Bão số 7 giật cấp 10, hướng vào vịnh Bắc Bộ / Quảng Bình – Huế: Hơn 13.000 ngôi nhà ngập chìm trong biển nước

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bão số 7 giật cấp 10, hướng vào vịnh Bắc Bộ / Quảng Bình – Huế: Hơn 13.000 ngôi nhà ngập chìm trong biển nước

Xin hãy cùng nhau hiệp thông cầu nguyện cho bà con miền trung được bình an. BBT

12/10/2020

Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 7), với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, hướng vào vịnh Bắc Bộ.

bão số 7, mưa lũ
Bão số 7. (Ảnh: vndms.dmc.gov.vn)

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết hồi 16 giờ hôm 12/10, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350km về phía Đông Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 16 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, trên phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ 109,0 đến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 16 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km.

Trước đó, bão số 6 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi vào hôm 11/10, chỉ sau 2 ngày tiến vào Biển Đông với hình thái là một vùng áp thấp. Hoàn lưu bão gây ra gió giật mạnh và mưa lớn ở các tỉnh Trung Trung Bộ.

Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng hiện đã có mưa rất to. Lượng mưa 18 giờ tính từ 19h ngày 11/10 đến 13h ngày 12/10 phổ biến khoảng 150-250mm, có nơi trên 300mm như A Vao (Quảng Trị) 563.2mm, Tà Rụt (Quảng Trị) 458.6mm, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) 364mm.

Dự báo, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ nay đến sáng ngày mai (13/10), ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế khoảng từ 200-300mm, có nơi trên 350mm; các tỉnh/thành Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam khoảng 100-200mm, có nơi trên 250mm; các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi khoảng từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ chiều mai (13/10) mưa giảm dần.

Trung tâm này cảnh báo, từ ngày 14 đến ngày 16/10, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to và rải rác có dông, với tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 2.

Văn Duy – trithucvn.org

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 7 hướng vào miền Trung, đã có 30 người chết và mất tích

12/10/20
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 7 hướng vào miền Trung, đã có 30 người chết và mất tích
Thừa Thiên – Huế khắp nơi mênh mông nước. (Ảnh chụp từ video)

Hồi 01 giờ ngày 12/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630 km về phía Đông Đông Bắc với sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 9 và khả năng mạnh lên thành bão trong 24h tới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 01 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 01 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão trên đất liền phía Nam của đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được  khoảng 15 km, đi vào vùng biển phía Nam của Vịnh Bắc Bộ.

Vị trí và hướng đi của áp thấp nhiệt đới cập nhật lúc 1h ngày 12/10/2020.
Vị trí và hướng đi của áp thấp nhiệt đới cập nhật lúc 1h ngày 12/10/2020. (Nguồn: NCHMF)

Ở các tỉnh/thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày 12/10 đã có mưa rất to, lượng mưa 12h vừa qua từ 07h00 đến 01h00 ngày 11/10 phổ biến khoảng 150-300 mm, có nơi trên 380 mm.

Dự báo: Từ nay đến ngày 13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế khoảng từ 200-400 mm, có nơi trên 500 mm; các tỉnh/thành Quảng Bình, Đà Nẵng khoảng từ 100-200 mm; các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng từ 80-150 mm.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: Cấp 2, riêng Thừa Thiên- Huế cấp 3.

Thủy điện xả tràn, miền Trung 30 người chết, mất tích

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, đến đêm 11, rạng sáng ngày 12/10, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đã khiến 30 người chết và mất tích. Trong đó, 17 người chết, gồm Quảng Bình (1), Quảng Trị (6), Huế (3), Quảng Nam (3), Quảng Ngãi (1), Gia Lai (1), Đăk Lăk (1), Lâm Đồng (1).

Hiện vẫn còn 13 người mất tích, trong đó Quảng Bình (1), Quảng Trị (6), Huế (1), Đà Nẵng (4), Gia Lai (1), 1 người ở Quảng Trị đã tìm thấy thi thể.

Cũng do mưa lớn, các nhà máy thủy điện xả lũ, nhiều địa phương tại Quảng Nam bị ngập sâu. Trong đó, các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và TP. Hội An là những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Quảng Bình – Huế: Hơn 13.000 ngôi nhà ngập chìm trong biển nước do mưa lũ

09/10/20
Các nhà dân ở nhiều xã huyện Minh Hóa bị ngập chìm, cô lập, chia cắt. (Ảnh qua nld)

Trao đổi với Người lao động sáng 9/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, mưa lũ đã làm 12.616 ngôi nhà của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh này bị ngập sâu trong nước, có nơi ngập trên 2m, nhiều tài sản, vật dụng sinh hoạt gia đình bị nước nhấn chìm, cuốn trôi.

