Bạo lực học đường do ‘không được lắng nghe’
Nguyễn Trọng Đức, học sinh lớp 12 trường Việt Đức
Theo BBC – 19 tháng 3 2015
Nguyễn Trọng Đức, học sinh trường Việt Đức, Hà Nội nói, “[Việc được học các kỹ năng xã hội] thì em cũng như các bạn học sinh ở lứa bọn em đã nói về việc này từ rất rất lâu rồi nhưng sợ là không ai lắng nghe. (Xem lại thảo luận trên YouTube tại http://bit.ly/1GpwwiN) “Những kiến thức ở trên trường, bọn em gọi là kiến thức sách vở, nặng hơn nhiều so với những kiến thức để vào cuộc sống, thực hành để đưa vào cuộc sống thì không có.” Bà Khuất Thu Hồng, viện trưởng viện nghiên cứu phát triển xã hội ISDS cho rằng, chương trình giáo dục của Việt Nam “tập trung quá nhiều vào nhồi nhét mà không chuẩn bị cho các em những kỹ năng sống, kỹ năng hòa giải, kỹ năng thương thuyết, kỹ năng có thể thỏa thuận với nhau để tránh bạo lực.” Tuy nhiên, bất cân bằng trong chương trình giáo dục chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây nên bạo lực học đường.
Ông Mạc Văn Trang hiện là cố vấn trường Đinh Tiên Hoàng, nơi nhận những trường hợp học sinh cá biệt
Ông Mạc Văn Trang, cựu chuyên viên nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phân tích, bạo lực gia tăng trong xã hội ảnh hưởng đến nhà trường, “nhà trường là phản ảnh của xã hội, xã hội nào nhà trường ấy mà,” ông nói. “Thứ hai là trong giáo dục của nhà trường chưa quan tâm đặc điểm tâm lý của học sinh. “Và về mặt giáo dục, khi những có chuyện không hay xảy ra, đều lặp đi lặp lại những biện pháp đã rất cổ lỗ rồi như kiểm điểm, tường trình, phê bình, góp ý, cảnh cáo, thậm chí đuổi học một tuần hay vài tuần. “Những cái đó lặp đi lặp lại không có tác động đến lương tri, tình cảm, ý thức sâu xa của các em học sinh.“ Chuyên gia Khuất Thu Hồng cho rằng không gia đình nào, cha mẹ nào lại muốn con mình trở thành người bạo hành hay nạn nhân của bạo hành. Tuy nhiên, “phát triển kinh tế chóng mặt ở Việt Nam trong thời gian qua cũng để lại dấu ấn rõ nét trong các gia đình Việt Nam. “Cha mẹ có thể có nhiều tiền cho con hơn nhưng có ít thời gian cho con hơn, có ít thời gian để trò chuyện tình cảm với con hơn.”
‘Mãnh liệt, nhạy cảm và mong manh’
Trần Thị Hồng Nhi, bác sỹ tâm lý ở bệnh viện Việt – Pháp từ Sài Gòn cho biết, chị đã làm việc với nhiều trường hợp là nạn nhân cũng như hung thủ, người hành hung của bạo lực học đường. (Xem lại thảo luận trên YouTube tại http://bit.ly/1GpwwiN) “Những người hành hung này cũng có thể coi là nạn nhân của bạo lực nếu hiểu theo nghĩa rộng, có nghĩa là các bạn đó cũng từng chịu sử dụng bạo lực, chứng kiến bạo lực mà không có người lớn giải thích, phân tích.” “Ở độ tuổi teen có 3 tính từ mà tôi hay dùng là ở độ tuổi của các bạn có phát triển rất mãnh liệt, rất nhạy cảm và cũng rất mong manh. “Thế nên các hiện tượng nhóm xảy ra ở độ tuổi này cũng rất đặc biệt, liên kết giữa các bạn với nhau vừa mạnh mẽ, vừa nhạy cảm, nó dễ bị kéo đẩy, dễ bị xô lệch, dễ bị đan chéo. Những chỗ nào là nút thắt thì dễ khiến cho bạo lực bùng nổ.” “Và như một cỗ máy chạy nó hay gẫy ở chỗ nào yếu. Và hai bạn này, bạn hành hung và bạn bị hành hung thường là hai mắt xích yếu, non nớt hơn về tâm lý so với những bạn khác,” chuyên gia tâm lý Hồng Nhi giải thích.
