Báo chí VN ‘không còn là báo chí Cách mạng’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Báo chí VN ‘không còn là báo chí Cách mạng’

[nhân việc Quốc Hội CSVN thông qua Luật báo chí sửa đổi hay còn gọi là Luật Tiếp cận Thông tin hôm 5/4]

Một người làm truyền thông lâu năm tại Việt Nam nhận xét cách gọi báo chí Việt Nam là ‘báo chí Cách mạng’ không còn phù hợp với nền báo chí ngày nay.

Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group) trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt nhân Luật báo chí sửa đổi được Quốc hội CSVN thông qua hôm 05/04, với một số điểm mới, và đặc biệt là bỏ chương V quy định sự quản lý của nhà nước trong bộ luật cũ.

Vinh cho rằng, việc bỏ chương V không phải là dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi, do “bản chất của hệ thống Việt Nam vẫn nhấn mạnh vai trò quản lý của nhà nước, của bộ máy chính trị với báo chí”.

“Việc bỏ điều khoản về quản lý của nhà nước cũng chỉ là một cách nhìn để chúng ta thấy rằng có sự cởi mở hơn nhằm phù hợp với các điều khoản khác liên quan đến vai trò của công dân, việc nới lỏng đối với các cơ quan được quyền ra báo chí v.v. chứ trong hệ thống vẫn có rất nhiều cơ quan quản lý báo chí, cho nên bằng cách này hay cách khác, ở Việt Nam có rất nhiều cơ quan tham gia quản lý báo chí.

“Việc bỏ điều khoản đó cũng chưa nói lên được việc thay đổi cơ chế quản lý báo chí trong tương lai,” vị chủ tịch của một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Việt Nam nhận xét.

BBC cũng thực hiện phỏng vấn về Luật Tiếp cận Thông tin được Quốc hội thông qua hôm 06/04 với Phan Mai Lợi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Thông tin Truyền thông Giáo dục Cộng Đồng, và nhà báo tự do, blogger Đoan Trang, đón đọc trên bbcvietnamese. com vào ngày 07/04.

Trả lời câu hỏi về việc vậy liệu bộ luật sửa đổi này vẫn chỉ mang lại sự tự do trong khuôn khổ cho báo chí Việt Nam, Lê Quốc Vinh trả lời: “Tất nhiên là như vậy vì có rất nhiều điều kiện trên thực tế mà việc thực thi điều luật như thế này vẫn có ràng buộc nhất định.”

Ông lấy ví dụ qua việc Việt Nam vẫn không cho phép tư nhân ra báo, và tư nhân phải hợp tác với các cơ quan của nhà nước hay các cơ quan đã được nêu rõ trong luật nếu muốn sản xuất sản phẩm báo chí.

” Như vậy mặc dù có mở cửa cho sự hợp tác đó, nhưng vai trò chủ đạo vẫn là của các cơ quan nhà nước.

“Có lẽ nếu chúng ta chờ đợi sự thay đổi đột phá thì chưa phải, nó chưa hình thành điều kiện đó trong luật sửa đổi lần này.

“Về cơ bản những gì chúng ta thấy đã xảy ra nhiều năm nay rồi nên ở đây chỉ là chính thức hóa, thừa nhận sự hiện hữu trong thời gian khá dài vừa qua.”

‘Thay đổi tích cực’

Tuy nhiên nhà báo Lê Quốc Vinh cũng chỉ ra một số điểm thay đổi tích cực của bộ luật sửa đổi, như quy định về việc công dân liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in.

Người sáng lập tạp chí Đẹp cho đây là điểm rất quan trọng do chính thức hóa “vai trò hợp tác về mặt báo chí khối tư nhân trong một số loại hình báo chí và lĩnh vực nhất định”.

Ông cho biết, những lĩnh vực mở ra cho sự hợp tác này khá rộng, ngoại trừ vấn đề chính trị, còn các lĩnh vực khác như giáo dục, kinh tế, kinh doanh, khoa học… đề đã được mở cửa.

“Và lần đầu tiên cơ quan làm luật đã nhận thức vai trò của khối tư nhân trong việc hợp tác xuất bản các sản phẩm báo chí.”

Một điểm mới trong bộ luật sửa đổi cần chú ý, theo Vinh, là có những điều khoản đã thừa nhận hoạt động kinh doanh của các cơ quan báo chí.

“Tuy nhiên tôi vẫn thấy rằng lẽ ra dự luật này còn có thể có những bước cải cách lớn hơn rất nhiều.

“Trong đó có vấn đề mà bản thân tôi đã tư vấn rất nhiều lần cho các cơ quan làm luật và cơ quan thẩm định luật là luật này vẫn chưa bám sát xu thế phát triển truyền thông, đặc biệt là những vấn đề về công nghệ truyền thông nên vẫn có những rào cản bất hợp lý mà sẽ trở thành những vấn đề rất đau đầu khi dự luật được thông qua.”

Những vấn đề này theo ông Vinh lấy ví dụ, là việc nếu các cơ quan báo chí tuân thủ luật nghiêm cẩn thì sẽ phải trải qua nhiều thủ tục cấp phép phức tạp, hạn chế sự phát triển báo chí trên ‘nền tảng truyền thông mới’.

Bình luận trước câu hỏi của BBC về cách Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son gọi nền báo chí Việt Nam là báo chí Cách mạng, chủ tịch Le Group giải thích, đây là cách gọi theo thói quen mà có lẽ không còn phù hợp nữa “vì giờ nó [báo chí] không còn làm cách mạng.

“Báo chí đang ổn định phát triển trong một xã hội ổn định thì nó không còn làm vai trò cách mạng của nó nữa, thuật ngữ này chỉ mang tính thói quen, chứ quả thực trong thời điểm này mà vẫn gọi là báo chí cách mạng thì phạm vi khái niệm đi hơi xa so với hoạt động của báo chí hiện nay.” – Theo BBC