Tại vùng ‘rốn lũ’ xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa có 550 nhà bị ngập sâu từ 1 – 2,5. Theo Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) Trương Thanh Duẫn, trước đó, người dân và chính quyền địa phương đã chủ động đưa đàn trâu, bò hơn 2.000 con của xã lên vùng cao để tránh lũ; hiện toàn bộ người dân trong xã đã có nhà phao, nhà bè để “sống chung với lũ” nên không có thiệt hại về người.

Theo nguồn tin từ UBND huyện Minh Hóa, hiện địa phương này có 16 bản của 3 xã Trọng Hóa (Lòm, Cây Dừa, Pa Chong…); các bản Tà Rà, Hà Nông, Ka Vi, Oóc, Ka Ai của Dân Hóa và các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ của xã Thượng Hóa bị ngập, cô lập và chia cắt.
Người dân tránh trú trên các nhà nổi. (Ảnh qua nld)

Về trường hợp bà Hồ Thị Núc (SN 1979, ở bản Ba Looc, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) trong lúc đi xúc cá ở bản Ka Vi bị điện giật (do cột điện đổ) vào 7h30 hôm qua (8/10) đang được cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới, hiện đã qua cơn nguy kịch.

Tại huyện Bố Trạch có 6 bản ở xã Thượng Trạch: Cồn Roàng, Cóc, Cu Tồn, Nôồng Cũ, Nôồng Mới, Chăm Pu… khu vực thị trấn Phong Nha nhiều nơi bị ngập, cô lập, chia cắt.

Tại huyện Tuyên Hóa, mưa từng đợt khiến nước sông Gianh đang dâng cao. Mưa lũ đã cô lập 382 hộ/1.232 khẩu tại các xã Đức Hóa, Ngư Hóa, Thạch Hóa. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND huyện này đã chỉ đạo các địa phương vận động và di dời dân 430 hộ, với hơn 1.600 khẩu có nguy cơ ngập lụt sâu và bị sạt lở đất tại các xã Đức Hóa, Thạch Hóa.

Người dân thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy đi lại bằng đò trên các tuyến phố. (Ảnh qua nld)

Huyện Quảng Ninh có 4.338 nhà trên 13 xã, thị trấn, ngập sâu từ 0,5 – 1,0m và 1 trụ sở chính quyền xã Trường Sơn. Giao thông 5 xã bị chia cắt, gồm: Trường Xuân, Trường Sơn, Hiền Ninh, Hàm Ninh, Duy Ninh…Hàng trăm diện tích hoa màu của bà con nông dân bị nước bao phủ, hư hại.

Huyện Lệ Thủy có tới 7.650 hộ bị ngập nước tại các xã: Liên Thủy, Xuân Thủy, An Thủy, thị trấn Kiến Giang, Lộc Thủy, Phú Thủy, Mỹ Thủy, Hồng Thủy… Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết lượng mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng, hàng ngàn hộ dân bị lũ cô lập. Đến thời điểm này, khoảng 400 ha hoa màu, cây trồng các loại bị ảnh hưởng, thiệt hại. Hàng trăm con gia súc, gia cầm khác cũng bị chết, bị lũ cuốn trôi.

Hơn 550 nhà dân ở vùng “rốn lũ” Tân Hóa chìm trong biển nước. (Ảnh qua nld)

Tại huyện Quảng Trạch, mưa lớn khiến nước sông Gianh từ thượng nguồn đổ về tràn vào nhà dân tại các xã Phù Hóa, thôn Kinh Nhuận xã Cảnh Hóa, thôn Thuận Hòa, xã Liên Trường và xã Quảng Thanh. Bà con nơi đây đã quen ứng phó với lũ lụt nên thiệt hại không đáng kể.

Cũng theo nguồn tin mới nhất của Người lao động, ngoài Quảng Bình, mưa lớn cũng đã khiến trên 30 tuyến đường ở TP. Huế (Thừa Thiên – Huế) bị ngập lụt, có nơi ngập sâu từ 0,3 – 0,6m như đường Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Chí Thanh, Nhật Lệ, Hàn Thuyên, Lê Thánh Tôn, Ngô Đức Kế… khiến cho người dân không thể đi lại.

Đặc biệt, khu vực xóm Gióng thuộc tổ 1, khu vực 1, phường An Tây có nơi ngập hơn 1m và nước chảy xiết.

Hơn 100 căn nhà ở TP. Huế đã bị ngập. (Ảnh qua nld)

Trước tình hình trên Công an TP. Huế cùng chính quyền địa phương triển khai lực lượng di dời 32 hộ dân, 6 dãy trọ hơn 130 người ra khỏi khu vực ngập lụt đến nơi an toàn. Hiện đơn vị đang tiếp tục khảo sát di dời những hộ trong vùng thấp trũng có nguy cơ bị ngập lụt, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Trước đó, theo báo cáo nhanh của Văn phòng BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến chiều tối ngày 8/10, mưa lũ trên diện rộng tại miền Trung đã làm 11 người chết và mất tích, gần 11.000 người phải sơ tán.
Vũ Tuấn – tinhhoa.net