết “xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa”.
“Hành vi của Sơn đã gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương, gây hoài nghi trong quần chúng nhân dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn,” VietnamNet viết.
Ông Duy Sơn sau đó bị khép tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.