Bao giờ Việt Nam sẽ trở thành như Myanmar trong hiện tại?
Thein Sein tỏ rõ mình là người cao thượng…
Thứ Ba, ngày 02 tháng 2 năm 2016 – Thiện Tùng
Ngay trong năm 2016 này, Việt Nam có thể sẽ trở thành một nước dân chủ như Myanmar nếu ông Nguyễn Phú Trọng tỏ rõ là người cao thượng, đặt lợi ích nhân dân trên lợi ích Đảng của mình, thực hiện chuyển đổi thể chế chính trị êm thắm từ Độc tài sang Dân chủ theo hướng từ trên xuống.
Bối cảnh Việt Nam hiện nay không khác mấy bối cảnh Myanmar cách đây hơn hai năm: kinh tế khủng hoảng, chính trị – xã hội rối ren, đất nước ngày càng phụ/lệ thuộc Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị, v.v.
Về lịch sử và văn hóa…, dân tộc Việt Nam nếu không hơn cũng ngang bằng với dân tộc Myanmar, luôn bị áp bức bất công hết chế độ độc tài này sang chế độ độc tài khác, đang muốn /khát vọng về một thể chế chính trị Dân chủ Đa nguyên thay cho thể chế chính trị Độc tài, Độc đảng hiện nay.
Nói về lãnh tụ, chưa biết ai hơn ai giữa ông Thein Sein và ông Trọng. Người viết chỉ thấy ông Thein Sein ít nói về Nhân dân của mình hơn ông Trọng. Nhưng ông Thein Sein tỏ rõ mình là người cao thượng, dám hy sinh lợi ích cá nhân và lợi ích Đảng của mình cho lợi ích dân tộc, bằng cách tiến hành hòa giải với lực lượng đối lập do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu, nhằm thực hiện hòa hợp dân tộc, chuyển thể chế Độc tài Quân quản sang thể chế chính trị Dân chủ Đa nguyên theo hướng từ trêm xuống một cách êm thấm. Còn ông Trọng nói về nhân dân thì nhiều nhưng chưa làm được điều người dân Việt Nam mong muốn. Vì sao? Xin nhường lời cho những người cao kiến.
Có người cho rằng: Myanmar làm được như thế nhờ nước ấy có bà San Suu Kyi. Người viết cho rằng nói như thế tính thuyết phục kém: Việt Nam ta có rất nhiều người như bà San Suu Kyi, họ cũng đấu tranh cho Dân chủ không biết mệt mỏi, cũng từng vào tù ra khám. Theo Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, hiện có đến 60 tổ chức Xã hội Dân sự bất đồng chính kiến với Đảng cầm quyền. Không biết Bộ trưởng Quang nói thế có quá không, qua theo dõi, người viết chỉ biết có hơn 20.
Mới hôm 29/01/2016 đây thôi, Quốc hội cũ Myanmar họp lần cuối, giao quyền lại cho Quốc hội mới của bà San Suu Kyi – bên thắng cử lập Chính phủ. Cả hai phái thắng thua vui mừng tổ chức hát Karaoke tại diễn đàn. Ông Thein Sein tuyên bố: Ông sẽ lui về vực dậy đảng của ông (USDP) và sẽ ra “thi đấu” trận sau. Với lòng yêu nước thương dân, ông còn cảnh báo với bên thắng cuộc: “Chính phủ mới sẽ vấp phải những chỉ trích và phản đối nếu làm điều gì sai trái có hại cho dân, cho nước”. Trông người thấy biết ham, nhìn lại Việt Nam ta tiếp tục mệt mỏi!
Dầu cho cố che giấu, ai cũng có thể thấy rõ: Ngay trong Đảng cầm quyền ở Việt Nam đang chia bè chia cánh, dân chúng đã và đang ngày một mất lòng tin đối với Đảng cầm quyền. Dân chúng bất bình đến mức: lén gọi mâu thuẫn giữa ông Sang và ông Dũng là cuộc chiến “Ba Tư” (Ba Dũng Tư Sang); lén gọi mâu thuẫn giữa phía Đảng và Chính phủ là cuộc chiến “Cung vua Phủ chúa”. Và họ cũng lén gọi tứ trụ triều đình: “Trọng Lú” hay “Cả Trọng”, “Sang móm”, “Dũng Y tá” hay “Ba X”, “Hùng hói” hay “Hùng chém gió”.
Để cứu Đảng, cứu dân tộc vượt khó, thoát hiểm, về đối nội, không còn cách nào khác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên tỏ rõ mình là người cao thượng như Thein Sein, tuyên bố tiến hành hòa giải với mọi lực lượng đối lập, thực hiện hòa hợp dân tộc; tu chỉnh lại Hiến pháp và các luật cơ bản; các thành phần trong xã hội được tham gia ứng cử và bầu cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp theo dự kiến vào tháng 5/2016 tới đây. Lực lượng nào thắng thì chấp chánh, thua thì tham chính, cạnh tranh nhau qua mỗi nhiệm kỳ như Myanmar đang khởi đầu. Phải xem đây là thời cơ tốt nhất cho việc cải tổ chính trị sau Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nếu làm được như vậy, ngay trong năm 2016 này, Việt Nam sẽ trở thành như Myanmar trong hiện tại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được xem là người hùng như Thein Sein, tên tuổi ông và cả Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được ghi vào sử sách của dân tộc. Ngược lại, việc gì sẽ xảy ra làm sao đoán trước được, chắc chắn rằng nó sẽ diễn ra theo quy luật xã hội.
Đảng cầm quyền tự giác chuyển đổi bao giờ cũng tốt hơn để Dân buộc phải chuyển đổi.
01/02/2016
T. T.
Tác giả gửi BViệt Nam.