Bắt ‘đối tượng gây rối’ ở Bình Dương

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bắt ‘đối tượng gây rối’ ở Bình Dương

Theo BBC – 08:27 GMT – Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Lãnh đạo công an Bình Dương nói đã bắt giữ hơn 400 “đối tượng gây rối” sau khi cuộc diễu hành phản đối TQ ở tỉnh Bình Dương chuyển thành bạo động.

Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, được báo chí trong nước dẫn lời khẳng định các cơ quan tố tụng “sẽ nhanh chóng đưa những đối tượng này ra xử lý.”

Thiếu tướng Đức cho biết “mặc dù lực lượng chức năng đã làm hết sức có thể nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bị thiệt hại nặng do các đối tượng quá khích đập phá, phóng hỏa.”

“Các bạn trẻ phải yêu nước một cách khôn khéo, không manh động. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào Việt Nam là việc lớn, ta phải giải quyết bằng luật pháp quốc tế và những quy định hợp tác.

“Đối với những người tham gia gây rối, tôi nhận định họ đã nhận thức sai lầm. Các em phải suy nghĩ cho chín chắn, làm chủ hành vi của mình”, báo Người Lao Động đưa tin.

Đối với những người tham gia gây rối, tôi nhận định họ đã nhận thức sai lầm

Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương

Sáng 14/5, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương được báo Bình Dương cho biết cuộc diễu hành ngày 13/5 phản đối Trung Quốc trên các tuyến đường thuộc khu công nghiệp VSIP I (Việt Nam – Singapore) và các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Thuận An ban đầu đã diễn ra “một cách khá ôn hòa”.

Lúc đầu đoàn biểu tình chỉ có khoảng hơn 5.000 người, chủ yếu là công nhân từ các doanh nghiệp ở thị xã Dĩ An và Thuận An, nhưng sau đó nhanh chóng tăng lên đến 19.000 người, chia thành nhiều nhóm đến các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ông Nam cho hay.

“Nhiều công nhân có dấu hiệu quá khích đã kích động, phá cổng các doanh nghiệp đột nhập vào bên trong, yêu cầu chủ doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc và lôi kéo số công nhân này tham gia cổ vũ lực lượng,” ông nói.

“Tính đến 1 giờ sáng 14/5, đã có hàng trăm doanh nghiệp bị đột nhập và phá hoại tài sản, trong đó đa số là các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc.”

Tính đến 1 giờ sáng 14/5, đã có hàng trăm doanh nghiệp bị đột nhập và phá hoại tài sản, trong đó đa số là các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc” – Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

“Có khoảng 15 doanh nghiệp bị đốt nhà xưởng, thiệt hại nhiều tỷ đồng dẫn đến nguy cơ hàng trăm công nhân mất việc làm”.

Ông Nam cho biết chính quyền tỉnh đang “chỉ đạo xử lý nghiêm khắc những đối tượng lợi dụng tình hình đã gây rối, phá hoại tài sản của người dân và doanh nghiệp và của nhà nước”, đồng thời “cương quyết trấn áp những kẻ ép buộc người khác thực hiện hành vi trái pháp luật và tập trung chỉ đạo nhanh chóng ổn định tình hình.”

Một nhân chứng có mặt gần hiện trường hôm 13/5 cũng nói với BBC đã chứng kiến nhiều người “đập phá cửa kính và lấy các thiết bị văn phòng” của một công ty Trung Quốc.

Người này cũng cho biết người biểu tình đã kéo đến cả các công ty không phải Trung Quốc và “yêu cầu” các công nhân tại đây đi theo họ.

“Một số công ty của Đài Loan cũng bị vạ lây vì họ cứ nhìn thấy chữ Trung Quốc là họ nhắm tới thôi”.

‘Còn căng thẳng’

Chính quyền cũng có hỗ trợ nhưng lực lượng cơ động được điều động không đủ, lại phân bố rải rác” –Một đại diện của Khu Công nghiệp Việt Hương

Trong thông cáo gửi đến BBC ngày 14/5, người phát ngôn VSIP cho biết “ngày 13/5, đông đảo người biểu tình tiếp tục tụ tập tại VSIP I và II Binh Dương và nhiều khu công nghiệp khác ở địa bàn tỉnh, đặc biệt nhằm vào các công ty sản xuất có chủ đầu tư là người Trung Quốc hoặc có chuyên gia Trung Quốc làm việc”

“Trong diễn biến đêm qua ba doanh nghiệp đã bị đốt nhà xưởng”, thông cáo của VSIP nói, nhưng hiện “chưa có thông kê cụ thể về thiệt hại.”

