Bảo tàng đầu tiên về Thiên An Môn chính thức khai mạc tại Hồng Kông
Cuộc triển lãm thường trực tại đây nhằm vinh danh các nạn nhân vụ đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy đòi dân chủ của sinh viên, diễn ra trong hai ngày 3 và 4 tháng Sáu năm 1989 tại thủ đô Trung Quốc.
Nhà bảo tàng rộng 75 mét vuông nằm tại khu phố thương mại Tiêm Sa (East Tsim Sha Tsui) trưng bày những hình ảnh về các cuộc biểu tình và vụ đàn áp của quân đội, tất nhiên là có cả bức ảnh nổi tiếng thế giới với một người biểu tình đơn độc đứng thách thức các chiến xa. Tại đây cũng có một bức tượng cao hai mét của Nữ thần Dân chủ, giống như bức tượng được dựng lên cách đây 25 năm ở quảng trường Thiên An Môn.
Theo các nguồn tin độc lập, tại Trung Quốc hiện nay, tất cả những gì gợi lên thời kỳ khủng khiếp đã làm cho hơn một ngàn người chết ở Bắc Kinh chưa kể tại các tỉnh, đều bị cấm đoán. Rất nhiều người dân Trung Quốc hiện nay vẫn không biết gì về giai đoạn đen tối này, và chính quyền cộng sản chưa bao chờ công bố số người thiệt mạng.
Liên minh hỗ trợ các phong trào ái quốc và dân chủ tại Trung Quốc, cơ quan tổ chức các buổi lễ kỷ niệm, cũng là đơn vị hàng năm vào ngày 4 tháng Sáu đều tổ chức những buổi lễ đốt nến tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn, với hàng chục ngàn người tham gia.
Lễ khai mạc bảo tàng đầu tiên về Thiên An Môn hôm qua đã bị khoảng hơn một chục người biểu tình thân Bắc Kinh quấy rối. Những người này la hét, gọi Liên minh trên là «bọn phản bội». Một người trong số này nói rằng: «Họ đã quên đi vụ thảm sát Nam Kinh mà chỉ nói về ngày 4 tháng Sáu».
Tự xưng là «Nhóm 4 tháng Sáu của Sự Thật», những người thân Bắc Kinh lên án Liên minh hỗ trợ các phong trào ái quốc và dân chủ tại Trung Quốc đã tài trợ cho đài kỷ niệm, tô vẽ cho «vụ nổi dậy phản cách mạng», nhắc lại rằng có những lính Trung Quốc cũng đã bị thiệt mạng trong vụ đối đầu với các sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn.
Tuy vậy cuộc biểu tình trên không ngăn trở được dòng người tham quan đông đảo, kể cả nhiều người đến từ Hoa lục. Họ chen chúc nhau trước cổng vào bảo tàng này của Hồng Kông để tham quan.
Kitty Kau, một phụ nữ gốc gác từ Hoa lục đã định cư ở Hồng Kông từ 12 năm qua, khi thăm bảo tàng xong đã cho biết: «Sau khi tham quan, cái nhìn của tôi về sự kiện này đã hoàn toàn thay đổi. Nhiều người Trung Quốc không hay biết gì cả về vụ thảm sát Thiên An Môn, và nếu có biết thì cũng không dám nhắc đến».
«Nếu một ngày nào đó một bảo tàng được mở ra ở Bắc Kinh, sự kiện Thiên An Môn sẽ được trình bày một cách khác hẳn» – Jonathan Chan giải thích như trên, sau một phần tư thế kỷ sau khi chứng kiến sự kiện đã để lại cho ông những kỷ niệm đau xót khôn nguôi.