Báo nước ngoài bàn vụ Bình Dương

Cac Bai Khac

No sub-categories

Báo nước ngoài bàn vụ Bình Dương

Nhân viên của một công ty Hàn Quốc ở Bình Dương xin người biểu tình không vào bên trong

Theo BBC –  12:14 GMT – Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Các kênh truyền thông lớn của quốc tế đã đưa tin về cuộc biểu tình trên diện rộng ở khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương, đề cập và phân tích nhiều khía cạnh khác nhau của vụ việc.

Các nhà chức trách Bình Dương hôm 14/05 ra thông cáo cho biết “hàng loạt đối tượng gây rối” đã bị bắt giữ, sau khi cuộc diễu hành phản đối Trung Quốc hôm 13/5 trên địa bàn tỉnh chuyển thành bạo động.

Hãng CNN của Hoa Kỳ trong cùng ngày dẫn lời một chủ tịch tập đoàn nước ngoài muốn giấu tên, nói cảnh sát địa phương và chính quyền không hề phản hồi trước cảnh bạo lực, và được cho là phát biểu rằng họ không thể làm gì để kiểm soát tình hình.

Từ Úc, trang ABC dẫn nguồn tin AP nói Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo với người dân Trung Quốc khi vào Việt Nam.

Thông báo khuyên người Trung Quốc “cần xem xét kỹ kế hoạch di chuyển và phải thật thận trọng”, đối với người dân và các tổ chức Trung Quốc đang đặt tại Việt Nam “nâng cao cảnh giác và tăng cường an ninh.”

ABC nhận định, nếu căng thẳng giữa hai quốc gia còn tiếp diễn, cả hai sẽ chịu thiệt hại về kinh tế.

Trú ẩn trong khách sạn

Nhiều công ty Đài Loan cũng bị tấn công do có chữ bằng tiếng Trung Quốc

Bài đăng trên Bloomberg cùng ngày dẫn lời ông Trần Bách Tú (Chen Bor-show), Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ở Sài Gòn, cho biết hơn 200 người Đài Loan đã phải trốn vào một khách  sạn ở Thủ Dầu Một, và một người bị thương nhẹ.

Cũng theo ông Chen, ở quanh khu vực này có tới hơn 1.000 doanh nghiệp Đài Loan, và các hãng hàng không đang huy động máy bay cỡ lớn đưa công dân về nước.

“Các công nhân không chọn xem nhà máy đó thuộc quốc gia nào,” theo ông Bob Hsu, tổng giám đốc công ty Trách nhiệm Hữu hạn Great Super Enterprise của Đài Loan.

Công ty đã phải đóng cửa các nhà máy dệt may ở tỉnh Đồng Nai. Người biểu tình nhìn vào tên công ty “chỉ để tìm một từ tiếng Trung Quốc. Trong đó có cả các nhà máy của Hàn Quốc và Nhật Bản.”

“Tôi yêu cầu cảnh sát địa phương bảo vệ công nhân của mình,” ông Hsu nói từ thành phố Hồ Chí Minh.

“Chúng tôi đưa công nhân ra ngoài. Tôi rất lo lắng nên chúng tôi đã phải bỏ tất cả các từ tiếng Trung trên nhãn hiệu của mình.”

Raymond Wu, một nhà tư vấn kinh doanh nói với Bloomberg từ Đài Bắc rằng, nếu các vụ tấn công doanh nghiệp Đài Loan không lắng xuống, “sẽ xảy ra hậu quả lâu dài”.

“Đây là ngạc nhiên lớn. Chúng tôi mong rằng đây chỉ là một vụ việc riêng lẻ và sẽ không gây ra tổn hại lâu dài nào tới sự tự tin trong đầu tư của không chỉ riêng các nhà đầu tư Đài Loan mà cả các nhà đầu tư từ các quốc gia khác.”

Cuộc biểu tình ‘hiếm có

Một chủ doanh nghiệp Đài Loan nói cảnh sát đã không đáp ứng dù có yêu cầu bảo vệ công nhân

Báo New York Times cũng có đoạn nhận định rằng, “biểu tình cũng đôi khi xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực cưỡng chế đất đai đối với các công ty được cho là có mối quan hệ sâu sắc với chính phủ chuyên chế, độc đảng.

“Nhưng hiếm có biểu tình ở mức hàng ngàn người. Cho tới hôm thứ Tư vẫn chưa rõ liệu hoạt động ở Bình Dương có được sự cho phép của nhà nước hay không, và liệu cảnh sát địa phương có hoàn toàn kiểm soát được các công nhân biểu tình hay không.”

Mạng xã hội mấy ngày nay cũng ngập tràn các bình luận về vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trên biển Đông, và các vụ biểu tình của công nhân và người dân ở một số khu vực phía Nam bắt đầu từ ngày 12/05.