Thông cáo cũng cho biết “lực lượng cảnh sát địa phương đã có mặt và kiểm soát tình hình tại hai khu công nghiệp” và hiện “VSIP vẫn tiếp tục nỗ lực hỗ trợ các khách hàng trong khu.”

Trong khi đó, một đại diện ẩn danh của Khu công nghiệp Việt Hương nói với BBC khu công nghiệp này vẫn mở cửa trong ngày 14/5, tuy nhiên “tình hình vẫn rất căng thẳng”.

“Ban giám đốc đã chỉ đạo toàn bộ nhân viên không di chuyển tùy tiện, chỉ ở tại nơi làm việc”.

Người này cũng nhận định “chính quyền cũng có hỗ trợ nhưng lực lượng cơ động được điều động không đủ, lại phân bố rải rác.”

Một số video mà BBC chưa thể độc lập kiểm chứng được đăng tải trên mạng xã hội đã quay lại cảnh nhiều xe thiết giáp chạy trên đường.

Một số thông tin nói các xe này được điều động để bảo vệ tòa lãnh sự Trung Quốc ở TP.HCM, trong khi các tin khác nói các xe này được điều ra để kiểm soát các tuyến giao thông nối giữa Bình Dương với TP.HCM nhằm ngăn bạo động lan rộng.

Singapore lên tiếng

Singapore xem đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, nhất là khi xét quan hệ kinh tế mật thiết của chúng tôi với Việt Nam” – Bộ Ngoại giao Singapore

Trang Channel News Asia ngày 14/5 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cho biết phía Singapore đã bày tỏ quan ngại với Việt Nam về vụ việc.

“Singapore xem đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, nhất là khi xét quan hệ kinh tế mật thiết của chúng tôi với Việt Nam.”

“Sáng nay, Bộ Ngoại giao Singapore đã gọi cho đại sứ Việt Nam tại Singapore đề bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình an ninh ở VSIP I và II, cũng như các vụ tấn công vào các công ty nước ngoài tại hai khu công nghiệp này.”

“Bộ Ngoại giao Singapore yêu cầu chính phủ Việt Nam lập lại luật pháp và trật tự ở hai khu VSIP trước khi tình hình an ninh xấu thêm, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 12/5 cũng đã yêu cầu Hà Nội phải có biện pháp bảo vệ cho công dân và các công ty Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam.

Dư luận quốc tế nói gì?

Vụ việc ở Bình Dương đã được đăng tải rộng rãi trên truyền thông quốc tế sáng 14/5 và thu hút nhiều ý kiến bình luận.

Một độc giả của hãng tin ABC có nick AardwolfGroup viết: “Nếu người Việt Nam muốn tìm kiếm sự ủng hộ từ quốc tế thì họ rõ ràng đang sử dụng một cách thức sai lầm”.

Một độc giả với nick Allen Hughes Lin của trang Apple Daily ở Đài Loan bình luận: “Chúng ta đang phải lãnh hậu quả vì hành động xâm lược của Trung Quốc”.

Độc giả PlsGetReal trên CNN viết: “Thật thông minh khi họ phá hủy chính nguồn sống của mình. Điều gì tiếp theo? Phá hủy điện thoại hiệu Trung Quốc của chính họ?”

Nick Mangojay, cũng trên CNN, nhận định: “Điều này làm tôi nhớ lại cảnh những kẻ côn đồ ở Trung Quốc tung hoành và đánh đập bất cứ ai lái xe Nhật, trong lúc chính quyền đứng nhìn”.

Một thành viên với tên Littlegrassshopper trên diễn đàn công nghệ Hardwarezone của Singapore thì nói: “Tôi thực sự không hiểu. Gốc rễ của vấn đề ở đây, đó là Việt Nam là một quốc gia yếu kém và đầy tham nhũng”.

“Thay vì biểu tình chống lại chính phủ tham nhũng, họ lại đi biểu tình chống lại Trung Quốc, cứ như thể điều đó sẽ mang lại cho họ điều mình muốn.”

Trong khi đó một loạt các video biểu tình phản đối Trung Quốc đã xuất hiện trên mạng trong những ngày gần đây.

Trong video này, hàng ngàn người đã xuống đường trước công viên Lưu Hữu Phước ở Cần Thơ vào ngày 12/05 hô vang ‘Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam’ và ‘Phản đối, phản đối, phản đối’ hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Cần Thơ biểu tình lớn chống Trung Quốc

00:01:08

Hàng ngàn người đã xuống đường trước công viên Lưu Hữu Phước ở Cần Thơ phản đối Trung Quốc.