Bạo lực học đường và bạo lực xã hội
Vụ một số em học sinh lớp 7 trường THCS Lý Tự Trọng ở Trà Vinh xúm nhau đánh hội đồng bạn học một cách dã man (dồn vào một góc đánh tới tấp, ném cả chồng ghế nhựa vào mặt, dọa sẽ tiếp tục đánh nếu cho người ngoài biết, quay clip ghi lại vụ đánh đập) khiến cho cả xã hội như ngồi trên đống lửa, dù đây không phải là lần đầu tiên một vụ bạo lực học đường được biết tới. Từ nhiều năm qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều clip ghi lại những vụ học trò đánh nhau bằng tay chân, thậm chí lột áo của học sinh nữ, nhưng phải nói, về mức độ bạo lực, clip đánh hội đồng bạn học ở Trà Vinh là đáng sợ hơn cả. Nó cho thấy bạo lực học đường xuất phát từ và bám vào một thứ cơ chế quyền lực được trao vào tay một số học sinh mà không được kiểm soát đã biến thành sức mạnh khống chế và trấn áp những học sinh khác như thế nào. Nó cũng cho thấy bạo lực học đường ngày càng tăng chứ không hề giảm. Sẽ là sai lầm nếu tách vụ bạo lực học đường ở trường Lý Tự Trọng Trà Vinh khỏi bối cảnh chung của nạn bạo lực học đường và rộng lớn hơn là bạo lực xã hội. Bạo lực học đường cũng như bạo lực xã hội không còn là những hiện tượng đơn lẻ, cá biệt giới hạn trong giới xã hội đen mà đã trở thành hiện tượng phổ biến như một vòng xoáy cuốn hút vào trong nó ngày càng nhiều đối tượng hơn. Con giết cha mẹ, cha mẹ giết con; chồng đánh đập, giết vợ, vợ thiêu chết chồng; người yêu giết, chặt xác người yêu; anh em giết nhau vì tranh nhau miếng đất; bạn bè giết nhau trong bữa nhậu; người lạ giết nhau vì va quẹt xe, vì cái “nhìn đểu”; dân làng đánh đến chết những kẻ trộm chó, kẻ trộm chó giết người truy đuổi; trai làng này vây đánh trai làng khác đến làm quen gái làng mình; học trò, phụ huynh đánh thầy cô, bảo mẫu thì hành hạ trẻ; bệnh nhân bao vây, đánh y bác sĩ; cảnh sát giao thông mượn tay xã hội đen đánh đến chết người vi phạm dám cự cãi; công an dùng nhục hình, đánh chết người bị bắt tạm giam, đánh đập cả trẻ em như vụ mới đây ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau… Những vụ bạo lực như vậy xảy ra với tần suất ngày càng dày, mức độ tàn bạo ngày càng tăng. Ngay cả trong những sinh hoạt lễ hội mà người ta gán cho nhiều ý nghĩa truyền thống, tâm linh, những cảnh bạo lực công khai như chém lợn rồi tranh nhau lấy tiền thấm máu để cầu may, dùng búa gỗ nện đầu trâu cho tới chết, dùng sức mạnh tranh giành nhau cướp phết, hoa tre… cũng phô trương không ngại ngần. Trong môi trường bạo lực xã hội tràn lan như vậy, thử hỏi làm sao nhà trường, học sinh có thể miễn nhiễm? Nhà trường đào tạo ra những con người góp phần làm thay đổi xã hội theo hướng tốt hơn, nhưng chính nhà trường cũng không tránh khỏi bị tác động bởi cả mặt tốt lẫn mặt xấu của xã hội mà nó muốn thay đổi. Như vậy không thể tư duy, tìm giải pháp cho bạo lực học đường tách rời khỏi tư duy về giải pháp cho bạo lực xã hội nói chung. Câu hỏi đặt ra là nguồn gốc của bạo lực xã hội là ở đâu? Vì sao người Việt sống với nhau ngày càng kém hiền hòa, nhường nhịn; ngày càng hung hãn, mạnh được yếu thua và sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn? Vì sao nhiều năm sau tiếng chuông cảnh báo sớm là bộ phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy, xã hội chẳng những không tử tế hơn mà còn trượt dài theo con dốc bạo lực? Dường như có một thứ tâm lý đậm chất “thắng thua”, chất “ăn thua” hằn sâu trong con người và xã hội nói chung, trong nền giáo dục, văn hóa… dù cho đã qua 40 năm hậu chiến, đã sống 40 năm trong hòa bình. Và cứ thế nó truyền qua thế hệ sau, đến tận những đứa trẻ nhỏ nơi nhà trường. Cái thứ tâm lý đó, một khi đã ăn sâu vào trong tâm thức xã hội, không dễ nhổ đi như người ta dễ dàng đốn hạ và nhổ bật những gốc cây lâu năm trên đường phố Hà Nội, để thay vào đó tâm lý chuộng hòa bình, hòa hoãn, hòa giải trong quan hệ giữa người với người. Muốn làm được vậy, đòi hỏi một nỗ lực có ý thức và bền bỉ của cả cộng đồng và từng thành viên, trước hết từ sự nêu gương của các bậc cha mẹ trong gia đình, nhà sư phạm trong trường học, nhà tu hành nơi chùa chiền và nhà thờ trở đi. Và một phong trào xã hội rộng lớn của những công dân bền bỉ đấu tranh cho một con đường phát triển khác, vì một xã hội chuộng hòa bình, biết làm lành, biết hóa giải hận thù, không đặt nặng thắng thua trong cuộc sống. Theo hướng đó, đã đến lúc cần loại bỏ khỏi những diễn ngôn, diễn đàn chính thức những ngôn từ đậm chất thắng thua giữa người Việt với người Việt, để cho an bình trở lại trong mỗi tâm hồn. Vì thế hệ sau. Đường thì xa ngái, nhưng không đi thì không đến, và có đi mới thành đường.
·
·
YouTube
Học sinh túm tóc đánh nhau như tron…
Học Sinh Kéo Băng Nhóm Đánh Nhau L…
YouTube
Clip: Học Sinh Hà Nội Dàn Trận Đánh Nhau
YouTube
Học sinh đánh nhau – như trong phim
YouTube
Học sinh cấp 2 đánh nhau như phim chư…
YouTube
Học sinh cấp 3 đánh nhau vì tình – VL69.…
YouTube
Học sinh hà nội dàn trận đánh nhau như …
YouTube
Học Sinh Đánh Nhau Đơn Giản Thôi
YouTube
YouTube
YouTube