Helen Phambình luận trên Facebook: “Thật kinh khủng! Không có từ nào để diễn tả nữa. Không chấm dứt bạo động chắc nền kinh tế Việt Nam mình sẽ xuống trầm trọng vì e rằng các công ty nước ngoài bỏ của chạy lấy người và chính phủ ta phải bồi thường cho những tổn thất của họ mất. Hãy dừng lại ngay khi còn có thể!”

“Phẫn nộ vì biển đảo quê hương, cộng với sự áp bức lâu nay của giới chủ mà không biết kêu ai đã khiến công nhân có những hành vi quá khích.” – Bá Duy, bình luận trên Facebook của BBC Tiếng Việt

Bá Duy, viết trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt: “Không có thế lực thù địch nào lôi kéo được nhân dân, chỉ có sự bất công trong xã hội mới khiến nhân dân phản kháng.

“Phẫn nộ vì biển đảo quê hương, cộng với sự áp bức lâu nay của giới chủ mà không biết kêu ai đã khiến công nhân có những hành vi quá khích.”

Trọng An viết, “các doanh nhân đầu tư vào Việt Nam, đem lại công ăn, việc làm cho người Việt Nam, họ đâu có ra lệnh tấn công Việt Nam.”

Độc giả của BBC Tiếng Việt cũng cho rằng hành động như vậy là “thêm thù, bớt bạn”, “tạo hình ảnh không tốt cho Việt Nam trên thế giới.”

Trang Facebook của Hội những người ủng hộ “Liên ngành 141 truy quét tội phạm cho đăng lời bình luận bày tỏ sự lo lắng của các công nhân bị mất việc làm vì vụ việc:

“Những công nhân không tham gia bạo động, cướp phá nhưng vẫn bị mất việc làm. Mắt ai nấy cũng đỏ hoe, mặt đầy sự buồn lo vì cuộc sống mưu sinh chưa biết đi đâu về đâu. Họ sẽ lấy gì để ăn? Con cái họ sẽ lấy gì để học?”

Duy Tân bình luận từ một đoạn đăng trên Facebook của nhà báo Huy Đức, cho rằng công an Bình Dương đã “phản ứng quá chậm”.

Việt Nam nên “cần ra gấp luật biểu tình, vận nước đã tới, có cấm hay không cấm thì Việt Nam vẫn sẽ biểu tình.”

“Hiến pháp thì không cấm, nhưng ta chưa có cơ chế để xử lý, vì vậy cần phải ra gấp luật biểu tình để đưa mọi thứ vào pháp luật, chứ ko thể nào chậm trễ luật biểu tình được nữa.”

Việt Nam ‘đừng có mơ’

Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị đưa ra yêu cầu phía Việt Nam phải “bình tĩnh, tôn trọng chủ quyền và quyền quản trị, kiềm giữ cho tình hình không lan rộng và diễn biến phức tạp hơn.

Hoàn cầu Thời báo có bài viết định hướng biên tập hôm 13/05 cảnh báo Trung Quốc sẽ cho Việt Nam nếm mùi ‘tan vỡ’: “Việt Nam cho rằng, bằng việc gây rắc rối, Trung Quốc sẽ nhượng chút quyền trên biển Đông cho chiến lược lớn của mình. Đừng có mơ. Lần này, Trung Quốc sẽ cho họ nếm mùi giấc mơ tan vỡ.”

Trên mạng xã hội Weibo, nhà bình luận chính trị người Đài Loan Qiu Yi viết: “Vụ bạo động chống Trung Quốc, với sự thông đồng của chính phủ Việt Nam đã lan rộng ra ngoài tầm kiểm soát.

“Nó đã ảnh hưởng không chỉ tới các doanh nghiệp Đài Loan và Trung Quốc mà cả của Hong Kong, Nam Hàn và Nhật Bản. Nó tung ra một cú tàn phá môi trường đầu tư ở Việt Nam… Đài Loan có thể chung tay với Trung Quốc để kịch liệt tăng cường áp lực lên Việt Nam, khiến chính phủ Việt Nam phải hành động nhanh chóng để giải tán bạo động và tăng mức đền bù cho các doanh nghiệp chịu mất mát do cuộc bạo loạn.

Cũng trên Weibo, Toward_BAT so sánh vụ Bình Dương với sự kiện người Trung Quốc đập phá hàng do người Nhật sản xuất: “Người Việt Nam đang đối xử với chúng ta theo cách chúng ta từng đối xử với người Nhật Bản.”

Một độc giả từ Thâm Quyến gửi tới trang BBC Tiếng Trung: “Cái gọi là chiến dịch yêu nước sẽ kết thúc bằng mâu thuẫn xã hội. Đây là con dao hai lưỡi.”