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Nhi hiện làm việc tại bệnh viện Việt-Pháp và Đại học Nhân văn tại Saigon
Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về việc liệu có nên đưa các em học sinh nạn nhân của bạo lực học đường vào dạng đối tượng dễ bị tổn thương, bà Khuất Thu Hồng cho biết, đây là những đối tượng đặc biệt cần được hỗ trợ, nhất là về các dịch vụ về tâm lý, trợ giúp về mặt xã hội. “Nhưng đáng tiếc là ở Việt Nam chúng ta đang thiếu các dịch vụ như vậy. Các em là nạn nhân của bạo lực học đường, của bạo lực nói chung không có chỗ nào tìm đến để được hỗ trợ.” Bên cạnh đó, bản thân các giáo viên, giảng viên ở Việt Nam cũng không được trang bị kỹ năng cũng như kiến thức để có thể giúp giải quyết mâu thuẫn trong trường học. “Vai trò của người làm tâm lý trong các trường học ở Việt Nam còn ít, đặc biệt ở các trường công, ở các trường tư hay trường quốc tế có, tuy còn ít và chỉ hạn chế ở vai trò dạy kỹ năng mềm mà chưa có vai trò chuẩn bị cho các bạn kiến thức về mặt cảm xúc,” Trần Thị Hồng Nhi, người cũng đang giảng dạy về tâm lý ở Đại học Nhân văn TPHCM nói. Ông Mạc Văn Trang, cố vấn cho trường Đinh Tiên Hoàng, mà theo ông mô tả, là ngôi trường nhận những học sinh mà không trường nào khác nhận, lấy ví dụ về cách phòng tránh mâu thuẫn của trường. Toàn bộ giáo viên của trường đều được bồi dưỡng về đặc điểm tâm lý học sinh, để có thể tư vấn, gần gũi với học sinh. Ngoài ra trường cũng có trung tâm tư vấn, số điện thoại có thể tư vấn cho các em bất kỳ lúc nào. “Nhưng biện pháp tốt nhất,” theo ông Trang, “là làm sao để chính những học sinh gây ra lỗi tự đối mặt với lỗi của mình, nhận thức về lương tâm của mình, tự nhận thức, tự sám hối và đặc biệt là tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình. “Phải đương đầu với nó thì các em mới có được các kỹ năng,” và nếu chỉ “phạt, kiểm điểm, nói chuyện, tư vấn nó sẽ không bao giờ trở thành kinh nghiệm, trải nghiệm, vốn sống của bản thân các em.”
Dân chủ
Bà Khuất Thu Hồng trong buổi thảo luận với BBC hôm 19/03
Các khách mời tham dự chương trình thảo luận cùng đồng ý với việc cần có cải cách chương trình học, để cân bằng hơn giữa các kiến thức giáo khoa với kiến thức, kỹ năng xã hội. “Giảm bớt khối kiến thức nhồi nhét thì cũng giảm bớt căng thẳng và cũng bớt xung đột trong trường,” bà Khuất Thu Hồng nói. (Xem lại thảo luận trên YouTube tại http://bit.ly/1GpwwiN) “Rộng hơn ra, chúng ta đang mất lòng tin vào luật pháp, mất lòng tin vào lẽ phải nên có vấn đề gì mâu thuẫn là tự giải quyết với nhau. “Thực hiện luật pháp nghiêm mình và tạo ra niềm tin vào lẽ phải cũng là biện pháp giảm bạo lực nói chung và bạo lực học đường nói riêng,” theo tiến sỹ Khuất Thu Hồng. Chuyên gia tâm lý Trần Hồng Nhi cho rằng, “để phòng tránh bạo lực thì chỉ có thể thông qua dân chủ”. “Có nghĩa là khi mọi người biết được mình đang ở trong môi trường dân chủ, công bằng, thì lúc đó mọi người có trách nhiệm với cảm xúc của bản thân mình, trách nhiệm với cảm xúc của người khác, và có thể lên tiếng để chống lại bạo lực, lên tiếng để giúp đỡ khi cần thiết.” “Còn chuyện có thực thi được ở Việt Nam không thì hơi khó, vì ở Việt Nam chúng ta là xã hội có tôn ti trật tự, có trên dưới, muốn nói tới dân chủ có lẽ là hơi khó, nhưng không phải không làm được.” Từ góc độ học sinh, bạn Nguyễn Trọng Đức mong muốn ở mỗi trường có một cô giáo hoặc ban tư vấn tâm lý cho học sinh để các em có thể chia sẻ thắc mắc, bức xúc trong lòng. “Em nghĩ điều này không hề khó, và không nhất thiết phải thuê chuyên gia tâm lý về, mà có thể chính là các thầy cô giáo thay phiên nhau lắng nghe học sinh của mình.”